VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Thứ Năm 14:54 02-01-2020

Kính gửi: Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 4645/BVHTTDL-NTBD của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến góp ý ban đầu như sau:

  1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Điều 6)

Một số quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần được cân nhắc, xem xét lại, cụ thể:

  • Trách nhiệm của người biểu diễn nghệ thuật, thí sinh thi người đẹp, người mẫu:

Điểm b khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định các đối tượng này phải “tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị và các hoạt động xã hội khác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Quy định này có một số điểm chưa hợp lý sau đây:

  • Thứ nhất, liên quan tới các cuộc “biểu diễn nghệ thuật chính trị”:

Quy định về việc bắt buộc phải tham gia các chương trình này khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với những người biểu diễn nghệ thuật là nhân sự (người lao động thường xuyên) của các đơn vị nghệ thuật sự nghiệp công có thể là hợp lý, nếu đây là trách nhiệm trong hợp đồng lao động của họ, hoặc nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công mà họ là thành viên. Quy định này cũng có thể là hợp lý đối với các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu (nếu đây là trách nhiệm tham gia các chương trình/sự kiện đã được nêu rõ trong quy định của giải thưởng). Tuy nhiên, đối với những người biểu diễn nghệ thuật khác (ví dụ người biểu diễn tự do, người biểu diễn thuộc các đoàn nghệ thuật tư nhân…) và các thí sinh thi người đẹp, người mẫu (mà không đoạt giải hoặc có đoạt giải nhưng trước đó không có ràng buộc nào về trách nhiệm này) thì yêu cầu này là chưa hợp lý. Lý do chủ yếu là bởi (i) về mặt nghĩa vụ với Nhà nước, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và chỉ có trách nhiệm bắt buộc đối với các nghĩa vụ công dân cơ bản (ví dụ nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia bầu cử…); (ii) về mặt pháp lý, việc tham gia các chương trình nghệ thuật chính trị cũng như các chương trình nghệ thuật khác của các chủ thể tự do (không thuộc các đơn vị Nhà nước) đều được thực hiện trên cơ sở hợp đồng công việc, hợp đồng lao động bình đẳng, tự nguyện được pháp luật bảo vệ.

  • Thứ hai, liên quan tới “các hoạt động xã hội khác”:

“Các hoạt động xã hội khác” là khái niệm không rõ ràng, có thể bao trùm một phạm vi rất rộng (rất nhiều hoạt động biểu diễn đều có thể được xem là các “hoạt động xã hội”).

Đối với các hoạt động này, Nhà nước càng không thể yêu cầu các chủ thể biểu diễn nghệ thuật, thí sinh các cuộc thi người đẹp, người mẫu phải tham gia các hoạt động này.

Từ các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định này theo hướng: nghĩa vụ bắt buộc tham gia các chương trình nghệ thuật chính trị khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước chỉ giới hạn ở người biểu diễn nghệ thuật thuộc biên chế của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

  • Trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật:

Khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật “không được phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa của địa điểm” (điểm b); “bảo đảm âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng kỹ thuật khác không làm ảnh hưởng tới môi trường, đời sống và sinh hoạt của dân cư xung quan địa điểm tổ chức” (điểm c); “không tổ chức biểu diễn nghệ thuật gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 sáng ngày hôm sau” (điểm g).

Quy định về các trách nhiệm nói trên của chủ địa điểm là chưa hợp lý bởi ít nhất các lý do sau:

  • Về trách nhiệm liên quan tới số lượng vé bán: về nguyên tắc, chủ địa điểm chỉ là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với địa điểm, có thể tự mình tổ chức buổi biểu diễn (khi đó họ đồng thời là người tổ chức buổi biểu diễn) hoặc cho người khác thuê/mượn địa điểm để tổ chức biểu diễn – trong bất kỳ trường hợp nào thì người tổ chức biểu diễn mới là chủ thể bán vé, và mới có thể kiểm soát được số lượng vé bán;
  • Về trách nhiệm liên quan tới âm thanh, ánh sáng và mức độ ảnh hưởng của âm thanh, ánh sáng tới môi trường xung quanh: Tương tự như lập luận ở trên, trừ trường hợp chủ địa điểm đồng thời là người tổ chức buổi biểu diễn, chủ địa điểm chỉ là người có địa điểm, người này có thể yêu cầu người biểu diễn bảo đảm tuân thủ quy định này, nhưng bản thân chủ địa điểm không thể kiểm soát được việc tuân thủ bởi họ không phải người quyết định loại, công cụ tạo ra âm thanh, ánh sáng của buổi biểu diễn, mức độ tác động của âm thanh, ánh sáng. Trên thực tế chủ địa điểm cũng có thể là chủ sở hữu của các công cụ liên quan, nhưng việc sử dụng ở mức độ nào lại thuộc về người tổ chức biểu diễn.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định này theo hướng các trách nhiệm liên quan thuộc về người tổ chức biểu diễn nghệ thuật (mà không phải là chủ địa điểm).

  1. Điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu
  • Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo Dự thảo, “kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” được quản lý bằng điều kiện kinh doanh đối với chủ thể kinh doanh và cấp phép đối với từng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Trên thực tế, yếu tố tác động đến lợi ích công cộng chủ yếu liên quan đến các hoạt động nghệ thuật cụ thể mà doanh nghiệp kinh doanh cung cấp (biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, thời trang) mà không phải là bản thân doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này (ví dụ doanh nghiệp có thể đã đáp ứng tất cả các điều kiện yêu cầu nhưng không có gì bảo đảm rằng một hoạt động nghệ thuật cụ thể mà doanh nghiệp này tổ chức đáp ứng các yêu cầu).

Vì lý do này mà Nhà nước cần thiết phải kiểm soát từng hoạt động (thông qua thủ tục cấp phép cho từng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp) dù chủ thể tổ chức là ai.

Và cũng chính vì đã kiểm soát từng hoạt động biểu diễn cụ thể nên kiểm soát đối với chủ thể cung cấp dịch vụ không còn cần thiết nữa (dù chủ thể nào thì cũng sẽ bị kiểm soát theo hoạt động cụ thể). Do đó, việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp là không cần thiết.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

  • Bỏ các Điều 9-13, 25-29 Dự thảo (về điều kiện và thủ tục cấp phép kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu)

Việc không quy định về Giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh này về nguyên tắc không trái với quy định tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư bởi điều kiện kinh doanh thì cũng không nhất thiết phải là Giấy phép kinh doanh (mà có thể là điều kiện kinh doanh không cần Giấy phép)

  • Kiến nghị với Ban soạn thảo Luật Đầu tư đưa “Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 Luật Đầu tư
  • Về các điều kiện kinh doanh cụ thể

Như phân tích ở trên, việc xác định “Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý, vì vậy các điều kiện kinh doanh được thiết kế cho doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này đều khiên cưỡng, không nhằm đảm bảo bất kì mục tiêu nào quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Theo quy định tại Điều 9, Điều 25 Dự thảo thì điều kiện của doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu

  • (1) Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí là ngành, nghề kinh doanh chính
  • (2) Điều kiện của người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn nghệ thuật: tốt nghiệp đại học ngành nghệ thuật biểu diễn hoặc được phong tặng danh hiệu Nhà nước về văn học, nghệ thuật theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng

Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Điều kiện (1): chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp vì theo quy định của Luật này giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Mặt khác, trong các văn bản pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp phép, cơ quan quản lý không còn xem xét việc đăng ký ngành nghề xin cấp phép khi đăng ký kinh doanh nữa.
  • Điều kiện (2): Mục tiêu của quy định này suy đoán là nhằm đảm bảo chất lượng (theo nghĩa nội dung của các hoạt động này không vi phạm các điều cấm) của hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu. Mục tiêu này có thể là hợp lý; tuy nhiên, do mỗi buổi biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu phải được cấp phép riêng, nội dung của hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu về nguyên tắc đã được cơ quan quản lý kiểm soát rồi. Vì vậy, yêu cầu trình độ chuyên môn của nhân sự của doanh nghiệp là không cần thiết và chưa hợp lý.

Mặt khác, khái niệm “người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn” là chưa rõ ràng: là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay là nhân viên thực hiện việc tổ chức hoạt động biểu diễn?

Nếu là người đại diện theo pháp luật, người này đóng vai trò quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trên thực tế, họ không cần có trình độ về “ngành nghệ thuật biểu diễn” nhưng vẫn quản lý và điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu là nhân viên thì ở vị trí này thì thực tế doanh nghiệp có thể thuê người có trình độ phù hợp để tổ chức các buổi biểu diễn riêng biệt, tùy thuộc vào các chủ đề mà thuê những người điều hành trực tiếp tương ứng. Trong trường hợp này thì tại thời điểm xin cấp phép, doanh nghiệp không xác định được người đó là ai? Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải có một nhân viên cố định có trình độ theo yêu cầu trên thì quy định này chưa hợp lý, tạo gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp vì có thể người này cũng không đủ trình độ để tổ chức các buổi biểu diễn do doanh nghiệp thực hiện.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

  • Hoặc là bỏ toàn bộ các quy định về Giấy phép kinh doanh ngành nghề này khỏi Dự thảo (như đề xuất nêu ở trên);

Hoặc là chuyển toàn bộ các quy định về Giấy phép kinh doanh này thành điều kiện kinh doanh không cần Giấy phép và sửa lại các điều kiện này theo hướng: Điều kiện (1): sửa thành “doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014; Điều kiện (2): Người đại diện theo pháp luật có trình độ từ trung cấp trở lên.

  1. Về một số vấn đề liên quan tới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật

Chú ý: Các bình luận dưới đây chỉ là bình luận về kỹ thuật, không ảnh hưởng tới bình luận về việc bỏ Giấy phép kinh doanh nói trên.

  • Về việc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Dự thảo thì trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật bị mất, hỏng hoặc rách, doanh nghiệp gửi hồ sơ xin cấp lại như cấp lần đầu. Quy định này là chưa hợp lý bởi trong trường hợp này, doanh nghiệp không phát sinh bất kì thay đổi nào về điều kiện hoạt động hay tổ chức quản lý so với dữ liệu mà cơ quan quản lý đã có. Trong khi đó yêu cầu phải nộp hồ sơ như cấp mới lại tạo gánh nặng về hồ sơ cho doanh nghiệp.

Để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế thủ tục cấp lại trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, hỏng, rách nát, trong đó:

  • Hồ sơ: gồm Đơn đề nghị và Giấy chứng nhận bị rách, hư hỏng
  • Thời gian: 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ

Góp ý tương tự đối với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu quy định tại Điều 27 Dự thảo.

  • Về việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật

Điểm e khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định “doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ hai lần trở lên trong một năm” sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật. Quy định này được hiểu, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính trong bất kì lĩnh vực nào cũng bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật. Điều này dường như chưa phù hợp với tính chất quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng doanh nghiệp sẽ bị thu hồi trong trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn từ hai lần trở lên trong một năm.

Góp ý tương tự đối với điểm g khoản 1 Điều 29 Dự thảo.

  1. Yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục vi phạm

Điểm d khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định “là một bên trong tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết” là một trong các trường hợp bị yêu cầu tạm dừng kinh doanh.

Quy định này là chưa hợp lý và có thể tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp ở các góc độ:

  • Đây là tranh chấp dân sự và sẽ được giải quyết theo quy định của hệ thống pháp luật tư, bao gồm cả các chế tài được áp dụng cho bên gây thiệt hại. Xét trong mối quan hệ với Nhà nước, tranh chấp này không gây tác động đến các lợi ích công cộng đến mức buộc Nhà nước phải can thiệp bằng biện pháp hành chính tạm dừng hoạt động kinh doanh;
  • Tranh chấp “quyền tác giả, quyền liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý” là giai đoạn chưa có quyết định cuối cùng, tức là chưa biết quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về đối tượng nào. Nếu đang còn giải quyết tranh chấp đã yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp thực sự là chủ thể quyền hợp pháp của quyền tác giả, quyền liên quan là đối tượng bị tranh chấp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12.

Góp ý tương tự, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28.

  1. Hoạt động tổ chức biểu diễn của những đối tượng không phải cấp phép
  • Về hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ sở văn hóa nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam:

Khoản 2 Điều 17 Dự thảo quy định trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài trụ sở của các cơ sở văn hóa nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam hoặc tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích kinh doanh “phải phối hợp” với đối tượng được cấp phép. Quy định chưa rõ về hình thức “phối hợp”, có được hiểu là phải tổ chức thông qua doanh nghiệp được cấp phép của Việt Nam hay không?

Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.

  • Về hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại khu dân cư hoặc trụ sở các tổ chức, cơ sở kinh doanh:
  • Khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định “tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khu dân cư nhằm mục đích phục vụ nội bộ hoặc tại trụ sở tổ chức đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cơ sở do người đứng đầu tổ chức, khu dân cư chịu trách nhiệm và thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương”. Quy định này sẽ phát sinh rất lớn về thủ tục hành chính vì hoạt động này diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và đối tượng tổ chức rất rộng rãi. Ngoài ra, không rõ “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương” là cơ quan nào? Cấp nào?

Để bảo đảm tính minh bạch và khả thi, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định phải thông báo, chỉ giữ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, khu dân cư trong việc bảo đảm tuân thủ các quy định đối với buổi biểu diễn quy định tại Điều 4, 6 Dự thảo.

  • Khoản 2 Điều 18 Dự thảo quy định “tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài trụ sở tổ chức hoặc tại các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, nhà hàng ăn uống, giải khát phải thông báo bằng văn bản đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tại địa phương nơi tổ chức muộn nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức buổi biểu diễn”.

Quy định này không rõ ở các điểm: đối tượng tổ chức buổi biểu diễn là ai (doanh nghiệp có giấy phép hay các đối tượng khác)?

Nếu các doanh nghiệp có giấy phép tổ chức biểu diễn tổ chức ở các địa điểm quy định tại khoản 2 Điều 18 phải thực hiện thủ tục thông báo thì quy định này lại chồng lấn với quy định tại Điều 14 Dự thảo. Theo quy định tại Điều 14 thì doanh nghiệp có giấy phép sẽ phải đăng ký cho mỗi buổi biểu diễn nghệ thuật mà mình tổ chức ở bất kỳ đâu miễn là vì mục đích kinh doanh. Trong khi đó, khoản 2 Điều 18 Dự thảo lại quy định thủ tục thông báo khi tổ chức ở một số địa điểm nhất định. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại các quy định này để đảm bảo tính thống nhất.

  • Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật trực tuyến trên các hạ tầng cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực thông tin điện tử: Khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định “hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật được truyền tải trực tiếp cho han giả trên các hạ tầng cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực thông tin điện tử nhằm mục đích kinh doanh, có phát sinh lợi nhuận hoặc các quyền lợi vật chất khác phải cung cấp số và ngày cấp văn bản xác nhận đăng ký tổ chức biểu diễn của cơ quan có thẩm quyền”. Cung cấp số và ngày cấp văn bản xác nhận đăng ký tổ chức biểu diễn cho ai? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
  1. Tổ chức thi người đẹp, người mẫu
  • Hồ sơ: Khoản 2 Điều 30 Dự thảo quy định trong hồ sơ phải có: i) Văn bản chấp thuận thời gian, địa điểm đăng cai tổ chức vòng chung kết cuộc thi của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu; ii) Văn bản chấp thuận chủ trương của Bộ chủ quản về tên gọi, mục đích, ý nghĩa đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu, quy mô ngành, lĩnh vực. Đây là dạng giấy phép con nhưng Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục và tiêu chí để cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về loại Giấy phép này.

  • Cơ quan giải quyết thủ tục: Khoản 4 Dự thảo quy định hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục là Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao, nhưng lại không quy định trường hợp nào do cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Điều này sẽ gây khó khăn, chồng lấn trong thực tế áp dụng.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thẩm quyền giải quyết trong từng trường hợp của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban đầu đối với  Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.