VCCI_Góp ý đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính

Thứ Ba 15:49 24-04-2018

Kính gửi:    Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 134/GM-KSTT của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính về việc mời tham dự và có ý kiến đối với Đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính (sau đây gọi tắt là Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Vì thời hạn gấp[1] và lĩnh vực tài chính phức tạp với số lượng điều kiện kinh doanh khá lớn nên VCCI có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:

  1. Nhận xét chung

Theo Phương án thì tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu trong lĩnh vực tài chính là 370 điều kiện, tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản là 193 điều kiện, chiếm tỷ lệ 52,2%. Đây được xem là con số ấn tượng, phản ánh tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Tài chính; cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần này của Bộ Tài chính.

Về cơ bản, Phương án đã nhận diện chính xác các điều kiện kinh doanh và ở một số điều kiện kinh doanh đã đưa ra đề xuất cắt giảm, bãi bỏ hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, tiến bộ thì đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét một số vấn đề trong Phương án như sau:

  • Một số đề xuất chưa rõ về phương án đề xuất:

Ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Phương án đưa ra đề xuất “đề nghị cắt giảm điều kiện này”. Không rõ “cắt giảm” có nghĩa là bỏ hoàn toàn điều kiện này hay là sửa đổi thành điều kiện khác?

  • Một số đề xuất về bản chất là không cắt giảm:

Ví dụ trong lĩnh vực  giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh đều được “giữ lại”, các phương án đề xuất chủ yếu là thiết kế lại hình thức quy định về điều kiện kinh doanh;

  • Một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để

Ví dụ: đối với các điều kiện về nhân lực, Phương án mới chỉ đề xuất giảm số năm kinh nghiệm điều kiện mà chưa xem xét có cần thiết phải bỏ hoàn toàn yêu cầu về điều kiện không?

  • Một số đề xuất không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể

Một số trường hợp được “cắt giảm” trong Phương án dựa trên những lý do hình thức và về bản chất thì vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh.

Ví dụ 1, trong lĩnh vực giá, có đề xuất cắt giảm điều kiện vì “việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật giá”. Như vậy thì điều kiện này vẫn được giữ quy định trong Luật.

Ví dụ 2, điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong công ty quản lý quỹ: Phương án đưa ra đề xuất giảm số năm kinh nghiệm của bộ phận nghiệp vụ từ “05 năm” xuống còn “04 năm”

  • Vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp nhưng chưa được đưa vào Phương án cắt giảm

Nhiều điều kiện kinh doanh được đánh giá để đưa ra đề xuất trong Phương án chưa thực sự dựa vào việc xem xét, phân tích hiện trạng điều kiện kinh doanh với tính chất cần phải có của một điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014 (theo đó, các điều kiện kinh doanh chỉ nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng). Vì vậy, Phương án vẫn bỏ sót nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.

  • Phương án mới chỉ đánh giá các điều kiện kinh doanh cụ thể mà chưa đánh giá về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Việc chỉ xem xét các điều kiện kinh doanh cụ thể khiến cho Phương án không đưa ra được bức tranh toàn cảnh về sự cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh của một số loại ngành nghề kinh doanh. Nói cách khác, Phương án chưa xem xét việc: liệu trong lĩnh vực tài chính có những ngành nghề kinh doanh nào hiện đang được coi là ngành nghề có điều kiện trong khi thực chất không ảnh hưởng đáng kể tới các lợi ích công cộng, và do đó không cần phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh?

Cần đánh giá việc xác định một ngành, nghề là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý không, qua đó kiến nghị sửa đổi Luật đầu tư, đồng thời bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh trong ngành, nghề này.

  1. Góp ý cụ thể
  2. Điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực giá

Theo đề xuất tại Phương án thì về cơ bản, phần lớn các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giá chưa được xem xét để bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ được đề xuất sắp xếp, thiết kế lại quy định.

Lý do của tình trạng này có thể là khi phân tích các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giá, tiêu chí  “cần thiết để bảo đảm cho lợi ích công cộng quan trọng” đã chưa được xem xét đến. Điều này khiến cho các đề xuất liên quan tới lĩnh vực giá trong Phương án dường như chưa xử lý được bất cập cốt lõi, mới chỉ đơn thuần là việc sắp xếp lại.

Để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc cắt giảm một số điều kiện sau:

  • Điều kiện về số lượng thẩm định viên về giá:

Quy định hiện tại yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này phải có tối thiểu 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Điều kiện này cần được đánh giá lại ở các góc độ: không rõ về căn cứ để yêu cầu số lượng tối thiểu thẩm định viên giá này như thế nào? Nếu doanh nghiệp chỉ có 01 hoặc 02 thẩm định viên về giá thì lợi ích công cộng nào sẽ bị ảnh hưởng? Nói cách khác, số lượng thẩm định viên về giá này có gắn liền với quy trình kiểm soát để đảm bảo hoạt động thẩm định giá an toàn, chính xác không?

Chú ý là theo quy đinh của pháp luật về giá thì quy trình thẩm định giá chỉ do thẩm định viên về giá thực hiện, không đòi hỏi sự giám sát hay kiểm soát bởi các thẩm định viên về giá khác. Báo cáo thẩm định giá cũng do thẩm định viên thẩm định ký. Điều này có nghĩa là công việc và trách nhiệm của thẩm định viên về giá là độc lập, không phụ thuộc vào thẩm định viên về giá nào khác. Theo logic này thì việc đặt ra điều kiện về số lượng tối thiểu về thẩm định viên về giá không gắn với quy trình thẩm định giá, cũng không ảnh hưởng tới lợi ích công cộng liên quan?

Mặt khác, với thị trường chuyển dịch lao động như hiện nay thì doanh nghiệp không nhất thiết phải có cố định số lượng thẩm định viên về giá mà có thể thuê các thẩm định viên về giá có thẻ hành nghề. Các thẩm định viên này dù làm việc cho doanh nghiệp nào, theo cơ chế nào (hợp đồng vụ việc hay lao động thường xuyên) thì đều phải bảo đảm chất lượng và trách nhiệm liên quan (theo giấy phép hành nghề). Như vậy, Nhà nước chỉ cần kiểm soát hoạt động thẩm định giá do thẩm định viên có thẻ hành nghề thực hiện là đủ để hạn chế rủi ro trong hoạt động này.

Từ những phân tích trên, đề nghị cân nhắc bỏ số lượng tối thiểu thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp thẩm định giá.

  • Điều kiện về hạn chế số vốn góp của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá:

Theo quy định hiện tại, đối với doanh nghiệp thẩm định giá được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì tổ chức được góp vốn tối đa 35% vốn điều lệ, trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ.

Việc hạn chế số vốn góp của tổ chức dường như chưa hợp lý, bởi vì:

  • Không rõ mục tiêu. Nếu lo ngại về tính khách quan của doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thì pháp luật về giá đã có quy định các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thẩm định giá (Điều 10 Nghị định 89/2013/NĐ-CP), vì vậy không cần thiết phải chặn ở điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá;
  • Ít ý nghĩa thực tiễn: Trường hợp công ty cổ phần, quy định khống chế mức vốn góp chỉ áp dụng đối với cổ đông sáng lập sẽ là không có ý nghĩa khi trong quá trình hoạt động các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần cho các tổ chức.

Từ những phân tích trên, đề nghị bỏ giới hạn về mức vốn của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá.

  1. Điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực hải quan

Phương án không rà soát về sự cần thiết của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện tại, vì vậy “đại lý làm thủ tục hải quan” vẫn tiếp tục được xem là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó, phân tích cho thấyhoạt động cung cấp dịch vụ này hầu như không tác động tới các lợi ích công cộng đến mức buộc phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Cụ thể:

  • Đại lý làm thủ tục hải quan nếu phát sinh rủi ro chỉ ảnh hưởng tới lợi ích riêng của chủ thể thuê làm thủ tục hải quan (vốn là mối quan hệ tư, hoàn toàn có thể được giải quyết theo pháp luật tư), mà hầu như không tạo ra ảnh hưởng đáng kể nào tới lợi ích công cộng của xã hội hay Nhà nước nói chung (những sai sót, nếu có, trong các khâu cung cấp thông tin, thuế mà đại lý làm thủ tục hải quan tạo ra thì từ góc độ pháp luật, Nhà nước luôn xác định được chủ thể phải chịu trách nhiệm cuối cùng là người thuê làm thủ tục hải quan).
  • Chú ý là không thể cho rằng mục tiêu của các điều kiện kinh doanh này là đảm bảo chất lượng của hoạt động này, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể thuê làm thủ hải quan, bởi đây không phải là mục tiêu phù hợp để quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014, đây hoàn toàn là vấn đề của thị trường. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, tự bản thân các đại lý làm thủ tục hải quan sẽ phải cạnh tranh để nâng cao chất lượng nếu muốn thu hút khách hàng, vì vậy Nhà nước không cần can thiệp vào vấn đề này bằng điều kiện kinh doanh.

Từ những phân tích đề nghị bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh của đại lý làm thủ tục hải quan và xác định đây là một ngành, nghề kinh doanh thông thường.

  1. Điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực thuế

Góp ý tương tự như tại mục 2, đề nghị bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh của đại lý làm thủ tục thuế và xác định đây là một ngành, nghề kinh doanh thông thường (đưa ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư).

  1. Điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Việc xác định “kinh doanh dịch vụ kế toán” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dường như là chưa hợp lý bởi ít nhất các lý do:

  • Trước thời điểm 2014 khi Luật Kế toán 2014 được ban hành thì kinh doanh dịch vụ kế toán được xem là một ngành, nghề kinh doanh thông thường. Trong suốt thời gian trước đó, hoạt động này cũng không được ghi nhận bất kì rủi ro nào tác động đến các lợi ích công cộng. Điều này cho thấy thực tiễn đã chứng minh hoạt động kinh doanh này không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh;
  • Đối với các trường hợp thông thường: Trong mối quan hệ với nhà nước, chủ thể chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm kế toán chính là các đơn vị kế toán – tổ chức thuê dịch vụ. Do đó nếu xảy ra rủi ro, luôn có chủ thể phải chịu trách nhiệm, và chủ thể đó không phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Còn trong quan hệ giữa đơn vị thuê kế toán (khách hàng) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán thì đây là quan hệ tư, tự khách hàng sẽ phải là người lựa chọn những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán tốt để phòng tránh rủi ro cho chính mình; trường hợp xảy ra rủi ro thì khách hàng được pháp luật tư bảo vệ.
  • Đối với các trường hợp đặc biệt (có nguy cơ cao ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích công cộng và Nhà nước cần kiểm soát về tính chính xác của các báo cáo tài chính, số liệu kế toán): Nhà nước đã có các quy định về kiểm toán.

Từ những phân tích trên, đề nghị đưa kế toán ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh của dịch vụ kế toán.

Nếu Bộ có giải trình thuyết phục để giữ “dịch vụ kế toán” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì đề nghị xem xét lại ít nhất các điều kiện sau:

  • Điều kiện “Doanh nghiệp kế toán không được thành lập theo hình thức công ty cổ phần”

Các giải trình về quy định này chưa thực sự thuyết phục[2], do chưa chỉ ra được nếu doanh nghiệp kế toán được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần thì những rủi ro liên quan tới lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng, đến mức buộc phải cấm doanh nghiệp được tổ chức dưới hình thức này.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì về tính chịu trách nhiệm của các thành viên góp vốn (trong Công ty TNHH) và các cổ đông (trong Công ty cổ phần) là tương tự nhau, tức là chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp. Về mặt pháp lý, khi thực hiện các giao dịch thì doanh nghiệp (dù được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hay công ty cổ phần) đều sẽ có chủ thể chịu trách nhiệm cụ thể (theo quy định của pháp luật) chứ không phải là cá nhân từng các thành viên góp vốn/cổ đông chịu trách nhiệm. Vì vậy, rất khó lý giải, tại sao lại được thành lập công ty TNHH nhưng lại không được thành lập công ty cổ phần.

Từ những phân tích trên, đề nghị cân nhắc, bỏ điều kiện này.

  • Điều kiện hạn chế tỷ lệ góp vốn của thành viên là tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên ở mức không quá tối đa 35%:

Xem góp ý tương tự như dịch vụ thẩm định giá, và đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này

  • Điều kiện “Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp” (điểm b khoản 1 Điều 61 Luật kế toán), “Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn Điều lệ của công ty” (khoản 1 Điều 27 Nghị định 174/2016/NĐ-CP[3]).

Không rõ mục tiêu quản lý đối với việc ràng buộc tỷ lệ vốn góp của các thành viên góp vốn. Nếu quy định này nhằm hướng đến việc ràng buộc trách nhiệm của các thành viên này đối với hoạt động của doanh nghiệp (tương ứng với trách nhiệm của công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân) thì quy định này là ít ý nghĩa. Bởi vì, về mặt pháp lý, doanh nghiệp (dưới loại hình là công ty TNHH) là chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải là các thành viên góp vốn, các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp.

Hơn nữa, quy định này là cản trở không hề nhỏ cho việc doanh nghiệp muốn tăng vốn, tăng quy mô hoạt động nếu như các kiểm toán viên hành nghề là thành viên góp vốn không đủ năng lực tài chính, trong khi các thành viên khác lại có khả năng.

Đề nghị bỏ điều kiện này.

  1. Điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng
  2. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ[4]
  • Đề nghị bỏ điều kiện “mức vốn điều lệ thực có đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng)”, vì:
  • Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng;
  • Xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng). Vì vậy, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, rất ít ý nghĩa thực tiễn trong khi lại là cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp .
  • Đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 104/2007/NĐ-CP) vì:

Không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.

Chú ý là nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2014.

  • Đề nghị quản lý theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (chứ không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện về tài chính)

“Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” hiện đã được xác định là ngành, nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Từ các lý do trên, đề nghị bỏ toàn bộ các điều kiện kinh doanh đang thiết kế tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP đối với dịch vụ này và áp dụng quy định điều kiện tại Nghị định 96 (về an ninh trật tự).

  1. Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài[5]

Đề nghị bỏ điều kiện “Có phương án kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có hiệu quả và đảm bảo duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật”, vì ít nhất các lý do:

  • Can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp

Nếu mục tiêu là để bảo đảm kinh doanh có hiệu quả thì đây là vấn đề của doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tự quyết đối với các phương án kinh doanh của mình, Nhà nước không cần/không nên can thiệp vào nội dung phương án kinh doanh để xem doanh nghiệp có kinh doanh hiệu quả hay không.

Nếu mục tiêu là duy trì an ninh, an toàn xã hội thì các điều kiện khác trong lĩnh vực này đã đủ để bảo đảm. Hơn nữa, cần chú ý rằng kinh doanh hoạt động trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài thuộc nhóm ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP, vì vậy không cần thiết phải kiểm soát thông qua phương án kinh doanh.

  • Không khả thi và ít ý nghĩa thực tiễn

Phương án kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được thay đổi liên tục tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy yêu cầu phương án kinh doanh tại thời điểm ban đầu thành lập là ít ý nghĩa vì ngay sau đó doanh nghiệp sẽ có thể thay đổi. Nhà nước cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp mỗi lần thay đổi lại phải thực hiện thông báo vì như thế sẽ tạo ra gánh nặng khổng lồ về thủ tục hành chính.

Hơn nữa, bản thân cơ quan Nhà nước (vốn không phải là tổ chức kinh doanh) cũng không đủ năng lực về kinh doanh để đánh giá một phương án kinh doanh là hiệu quả hay không hiệu quả.

  1. Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm[6]

Đề nghị cân nhắc, xem xét để sửa đổi/bãi bỏ các điều kiện kinh doanh sau:

  • Điều kiện về vốn pháp định ít nhất 15 tỷ đồng

Đề nghị bỏ điều kiện này bởi không rõ mục tiêu quản lý nhà nước khi yêu cầu điều kiện này đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là gì?

“Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức” được định nghĩa  là dịch vụ  phân tích, nhận định và xếp hạng về khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp, tổ chức” (khoản 5 Điều 4 Nghị định 88/2014/NĐ-CP). Với định nghĩa này, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, vốn điều lệ không phải là yếu tố quyết định đến tính an toàn, chính xác của hoạt động xếp hạng tín nhiệm mà yêu cầu về trình độ của nhân lực cũng như nguồn thông tin mà doanh nghiệp có được. Cũng không nhận thấy rủi ro đáng kể nào của hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng, nếu doanh nghiệp không có một số vốn nhất định. Nếu mục tiêu của việc đặt ra điều kiện về vốn là để đảm bảo yếu tố hoạt động kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp, thì đây là mục tiêu chưa phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo Điều 7 Luật Đầu tư.

 

 

 

 

  • Điều kiện về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và nơi cư trú đối với tổng giám đốc hoặc giám đốc[7]doanh nghiệp:

Đề nghị bỏ điều kiện này, bởi về mặt pháp lý, chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là doanh nghiệp chứ không phải là giám đốc/tổng giám đốc (chuyện trách nhiệm của giám đốc/tổng giám đốc được thuê với doanh nghiệp là chuyện nội bộ của doanh nghiệp). Hơn nữa, trong quy trình xếp hạng tín nhiệm, có sự tham gia của chuyên gia phân tích, sự thống nhất của Hội đồng xếp hạng tín nhiệm, vai trò của giám đốc/tổng giám đốc là ít liên quan đến kết quả/chất lượng của báo cáo xếp hạng. Tóm lại, việc áp đặt điều kiện, tiêu chuẩn của giám đốc, tổng giám đốc là chưa hợp lý.

  • Đề nghị bỏ điều kiện: “có văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” vì dù cam kết hay không thì doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghĩa vụ này và cam kết không phải là căn cứ để Nhà nước xử phạt doanh nghiệp vì vi phạm kinh doanh khi chưa được cấp phép;
  • Đề nghị bỏ điều kiện “có phương án kinh doanh” vì điều kiện này can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp và phân tích tương tự như góp ý tại mục b ở trên.
  1. Kinh doanh đặt cược[8]

Đề nghị bỏ các điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó (Điều 30 Nghị định 06/2017/NĐ-CP) sau:

  • Phương án tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó phù hợp quy định của pháp luật;
  • Phương án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh bảo đảm hiện đại, đồng bộ, có thể dễ dàng nâng cấp, vận hành chính xác, an toàn, ổn định;

Lý do là các điều kiện này vừa can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp vừa ít có ý nghĩa về mặt quản lý. Ví dụ:

  • “Phương án tổ chức hoạt động kinh doanh” liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải xây dựng các phương án phù hợp. Cơ quan nhà nước không cần thiết phải can thiệp/xem xét các phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng không có căn cứ nào rõ ràng để cơ quan nhà nước đánh giá phương án kinh doanh của doanh nghiệp có khả thi hay không (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định 06, trong hồ sơ xin cấp phép, doanh nghiệp phải nộp phương án kinh doanh có “tính khả thi”). Liệu các cán bộ cấp phép có đủ trình độ để đánh giá xem phương án kinh doanh của doanh nghiệp có khả thi hay không?
  • Yêu cầu về phương án công nghệ quá chung chung, hơn nữa thuộc về vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp là chủ yếu.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Thời điểm VCCI nhận Công văn là ngày 17/4/2018, cuộc họp lấy ý kiến ngày 19/4/2018, thời hạn Bộ Tài chính lấy ý kiến Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ theo Công văn số 4252/BTC-VP ngày 12/4/2018 là trước ngày 23/4/2018

[2] “- Luật đầu tư năm 2014 quy định kinh doanh dịch vụ kế toán là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vì vậy không phải mọi loại hình doanh nghiệp đều được cung cấp dịch vụ này. Quy định này của Luật kế toán tương tự một số lĩnh vực như hành nghề luật sư, dịch vụ công chứng, kiểm toán độc lập.

– Kinh nghiệm quốc tế của Mỹ, Anh, Singapore, Malaysia,.. cũng không cho phép tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập và hoạt động dưới hình thức là công ty cổ phần

– Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 129/2004/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật kế toán trong hoạt động kinh doanh quy định doanh nghiệp dịch vụ kế toán được thành lập và hoạt động theo một trong 3 hình thức là công ty TNHH, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Do đó, đây là quy định kế thừa từ pháp luật hiện hành, không phải là quy định mới của Luật kế toán 2015” – Trích công văn của Bộ Tài chính gửi VCCI.

[3] Nghị định 174/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn quy định của Luật kế toán

[4] Nghị định 104/2007/NĐ-CP

[5] Nghị định 86/2013/NĐ-CP

[6] Nghị định 88/2014/NĐ-CP

[7] Điều 19. Tiêu chuẩn, điều kiện của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp

  1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
  2. Không là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
  3. Có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, thống kê hoặc quản trị kinh doanh.
  4. Có ít nhất mười (10) năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực quy định tại Khoản 3 Điều này.
  5. Cư trú hợp pháp tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

 

[8] Nghị định 06/2017/NĐ-CP