VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa

Thứ Sáu 16:52 21-05-2021

Kính gửi:  Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

 Bộ Khoa học và Công nghệ,

Trả lời Công văn số 847/BKHCN-TĐC ngày 15/04/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Ghi nhãn với hàng hóa xuất khẩu chuyển sang lưu thông trên thị trường

Điều 1.4 Dự thảo bãi bỏ các quy định về ghi nhãn với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc bãi bỏ các quy định trên nhằm tránh việc gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, việc không có quy định cụ thể như vậy có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì không biết phải thực hiện ghi nhãn như thế nào, trong khi Điều 9.3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP yêu cầu các hàng hóa trên khi đưa ra lưu thông phải được dán nhãn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn trường hợp trên, ít nhất dẫn chiếu đến các quy định hiện hành để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện.

  1. Ghi nhãn với hàng hóa nhập khẩu

Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu phải có thông tin về doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này là không khả thi và gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Lý do là vì Điều 12.2 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định doanh nghiệp nhập khẩu là người chịu trách nhiệm về hàng hóa. Khi đó, thông tin của doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải được in trên nhãn gốc (bằng tiếng nước ngoài). Việc này là không khả thi vì nhãn cho hàng hóa được sản xuất và dán đại trà cho sản phẩm đó và thường không phân biệt thị trường, chứ không được sản xuất dành riêng cho từng nhà nhập khẩu. Kể cả trong trường hợp thiết kế riêng, chi phí thực hiện cũng rất lớn, qua đó tác động đến giá thành sản phẩm và ảnnh hưởng đến nhu cầu và lợi ích của người tiêu dùng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Ghi nhãn với hàng hóa xuất khẩu

Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định nội dung về xuất xứ hàng hóa của hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ quy định về ghi xuất xứ theo Điều 1.7 Dự thảo (sửa đổi Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này chưa rõ doanh nghiệp phải thực hiện ghi xuất xứ bằng ngôn ngữ nào. Nếu chiếu theo đúng ngôn ngữ tại Điều 1.7 Dự thảo thì doanh nghiệp phải ghi các từ thể hiện xuất xứ bằng tiếng Việt, mà như vậy là không phù hợp vì doanh nghiệp khó có thể in một nội dung lên nhãn chỉ để phục vụ cho việc kiểm tra ở Việt Nam, trong khi thị trường đích lại ở nước ngoài. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong trường hợp này, và bổ sung các cách ghi phù hợp, chẳng hạn một số nước cho phép sử dụng cụm từ “Product of …” thay vì “made in …”.

Thứ hai, quy định này chưa rõ trong trường hợp pháp luật của nước xuất khẩu có quy định về cách ghi xuất xứ hàng hóa khác quy định tại Dự thảo. Việc này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các quy tắc về ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ trường hợp này.

  1. Ghi nhãn với các sản phẩm thực phẩm bổ sung

Điều 1.11 Dự thảo (bổ sung Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định về các nội dung bắt buộc phải ghi nhãn với thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, hiện nay, quy định về ghi nhãn với thực phẩm bổ sung còn được quy định tại chương VII Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư 43/2014/TT-BYT. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thống nhất các quy định trên trong Dự thảo này.

  1. Ghi nhãn với chất hỗ trợ chế biến

Điều 1.11 Dự thảo (bổ sung Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định về việc ghi nhãn với các chất hỗ trợ thực phẩm. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, một số nội dung ghi nhãn còn chưa phù hợp, chẳng hạn thành phần định lượng các chất được bổ sung, nội dung ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung”… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trên để phù hợp hơn.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.