VCCI_Góp ý Dự thảo góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thứ Ba 09:31 20-10-2020

Kính gửi:  Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước

Trả lời Công văn số 6633/NHNN-CSTT ngày 11/09/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Đại diện giao dịch

Điều 2.17 Dự thảo quy định “Đại diện giao dịch là cá nhân thuộc bộ phận giao dịch, được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền bằng văn bản…”. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu rằng chỉ có các cá nhân thuộc bộ phận giao dịch (và được ủy quyền) mới được xác lập, thực hiện giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh các cá nhân này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và các cá nhân khác được ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cũng có thể xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng. Hơn nữa, các cá nhân có thẩm quyền liên quan đến giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng đã được xác định trong quy định nội bộ của tổ chức tín dụng theo Điều 18.1 Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng đại diện giao dịch là cá nhân có quyền đại diện cho tổ chức tín dụng, bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền, trong việc xác lập, thực hiện giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng.

  1. Giao dịch qua phương tiện điện tử

Điều 12 và Điều 15 Dự thảo yêu cầu các bên phải lập xác nhận giao dịch bằng văn bản sau khi thỏa thuận qua phương tiện điện tử. Lý do được suy đoán là nhằm đảm bảo tính chính xác, toàn vẹn của nội dung thỏa thuận. Tuy nhiên, quy định này là không cần thiết trong trường hợp các bên có sử dụng chữ ký điện tử được đảm bảo an toàn (chẳng hạn chữ ký điện tử được chứng thực) theo Điều 21, 22 Luật Giao dịch điện tử. Đồng thời, việc này còn có thể gây tốn kém thêm thời gian, chi phí không cần thiết cho cả các tổ chức tín dụng và khách hàng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép các giao dịch qua phương tiện điện tử có sử dụng chữ ký điện tử được đảm bảo an toàn không cần phải lập xác nhận giao dịch bằng văn bản.

  1. Hiệu lực của thỏa thuận giao dịch

Điều 14.2 Dự thảo quy định thỏa thuận giao dịch đã xác lập là cam kết không thay đổi, trừ khi đạt được thỏa thuận sửa đổi hoặc hủy bỏ giao dịch. Quy định này chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Điều 420.3 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng có thể được sửa đổi theo quyết định của Tòa án khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà các bên lại không đàm phán để sửa hợp đồng được. Hơn nữa, các quy định về xác lập, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng đều đã được quy định tại Bộ luật Dân sự. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này và thực hiện theo các quy định của Bộ luật Dân sự.

  1. Hình thức thông báo khi thực hiện giao dịch tự động

Điều 15.3 Dự thảo quy định trường hợp khách hàng đồng ý cho tổ chức tín dụng được phép tự động thực hiện giao dịch ngoại tê, tổ chức tín dụng được phép phải thông báo cho khách hàng thông tin về giao dịch đã thực hiện theo hình thức phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định hình thức nào được coi là phù hợp. Việc này có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hình thức thông báo hoặc cho phép các bên tự thỏa thuận hình thức thông báo.

  1. Sửa đổi giao dịch kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng

Điều 16.2 Dự thảo quy định tổ chức tín dụng và khách hàng được thực hiện giao dịch hoán đổi để sửa đổi kỳ hạn trong giao dịch kỳ hạn trong trường hợp do nguyên nhân khách quan từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quy định này cần xem xét trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, quy định này không đủ rõ ràng để các tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện. Việc xác định thế nào là nguyên nhân khách quan và nhu cầu sửa đổi kỳ hạn do từ nguyên nhân khách quan hay lỗi các bên trong nhiều trường hợp là rất khó khăn;

Thứ hai, không rõ tại sao quy định lại giới hạn chỉ trong các trường hợp nguyên nhân khách quan? Vì trên thực tế, khách hàng còn có các nhu cầu sửa đổi kỳ hạn khi có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh do lỗi từ bên đối tác, bên thứ ba hoặc kể cả do các vấn đề từ phía bản thân khách hàng;

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình sự cần thiết phải giới hạn trường hợp được phép thực hiện giao dịch hoán đổi để sửa đổi kỳ hạn trong giao dịch kỳ hạn. Trong trường hợp không giải trình được, đề nghị sửa đổi theo hướng các bên được thực hiện giao dịch hoán đổi để sửa đổi kỳ hạn trong giao dịch kỳ hạn nếu khách hàng có nhu cầu thay đổi kế hoạch thanh toán ngoại tệ, xuất trình được các giấy tờ chứng minh lý do và đạt được thỏa thuận với tổ chức tín dụng được phép.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.