VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp

Thứ Năm 09:37 21-06-2018

Kính gửi: Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

            Trả lời Công văn số 2757/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp (sau đây gọi là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

  1. Khái niệm rừng tự nhiên nghèo

Điều 3.2 của Dự thảo quy định khái niệm rừng tự nhiên nghèo kiệt. Việc xác định đâu là rừng tự nhiên nghèo có ý nghĩa pháp lý trong việc cho phép trồng rừng, cải tạo rừng. Tình trạng chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt thành các dự án trồng cây công nghiệp đã được phản ánh. Quy định này chưa có tiêu chí xác định nên mang tính xin – cho khi doanh nghiệp muốn đầu tư dự án trồng rừng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về tiêu chí rừng tự nhiên nghèo kiệt và các thành phần hồ sơ cần có để chứng minh các tiêu chí này, nhằm tránh tình trạng xin – cho, không minh bạch trong thủ tục hành chính.

  1. Thành lập rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

Điều 9 và Điều 18 của Dự thảo quy định về thành lập rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Việc thành lập các khu rừng này sẽ kéo theo sự thay đổi lớn về quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định về việc đăng tải công khai dự thảo hồ sơ và lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trước khi thành lập khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đồng thời đăng tải công khai, phổ biến nội dùng, quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp sau khi có quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

  1. Một số nội dung trong dự thảo vượt quá phạm vi giao quy định chi tiết

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết không được phép có nội dung ngoài phạm vi được giao. Dự thảo hiện nay có rất nhiều nội dung về Quy chế quản lý rừng vượt quá phạm vi được Luật giao quy định chi tiết. Cụ thể bao gồm:

  • Điều 11 về quản lý Nhà nước về rừng đặc dụng
  • Điều 12 về bảo vệ rừng đặc dụng
  • Điều 17, nội dung về xác định vùng đệm (Điều 54.7 của Luật Lâm nghiệp chỉ giao quy định chi tiết về ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng)
  • Điều 20 về bảo vệ rừng phòng hộ
  • Điều 27 về bảo vệ rừng sản xuất
  • Điều 28 về phát triển rừng sản xuất
  • Điều 29 về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt

Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ những quy định này ra khỏi Dự thảo.

  1. Một số nội dung uỷ quyền tiếp

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan được giao quy định chi tiết không được phép uỷ quyền tiếp. Hiện tại, dự thảo vẫn còn rất nhiều nội dung ủy quyền cho Thủ tướng hoặc Bộ NNPTNT quy định chi tiết những nội dung mà Luật đã giao cho Chính phủ. Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các quy định này hoặc cụ thể hoá luôn trong Nghị định, không tiếp tục uỷ quyền, cụ thể gồm:

  • Điều 13.2 về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng
  • Điều 21.2 về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ
  • Điều 66.1.d về tiêu chí phân loại doanh nghiệp
  • Điều 69.1 về mẫu bản đánh giá doanh nghiệp
  • Điều 72.2.đ về chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
  • Điều 74 về mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
  • Điều 102.10 về chính sách đầu tư
  • Điều 103.6 về chính sách hỗ trợ đầu tư
  1. Thủ tục phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

Điều 15 và Điều 24 của Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Theo đó, hai điều luật này quy định về việc các ban quản lý khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sẽ xây dựng đề án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, dự thảo lại không hề có quy định về trình tự thủ tục để các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch làm việc với các ban quản lý rừng.

Về bản chất, các ban quản lý rừng chỉ là đơn vị đại diện, được Nhà nước uỷ quyền và giao nhiệm vụ quản lý một tài sản công là rừng. Các ban quản lý rừng không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch. Dịch vụ du lịch vẫn do các doanh nghiệp cung cấp cho khách. Do đó, vấn đề cần giải quyết là điều kiện, trình tự, thủ tục để các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, và các ban quản lý rừng cho phép kinh doanh du lịch trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn việc các ban quản lý rừng nộp hồ sơ lên cho Bộ hoặc Sở chỉ là thủ tục nội bộ của Nhà nước, không phải là thủ tục hành chính gắn với người dân và doanh nghiệp.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại các quy định về thủ tục hành chính trong việc kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tập trung vào giải quyết mối quan hệ giữa các doanh nghiệp du lịch và ban quản lý rừng. Mối quan hệ này phải được giải quyết bằng một thủ tục hành chính đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.

  1. Ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng

Điều 17 của Dự thảo quy định về ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng thông qua dự án đầu tư do ban quản lý rừng là chủ đầu tư. Ban quản lý rừng phải lập dự án và xin cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này là không phù hợp, không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.

Ở đây, khi thành lập rừng đặc dụng, quyền lợi của người dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng và Nhà nước có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Do đó, phải coi đây là trách nhiệm của các cơ quan gồm Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT và của các ban quản lý rừng, phải phối hợp cùng nhau để bảo đảm quyền lợi của người dân, chứ không thể thiết kế như một thủ tục hành chính.

Về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế lại theo hướng như sau:

  • Khi có kế hoạch thành lập khu rừng đặc dụng, cơ quan trình phải chuẩn bị cả phương án ổn định đời sống dân cư và lấy ý kiến những người dân bị ảnh hưởng và trình kèm với kế hoạch thành lập.
  • Khi thành lập rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, thì Nhà nước giao cho các ban quản lý rừng tổ chức thực hiện phương án ổn định đời sống dân cư đã được phê duyệt.
  1. Đóng mở cửa rừng tự nhiên

Điều 35 của dự thảo quy định về trình tự, thủ tục, công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên; nhưng lại chưa có các quy định về việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, cũng như thời điểm có hiệu lực của quyết định. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng các quyết định được đưa ra rất đột ngột, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Việc đóng mở cửa rừng tự nhiên là một quyết định của Nhà nước và có thể gây những tác động rất lớn đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy định sau:

  • Bổ sung quy định về việc đăng tải công khai dự kiến đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất 30 ngày trên cổng thông tin điện tử của Bộ NNPTNT và UBND cấp tỉnh.
  • Bổ sung quy định về việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động như hiệp hội gỗ và lâm sản, các chủ rừng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, gỗ.
  • Bổ sung quy định về thời điểm công bố công khai việc đóng cửa rừng không chậm hơn 3 ngày kể từ ngày ký.
  • Bổ sung quy định về hiệu lực của quyết định đóng cửa rừng, quyết định này có hiệu lực sớm nhất 30 ngày kể từ ngày ký.
  1. Giao rừng, cho thuê rừng

Điều 37 của Dự thảo quy định về kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, nhưng lại không có quy định về việc công khai kế hoạch này. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về công khai kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng nhằm giúp các cá nhân, tổ chức biết để thực hiện.

Điều 38 quy định thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, theo đó, các doanh nghiệp phải “làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện để được giới thiệu và thoả thuận địa điểm đề nghị Nhà nước giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng”. Quy định này rất thiếu minh bạch vì không rõ Sở NNPTNTN và UBND cấp huyện dựa vào tiêu chí nào để “giới thiệu và thoả thuận” với doanh nghiệp. Liệu có thể dẫn đến tình trạng ưu ái doanh nghiệp này thì giới thiệu chỗ đẹp, không ưu ái doanh nghiệp khác thì giới thiệu chỗ kém hơn?

Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng như sau:

  • Sau khi được ban hành, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng phải được công khai trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
  • Sau 30 ngày kể từ ngày công khai kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, cơ quan nhà nước bắt đầu nhận hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng.

Về thành phần hồ sơ, Điều 38.2.d yêu cầu doanh nghiệp phải nộp cả “dự án đầu tư” khi làm thủ tục xin giao rừng, thuê rừng. Quy định này được hiểu rằng thủ tục giao rừng, thuê rừng được quyết định độc lập với thủ tục xin đầu tư. Việc xác định hai thủ tục độc lập để quyết định cùng một nội dung như vậy là chồng chéo, trùng lặp. UBND tỉnh phải quyết định hai lần (một lần quyết định giao đất, giao rừng, cho thuê đất cho thuê rừng và một lần chấp thuận chủ trương đầu tư), nhưng lại do các cơ quan khác nhau trình.

Hiện nay, thủ tục đầu tư và thủ tục xin giao đất, cho thuê đất đã được nhập lại theo hướng chỉ quyết định một lần. Doanh nghiệp làm hồ sơ xin chủ trương đầu tư thì cũng đồng thời xin đất, Sở KHĐT gửi hồ sơ lấy ý kiến Sở TNMT trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế thủ tục này theo hướng nhập với thủ tục đầu tư, theo đó:

  • Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ cho Sở KHĐT, bao gồm cả đề nghị giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng.
  • Sở KHĐT gửi lấy ý kiến Sở TNMT, Sở NNPTNT rồi trình UBND tỉnh quyết định cuối cùng.
  1. Phòng cháy chữa cháy rừng

Điều 51.2 của Dự thảo quy định các dự án trồng rừng tập trung, rừng quy mô lớn và thuộc loại rừng dễ cháy thì phải có ý kiến chấp thuận về các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Thứ nhất, quy định này không rõ các khái niệm “trồng rừng tập trung”, “rừng quy mô lớn” “loại rừng dễ cháy”. Thứ hai, Điều 39 của Luật Lâm nghiệp chỉ yêu cầu “chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” chứ không quy định về việc chấp thuận các phương án phòng cháy chữa cháy này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 51.2

Điều 52 quy định về kinh phí đầu tư cho phòng cháy và chữa cháy rừng trong dự án trồng rừng. Quy định này là không cần thiết vì Nhà nước chỉ cần quản lý việc doanh nghiệp, người dân chuẩn bị và thực hiện phòng cháy, chữa cháy. Còn vấn đề kinh phí đầu tư thì chỉ nên quy định đối với các dự án trồng rừng bằng ngân sách, còn các dự án ngoài ngân sách thì

Điều 52.1 có đoạn thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu thi công về phòng cháy chữa cháy. Điều 52.2 có đoạn “thiết kế phòng cháy, chữa cháy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Trong khi đó, Điều 39.6 của Luật Lâm nghiệp chỉ quy định “Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.” Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi các quy định này theo hướng bỏ việc thẩm duyệt thiết kế, bỏ việc nghiệm thu thi công và bỏ phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

  1. Trình tự, thủ tục, tần suất và thẩm quyền phân loại rủi ro

Điều 67 của Dự thảo đang thiết kế thủ tục phân loại rủi ro dựa trên bản tự đánh giá của doanh nghiệp và kết quả thẩm định của cơ quan nhà nước. Về nguyên tắc, tiêu chí để phân loại rủi ro là dựa vào lịch sử tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Những thông tin này, các cơ quan nhà nước đều đã có. Do vậy, các cơ quan nhà nước hoàn toàn có đủ thông tin để phân loại doanh nghiệp, không cần doanh nghiệp phải tự đánh giá. Hiện tại, các ngành thuế và hải quan cũng chủ động đánh giá rủi ro, chứ không cần bản tự khai của doanh nghiệp.

Trong trường hợp lịch sử tuân thủ do các cơ quan nhà nước khác (không phải kiểm lâm) nắm giữ, thì cơ quan kiểm lâm phải liên hệ với các cơ quan nhà nước này để lấy dữ liệu, không nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế lại quy trình phân loại rủi ro như sau:

  • Đối với đánh giá lần đầu, doanh nghiệp lập bản tự đánh giá, gửi đến cơ quan kiểm lâm, cơ quan kiểm lâm sẽ tiến hành thẩm định và phân loại.
  • Đối với đánh giá các lần tiếp theo, cơ quan kiểm lâm tự mình thực hiện, không cần doanh nghiệp phải lập bản đánh giá
  • Đối với các thông tin về lịch sử tuân thủ nằm tại các cơ quan nhà nước khác, cơ quan kiểm lâm tự liên hệ để lấy dữ liệu, không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp lại.

Tương ứng với đó, cần sửa đổi, hoặc bãi bỏ các quy định tại Điều 67, Điều 68.3, Điều 69.1.

  1. Chính sách hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng

Điều 103 quy định các trường hợp Nhà nước hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên lại chưa có quy định về trình tự thủ tục để các doanh nghiệp nhận được khoản hỗ trợ này. Đây là nội dung rất quan trọng, vì theo kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực khác, các văn bản pháp luật cấp cao quy định diện ưu đãi rất rộng, nhưng lại không quy định hoặc uỷ quyền cho văn bản cấp dưới quy định về trình tự thủ tục. Kết quả là chính sách đưa ra bị vô hiệu hoá, doanh nghiệp không thể tiếp cận được các khoản ưu đãi, hỗ trợ, hoặc nếu tiếp cận được thì thành xin-cho. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 103.6 và quy định chi tiết luôn về đối tượng, mức hỗ trợ và trình tự thủ tục vào Nghị định này để các doanh nghiệp biết và thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp. Kính mong cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.