VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam

Thứ Năm 16:41 08-11-2018

Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Đơn Kiến nghị[1] của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đối với Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, tiếp nối Công văn số 2098/PTM-PC[2], VCCI có một số ý kiến đối với Dự thảo (phiên bản tháng 9) như sau:

Về Biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container

So với phiên bản tháng 8, Dự thảo (phiên bản tháng 9) đã có điều chỉnh quan trọng về Biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container (từ Điều 14 đến Điều 16), theo đó: thay vì tách khung giá dịch vụ bốc dỡ container thành hai khung giá tương ứng với mỗi loại bốc dỡ (Tàu (Sà lan) « Bãi cảng; Tàu (Sà lan) « Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng), tương tự như cách thức quy định tại Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT[3] và Dự thảo (phiên bản tháng 8) thì Dự thảo (phiên bản tháng 9) đã gộp chung khung giá dịch vụ của hai loại bốc dỡ trên, (giá bốc dỡ từ Tàu (Sà lan) « Bãi cảng và giá bốc dỡ từ Tàu (Sà lan) « Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng) vào cùng một khung giá.

Liên quan đến việc điều chỉnh này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề sau:

  • Về căn cứ để xác định khung giá bốc dỡ: Theo quy định hiện hành, khung giá bốc dỡ container từ Tàu (Sà lan) « Bãi cảng và bốc dỡ từ Tàu (Sà lan) « Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng là khác nhau. Điều này có thể xuất phát từ tính chất của dịch vụ được cung cấp, trong đó giá bốc dỡ từ Tàu (Sà lan) « Bãi cảng luôn cao hơn giá bốc dỡ từ Tàu (Sà lan) « Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng, do chi phí của Cảng biển bỏ ra cho hai hoạt động này là khác nhau. Việc gộp khung giá của hai hoạt động này vào chung một khung dường như chưa phù hợp với tính chất cũng như chi phí mà cảng phải bỏ ra khi cung cấp dịch vụ. Hơn nữa, “nguyên tắc xác định khung giá và mức giá dịch vụ tại cảng biển” gần như không thay đổi giữa quy định tại Điều 3 Quyết định 3863 và Điều 4 Dự thảo, vậy tại sao việc xác định khung giá dịch vụ bốc dỡ giữa quy định hiện hành và Dự thảo lại có sự khác biệt như vậy?
  • Về gia tăng chi phí kinh doanh: Việc gộp chung khung giá của hai dịch vụ sẽ khiến cho khung giá của dịch vụ bốc dỡ từ Tàu (Sà lan) « Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng tăng lên đáng kể (ví dụ: Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa tại khu vực III: quy định hiện hành, khung giá sẽ từ 474.600 đồng/container đến 678.000 đồng/container áp dụng cho loại container > 40 feet, có hàng, trong khi đó cũng loại này, theo quy định tại Dự thảo sẽ có khung giá từ 658.000 đồng/container đến 940.000 đồng/container – tăng 38,6%). Điều này sẽ tác động đến quyền lợi các doanh nghiệp là chủ hàng, chủ tàu, gia tăng chi phí kinh doanh và dường như đi ngược lại các chủ trương về hỗ trợ, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp của Chính phủ trong thời gian qua. Đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động một cách kỹ càng đối với việc điều chỉnh chính sách này.
  • Về tính minh bạch: Quy định chung khung giá dịch vụ của Tàu (Sà lan) « Bãi cảng; Tàu (Sà lan) « Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng như quy định tại Điều 14-16 Dự thảo chưa rõ ràng ở điểm: nếu doanh nghiệp đóng mức phí theo khung giá dịch vụ như trong Dự thảo thì trong mọi trường hợp doanh nghiệp sẽ được đưa hàng vào Bãi cảng? Nếu được hiểu theo nghĩa này thì cần phải đánh giá lại khả năng cơ sở vật chất của các Cảng có thể đáp ứng được số lượng hàng được đưa về Cảng hay không? Trong bối cảnh, điều kiện các Cảng có diện tích hẹp, sản lượng hàng hóa về Cảng lớn, nhất là vào các dịp cao điểm (Tết, các ngày lễ, …).

Mặt khác, quy định này cũng sẽ tác động lớn đến quyền lựa chọn của các doanh nghiệp khi hàng đến Cảng ở điểm: nếu như trước đây họ có thể lựa chọn việc đưa hàng vào Bãi cảng hoặc đưa hàng xuống ô tô, toa xe tại cầu cảng, dựa vào mức giá cũng như tính thuận tiện của từng phương thức. Nhưng việc gộp chung khung giá, thì doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ lựa chọn đưa hàng vào Bãi cảng thay vì cho hàng xuống ô tô/toa xe tại cầu cảng để vận chuyển đến kho bãi khác thuận lợi hơn. Điều này vô hình trung sẽ tác động gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Giải trình rõ những vấn đề được nêu ở trên, trong đó đánh giá tác động một cách kỹ càng, thận trọng đối với sự thay đổi quy định với các đối tượng chịu tác động;
  • Trong trường hợp giải trình chưa thuyết phục, đề nghị giữ nguyên phương thức quy định khung giá dịch vụ bốc dỡ container như quy định hiện hành và Dự thảo phiên bản tháng 8.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Ngoài ra, VCCI gửi kèm theo đây các ý kiến của doanh nghiệp, rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

[1] Đơn Kiến nghị được gửi kèm với Dự thảo phiên bản tháng 9

[2] Công văn số 2098/PTM-PC của VCCI ngày 21/9/2018 về việc góp ý Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phap neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt (phiên bản tháng 8/2018) tại cảng biển Việt Nam gửi Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

[3] Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT ngày 01/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải ban hành hiểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam