VCCI_góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý phân bón

Thứ Năm 17:40 11-07-2019

Kính gửi: Cục Bảo vệ thực vật,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 3426/BNN-BVTV ngày 17/05/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý phân bón (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Yêu cầu chung về thủ tục hành chính

Dự thảo quy định rất nhiều các thủ tục hành chính nhưng lại chưa đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hai quy định vào tất cả các thủ tục hành chính trong Nghị định này:

  • Thứ nhất, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với quy định tại Nghị định này
  • Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được phép yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần.
  1. Đối với các hồ sơ yêu cầu bản dịch

Một số thủ tục hành chính của dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tài liệu bản dịch ra tiếng Việt “có xác nhận của cơ quan dịch thuật”. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện có tình trạng một số cơ quan nhà nước khi yêu cầu doanh nghiệp nộp bản dịch hồ sơ sau đó từ chối hoặc chậm làm thủ tục bởi lý do bản dịch chưa chuẩn. Điều này khiến các doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, thậm chí còn là cơ hội cho tham nhũng tiêu cực. Về vấn đề tài liệu dịch, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng như sau:

  • Cho phép doanh nghiệp tự dịch hồ sơ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch mà không cần có xác nhận của bất kỳ bên thứ ba nào khác.
  • Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng và bản dịch đã được đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng xác nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được phép từ chối vì lý do bản dịch không chính xác.
  1. Thời hạn xem xét tính đầy đủ của hồ sơ

Tất cả các thủ tục hành chính của dự thảo hiện đều đang để thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ là 03 ngày. So sánh với nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác thì thời gian này là quá dài. Nhiều thủ tục hành chính khác yêu cầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ ngay khi nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc chỉ trong 01 ngày khi nộp hồ sơ qua bưu chính và trực tuyến. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, giảm thời gian xem xét tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo các mức trên.

  1. Thời hạn thực hiện thủ tục hành chính

Dự thảo quy định rất nhiều thời hạn làm thủ tục hành chính nhưng lại không đầy đủ. Ví dụ, Điều 4.3 của Dự thảo chỉ quy định thời hạn từ khi “nhận đủ hồ sơ hợp lệ” đến khi “tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ”, nhưng lại chưa quy định thời gian “thẩm định đánh giá hồ sơ” mất bao lâu, cũng chưa có quy định từ khi “thẩm định đánh giá hồ sơ” cho đến khi ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành là bao lâu? Đây là một lỗ hổng pháp lý có thể khiến cơ quan thực hiện thủ tục hành chính kéo dài thời gian mãi mãi.

Nhiều thủ tục hành chính khác trong Dự thảo cũng đang có vấn đề tương tự, tức là chỉ quy định thời hạn từ khi nhận hồ sơ hợp lệ đến khi tổ chức đánh giá, thẩm định, kiểm tra, nhưng lại không có quy định thời hạn từ khi tổ chức đánh giá, thẩm định, kiểm tra đến khi trả lời thủ tục hành chính. Ví dụ như các thủ tục cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Điều 5.3.a, thủ tục gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Điều 6.3, thủ tục công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón tại Điều 9.3, và nhiều thủ tục khác.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ các thủ tục sửa đổi quy định theo hướng quy định thời gian tối đa từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho đến khi trả lời kết quả thủ tục hành chính.

  1. Hồ sơ đăng ký lưu hành phân bón

Điều 4.2.đ của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “mẫu nhãn phân bón” trong thành phần hồ sơ đăng ký lưu hành phân bón. Theo quy định của Luật Trồng trọt, phân bón được chấp nhận đăng ký lưu hành chỉ cần phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và có kết quả khảo nghiệm. Luật không có bất kỳ yêu cầu phải đáp ứng quy định về mẫu nhãn phân bón trước khi đăng ký lưu hành. Điều 47 và 48 của Luật Trồng trọt chỉ quy định về tên phân bón và việc ghi nhãn phải phù hợp với Quyết định công nhận phân bón lưu hành. Quy định nộp mẫu nhãn phân bón khi đăng ký lưu hành đã vượt quá yêu cầu của Luật Trồng trọt. Cơ quan nhà nước vẫn có thể bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ Điều 47 và Điều 48 khi kiểm tra thực tế hàng hoá trong lưu thông.

Trên thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi nội dung của nhãn hàng hoá mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật nhằm có hình thức bao bì đẹp hơn. Việc yêu cầu phải nộp “mẫu nhãn phân bón” ngay khi đăng ký lưu hành sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi điều chỉnh hình thức của nhãn hàng hoá.

Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ “mẫu nhãn phân bón” tại Điều 4.2.đ của Dự thảo.

Góp ý tương tự đối với Điều 5.2.e về mẫu nhãn phân bón trong hồ sơ đề nghị cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành.

  1. Thời hạn cấp chứng nhận đăng ký lưu hành

Điều 4.3 của Dự thảo quy định thời hạn thẩm định đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành là 6 tháng kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo các quy định tại Dự thảo, việc đánh giá này chỉ được thực hiện trên hồ sơ do doanh nghiệp nộp, không có hoạt động kiểm tra thực tế hay thử nghiệm, thí nghiệm khác.

Toàn bộ hoạt động khảo nghiệm và thử nghiệm (các công đoạn mất nhiều thời gian nhất) đã được thực hiện tại đơn vị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khảo nghiệm và chứng nhận sự phù hợp được cơ quan nhà nước cấp phép.

Việc kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ lên đến 6 tháng là không hợp lý. Đó là chưa kể trường hợp một số loại phân bón được miễn khảo nghiệm khi đăng ký lưu hành thì việc xem xét hồ sơ có thể diễn ra rất nhanh chóng.

So sánh với Điều 5.3.a của dự thảo về thời hạn cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành chỉ có 07 ngày làm việc, trong đó có trường hợp cấp lại khi bổ sung thêm phương thức sử dụng, đối tượng cây trồng và phải có kết quả khảo nghiệm. Như vậy có thể thấy, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể xem xét tính phù hợp của kết quả khảo nghiệm chỉ trong 07 ngày làm việc.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rút ngắn thời gian cấp đăng ký lưu hành phân bón tối đa là 01 tháng.

  1. Hồ sơ đề nghị cấp lại Quyết định công nhận phân bón lưu hành

Điều 5.2.c của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, hồ sơ khi cấp mới Quyết định công nhận phân bón lưu hành lại không yêu cầu nộp những loại giấy tờ này. Như vậy, khi đăng ký phân bón mới, cơ quan nhà nước đã chấp nhận cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, nhưng không hiểu vì sao khi cấp lại đăng ký lưu hành lại bắt doanh nghiệp phải nộp hồ sơ chứng minh. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ tại Điều 5.2.c và cho phép cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm.

  1. Hồ sơ đề nghị gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành

Điều 6.2.b của Dự thảo quy định thành phần hồ sơ khi gia hạn lưu hành phân bón phải có thông báo tiếp nhận công bố hợp quy. Tuy nhiên, trong thủ tục cấp mới đăng ký lưu hành tại Điều 4.2.b lại chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp phiếu kết quả thử nghiệm. Không rõ vì sao hai thủ tục này có cùng tính chất như nhau nhưng lại yêu cầu khác nhau về thành phần hồ sơ như vậy. Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định đơn giản theo hướng doanh nghiệp chỉ cần nộp phiếu kết quả thử nghiệm là được.

  1. Thủ tục huỷ bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành

Điều 7 của Dự thảo đã quy định về thủ tục huỷ bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành dựa trên cơ sở kết quả họp Hội đồng khoa học. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sở hữu loại phân bón lưu hành được quyền tham gia và giải trình ý kiến trước Hội đồng khoa học và các cơ quan nhà nước, trước khi quyết định việc huỷ bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành.

  1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón

Điều 12.3 của Dự thảo quy định doanh nghiệp phải nộp phiếu kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường, thử nghiệm. Trong khi đó, Điều 41.2 của Luật Trồng trọt về các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón không có yêu cầu các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường, thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh. Như vậy, quy định tại Điều 12.3 của Dự thảo hiện đang trái Luật Trồng trọt khi đưa thêm yêu cầu để được cấp phép. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Góp ý tương tự cho Điều 15.5.c của Dự thảo yêu cầu nộp phiếu kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường thử nghiệm trong hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

Điều 12.5 và Điều 12.6 của Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường, và Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy hoặc phương án chữa cháy của cơ sở. Các thành phần hồ sơ này cũng vượt quá yêu cầu tại Điều 41.2 của Luật Trồng trọt. Đề nghị cơ quan soạn thảo nội dung này của Dự thảo. Hơn nữa, việc bảo đảm các yêu cầu về môi trường, phòng cháy chữa cháy sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, không cần thiết phải đưa nội dung này vào quy định cấp phép đủ điều kiện kinh doanh.

Góp ý tương tự với Điều 15.5.c của dự thảo yêu cầu nộp các giấy phép môi trường trong hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

  1. Mẫu bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón

Mẫu 09 tại Phụ lục I của Dự thảo về Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón. Điều kiện sản xuất phân bón được quy định tại Điều 41.2 của Luật Trồng trọt và Phụ lục II của Dự thảo. Như vậy, Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón chỉ nên tập trung vào các nội dung để chứng minh sự phù hợp với các quy định này, không nên yêu cầu doanh nghiệp kê khai những nội dung không liên quan. Tuy nhiên, tại Mẫu 09 vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai một số nội dung không phù hợp như mục đích sản xuất phân bón, tổng số lao động sản xuất phân bón, danh mục phân bón sản xuất. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung này trong Mẫu 09.

  1. Điều kiện sản xuất phân bón

Mục 4 của Phụ lục II của Dự thảo về điều kiện sản xuất phân bón yêu cầu doanh nghiệp phải có cân hoặc thiết bị đo lường, thiết bị kiểm soát thể tích theo pháp luật về đo lường. Trong khi đó, Điều 41.2 của Luật trồng trọt không có yêu cầu này. Lưu ý, Điều 41.4 của Luật Trồng trọt chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện sản xuất phân bón tại Điều 41.2, chứ không được bổ sung thêm điều kiện mới vượt quá Luật. Hơn nữa, việc giám sát về khối lượng, dung tích sản phẩm bao gói đã được thực hiện thông qua cơ chế hậu kiểm hàng hoá trên thị trường. Bản thân người tiêu dùng cũng sẽ yêu cầu người bán phải cân đúng, đo đủ. Do đó, việc Nhà nước kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh là không cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này.

  1. Mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón

Mẫu số 11 của Dự thảo có một số nội dung chưa phù hợp với quy định tại Điều 41.2 của Luật Trồng trọt và Phụ lục II của Dự thảo. Cụ thể, Mẫu 11 ghi Danh mục phân bón sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải xin điều chỉnh Giấy chứng nhận mỗi khi bổ sung sản phẩm phân bón sản xuất. Trong khi đó, các điều kiện sản xuất tại Phụ lục II chỉ phân loại theo dạng thành phẩm phân bón (dạng bột, dạng hạt, dạng lỏng, chủng men…). Như vậy, nếu doanh nghiệp đã đủ điều kiện sản xuất một loại phân bón dạng bột, sau đó muốn sản xuất thêm một loại phân bón dạng bột nữa lại phải xin điều chỉnh Giấy chứng nhận, nhưng các điều kiện trên thực tế vẫn đã đáp ứng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung Danh mục phân bón sản xuất trên Mẫu 11.

  1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Điều 13 của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai và thuyết minh đủ điều kiện buôn bán theo Mẫu 8 và Mẫu 10 của Phụ lục I của Dự thảo. Điều 42.2.a của Luật Trồng trọt chỉ yêu cầu cơ sở buôn bán phân bón có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng. Như vậy, thành phần hồ sơ doanh nghiệp kê khai cũng chỉ cần chứng minh được cơ sở có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng là đủ. Trong khi đó, Mẫu 8 yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai địa điểm nơi chứa (kho) phân bón. Mẫu số 10 yêu cầu doanh nghiệp kê khai rất nhiều các nội dung không liên quan và cũng không cần thiết như năm bắt đầu hoạt động của cơ sở kinh doanh, diện tích cửa hàng, diện tích, công suất kho chứa, danh mục các trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, nơi chứa phân bón… Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ những nội dung này ra khỏi Mẫu số 10.

  1. Công bố danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận

Điều 17.3 của Dự thảo yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải tổng hợp, công bố trên Cổng thông tin điện tử danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ về thời gian thực hiện việc công bố. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng việc công bố phải được thực hiện trong vòng 02 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận.

  1. Hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón

Điều 19.2.đ yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận lưu hành tự do do nước xuất khẩu cấp hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy chuẩn của nước xuất khẩu khi nhập khẩu phân bón theo giấy phép. Theo Điều 44.2 của Luật Trồng trọt, các trường hợp phân bón nhập khẩu theo giấy phép là để khảo nghiệm, dùng nội bộ cho một số dự án, làm quà tặng, hàng mẫu, tham gia hội chợ triển lãm, nghiên cứu khoa học, làm nguyên liệu. Những trường hợp này, phân bón không được mua bán trên thị trường mà được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu, nội bộ, thậm chí không được sử dụng trên thực tiễn. Do đó, việc yêu cầu phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy chuẩn của nước xuất khẩu là không cần thiết. Hơn nữa, một số trường hợp phân bón đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo nghiệm ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam thì không thể có các loại giấy tờ này. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu tại Điều 19.2.đ của Dự thảo.

  1. Kiểm tra chuyên ngành phân bón nhập khẩu

Điều 20.1 của Dự thảo quy định cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ kiểm tra chuyên ngành phân bón nhập khẩu qua hình thức dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, trên website của Cục Bảo vệ thực vật, website dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Cổng thông tin Một cửa Quốc gia đều chưa cho phép thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra chuyên ngành phân bón nhập khẩu trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4. Nhằm thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, đề nghị Bộ Nông nghiệp nhanh chóng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 đối với kiểm tra phân bón nhập khẩu.

  1. Thời hạn lấy mẫu

Điều 20.3 của Dự thảo về việc lấy mẫu chưa quy định thời hạn tối đa từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến khi tiến hành lấy mẫu hàng hoá. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn thực hiện việc lấy mẫu không quá 24 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

  1. Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu phân bón và Giấy phép nhập khẩu phân bón

Mẫu số 14 về mẫu đơn đăng ký nhập khẩu phân bón yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai cả thời gian nhập khẩu và cửa khẩu nhập. Mẫu 16 về Giấy phép nhập khẩu phân bón cũng ghi rõ cửa khẩu nhập. Thông thường, khi nhập khẩu phân bón theo giấy phép, doanh nghiệp phải xin được giấy phép mới dám thực hiện việc gửi hàng. Tại thời điểm xin phép, doanh nghiệp khó có thể biết được chính xác thời gian và cửa khẩu nhập. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảobỏ nội dung này tại Mẫu 14 và Mẫu 16.

Mẫu 16 có quy định: “Thời hạn của Giấy phép là 01 năm kể từ ngày cấp Giấy phép nhập khẩu”. Việc quy định thời hạn của Giấy phép nhập khẩu phân bón không phù hợp với quy định tại Điều 44 của Luật Trổng trọt. Điều 44.3 của Luật chỉ giao cho Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép chứ không giao quy định về thời hạn giấy phép. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này trong Mẫu 16.

  1. Mẫu Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu

Mẫu 17 của Phụ lục I về Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ kèm theo gồm 6 loại giấy tờ. Trong khi đó, Điều 20.2.b của Dự thảo quy định về thành phần hồ sơ chỉ yêu cầu 3 loại giấy tờ. Như vậy, Mẫu 17 đã yêu cầu thêm 3 loại giấy tờ so với quy định tại nội dung Nghị định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Mẫu 17, loại bỏ các thành phần hồ sơ gồm tờ khai nhập khẩu, giấy CNCL/ATVS, giấy chứng nhận xuất xứ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về quản lý phân bón. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.