VCCI_Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Thứ Ba 11:28 27-11-2018

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

          Trả lời Công văn số 11909/BTC-UBCK của Bộ Tài chính ngày 01/10/2018 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Phạm vi điều chỉnh

Điều 7.3 của Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: “Hoạt động quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Nghị định này thực hiện theo Điều lệ của quỹ, các hợp đồng ký kết với quỹ (nếu có) và không chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán.” Các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (thường gọi là quỹ đầu tư mạo hiểm) có danh mục đầu tư rất hạn chế, chỉ gồm tiền gửi ngân hàng và đầu tư và các startups với mức đầu tư không quá 50% vốn điều lệ. Các quy định để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ cũng đã được quy định tương đối đầy đủ trong Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Các quy định này cũng tương đối giống với quy định về quỹ thành viên trên thị trường chứng khoán, nhưng có thủ tục đơn giản hơn do danh mục đầu tư hạn chế hơn rất nhiều.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sự cần thiết của việc tách riêng quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong trường hợp thấy sự cần thiết và nguy cơ rủi ro không cao thì có thể loại bỏ các quỹ đầu tư mạo hiểm ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này. Theo đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 38 về số lượng nhà đầu tư, danh mục đầu tư và một số quy định khác trong Nghị định này. Trường hợp quỹ đầu tư mạo hiểm không đáp ứng quy định tại Nghị định 38 thì phải chuyển sang hình thức quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật chứng khoán.

  1. Người có liên quan

Điều 4.39.a của Dự thảo đã mở rộng khái niệm người có liên quan, ngoài “cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, em ruột, chị ruột” như quy định của Luật Chứng khoán 2006 thì bổ sung thêm “con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”. Quy định này có một số vấn đề như sau:

  • Thứ nhất, bổ sung “con dâu” nhưng lại không bổ sung “bố chồng, mẹ chồng”. Như vậy sẽ dẫn đến con dâu là người có liên quan của bố chồng, nhưng bố chồng lại không phải là người có liên quan của con dâu. Tương tự với quan hệ con rể – bố vợ, mẹ vợ; anh rể – em vợ; em rể – anh vợ, chị vợ; chị dâu – em chồng; em dâu – anh chồng, chị chồng.
  • Thứ hai, Dự thảo mở rộng đến các quan hệ dâu, rể, nhưng lại không quy định về các quan hệ ông, bà – cháu ruột; cô, dì, chú, bác – cháu ruột. Đây được coi là những mối quan hệ huyết thống, vốn được coi là thân thiết hơn so với các quan hệ dâu, rể.

Việc mở rộng phạm vi người có liên quan được suy đoán là để phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, nơi mà các quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng có ảnh hưởng lớn đến các hành vi kinh tế của cá nhân trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng cần cân nhắc đến gánh nặng chi phí tuân thủ của các cá nhân tham gia thị trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc mở rộng này. Nếu cần thì có thể thực hiện thêm các nghiên cứu về xã hội học để bảo đảm tính cần thiết của việc mở rộng phạm vi người có liên quan.

  1. Nhà đầu tư chuyên nghiệp

Việc bổ sung quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Hiện Điều 4.15.c của dự thảo quy định về các tiêu chí xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp với một cá nhân, song chưa có quy định rõ về căn cứ để xác định một cá nhân có đáp ứng các tiêu chí đó không: Liệu có thể để cá nhân đó tự khai thông tin? Hay cần có sự xác nhận của công ty chứng khoán nơi cá nhân đó mở tài khoản? Hay xác nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán?

  1. Một số khái niệm chưa được làm rõ

Một số khái niệm quan trọng chưa được làm rõ trong dự thảo Luật, có thể gây ra khó khăn trong quá trình thực thi như “nhóm chứng khoán” (Điều 4.1.b), “nhà đầu tư chiến lược” (Điều 4.16.b), “sở hữu gián tiếp” (Điều 4.13), “công ty liên doanh” (Điều 4.40), “công ty liên kết” (Điều 4.40). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các khái niệm này trong Điều 4 về giải thích từ ngữ.

  1. Điều kiện về vốn đối với chào bán chứng khoán ra công chúng

Việc nâng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (Điều 12) nhằm bảo đảm năng lực tài chính của công ty đại chúng là phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Điều 135.4 của dự thảo đưa ra quy định chuyển tiếp yêu cầu các doanh nghiệp đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực. Nếu sau 2 năm mà không đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng theo Điều 37 của Dự thảo.

Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện tại có 1954 công ty đại chúng, và có 18,4% công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Các doanh nghiệp này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ hoặc sẽ phải bị huỷ tư cách công ty đại chúng. Chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này. Trong khi bản thân những doanh nghiệp này không hề có hành vi vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy. Quy định mới về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ nên áp dụng cho những doanh nghiệp niêm yết sau khi luật  này có hiệu lực, không nên áp dụng đối với những doanh nghiệp đã niêm yết.

  1. Điều kiện có lãi đối với trường hợp chào bán thêm chứng khoán ra công chúng

Dự thảo đã nâng điều kiện có lãi từ 01 năm lên 02 năm đối với các công ty đại chúng muốn chào bán thêm chứng khoán ra công chúng. Bản thuyết minh giải thích lý do của việc này là nhằm chống lại tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng thủ thuật về kế toán để có lãi trong 01 năm nhưng nhiều năm khác lại lỗ, để có thể chào bán thêm chứng khoán.

Tuy nhiên, việc sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là một hành vi gian lận về việc cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý vi phạm, chứ không nên quy định về thời gian có lãi. Việc thay đổi thời gian có lãi không giải quyết được vấn đề khi doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi trong 02 năm. Đối với những doanh nghiệp đã chào bán chứng khoán ra công chúng thì các thông tin về doanh nghiệp đã được công khai trước các nhà đầu tư một thời gian tương đối dài. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể theo dõi lại lịch sử công bố thông tin để đánh giá về mức độ rủi ro, vì vậy, Nhà nước có thể giảm các điều kiện chào bán thêm, thấp hơn so với chào bán lần đầu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh điều kiện có lãi của doanh nghiệp khi chào bán thêm chứng khoán.

  1. Điều kiện về trách nhiệm hình sự đối với chào bán chứng khoán ra công chúng

Điều 12.1.e của dự thảo quy định một trong những điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng là “Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được xoá án tích”. Quy định này phù hợp với việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc cấm chào bán chứng khoán đối với toàn bộ các pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích là không cần thiết.

Một số tội danh trong Bộ luật Hình sự không liên quan đến tài chính như Tội gây ô nhiễm môi trường, Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã… thì không cần thiết phải cấm phát hành chứng khoán. Bộ luật Hình sự đã có quy định về hình phạt cấm huy động vốn đối với pháp nhân thương mại. Trong đó, Điều 81.2.b của Bộ luật Hình sự đã có nội dung “cấm phát hành, chào bán chứng khoán”.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 12.1.e theo hướng: “Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang phải thi hành hình phạt cấm phát hành, chào bán chứng khoán theo quy định tại Điều 81.2.b của Bộ luật hình sự.”

  1. Tổ chức kiểm toán được chấp nhận

Điều 18 của dự thảo Luật quy định về việc “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận để thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán”. Quy định này đã được quy định tại Luật Chứng khoán 2006 và Nghị định 84/2016/NĐ-CP. Theo các quy định này, tổ chức kiểm toán phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Sau đó, công ty kiểm toán lại phải nộp hồ sơ cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và được “xem xét, chấp thuận và công khai danh sách” thì mới được hành nghề kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Một cơ chế quản lý như vậy tập trung nhiều vào tiền kiểm, tức là kiểm tra về điều kiện, hồ sơ năng lực của một công ty kiểm toán, nhưng lại xem nhẹ hậu kiểm để bảo đảm chất lượng, chuẩn mực kiểm toán. Trong khi đó, mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán lại là bảo đảm chất lượng, chuẩn mực của hoạt động kiểm toán, nên việc hậu kiểm cần được chú trọng hơn nhiều. Để bảo đảm được chất lượng, chuẩn mực kiểm toán, biện pháp tốt nhất, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, là kiểm tra ngẫu nhiên các báo cáo kiểm toán đã được thực hiện và đưa ra các chế tài tương ứng khi báo cáo kiểm toán không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Do đó, để đơn giản hoá thủ tục hành chính, thống nhất đầu mối quan lỷ và bảo đảm chất lượng công tác hậu kiểm, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng Bộ Tài chính (nơi ban hành các chuẩn mực kiểm toán) sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, công khai danh sách và kiểm tra các công ty kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

  1. Khai trương hoạt động

Điều 82.3 của Luật quy định công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải thông báo cho UBCKNN về việc đáp ứng quy định tại Điều 82.2 ít nhất 15 ngày trước khi khai trương hoạt động. UBCKNN có quyền đình chỉ khai trương nếu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không đáp ứng các điều kiện này. Tuy nhiên, Điều 82 lại không quy định rõ về thời gian trả lời của UBCKNN. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng, nếu sau 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, nếu UBCKNN không ra thông báo đình chỉ khai trương thì doanh nghiệp được bắt đầu hoạt động bình thường.

  1. Hoạt động của công ty chứng khoán

Điều 85 của dự thảo hiện đang quy định theo hướng công ty chứng khoán phải xin phép UBCKNN trước khi thực hiện một số hoạt động nhưng lại không có tiêu chí về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để UBCKNN chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị này. Cụ thể như sau:

  • Điều 85.1.c: Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh sau khi được UBCKNN chấp thuận.
  • Điều 85.5: Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ khác khi có ý kiến của UBCKNN trước khi thực hiện.

Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng và tạo cơ chế xin cho không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng như sau:

  • Quy định rõ về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để doanh nghiệp xin phép thực hiện các dịch vụ tại Điều 85.1.c
  • Liệt kê rõ các hoạt động mà công ty chứng khoán được và không được thực hiện theo Điều 85.5.
  1. Những hoạt động phải được UBCKNN chấp thuận

Điều 83.3 mới giao Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các hoạt động tại khoản 1 Điều này mà chưa có quy định về điều kiện, tiêu chí để UBCKNN chấp thuận hay không chấp thuận. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định về điều kiện, tiêu chí này (trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định).

Điều 92.1 quy định việc tổ chức lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải được UBCKNN chấp thuận. Điều này mới chỉ quy định về thời gian làm thủ tục chứ chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để UBCKNN quyết định việc chấp thuận hay không. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định về điều kiện, tiêu chí ra quyết định.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.