VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Thứ Tư 11:04 10-04-2019

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 2866/BTC-CST ngày 14/03/2019 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung số 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

  1. Mặt hàng ống và ống dẫn bằng đồng, phụ kiện để ghép nối của ống hoặc ống dẫn bằng đồng

Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo, do có hiện tượng lợi dụng chuyển đổi đồng nguyên liệu (thuế suất xuất khẩu 15-20%) thành sản phẩm đơn giản bằng đồng như ống dẫn, phụ kiện để ghép nối, với bản chất là xuất khẩu nguyên liệu nhưng được hưởng thuế suất thấp hơn (thuế suất xuất khẩu 0%).

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh với VCCI, mặt hàng ống đồng, phụ kiện ghép nối bằng đồng rất đa dạng. Đúng là có hiện tượng một số loại sản phẩm ống đồng được gia công đơn giản, chi phí thấp, giá trị gia tăng thấp, gần như chỉ để giảm thuế khi xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có những ống đồng được sản xuất để sử dụng trong các thiết bị điện lạnh, những mặt hàng này được gia công kỹ lưỡng, có giá trị gia tăng lớn, chi phí cao.

Nếu đánh đồng cả hai hoạt động này, nâng thuế suất đối với mặt hàng ống đồng và phụ kiện ghép nối ống bằng đồng có thể sẽ giúp chống được hiện tượng lợi dụng để né thuế xuất khẩu, tuy nhiên sẽ gây tác động tiêu cực lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu ống đồng, phụ kiện ghép nối ống đồng dùng cho các thiết bị điện lạnh và một số lĩnh vực khác. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá kỹ hơn tác động của việc điều chỉnh thuế đối với ống đồng và phụ kiện để ghép nối ống bằng đồng.

  1. Mặt hàng dăm gỗ

Có ý kiến doanh nghiệp gửi về cho VCCI bày tỏ lo ngại về việc điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ. Dù một số doanh nghiệp hiểu rằng việc nâng thuế suất xuất khẩu với dăm gỗ từ 2% lên 5% để hạn chế việc xuất khẩu dăm gỗ, tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến gỗ. Tuy nhiên việc này cũng có thể khiến giá dăm gỗ trong nước giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác các phế phẩm gỗ và xa hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người trồng rừng.

Do vậy, việc xác định mức thuế suất xuất khẩu phù hợp với mặt hàng dăm gỗ cần những đánh giá tác động chi tiết hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đánh giá tác động một cách định lượng trước khi quyết định mức thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ.

  1. Mặt hàng bột đậu nành lên men

Khô dầu đậu nành (thuế suất nhập khẩu 2%) là nguyên liệu để sản xuất bột đậu nành lên men (thuế suất nhập khẩu 0%). Theo nguyên tắc, thuế suất nhập khẩu của nguyên liệu nên bằng hoặc thấp hơn thuế suất nhập khẩu. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng thuế nhập khẩu của bột đậu nành lên men từ 0% lên 2%.

Mặt hàng đậu nành lên men được sử dụng chủ yếu để là thức ăn chăn nuôi. Việc nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này có thể sẽ khiến tăng giá thức ăn chăn nuôi, gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Để bảo đảm đúng nguyên tắc đánh thuế nhập khẩu, nhưng không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế đối với khô dầu đậu nành từ 2% xuống còn 0%.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.