VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2018/TT-BTC về xác định xuất xứ hàng hóa

Thứ Ba 10:52 07-05-2019

Kính gửi: Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan –  Bộ Tài chính

Trà lời Công văn số 1911/TCHQ-GSQL ngày 03/04/2019 của Quý Cơ quan về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC bổ sung các cam kết về kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khuôn khổ CPTPP và sửa đổi, bổ sung các quy định khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến cụ thể như sau:

      Một số vấn đề về hình thức, kết cấu của Dự thảo

  1. Về bố cục liên quan tới quy định thực hiện cam kết CPTPP (Điều 7a)

Liên quan tới các cam kết đặc thù của CPTPP (khác biệt so với các quy định chung áp dụng cho mọi trường hợp cũng như các quy định riêng áp dụng cho các FTA cụ thể), Dự thảo hiện đang tập trung tất cả các cam kết này vào 01 điều khoản (Điều 7a). Cách quy định tập trung này cho phép thể hiện đầy đủ và nguyên trạng nội dung cam kết CPTPP, do đó khá thuận tiện cho việc soạn thảo. Mặc dù vậy, từ góc độ thực thi, cách thức này dường như là không hợp lý bởi ít nhất các lý do sau:

Thứ nhất, về logic, cách quy định này không thống nhất với cách quy định đang áp dụng tại Thông tư 38 cho các trường hợp FTA khác (hiện là theo hướng: với mỗi vấn đề, Thông tư quy định nguyên tắc áp dụng chung, sau đó quy định luôn về các đặc thù theo một/một số FTA, nếu có)

Thứ hai, về thực tiễn, cách thức này khiến việc áp dụng của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xuất nhập khẩu khó khăn, có thể dẫn tới bất cập, vướng mắc trong thực thi (bởi với cách này, ở mỗi vấn đề, doanh nghiệp sẽ không thể nhận diện ngay liệu mình phải áp dụng các nguyên tắc chung hay có nguyên tắc riêng cho CPTPP – họ sẽ bắt buộc phải so sánh các nguyên tắc chung trong tất cả các Điều khoản của Thông tư với các nguyên tắc riêng của CPTPP tại Điều 7a để biết được vấn đề nào thì theo nguyên tắc chung, vấn đề nào thì theo nguyên tắc riêng CPTPP).

Vì vậy, để bảo đảm tính nhất quán trong quy định cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh bố cục của Dự thảo Thông tư theo hướng bóc tách toàn bộ nội dung Điều 7a hiện tại của Dự thảo thành các nội dung cụ thể đưa vào các Điều khoản khác tương ứng, bỏ đi các nội dung không cần thiết (không còn Điều 7a hiện tại nữa), ví dụ:

  • Bỏ khoản 1 Điều 7a: khoản này không có ý nghĩa gì, bởi theo Điều 1 của Thông tư 38 thì đương nhiên phải áp dụng Thông tư này
  • Bỏ các quy định trong Điều 7a có nội dung trùng lặp với quy định chung áp dụng cho mọi trường hợp (ví dụ C/O văn bản giấy hoặc điện tử, chứng từ CNXX cấp cho từng lô hàng hoặc nhiều lô hàng giống nhau)
  • Bóc tách và chuyển các nội dung của Điều 7a vào các Điều khoản tương ứng của Thông tư 38, ví dụ: Chuyển khoản 2 Điều 7a về điểm a khoản 1 Điều 4 của Thông tư; Chuyển điểm a khoản 3 Điều 7a về khoản 2 Điều 15 của Thông tư; Chuyển điểm b khoản 3 Điều 7a về khoản 2 Điều 14 của Thông tư; Chuyển khoản 6 Điều 7a về khoản 5 Điều 15 của Thông tư …
  1. Về cách viện dẫn

Trong Dự thảo, ở các quy định có dẫn chiếu tới các quy định khác của Thông tư 38/2018/TT-BTC thì đều sử dụng chung cụm từ “theo quy định tại (Điều…) Thông tư 38/2018/TT-BTC”. Cách dùng từ trong quy định này là không thích hợp bởi về mặt pháp lý, khi nêu tên một văn bản thì có nghĩa là văn bản đó khác với văn bản chứa quy định đang xem xét. Trong khi đó, mặc dù bản thân Dự thảo này khi ban hành thành Thông tư chính thức sẽ có số hiệu khác so với số hiệu của Thông tư 38/2018/TT-BTC” nhưng nội dung các quy định trong Thông tư này thay thế/bổ sung/điều chỉnh Thông tư 38/2018/TT-BTC và là một phần không tách rời của Thông tư 38/2018/TT-BTC. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo thay thế các cụm từ “theo quy định tại (Điều…) Thông tư 38/2018/TT-BTC” trong Dự thảo bằng cụm từ “theo quy định tại (Điều…) Thông tư này

     Về các nội dung cụ thể của Dự thảo

  1. Về chứng từ chứng nhận xuất xứ (CNXX) hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan (Điều 4 Thông tư 38)

Điều 4 Thông tư 38 là quy định về các loại chứng từ CNXX đối với từng diện hàng hóa nhập khẩu và cách thức xử lý trong trường hợp không có CNXX. Tuy nhiên, các quy định hiện tại của Điều này đang được sắp xếp chưa thật khoa học/chặt chẽ, nội dung quy định thiếu rõ ràng, có chỗ bất hợp lý, ví dụ:

  • Quy định về loại hàng hóa thuộc từng nhóm quy định tại điểm b,c,d khoản 1 lại được nêu ở khoản d – đồng thời cũng không nêu rõ đó là “loại hàng hóa”.
  • Quy định về nhóm hàng hóa tại khoản 2 dẫn chiếu tới Điều 24 Luật hải quan trong khi Điều 24 Luật hải quan không có nội dung gì về “hàng hóa bắt buộc nộp chứng từ CNXX”.
  • Quy định tại khoản 3 đề cập tới C/O bản giấy “theo quy định của Điều này” trong khi bản thân các quy định tại Điều này (khoản 1 và 2) hoàn toàn không đề cập tới C/O dạng giấy.
  • Quy định tại khoản 4 thực chất là các cách thức xử lý (về thuế và thông quan) trong các trường hợp không có chứng từ CNXX phù hợp – đây là nội dung riêng, đặc thù, cần được quy định thành một Điều riêng (ví dụ Điều 4a) thay vì để chung với Điều 4 hiện tại (vốn là chỉ về các loại chứng từ CNXX).
  • Đối với quy định mới bổ sung trong Dự thảo cho điểm b khoản 4 Điều 4 hiện hành đối với trường hợp hàng hóa có chứng từ CNXX hàng hóa để xin hưởng thuế ưu đãi đặc biệt, được vận chuyển trực tiếp nhưng chứng từ không phù hợp về thể thức:

+ Theo diễn giải tại quy định thì trường hợp này chỉ sai về thể thức, vì vậy nên được xem xét cho phép hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt (cần chú ý là khoản 6 Điều 15 Thông tư đã chấp nhận những sai sót về thể thức nhỏ) – Và nếu như vậy thì quy định này là không cần thiết, vì có thể áp dụng quy định hiện có tại khoản 6 Điều 15 Thông tư

+ Về quy định liên quan tới vận chuyển trực tiếp: Quy định riêng về vận chuyển trực tiếp trong trường hợp này là không cần thiết bởi (i) vận chuyển trực tiếp là quy định bắt buộc để hưởng thuế ưu đãi đặc biệt trong các Nghị định liên quan, áp dụng chung cho mọi trường hợp xin hưởng thuế ưu đãi đặc biệt chứ không chỉ trường hợp này; (ii) việc kiểm tra, đối chiếu xác minh về hàng hóa vận chuyển trực tiếp đã được quy định tại các Điều khoản khác (đặc biệt là Điều 18) của Thông tư này.

Ngoài ra, cách thức diễn đạt trong quy định mới bổ sung khoản 4 Điều 4 Dự thảo cũng cần được điều chỉnh lại do khá dài dòng, ít tính quy phạm. Từ các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại và điều chỉnh nội dung các quy định tại Điều 4 Thông tư 38 theo hướng:

  • Bỏ việc dẫn chiếu tới các Điều 26 Nghị định 31/2018/NĐ-CP hay Điều 24 Luật hải quan (bởi việc viện dẫn này không có bất kỳ ý nghĩa nào, không cho thông tin bổ sung nào cho các quy định tại Điều khoản này)
  • Bỏ quy định tại đoạn 2 khoản 2 “Định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố quyết định điều chỉnh Danh mục này”: Danh mục là một phần không tách rời của Thông tư 38, vì vậy nếu điều chỉnh Danh mục tức là phải sửa Thông tư 38, theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Thông tư không thể quy định quy trình riêng cho việc sửa đổi nội dung Thông tư;
  • Sắp xếp lại quy định tại khoản 1 và khoản 2 theo hướng gộp vào thành 01 khoản như sau:

a. Đối với hàng hóa có xuất xứ từ… có thỏa thuận ưu đãi thuế quan…, chứng từ CNXX hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan bao gồm:

  • 01 bản chính Giấy CNXX hàng hóa…, hoặc
  • 01 bản chính chứng từ tự CNXX hàng hóa (01 bản chính) (nếu thuộc trường hợp được phép tự chứng nhận xuất xứ theo quy định)
  1. Đối với hàng hóa thuộc một hoặc các nhóm sau đây, chứng từ CNXX hàng hóa phải nộp cho cơ quan hải quan gồm 01 bản chính C/O:

(i) Hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ chế độ quản lý nhập khẩu…

(ii) Hàng hóa thuộc diện…. có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội…

(iii)Hàng hóa thuộc diện…. áp dụng thuế chống bán phá giá…

Danh mục cụ thể hàng hóa thuộc các diện nêu trên được công bố bởi các Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ Tài chính theo từng thời kỳ, phù hợp với quy định của pháp luật liên quan

  1. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa bắt buộc phải nộp chứng từ CNXX quy định tại Phụ lục II Thông tư này, chứng từ CNXX hàng hóa phải nộp cho cơ quan hải quan gồm 01 bản chính C/O
  • Sửa quy định tại khoản 3 theo hướng: “Chứng từ CNXX đề cập ở khoản 1 Điều này là chứng từ bản giấy hoặc bản điện tử được truyền qua Công thông tin một cửa quốc gia” (khoản 1 đề cập ở đây là khoản 1 mới như đề xuất phía trên)
  • Bỏ đoạn 2 điểm a khoản 4 Điều 4 về trường hợp nộp bổ sung chứng từ CNXX: đây là quy định về vấn đề nộp bổ sung chứng từ CNXX sau thời điểm làm thủ tục hải quan, đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 38
  • Bỏ khoản 4 hiện tại và thay bằng 01 Điều mới (Điều 4a) theo hướng:

Điều 4a – Cách thức xử lý trong trường hợp hàng hóa không có chứng từ CNXX theo quy định, chứng từ CNXX không hợp lệ

  1. Đối với hàng hóa thuộc diện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4, nếu không có chứng từ CNXX thì hàng hóa được áp dụng thuế suất ưu đãi MFN và được thông quan;(Trường hợp Ban soạn thảo có giải trình thuyết phục về việc giữ quy định không cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt với hàng hóa có CNXX không phù hợp về thể thức thì bổ sung thêm đoạn sau vào khoản 1 này: [Quy định này cũng áp dụng cho trường hợp hàng hóa có chứng từ CNXX nhưng không phù hợp về thể thức theo quy định để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt]
  2. Đối với hàng hóa thuộc diện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 4, nếu không có chứng từ CNXX thì hàng hóa không được thông quan. Trường hợp hàng hóa có chứng từ CNXX, được vận chuyển trực tiếp hoặc vận chuyển qua nhiều nước vì lý do chính đáng (về địa lý hoặc yêu cầu trực tiếp liên quan tới vận tải), có sự khác biệt về nội dung khai trên chứng từ CNXX và hồ sơ hải quan nhưng không làm ảnh hưởng tới xuất xứ hàng hóa thì được coi là có chứng từ CNXX hợp lệ” (Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 4 đề cập ở đây là khoản 1 mới như đề xuất phía trên)
  1. Về khác biệt mã HS trong xem xét tính hợp lệ của chứng từ CNXX (điểm h khoản 6 Điều 15)

Liên quan tới vấn đề này, Dự thảo thay thế quy định tại điểm h khoản 6 Điều 15 hiện tại bằng các quy định (i) định nghĩa về khác biệt nhỏ về mã HS trên chứng từ CNXX và tờ khai hải quan và (ii) hướng dẫn cách thức xử lý trong trường hợp có khác biệt về mã HS (quy trình xác minh). Quy định này của Dự thảo có một số bất cập:

  • Việc bỏ khoản h Điều 15 hiện tại là không phù hợp bởi khoản h hiện tại mới là quy định có tính quy phạm (khác biệt nhỏ về mã HS không làm ảnh hưởng tới tính hợp lệ của chứng từ CNXX), còn quy định mới tại đoạn 1 của Dự thảo chỉ là định nghĩa về “khác biệt nhỏ về mã số trên chứng từ CNXX”
  • Quy định về cách thức xác minh và xử lý tại đoạn 2 và 3 là không cần thiết hoặc nếu cần thì nên để ở Điều 19 Thông tư 38

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định tại Dự thảo về vấn đề này theo hướng:

  • Sửa lại quy định hiện tại tại điểm h khoản 6 Điều 15 như sau “h. Sự khác biệt nhỏ giữa mã số trên chứng từ CNXX hàng hóa với mã số trên tờ khai nhập khẩu” sau đó mới thêm định nghĩa tại đoạn thứ nhất của Dự thảo về sửa đổi điểm h khoản 6 vào điểm h khoản 6
  • Bỏ các quy định tại đoạn thứ hai và thứ ba của Dự thảo về sửa đổi điểm h khoản 6; hoặc chuyển các quy định này sang Điều 19 Thông tư 38
  1. Về các quy định liên quan tới cam kết CPTPP (hiện đang để tại Điều 7a Dự thảo)

Chú ý: Các bình luận dưới đây chỉ liên quan tới nội dung chi tiết của Điều 7a Dự thảo, không ảnh hưởng tới bình luận tại Mục I.1 Công văn này về bố cục và vị trí của các quy định trong Điều 7a.

–     Điểm c khoản 3 – về ngôn ngữ sử dụng trong chứng từ CNXX

Dự thảo quy định “Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch”: Quy định này mặc dù chưa hoàn toàn tốt (bởi lẽ ra cần quy định nguyên tắc chung – ví dụ ngôn ngữ là tiếng Anh; thì quy định lại chỉ đề cập tới trường hợp đặc thù – ngôn ngữ không phải là tiếng Anh), nhưng về cơ bản thì đây là quy định cần thiết không chỉ cho CPTPP mà cả các trường hợp khác. Tuy nhiên, hiện tại Thông tư 38 lại không có quy định nào về ngôn ngữ của chứng từ CNXX (kể cả với các FTA khác hay với các trường hợp CNXX khác). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trong Thông tư về ngôn ngữ của chứng từ CNXX trong các trường hợp (i) chung; (ii) đặc thù của các FTA, nếu có.

  • Khoản 4, 5 – hiệu lực của chứng từ CNXX:

Các nội dung này đã được quy định trong Điều 22, Thông tư 03/2019/TT-BCT ngày 22/01/2019 của Bộ Công Thương. Do đó, việc quy định lặp lại trong Thông tư này là không cần thiết. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ các khoản này.

–     Khoản 7 – Thủ tục xử lý tiền thuế nộp thừa

Khoản 7 quy định chi tiết về 03 điều kiện để được xử lý tiền thuế nộp thừa là: i) Tờ khai hải quan có thông tin về xuất xứ hàng hóa và có đề nghị chậm nộp chứng từ CNXX, ii) Chứng từ CNXX được khai và nộp trong vòng 12 tháng, iii) Chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng nguyên trạng xuất xứ trong trường hợp vận chuyển qua lãnh thổ của một hay nhiều nước không phải thành viên. Về 3 điều kiện này, điểm b khoản 1 Điều 7 đã đề cập đến điều kiện i) và ii) (mặc dù chưa rõ ràng, trong câu “Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan khai bổ sung và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn…..”). Do đó không cần thiết phải quy định nhắc lại riêng cho CPTPP. Còn đối với điều kiện iii) thì Điều 18 “Kiểm tra điều kiện vận tải trực tiếp” của Thông tư đã có yêu cầu người nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng minh vận tải trực tiếp trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển qua lãnh thổ của một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không phải là thành viên. Mặc dù trong CPTPP nội dung về “vận tải trực tiếp” được đặt tên khác là “quá cảnh và chuyển tải” nhưng về bản chất là giống nhau. Đoạn 1 Điều 18 cũng đã có quy định “Các trường hợp sau đây được coi là vận tải trực tiếp, trừ trường hợp có quy định khác tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Do đó với trường hợp CPTPP có thể nêu bổ sung nội dung khác của CPTPP về tên gọi “vận tải trực tiếp” cũng như các điều kiện được coi là “vận tải trực tiếp” của CPTPP trong đoạn 1 Điều 18 này là đủ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo (i) bỏ khoản 7 này; (ii) bổ sung quy định riêng cho CPTPP vào đoạn 1 Điều 18 Thông tư 38 (về thuật ngữ sử dụng, về thời hạn 12 tháng nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ).

–     Khoản 8 “Cơ quan hải quan từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong các trường hợp sau….”:

+ Các Điều 19, 20, 21 và 22 của Thông tư 38/2018/TT-BTC đã nêu về các trường hợp từ chối CNXX và từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi với nội dung tương tự, vì vậy không cần thiết phải nhắc lại với trường hợp CPTPP.

+ CPTPP chỉ có thêm nội dung về việc cho phép “cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất có ít nhất 30 ngày để cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ  hàng hóa”, do đó có thể đưa nội dung bổ sung này vào trong khoản 2 Điều 21 nói trên như một trường hợp áp dụng riêng cho CPTPP.

–     Khoản 9 “Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC và Điều 27 Thông tư số 03/2019/TT-BCT”: Quy định này là đương nhiên, không chỉ với CPTPP mà cả trong trường hợp các FTA khác cũng tương tự, do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ Khoản này

–     Khoản 10 “Chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện vận tải trực tiếp…..của Bộ Tài chính”: như đã nêu ở phần trên về “vận tải trực tiếp”, nội dung này có thể đưa vào Điều 18 của Thông tư 38/2018/TT-BTC.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của VCCI về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2018/TT-BTC. Rất mong Ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng./