VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Thứ Sáu 10:31 21-08-2020

Kính gửi: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 4067/BTNMT-ĐCKS ngày 29/07/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:

  1. Nguyên tắc khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản

Điều 3.2 của Dự thảo đưa ra nguyên tắc phân loại khu vực dự trữ khoáng sản theo “lợi thế về điều kiện tự nhiên, thuận lợi cho phát triển du lịch, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp thân thiện với môi trường”. Quy định này dường như không bao quát hết các trường hợp thực tiễn và cũng không khả thi. Ngoài các lợi thế du lịch, công nghiệp thân thiện với môi trường thì mặt đất trên khu vực khoáng sản còn có thể có rất nhiều các lợi ích khác như thổ nhưỡng (ví dụ như đất trồng lúa), đa dạng sinh học, nguồn nước, công trình giao thông quan trọng (cảng biển), khu vực đô thị, công trình văn hoá, kiến trúc đặc biệt quan trọng… Đây đều là các mục tiêu sử dụng đất mà khó có khả năng di dời, thay đổi địa điểm khác.

Về bản chất, việc khoanh định khu vực dự trữ, thời gian dự trữ khoáng sản, thời gian khai thác còn phải cân đối với các lợi ích kinh tế – xã hội khác. Nếu việc khai thác khoáng sản xung đột với các lợi ích khác thì có thể sẽ phải cân nhắc việc không khai thác khu vực khoáng sản đó, chứ không chỉ là việc dự trữ có thời hạn. Ví dụ, bể than Đồng bằng Sông Hồng tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh nguyên tắc khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản thành 3 nhóm:

  • Nhóm 1: các khu vực có xác định thời hạn dự trữ. Việc xác định thời hạn phụ thuộc vào dự đoán nhu cầu khoáng sản của quốc gia, cân đối với các lợi ích thu được trên bề mặt đất.
  • Nhóm 2: các khu vực dự trữ không xác định thời hạn. Đây là các khu vực có lợi ích thu được trên bề mặt đất lớn hơn nhiều so với giá trị khoáng sản trong lòng đất. Việc chuyển nhóm này sang nhóm 1, nhóm 3 hoặc đưa vào khai thác chỉ diễn ra khi các lợi ích trên bề mặt mất đi hoặc khi có công nghệ khai thác để không ảnh hưởng đến bề mặt đất.
  • Nhóm 3: các khu vực dự trữ khoáng sản khai thác bất kỳ lúc nào. Đây là các khu vực mà lợi ích kinh tế – xã hội trên bề mặt đất là không đáng kể.
  1. Xử lý các dự án phát triển, tài sản gắn liền với đất có từ trước khi khoanh định khu vực dự trữ

Dự thảo đã có quy định xử lý đối với các dự án phát triển được thực hiện trong thời gian dự trữ khoáng sản. Tuy nhiên, khi bắt đầu khoanh định một khu vực dự trữ khoáng sản thì có thể trên bề mặt khu vực đó đã có sẵn dự án phát triển hoặc tài sản gắn liền với đất. Trong trường hợp này, việc đưa một khu vực khoáng sản vào diện dự trữ cũng cần xem xét cả các yếu tố trên bề mặt chứ không chỉ bao gồm thông tin về khoáng sản trong lòng đất. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định:

  • Thêm thành phần thông tin về hiện trạng sử dụng đất, công trình, dự án trên bề mặt trong hồ sơ trình phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản.
  • Quy định rõ các biện pháp xử lý đối với dự án, tài sản gắn liền với đất khi đưa một khu vực vào diện dự trữ khoáng sản.
  1. Các hoạt động thực hiện trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Điều 7 và Điều 8 của Dự thảo mới chỉ đề cập đến hoạt động đầu tư dự án phát triển trên mặt ở khu vực có khoáng sản thuộc diện dự trữ khoáng sản quốc gia và kiểm soát thông qua thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Dự thảo chưa đề cập đến các hoạt động khác có khả năng xung đột với việc khai thác khoáng sản trong tương lai như xây dựng công trình, canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp (mà không thuộc diện phải có chủ trương đầu tư). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn xử lý các trường hợp này.

  1. Bồi thường thiệt hại khi chuyển sang quy hoạch thăm dò, khai thác

Điều 11 của Dự thảo cũng mới chỉ đề cập trường hợp bồi thường thiệt hại khi thu hồi dự án phát triển trên mặt mà chưa đề cập đến việc thu hồi các loại tài sản khác gắn liền với đất. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung xử lý trường hợp này.

Điều 7.2 của Dự thảo quy định thời gian hoạt động của dự án trên mặt không vượt quá thời gian dự trữ còn lại. Điều 11.2 quy định Nhà nước sẽ không đền bù cho chủ đầu tư khi hết thời gian dự trữ. Quy định như vậy sẽ nảy sinh trường hợp doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư tại khu vực dự trữ với thời gian vượt quá thời gian dự trữ. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không kiểm tra kỹ và vẫn chấp thuận chủ trương dự án đó vượt quá thời gian dự trữ. Trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn thực hiện dự án theo giấy phê duyệt chủ trương đầu tư thì cần được bảo đảm quyền lợi. Do đó, đề nghị sửa Điều 11.2 thành: Nhà nước không đền bù cho chủ đầu tư khi hết thời gian trên Quyết định chủ trương đầu tư.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.