VCCI_Góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Thứ Ba 16:21 06-09-2022

Kính gửi:  Bộ Quốc phòng

Trả lời Công văn số 2072/BQP-PC ngày 30/6/2022 của Bộ Quốc Phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Ưu đãi với doanh nghiệp quốc phòng sản xuất lưỡng dụng

Chính sách 1 Dự thảo đưa ra các quy định về ưu đãi thuế, phí, vốn vay cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng. Theo chúng tôi, các quy định này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, trong đó cần cân nhắc một số khía cạnh sau:

– Mục tiêu chính của việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: Mặc dù nhiều công nghiệp quốc phòng, an ninh có thể sử dụng được cho cả dân sinh, nhưng cũng có những công nghệ không được chia sẻ hoặc chưa thể thương mại hóa ra bên ngoài khu vực quân sự. Do đó, trọng tâm chính của việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn phải là phát triển các công nghệ, sản phẩm theo yêu cầu của quân đội, công an. Việc công nghệ, sản phẩm đó có đặc tính lưỡng dụng có thể mở thêm cơ hội kinh doanh cho các cơ sở sản xuất (quốc phòng, an ninh). Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên coi như một hoạt động bên lề nhiệm vụ chính, nhằm tận dụng năng lực sản xuất đã được đầu tư. Việc đưa ra các chính sách ưu đãi, bản chất là các công cụ kinh tế, có thể ảnh hưởng đến mức độ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong hệ thống các cơ sở sản xuất liên quan;

– Có nguy cơ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân: nhiều lĩnh vực công nghiệp lưỡng dụng như hoá nổ, quang điện tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới… cũng là các lĩnh vực kinh doanh đang được khối doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh được Nhà nước tài trợ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị tài sản, cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách Nhà nước (và các ưu đãi khác như tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư – hành chính…), vì đây là nhiệm vụ quan trọng quốc gia. Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh đã có lợi thế kinh tế hơn hẳn các doanh nghiệp tư nhân. Việc bổ sung các ưu đãi về kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất công nghệ lưỡng dụng bán ra thị trường dân sự sẽ tiếp tục tạo ra ưu thế kinh tế cho các doanh nghiệp này, giúp giá thành sản phẩm thấp hơn giá thành thực tế, và có thể cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm do các doanh nghiệp tư nhân sản xuất.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách này.

  1. Chuyển giao từ công nghệ quốc phòng – an ninh sang công nghệ dân sinh

Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Như vậy, một hướng phát triển của công nghiệp quốc phòng là các sản phẩm, công nghiệp có thể ứng dụng cả trong hoạt động quốc phòng và các hoạt động kinh tế. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là việc chuyển đổi giữa công nghệ quốc phòng – an ninh với công nghệ dân sinh cũng yêu cầu một lượng thời gian và công sức không nhỏ, chưa kể đến vấn đề liên quan đến phát triển thị trường. Nói như thế cũng có nghĩa là các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có thể gặp rủi ro trong quá trình thương mại hoá sản phẩm cho thị trường dân sự.

Để giảm thiểu rủi ro đó, các doanh nghiệp thường sử dụng mô hình chuyên môn hóa công việc (một doanh nghiệp chỉ tập trung vào mảng hoạt động cốt lõi của mình). Có thể hiểu, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ chịu trách nhiệm phát triển công nghệ quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Nhà nước. Nếu công nghệ lưỡng dụng, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ nghiên cứu, chuyển giao phần công nghệ có thể phát triển thành công nghệ dân sự cho doanh nghiệp dân sinh. Doanh nghiệp dân sinh này sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và kinh doanh sản phẩm này.

Mô hình này có điểm thuận lợi là chuyên môn hoá hoạt động của các doanh nghiệp liên quan, cụ thể:

  • Doanh nghiệp quốc phòng có thể tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi: sản xuất và phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Các doanh nghiệp sẽ không phải mất thời gian nghiên cứu nhu cầu thị trường dân sự; nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho thị trường dân sinh (trong nhiều trường hợp có yêu cầu khác biệt hơn so với yêu cầu sản phẩm quốc phòng như kiểu dáng thời trang, một số tính năng phục vụ nhu cầu giải trí…) và phát triển thị trường (xây dựng kênh phân phối, quảng bá…). Các hoạt động này đều không phải thế mạnh và hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh;
  • Doanh nghiệp dân sinh: có hiểu biết về nhu cầu thị trường, đồng thời cũng đã xây dựng hệ thống và mạng lưới kinh doanh. Các doanh nghiệp này sẽ có ưu thế trong việc thương mại hoá, góp phần tối đa hoá lợi nhuận và tiềm năng của công nghệ, sản phẩm lưỡng dụng.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa có chính sách nào liên quan đến việc cho phép, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào mô hình này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này vào Chính sách 1.

  1. Chính sách thu hút doanh nghiệp dân sinh tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng

Chính sách 1 Dự thảo quy định các chính sách cho phép và khuyến khích doanh nghiệp dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng – an ninh. Chính sách này là rất cần thiết nhằm huy động nguồn lực dân sinh cùng Nhà nước phát triển công nghiệp quốc phòng – an ninh. Để chính sách này hiệu quả, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung sau:

Thứ nhất, đảm bảo tính ổn định của chính sách. Các doanh nghiệp, nếu muốn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp. Các hoạt động này có thể tốn một khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể rất ngần ngại bỏ chi phí đầu tư nếu như có những rủi ro lớn khiến họ không chắc chắn về lợi nhuận. Một trong các vấn đề lo ngại của doanh nghiệp là sự thay đổi của chính sách, chẳng hạn lĩnh vực được phép tham gia, hoặc tỷ lệ sản phẩm quốc phòng, an ninh giao cho các doanh nghiệp dân sinh. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung duy trì sự ổn định các chính sách xã hội hoá cho doanh nghiệp dân sinh vào chính sách này.

Thứ hai, đối tượng hưởng chính sách, Dự thảo đang quy định cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng – an ninh. Cần lưu ý rằng, lĩnh vực quốc phòng – an ninh là một trong số ít các lĩnh vực ít bị ràng buộc bởi các cam kết thương mại quốc tế, chẳng hạn như quy tắc đối xử công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp hay đấu thầu rộng rãi quốc tế. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên cố gắng tận dụng không gian chính sách này để hỗ trợ và ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa, giúp nâng cao tiềm lực của các doanh nghiệp này, đóng góp vào quá trình xây dựng nền công nghiệp dân sinh và nền công nghiệp quốc phòng – an ninh của Việt Nam.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.