VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Thứ Hai 15:36 10-10-2022

Kính gửi:  Uỷ ban Kinh tế

Trả lời Công văn số 1326/UBKT15 ngày 3/10/2022 của Uỷ ban Kinh tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị

Điều 17.1 Dự thảo quy định về việc lập danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, theo đó đối tượng báo cáo sẽ có trách nhiệm lập danh sách này, căn cứ theo các nguồn mà đối tượng báo cáo có được, bao gồm cả nguồn từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, so với quy định pháp luật hiện hành[1], trách nhiệm này đã được chuyển hoàn toàn từ cơ quan nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) sang doanh nghiệp, cá nhân. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, nguồn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước gần như là duy nhất cho nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp phi tài chính) và các cá nhân. Do vậy, để đảm bảo rõ ràng quy định rõ ràng về trách nhiệm liên quan, đề nghị sửa đổi kết cấu của quy định theo hướng sau:

  • Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thông báo danh sách khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị quy định tại khoản này trên cơ sở khuyến nghị của tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền;
  • Đối tượng báo cáo có thể sử dụng danh sách từ Ngân hàng Nhà nước hoặc lập danh sách riêng về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, căn cứ theo các nguồn thông tin đã thu thập được, bao gồm cả nguồn từ Ngân hàng Nhà nước;
  1. Chia sẻ thông tin của cơ quan nhà nước cho các đối tượng báo cáo

Điều 12 Dự thảo quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp phải sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Một trong các nguồn thông tin mà các doanh nghiệp có thể sử dụng là thông tin, dữ liệu từ các cơ quan nhà nước – với đặc điểm là đầy đủ và có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chia sẻ nguồn dữ liệu liên quan một cách thuận tiện. Việc chia sẻ hay không và chia sẻ như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật chuyên ngành do các Bộ, ngành nắm giữ dữ liệu quyết định. Cách thiết kế như vậy sẽ là bất đối xứng, khi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mà không cung cấp công cụ hữu ích cho doanh nghiệp thực hiện. Do vậy, đề nghị bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn dữ liệu do mình quản lý phục vụ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ được kết nối vào một số cơ sở dữ liệu này một cách thủ công, mà chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ. Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc tự động hoá và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo (có thể sử dụng phương thức API) nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

  1. Soạn thảo quy định nội bộ

Điều 24 Dự thảo yêu cầu các đối tượng báo cáo phải soạn thảo quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, bao gồm rất nhiều nội dung. Một điểm cần lưu ý là các doanh nghiệp, cá nhân thuộc diện đối tượng báo cáo là tương đối đa dạng, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực phi tài chính (như luật sư, kế toán, thành lập doanh nghiệp,…). Khi đó, phòng, chống rửa tiền lại là lĩnh vực chuyên ngành, khác hoàn toàn với hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Do vậy, việc soạn thảo các quy định nội bộ, lại dựa trên nền tảng là Luật Phòng, chống rửa tiền (với quy định khá chung chung) là tương đối khó khăn với các doanh nghiệp này. Khi đó, việc soạn thảo quy định nội bộ có thể chỉ được soạn thảo sơ sài, đơn giản, và khó có thể phát huy hiệu quả. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của quy định, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành) trong việc ban hành Hướng dẫn (Guidelines) hoặc Bản mẫu về Quy định nội bộ liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đặc biệt cho các tổ chức phi tài chính liên quan. Nội dung này không có giá trị áp dụng bắt buộc, nhưng là cơ sở tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp này tham khảo để tự xây dựng.

  1. Lưu trữ hồ sơ, thông tin, báo cáo

Điều 38 Dự thảo quy định về trách nhiệm của đối tượng báo cáo trong việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Một trong vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp quan tâm là hình thức lưu trữ, cụ thể là có được áp dụng phương thức lưu trữ điện tử hay không. Dự thảo hiện đang không đề cập đến vấn đề này. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc thực hiện lưu trữ được thực hiện theo pháp luật về lưu trữ trong từng lĩnh vực.[2] Đúng là quy định về lưu trữ đã được quy định tại pháp luật liên quan, chẳng hạn như hình thức lưu trữ, yêu cầu lưu trữ, chuyển đổi hình thức… . Tuy nhiên, việc Dự thảo không có quy định tường minh dẫn đến các tổ chức, cá nhân lo ngại không biết có thể áp dụng được các quy định pháp luật liên quan được hay không. Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị bổ sung quy định theo hướng đối tượng báo cáo được lưu trữ bằng giấy hoặc bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Điều 13.1 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo danh sách khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị quy định tại khoản này trên cơ sở khuyến nghị của tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền.Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo danh sách khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị quy định tại khoản này trên cơ sở khuyến nghị của tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền”.

[2] Bảng tổng hợp, giải trình ý kiến góp ý của VCCI và đối tượng chịu tác động, trang 79