VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư nước thải chăn nuôi

Thứ Năm 16:57 28-03-2019

Kính gửi: Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 703/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau khi tham vấn ý kiến của doanh  nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

  1. Về đề xuất quy chuẩn xử lý lưu lượng nước thải

Theo Thông tư 04/2016/TT-BTNMT (QCVN 62-MT:2016/BTNMT) các cơ sở chăn nuôi có lưu lượng nước thải dưới 5m3/ngày thì không phải giám sát chất lượng, thành phần nước thải. Các cơ sở có lưu lượng nước thải nhỏ hơn 2m3/ngày thì chỉ cần có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; cơ sở có lưu lượng nước thải từ 2m3/ngày đến 5m3/ngày thì phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất (như biogas hoặc đệm lót sinh học). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017 – Chuyên đề: Quản lý chất thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thực hiện các quy định trên còn khó khăn và bất cập (trang 95).

Dự thảo Thông tư lại đang sửa đổi theo hướng các cơ sở chăn nuôi có quy mô nước thải dưới 5m3/ngày thì phải thực hiện giám sát chất lượng nước thải, tức là phải thực hiện việc lấy mẫu và xét nghiệm. Việc kiểm tra chất lượng nước thải này được suy đoán là biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn so với việc chỉ yêu cầu hệ thống thu gom, lắng ủ và hệ thống biogas, đệm lót sinh học, vốn chỉ cần kiểm tra bằng trực quan.

Khi mà việc thực hiện quy định cũ vẫn còn bị đánh giá là “khó khăn, bất cập” thì liệu có thể bảo đảm tính khả thi của quy định mới chặt chẽ hơn? Hơn nữa, quy định này không có mức sàn dưới, được hiểu rằng các nông hộ nuôi một vài con lợn, con gà cũng phải kiểm tra chất lượng nước thải.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ về tính khả thi và tính thực tế của việc giám sát theo các thông số về chất lượng nước thải của các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.

  1. Về việc xác định quy mô cơ sở chăn nuôi thuộc diện giám sát

Việc xác định cơ sở chăn nuôi nào có quy mô nước thải dưới 5m3/ngày không đơn giản. Theo quy đinh tại Quy chuẩn này việc xác định lưu lượng nguồn thải căn cứ vào Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP, Phụ lục IV, mục 8 thì các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50m2 thì không phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trườngbáo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này có nghĩa là họ cũng không có Cam kết bảo vệ môi trường hay Đề án bảo vệ môi trường. Luật Tài nguyên nước cũng miễn xin giấy phép xả thải với những cơ sở sản xuất kinh doanh có lưu lượng thải dưới 5m3/ngày mà không có chất độc hại.

Như vậy, không rõ cơ quan nhà nước sẽ có căn cứ nào để xác định lưu lượng nước thải của các cơ sở chăn nuôi nhỏ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ, quy chuẩn này chỉ áp dụng cho các cơ sở chăn nuôi có diện tích chuồng trại từ  50m2 trở lên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi QCVN về nước thải chăn nuôi. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.

Các văn bản liên quan