VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ Năm 16:35 10-06-2021

Kính gửi: Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính

Trả lời Công văn số 55/HĐTV của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

Dự thảo nêu khá cụ thể, chi tiết về số lượng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được dự kiến cắt, giảm đơn giản hóa cùng với chi phí tuân thủ dự kiến tiết kiệm được. Tuy nhiên, đối với các phương án cắt giảm, đơn giản hóa cụ thể trong Phụ lục, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét một số điểm sau để đảm bảo tính hiệu quả, thực chất của các phương án này.

  1. Các phương án cắt giảm liên quan đến ngành nghề kinh doanh “hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng”

Theo nội dung của Dự thảo thì “số lượng điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa trong ngành, nghề cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng: 7/7” (điểm 3.2 mục I). Nhưng trong Phương án cụ thể tại Phụ lục lại không nêu rõ ra những điều kiện kinh doanh nào được cắt giảm, đơn giản hóa, trong khi đó Phương án đang thể hiện đối với lĩnh vực này một số điều kiện kinh doanh đang được dự kiến bổ sung thêm theo hướng chặt chẽ hơn. Do đó, giữa số liệu của Dự thảo với những Phương án cụ thể tại Phụ lục dường như chưa thống nhất.

Đối với “hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng”, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng. Tại thời điểm xây dựng Dự thảo này, VCCI đã rất nhiều lần góp ý về các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP và các điều kiện kinh doanh dự kiến xây dựng trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2010/NĐ-CP theo hướng cân nhắc bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, chưa phù hợp với các mục tiêu quản lý của Nhà nước khi thiết kế về điều kiện kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư 2020. Các điều kiện kinh doanh đề nghị bỏ là[1]:

  • Vốn pháp định
  • Điều kiện về văn bằng chuyên môn và kinh nghiệm của nhân lực quản lý
  • Điều kiện về phương án kinh doanh
  • Điều kiện về đối tác

Đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét lại các điều kiện kinh doanh trên để đề xuất các phương án phù hợp để cắt giảm, đơn giản hóa, giảm gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

  1. Các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với ngành nghề kinh doanh “cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”

Các thủ tục hành chính dự kiến được cắt giảm, đơn giản hóa được trong Phương án hoặc là chưa đủ rõ (không nhận biết được đã cắt giảm, đơn giản hóa ở điểm nào, việc cắt giảm các thủ tục này là bỏ hoàn toàn không phải thực hiện thủ tục hay là thay đổi phương thức thực hiện thủ tục) đối với thủ tục cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc là không có tính chất cắt giảm, đơn giản hóa (các dự kiến sửa đổi chỉ làm rõ thêm thủ tục còn trình tự, thủ tục, hồ sơ vẫn giữ nguyên) đối với hai thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo. Trong Dự thảo Nghị định này có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của các hoạt động kinh doanh về trung gian thanh toán. Để đảm bảo các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa được đề xuất thực sự thực chất, đề nghị Quý Cơ quan xem xét, đánh giá các phương án về cắt giảm, đơn giản hóa đối với hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán dựa trên phiên bản mới nhất của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP để nhận diện đầy đủ, toàn diện các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong hoạt động này.

  1. Lĩnh vực khác chưa được đề cập trong Dự thảo

Trong thời gian qua, VCCI nhận được phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội về những bất cập, vướng mắc trong các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó phản ánh tập trung vào điều kiện kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh này, ví dụ:

Đối với điều kiện kinh doanh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ: Cần bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh này và xem đây là một ngành nghề kinh doanh thông thường. Bởi vì, theo quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì điều kiện sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ bao gồm các yêu cầu về: đăng ký kinh doanh; địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là những điều kiện kinh doanh không có tính đặc thù và không nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước nào phù hợp với tính chất của một điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị về những bất cập của các điều kiện kinh doanh này.

Đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét rà soát thêm về các quy định trong lĩnh vực kinh doanh vàng để đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung các phương án cắt giảm, đơn giản hóa trong lĩnh vực này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Các góp ý chi tiết sẽ được gửi kèm công văn này