VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo

Thứ Sáu 17:49 27-11-2020

Kính gửi:  Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 3156/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 17/08/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo

Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP) quy định người phát hành quảng cáo tại Việt Nam phải bảo đảm có khả năng kiểm soát để phát hiện, loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Tuy nhiên, quy định này có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ rất lớn cho người phát hành quảng cáo tại Việt Nam, thậm chí khó khả thi để tuân thủ, dựa trên hai yếu tố:

  • Quảng cáo được hiển thị trên phương tiện quảng cáo có thể có số lượng rất lớn và được thay đổi thường xuyên: (i) các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thường sử dụng thuật toán để xác định loại quảng cáo hiển thị phù hợp với từng đối tượng người dùng, nên mỗi người dùng khác nhau sẽ nhận được các quảng cáo khác nhau, từ đó dẫn đến số lượng quảng cáo hiển thị trên phương tiện phát hành quảng cáo trong một khoảng thời gian có thể rất lớn; (ii) do các đặc tính của nền tảng kỹ thuật số, các sản phẩm quảng cáo có thể thay đổi thường xuyên về nội dung, hình thức, dẫn đến các quảng cáo liên tục thay đổi;
  • Người phát hành quảng cáo ở Việt Nam rất đa dạng về quy mô, trong đó có nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhỏ, chẳng hạn như một blogger làm về du lịch có thể tạo một website về du lịch và kiếm tiền từ việc chèn link quảng cáo của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới;

Với hai yếu tố trên, có thể thấy người phát hành quảng cáo ở Việt Nam khó có thể có đủ nguồn nhân lực và chi phí để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ này.

Mặt khác, vì nghĩa vụ kiểm soát các sản phẩm quảng cáo đã được giao cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, việc yêu cầu người phát hành quảng cáo phải thực hiện nghĩa vụ này thêm một lần nữa (dù là hậu kiểm) là không cần thiết.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này. Việc kiểm tra sản phẩm quảng cáo chỉ cần thực hiện thông qua nghĩa vụ gỡ sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật đã được cơ quan nhà nước thông báo bằng văn bản (Điều 13.3.b, được Điều 1 Dự thảo sửa đổi) thông qua công cụ mà tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp (Điều 13.1.g, được Điều 1 Dự thảo sửa đổi).

  1. Nghĩa vụ của người quảng cáo

Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP) quy định người quảng cáo có trách nhiệm không đăng, phát sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam. Quy định này cần phải xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, nội dung “vi phạm pháp luật Việt Nam” còn chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện, cụ thể:

  • Nội hàm chưa rõ ràng: Một trong những bất đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khi thực hiện nghĩa vụ này là thế nào được coi là “vi phạm pháp luật Việt Nam”, và việc này được thực hiện theo trình tự, thủ tục cụ thể ra sao. Chẳng hạn, trường hợp cơ quan nhà nước cho rằng nền tảng chưa thực hiện thủ tục đăng ký, cấp phép tại Việt Nam (tức về mặt hình thức) là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng chỉ những nền tảng có vi phạm về mặt nội dung và đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý mới được coi là vi phạm pháp luật Việt Nam;
  • Người quảng cáo không thể kiểm soát hết được khả năng tuân thủ của các nền tảng: có thể hiểu pháp luật Việt Nam là toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, nên doanh nghiệp khó có thể biết được nền tảng có tuân thủ đầy đủ toàn bộ các quy định của pháp luật hay không, đặc biệt là các hành vi vi phạm không liên quan đến pháp luật quảng cáo, chẳng hạn hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng sau: (i) trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc là cơ quan đầu mối thu thập các thông tin vi phạm pháp luật của các nền tảng quảng cáo và công khai các hành vi này trên website của Bộ và (ii) người quảng cáo có nghĩa vụ không đăng, phát quảng cáo trên nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được công bố công khai.

Thứ hai, Dự thảo chưa giải thích như thế nào được coi là nền tảng quảng cáo. Chẳng hạn, khi một kênh (channel) trên Youtube vi phạm pháp luật Việt Nam, thì nền tảng quảng cáo được coi là kênh hay toàn bộ Youtube được coi nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam?

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.