VCCI góp ý về Dự thảo Thông tư về bảo đảm an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật.

Thứ Sáu 17:35 24-11-2017

Kính gửi:     Cục Bảo vệ thực vật

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 9000/BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông về bảo đảm an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 4)

Theo quy định tại Dự thảo thì quy trình xem xét, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) như sau:

  • Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng hình thức bưu điện hoặc nộp trực tuyến (sau đó gửi hồ sơ bản chính);
  • Cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời gian 02 ngày làm việc và yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung (nếu có);
  • Cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra hồ sơ và quyết định thành lập đoàn kiểm tra đánh giá thực tế về điều kiện đảm bảo ATTP trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
  • Đoàn kiểm tra thông báo kế hoạch kiểm tra tới cơ sở trước thời điểm kiểm tra ít nhất 05 ngày làm việc
  • Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế và lập biên bản kiểm tra
  • Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra biên bản kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra
  • Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là 03 năm

Về mặt nguyên tắc, các thủ tục hành chính cần đảm bảo tính minh bạch và đơn giản hóa. Với yêu cầu này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định về thủ tục hành chính trên ở các vấn đề sau:

  • Về nộp hồ sơ trực tuyến: Đây được xem là quy định tiến bộ, tạo thuận lợi và đơn giản về thủ tục cho các doanh nghiệp. Nhưng quy định tại Dự thảo lại chưa rõ ràng, do đó dường như chưa đủ để thực thi, ví dụ:

+ doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ trực tuyến ở đâu (qua website?email? địa chỉ cụ thể là gì)

+ Hình thức của hồ sơ nộp trực tuyến như thế nào (doanh nghiệp tự gửi các files hồ sơ tài liệu hay điền vào các mục/mẫu online? Tài liệu hồ sơ có cần theo một hình thức nhất định, ví dụ file pdf, hay bất kỳ hình thức nào đều được)?

+ Thời điểm nộp hồ sơ bản chính là lúc nào (ngay sau thời điểm nộp hồ sơ trực tuyến hay là sau khi có phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lệ của hồ sơ)?

Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục trực tuyến (chú ý là dưới Thông tư sẽ không còn văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này nữa, vì vậy mọi thủ tục/quy trình cần thiết để triển khai đều cần quy định ngay tại Thông tư này)

  • Về thời hạn thông báo kế hoạch kiểm tra và thời gian kiểm tra:

Theo quy định trên thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm tra hồ sơ và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định về thời gian sẽ tiến hành kiểm tra kể từ thời điểm thành lập Đoàn kiểm tra (tối đa sau bao nhiêu ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ thì phải tiến hành kiểm tra) mà chỉ quy định về thời gian thông báo cho cơ sở trước thời điểm kiểm tra.

Dự thảo cũng không quy định rõ, thời gian tiến hành kiểm tra tại doanh nghiệp tiến hành trong bao lâu (01 ngày, 02 ngày hay là dài hơn?).

Việc thiếu vắng các quy định về các khoảng thời gian trên khiến cho quy trình cấp Giấy chứng nhận có thể kéo dài và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về những khoảng thời gian trên.

  • Về thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận: Với thủ tục được thiết kế theo hướng kiểm tra thực tế trước khi cấp Giấy chứng nhận và trong quá trình hoạt động, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ tương tự như thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu thì có thể kiểm soát được việc đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm của doanh nghiệp khá thường xuyên. Do đó, thời hạn 03 năm như Dự thảo dự kiến cho Giấy chứng nhận này là quá ngắn. Đề nghị Ban soạn thảo kéo dài thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận (có thể là 05 năm) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi hạn chế được việc phải thực hiện các thủ tục hành chính nhiều lần trong khi đã có cơ chế bảo đảm kiểm soát việc tuân thủ.
  1. Về phương thức kiểm tra thông thường đối với thực phẩm thực vật nhập khẩu (Điều 16)

Khoản 2 Điều 16 quy định, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra ATTP gồm các loại giấy tờ:

  • (1) Đơn
  • (2) Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm chế biến bao gói sẵn)
  • (3) Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận y tế và có tên trong Danh mục thực phẩm biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận (đối với thực phẩm thực vật biến đổi gen)
  • (4) Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận y tế (đối với thực phẩm thực vật đã qua chiếu xạ)

Theo quy định tại Dự thảo thì phương thức kiểm tra thông thường sẽ theo quy trình: i) nộp hồ sơ; ii) kiểm tra hồ sơ, ngoại quan, lấy mẫu kiểm nghiệm (tần suất đến 10% đối với các lô hàng nhập khẩu); iii) cấp Giấy chứng nhận kiểm tra ATTP.

Theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các pháp luật khác có liên quan, thì khi doanh nghiệp có giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP có nghĩa, các sản phẩm mà doanh nghiệp nhập khẩu đã được một tổ chức chứng nhận sự phù hợp/phòng kiểm nghiệm được chỉ định xác nhận về sự phù hợp của sản phẩm với các quy chuẩn kỹ thuật/đáp ứng yêu cầu về ATTP. Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ghi nhận về vấn đề này. Tương tự, các loại giấy (2), (3), (4) cũng là sự xác nhận của cơ quan nhà nước về việc đảm bảo an toàn của sản phẩm.

Với những sản phẩm có các loại giấy tờ trên, thì cơ quan kiểm tra vẫn tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm là chưa hợp lý. Bởi vì, các giấy tờ (2), (3) hoặc (4) đã đủ chứng minh các sản phẩm là an toàn. Việc kiểm nghiệm mẫu cũng là xem xét, đánh giá sản phẩm dựa trên các căn cứ, quy chuẩn để cho ra các giấy tờ trên. Điều này sẽ vừa khiến cho các giá trị được thừa nhận của các loại giấy tờ (2), (3), (4) không còn giá trị và vừa lãng phí về nguồn lực của nhà nước và xã hội (thực hiện hai hoạt động kiểm soát tương tự nhau trên một sản phẩm).

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách về thủ tục hải quan, nhất là các thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trong thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại quy trình kiểm tra thông thường theo hướng:

  • Đối với những sản phẩm có một trong các loại giấy tờ (2), (3), hoặc (4) trên, thì không cần phải lấy mẫu kiểm nghiệm
  • Đối với những sản phẩm không có bất kỳ loại giấy tờ (2), (3), (4) thì sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm và thực hiện theo quy trình quy định tại Điều 16 Dự thảo.
  1. Một số góp ý khác
  • Về kiểm tra định kỳ (Điều 9): Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thời hạn của kiểm tra định kỳ là theo năm quy định tại khoản 1 Điều 9, cụ thể “cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Thông tư này thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm việc duy trì điều kiện ATTP …”.
  • Về đăng ký nước xuất khẩu (Điều 16):

Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục đánh giá hệ thống kiểm soát, bảo đảm ATTP của nước xuất khẩu, theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ta sẽ thẩm tra hồ sơ và có thể kiểm tra thực tế tại nước xuất khẩu để xem xét có chấp thuận hay không vào Danh sách các nước đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam. Quy định này được xem là kiểm soát tại nguồn của các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định về việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ đánh giá về hồ sơ cũng như quy trình kiểm soát ATTP của nước xuất khẩu dựa trên tiêu chí nào. Điều này sẽ khiến cho quy trình này trở nên chưa minh bạch. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá hệ thống kiểm soát, bảo đảm ATTP của nước xuất khẩu.

  • Về phương thức kiểm tra giảm (Điều 18)

Khoản 1 quy định “qua kiểm tra thông thường trong vòng 12 tháng đến ngày đăng ký kiểm tra, đã có 05 lô hàng cùng loại, cùng nước xuất xứ do một tổ chức, cá nhân nhập khẩu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu và chưa có báo cáo vi phạm trong quá trình giám sát lưu thông” sẽ là điều kiện để áp dụng kiểm tra giảm. Đây là cách quy định dựa trên tiêu chí “lịch sử của sản phẩm nhập khẩu (model hàng)” – tiêu chí này sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu cùng model hàng giảm bớt được nhiều thời gian, chi phí, giải quyết được bất cập rất lớn hiện nay liên quan tới kiểm tra chuyên ngành (đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm có chất lượng và quy cách ATTP ổn định theo mỗi model, ví dụ các thực phẩm đóng hộp).

Tuy nhiên, còn có một tiêu chí khác cũng có thể sử dụng để làm căn cứ kiểm tra giảm: đó là lịch sử của nhà nhập khẩu. Đối với những nhà nhập khẩu có lịch sử chấp hành pháp luật tốt (bất kể là nhập khẩu lô hàng nào, có nguồn gốc xuất xứ ở nước nào) thì nguy cơ họ vi phạm sẽ rất thấp. Đây cũng là tiêu chí đã được cơ quan hải quan sử dụng rất phổ biến và mang lại hiệu quả cao.

Do đó, để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cải cách về thủ tục hành chính, nhất là kiểm tra chuyên ngành, đề nghị Ban soạn thảo ngoài tiêu chí hiện tại thì bổ sung thêm “lịch sử nhà nhập khẩu” như một tiêu chí lựa chọn khác để áp dụng phương thức kiểm tra giảm, ví dụ tổ chức, cá nhân nhập khẩu có số lô hàng thực phẩm nhập khẩu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu và chưa có báo cáo vi phạm trong quá trình giám sát lưu thông, đồng thời đề nghị giảm số lô hàng từ 05 lô hàng xuống 03 lô hàng đạt yêu cầu.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông về bảo đảm an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.