VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

Thứ Năm 17:27 24-12-2020

Kính gửi: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

           Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 8214/BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

Các tài liệu trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là khá đầy đủ, trong đó Báo cáo đánh giá tác động chính sách đã nêu bật được các chính sách dự kiến đề xuất trong Nghị định cũng như phân tích được những mặt tích cực, tiêu cực của mỗi giải pháp, qua đó lựa chọn những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, để các chính sách trong Nghị định này thực sự phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo với các chính sách hiện hành, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về Chính sách quy định các điều kiện về đào tạo, kiểm định, giám định an toàn kỹ thuật máy, thiết bị nông nghiệp và chế biến nông sản

Theo Tờ trình thì nội dung của chính sách này sẽ tập trung vào các quy định về:

  • Điều kiện về đào tạo, an toàn máy, thiết bị nông nghiệp và chế biến nông sản đối với cả người vận hành sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu, đào tạo;
  • Quy định về kiểm định, giám định máy, thiết bị nông nghiệp theo từng chủng loại máy, thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành;
  • Quy định về tổ chức giám định máy, thiết bị nông nghiệp

Nội dung chính sách trên cần được xem xét, cân nhắc ở các điểm sau:

  • Đưa ra các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại máy, thiết bị nông nghiệp và sơ chế nông sản là cần thiết, nhưng quy định người sử dụng máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp phải được đào tạo, huấn luyện thì cần cân nhắc về tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan. Theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, người lao động trong một số công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động mới bắt buộc được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng nhận, thẻ an toàn trước khi thực hiện công việc này[1]. Điều khiển máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp không nằm trong Danh mục các công việc này, do đó đề xuất chính sách đưa ra quy định về việc “người sử dụng máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp phải được đào tạo, huấn luyện” dường như chưa phù hợp với pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
  • “Quy định về giám định, tổ chức giám định máy, thiết bị nông nghiệp” là chưa rõ Nghị định dự kiến sẽ quy định gì về nội dung này. Tổ chức giám định máy móc, thiết bị là một dạng của tổ chức đánh giá sự phù hợp và sẽ chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật về đánh giá sự phù hợp. Nếu Nghị định quy định điều kiện riêng về tổ chức giám định máy, thiết bị nông nghiệp thì sẽ có nguy cơ chưa thống nhất với quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp, còn nếu dẫn chiếu tới quy định của văn bản pháp luật có liên quan thì đây không phải là quy định mới vì vậy không cần thiết phải đề xuất trong Dự thảo để đánh giá.
  1. Về các chính sách liên quan đến ưu đãi

Dự thảo đề xuất Chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong đó “quy định cụ thể các chủng loại máy, thiết bị trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản được hỗ trợ” (Chính sách 3).

Dự thảo đề xuất Chính sách khuyến khích hỗ trợ các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, chuỗi sản xuất; chế biến nông sản trong đó “xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, chuỗi sản xuất; chế biến nông sản” (Chính sách 4).

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường trong đó có đề xuất các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện với môi trường trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản.

Như vậy có thể thấy giữa hai đề xuất chính sách trên đang có nguy cơ chồng lấn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp việc sử dụng công nghệ trong hoạt động chế biến nông sản. Đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với Ban soạn thảo của đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường để đảm bảo tính thống nhất trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chế biến nông sản.

  1. Về Chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng thí điểm trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng phù hợp với các liên kết vùng; đánh giá tác động và nhân rộng mô hình

Dự thảo đề xuất “xây dựng thí điểm trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng phù hợp các liên kết vùng nhằm khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ ở các địa phương trong vùng”. Trung tâm này sẽ “tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật”, “Cung ứng các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp; tư vấn hình thành mạng lưới sửa chữa, bảo hành và cung cấp vật tư, phụ tùng thay thế”; “xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo, huấn luyện nâng cao kỹ năng nghề cho nông dân”.

Đề xuất trên là chưa rõ ràng ở điểm: Trung tâm này được thành lập và hoạt động theo mô hình nào, có phải là đơn vị thuộc cơ quan nhà nước hay không?; Các dịch vụ do Trung tâm cung cấp có thu phí không? Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì cơ sở tư nhân cũng được cung cấp các dịch vụ về đào tạo, sửa chữa, bảo hành, cung cấp vật tư, phụ tùng thay thế, … các dịch vụ mà Trung tâm dự định cung cấp. Việc thành lập Trung tâm (có thể từ nguồn vốn và được hưởng nguồn lực từ Nhà nước) để cung cấp các dịch vụ đã có tư nhân cung cấp liệu có ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ hay không? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung phần nội dung làm rõ vấn đề trên trong Báo cáo đánh giá tác động.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015