VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám

Thứ Sáu 14:38 12-10-2018

Kính gửi: Cục Viễn thám quốc gia

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 3698/BTNMT-VTQG của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

  1. Về lưu giữ, cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám

Theo quy định tại Điều 30 Dự thảo thì thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám được chia thành 03 loại, trong đó 2 loại thuộc phạm vi bí mật Nhà nước (độ Mật và Tối mật), và 01 loại

Thông tin được công bố và cung cấp rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo nhu cầu sử dụng.

  • Đối với loại thông tin không Mật này, Dự thảo quy định tiếp cận rộng,  không hạn chế chủ thể tiếp cận.

Quy định về cơ chế tiếp cận đối với loại thông tin không Mật này của Dự thảo là hợp lý, phù hợp với tính chất của thông tin và nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội đối với các thông tin này.

Tuy nhiên, cách thức thiết kế các quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám loại này tại Dự thảo lại chưa hoàn toàn tương ứng với định hướng nêu trên, chưa bảo đảm tính đơn giản, thuận tiện cho việc tiếp cận của các chủ thể và vì vậy cần được cân nhắc, xem xét điều chỉnh, bổ sung. Cụ thể:

  • Về việc khai thác thông tin, dữ liệu viễn thám trên trang thông tin điện tử (Điều 26)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26, thì để tiếp cận thông tin, dữ liệu viễn thám qua phương thức này, các chủ thể muốn tiếp cận thông tin phải thực hiện “đăng ký” và được cấp quyền truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ quan cung cấp thông tin dữ liệu.

Quy định này chưa rõ về một số điểm quan trọng:

  • Về tính chất: Việc đăng ký này là đăng ký tự động (theo nghĩa bất kỳ chủ thể nào đăng ký đều sẽ được chấp nhận và được cấp quyền) hay có điều kiện? Theo tính chất của loại thông tin thì có thể hiểu đây là đăng ký tự động. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính chất tự động của việc đăng ký này

Về thủ tục: Việc đăng ký này thực hiện ngay trên trang thông tin điện tử hay theo phương thức truyền thống (gửi hồ sơ giấy); trình tự giải quyết thủ tục thế nào?Vì việc khai thác thông tin, dữ liệu này là trên môi trường điện tử, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thủ tục đăng ký này là được thực hiện trên môi trường điện tử và việc cấp quyền là tự động cũng trên môi trường điện tử, với thời hạn cấp quyền ngắn nhất..

  • Về yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu thông qua hình thức phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu (Điều 27)
  • Dự thảo chưa có quy định về thời hạn mà cơ quan quản lý thông tin, dữ liệu phải cung cấp thông tin sau khi tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu hoặc sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính (đối với trường hợp phải nộp phí). Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này;
  • Điểm c khoản 2 Điều 27 quy định, trong văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin phải có nội dung “Mục đích sử dụng thông tin, dữ liệu”. Quy định này dường như không cần thiết, bởi các thông tin được yêu cầu thuộc nhóm được cung cấp công khai, rộng rãi, có nghĩa là việc tiếp cận các thông tin này không tác động đến các lợi ích công cộng, những vấn đề nhà nước cần quản lý. Nói cách khác, dù các thông tin này được sử dụng với mục đích nào thì cũng không gây rủi ro cho Nhà nước hay xã hội ở mức Nhà nước phải can thiệp. Trường hợp các tổ chức, cá nhân sử dụng dữ liệu vào các hoạt động trái pháp luật thì đã có các quy định liên quan xử lý. Hơn nữa, nếu thông tin sau đó có thể bị sử dụng vào mục đích trái pháp luật thì suy đoán là tổ chức, cá nhân liên quan cũng sẽ không tự nguyện khai báo mục đích đó. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định phải ghi nội dung “mục đích sử dụng thông tin, dữ liệu” trong văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu quy định tại điểm c khoản 2 Điều 27.
  • Về trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu viễn thám (Điều 29)

Khoản 1 Điều 29 Dự thảo quy định “không được chuyển thông tin, dữ liệu cho bên thứ ba sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu”. Quy định này dường như chưa hợp lý đối với việc cung cấp thông tin, dữ liệu được công bố công khai, rộng rãi. Như phân tích ở trên, đối với những loại thông tin này thì việc tiếp cận và sử dụng không tác động đến các lơi ích công cộng, do đó chủ thể nào sử dụng cũng như nhau. Vì thế, việc hạn chế lưu chuyển thông tin, dữ liệu này là chưa phù hợp và rất khó để kiểm soát. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định này.

  1. Về giấy phép hoạt động viễn thám

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32 Dự thảo thì “Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động viễn thám có nội dung kiểm tra chất lượng dự án, đề án, nhiệm vụ chuyên môn viễn thám thì được thực hiện kiểm tra chất lượng dự án, đề án, nhiệm vụ chuyên môn viễn thám theo đề nghị của chủ đầu tư”.

Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn về “giấy phép hoạt động viễn thám” vì trong Luật đo đạc và bản đồ không có quy định về loại giấy phép này và không rõ đây có phải là một hoạt động trong giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ không? Hơn nữa, Dự thảo cũng không có quy định nào liên quan đến điều kiện cũng như trình tự cấp phép đối với giấy phép hoạt động viễn thám.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan