VCCI_ Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông

Thứ Ba 10:43 24-07-2018

Kính gửi: Tổng cục địa chất và khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời công văn số 2352/BTNMT-ĐCKS của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 11/05/2018 lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông

Điều 10.1.b, Điều 10.1.c và Điều 10.2 của Dự thảo yêu cầu trước khi cấp phép thăm dò và khai thác cát sỏi lòng sông thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thuỷ nội địa, về phòng chống thiên tai và về tài nguyên nước, UBND tỉnh thành phố giáp ranh. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có quy định cụ thể về thời gian và thủ tục lấy ý kiến.

Hiện nay, tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoáng sản đã có quy định về việc lấy ý kiến khi thẩm định đề án thăm dò khoáng sản (Điều 59) và trước khi thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 60).

Để tiện cho việc triển khai của các cơ quan nhà nước và không làm phát sinh thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 dự thảo một khoản với nội dung như sau: “Việc lấy ý kiến các cơ quan có liên quan tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 59 và Điều 60 của Nghị định 158/2016/NĐ-CP”

  1. Lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông

Điều 14.2 của Dự thảo quy định về việc lập quy hoạch tổng thể hệ thống bến bãi trên địa bàn địa phương. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch không cho phép lập riêng một quy hoạch như vậy. Điều 14.3 quy định về việc cấp phép bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi. Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định cụ thể về trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian để thực hiện thủ tục này.

Mục tiêu chính của việc quản lý nhà nước đối với các bến bãi tập kết cát sỏi lòng sông là bảo đảm công tác kê khai sản lượng, nộp thuế tài nguyên và chống khai thác cát sỏi trái phép, khai thác vượt quá sản lượng. Để có thể thực hiện được mục tiêu này thì cần phối hợp các biện pháp: (1) cán bộ nhà nước thực hiện việc kiểm đếm phương tiện, sản lượng tại các bãi tập kết; (2) các bãi tập kết đều phải báo cáo với cơ quan nhà nước để cử cán bộ quản lý; (3) không cho phép các phương tiện khai thác cát tập kết cát sỏi tại những bến bãi không được quản lý.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi phương pháp quản lý, thay vì tập trung vào khâu tiền kiểm như lập quy hoạch, cấp phép các bãi tập kết thì nên chú trọng vào khâu hậu kiểm như cử cán bộ giám sát, kiểm tra, xử lý những bến bãi và những phương tiện không được báo cáo.

  1. Mua bán, tiêu thụ cát, sỏi

Điều 16 của dự thảo tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc cát sỏi ở các khâu mua bán, sử dụng. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ khiến cho việc tiêu thụ cát sỏi khai thác bất hợp pháp, khai thác quá mức, khai thác mà không báo cáo. Tuy nhiên, đây là những quy định sẽ có tác động rất lớn, và cần được cân nhắc thấu đáo hơn.

Nếu coi việc sử dụng cát sỏi không có nguồn gốc hợp pháp đều được coi là khai thác trái phép (Điều 16.3) sẽ dẫn đến việc áp dụng quy định về xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Người mua cát sỏi để sử dụng có nguy cơ bị xử phạt theo Điều 44.1 của Nghị định 33/2017/NĐ-CP, mức xử phạt sẽ tuỳ thuộc vào lượng cát sỏi có thể lên đến 200 triệu đồng nếu lượng cát sỏi vượt quá 50m3, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cát sỏi có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Kể cả trong trường hợp sử dụng cát sỏi dưới 10m3 cũng sẽ có nguy cơ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Các biện pháp xử phạt này quá nặng và không tương xứng với hành vi “sử dụng cát sỏi lòng sông” mà không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này, có thể điều chỉnh như sau:

  • Quy định biện pháp xử lý riêng đối với hành vi sử dụng cát sỏi lòng sông không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp, chứ không nhập chung vào hành vi khai thác trái phép.
  • Quy định mức xử lý tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi này, đồng thời phải bổ sung ngưỡng tối thiểu thì mới tiến hành xử lý hành chính.
  1. Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

Điều 17 của dự thảo quy định các hoạt động sau phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tài nguyên nước:

  • Khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông hồ
  • Mở mới và nạo vét duy tu, cải tạo, nâng cấp luồng, lạch, tuyến giao thông thuỷ
  • Kè bờ, chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông
  • Xây dựng các công trình thuỷ nằm trên dòng sông

Việc có ý kiến của cơ quan quản lý tài nguyên nước có thể giúp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông tốt hơn, nhưng cũng có thể sẽ phát sinh thủ tục hành chính và giấy phép con. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng rủi ro phải xin nhiều giấy phép, cơ quan này chấp thuận nhưng cơ quan khác lại không. Trong khi đó, theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường, hầu hết những dự án này đều đã phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng phải bao gồm những tác động đến lòng, bờ, bãi sông.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng sau:

  • Phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông sẽ được tích hợp vào báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  • Doanh nghiệp chỉ phải nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan bảo vệ môi trường, cơ quan này sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý tài nguyên nước
  • Quy định thời hạn trả lời của cơ quan tài nguyên nước tối đa là 20 ngày, không trả lời coi như đồng ý.
  • Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm cả nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.