VCCI_ Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đo đạc và bản đồ

Thứ Tư 13:51 29-08-2018

Kính gửi: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 4074/BTNMT-ĐĐBĐVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đo đạc và bản đồ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 31)

Chúng tôi cho rằng cần có thêm giải trình, phân tích về căn cứ đưa ra con số 04 nhân viên kỹ thuật của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ? Bởi vì đây là một trong những rào cản khá lớn cho doanh nghiệp khi muốn gia nhập vào lĩnh vực này.

  1. Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 32)

Điểm đ khoản 1 Điều 32 Dự thảo quy định trong Hồ sơ phải có “bản sao hoặc tệp tin chứa hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu phương tiện đo, thiết bị, phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ”.

Quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sở hữu các loại thiết bị này chưa phù hợp, bởi tuỳ tính chất kinh doanh doanh nghiệp có thể thuê các loại phương tiện này mà không nhất thiết phải sở hữu, miễn là khi thực hiện các hoạt động đo đạc và bản đồ thì có các loại trang thiết bị phù hợp, thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Điều này cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy hiệu suất tốt nhất của thiết bị, sử dụng được thiết bị hiện đại và giảm giá thành.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng “giấy tờ chứng minh quyền sử dụng phương tiện đo, thiết bị, phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ” tại điểm đ khoản 1 Điều 32 Dự thảo;

Góp ý tương tự đối với điểm d khoản 2 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 34 Dự thảo.

  1. Bồi dưỡng kiến thức về hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 45)
  • Về cơ sở đào tạo

Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Dự thảo thì, cơ sở đào tạo là các cơ sở thuộc cơ quan nhà nước (Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), “trường hợp cụ thể khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, công nhận”. Quy định này là chưa rõ ở điểm:

  • Các cơ sở đào tạo thuộc cơ quan nhà nước là đương nhiên được công nhận hay là cũng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận?
  • Những “trường hợp cụ thể khác” có được hiểu là những tổ chức ngoài nhà nước có thể tham gia vào hoạt động bồi dưỡng kiến thức về hoạt động đo đạc và bản đồ? Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, công nhận dựa trên tiêu chí nào? Thủ tục công nhận như thế nào? Hình thức công nhận là như thế nào?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  • Về điều kiện hoạt động

Khoản 2, 3 Điều 45 Dự thảo quy định về điều kiện giảng viên tham gia bồi dưỡng kiến thức, nội dung tài liệu giảng dạy. Các quy định này có tính nhất là điều kiện hoạt động của cơ sở đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hoạt động đo đạc và bản đồ và dường như chưa phù hợp với Luật đo đạc và bản đồ. Khi Luật không quy định về các cơ sở này và cũng không trao quyền cho Nghị định quy định chi tiết. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này để đảm bảo tính thống nhất.

  1. Một số góp ý khác
  2. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Dự thảo đưa ra hai phương án, trong đó:

  • Phương án 1: quy định các nội dung khái quát sẽ có trong Dự thảo
  • Phương án 2: liệt kê cụ thể các quy định hướng dẫn chi tiết tại Luật đo đạc và bản đồ

Phương án 1 là hợp lý, bởi vì mặc dù Phương án 2 đã thể hiện đầy đủ, cụ thể các nội dung hướng dẫn chi tiết trong Dự thảo theo ủy quyền của Luật đo đạc và bản đồ, nhưng nội dung này quá dài. Phương án 1 mặc dù không nêu chi tiết từng điều, nhưng lại bao quát được hết các nội dung có trong Dự thảo.

  1. Về vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc (Điều 13)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Dự thảo thì công trình hạ tầng đo đạc phải có quy trình vận hành và quy trình này phải được trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa công trình vào khai thác.

Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về trình tự, thủ tục để có thể có được sự phê duyệt này. Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế triển khai, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định về thủ tục phê duyệt quy trình vận hành công trình hạ tầng đo đạc.

  1. Gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 35)

Điều 35 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó có quy định “trường hợp hồ sơ chưa đúng theo quy định, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc phương tiện điện tử cho tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ về việc hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định”.

Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, trong khi thời hạn để cơ quan xem xét giải quyết thủ tục lại tính từ thời điểm nhận hồ sơ hợp lệ. Việc thiếu vắng thời gian xem xét hồ sơ có thể xảy ra hiện tượng, cán bộ thực thi yêu cầu doanh nghiệp bổ sung và/hoặc điền hồ sơ nhiều lần, gây khó khăn cho các đối tượng thực hiện thủ tục. Mặt khác, trong các thủ tục khác tại Dự thảo, có quy định về khoảng thời gian này.

Để đảm bảo tính minh bạch của thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo quy định về khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.

Góp ý tương tự đối với quy định gia hạn chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ quy định tại Điều 48 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đo đạc và bản đồ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.