VCCI tổng hợp ý kiến Hthảo Luật Đầu tư

Thứ Bảy 17:26 20-05-2006
Ngày 21/10/2005, VCCI tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo cuối cùng Luật Đầu tư chung với sự hỗ trợ của MPDF. Khoảng 70 đại biểu là đại diện của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, pháp luật, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước... đã tham dự và góp ý tại Hội thảo.

Sau đây là Bản tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo này.

THỦ TỤC ĐẦU TƯ - NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI?

Dự thảo Luật quy định 03 loại thủ tục đối với 03 loại dự án đầu tư khác nhau, bao gồm: thủ tục đăng ký đầu tư, thủ tục chứng nhận đầu tư và thủ tục thẩm tra đầu tư. Nghe qua thì có vẻ đơn giản. Nhưng nếu triển khai trong thực tế thì cả ba nhóm này đều có vấn đề về mặt kỹ thuật, trong đó nhiều điểm không thể giải quyết được.

Đối với thủ tục đăng ký đầu tư (Điều 46):
- Khó khăn thứ nhất: nhà đầu tư lấy gì để chứng minh mình đã đăng ký đầu tư khi cơ quan quản lý kiểm tra? Điều này rất dễ xảy ra khi mẫu đăng ký gửi đi bị thất lạc, hoặc là cơ quan quản lý không muốn đưa ra chứng cứ về việc thông báo này.
- Khó khăn thứ hai: hiện chưa có quy định rõ về hình thức của mẫu đăng ký, nội dung mẫu, cơ quan ban hành mẫu. Có gì đảm bảo rằng trong văn bản hướng dẫn Luật những vấn đề này sẽ được giải quyết một cách rõ ràng, theo hướng đơn giản, thuận lợi như cam kết của cơ quan soạn thảo?
- Khó khăn thứ ba: cơ quan làm nhiệm vụ đăng ký này là cơ quan nào? Dù trùng hay không trùng với cơ quan đăng ký kinh doanh thì bộ máy quản lý cũng sẽ “phình to” ghê gớm để thu nhận và xử lý hàng triệu dự án đầu tư lớn nhỏ đăng ký mỗi năm.

Đối với thủ tục chứng nhận đầu tư (Điều 47): -
Bất cập thứ nhất vẫn là chưa rõ về nội dung, hình thức, cơ quan ban hành mẫu đăng ký.
- Bất cập thứ hai là về cơ quan chứng nhận đầu tư. Vì ở đây có “chứng nhận” nên chắc chắn cơ quan chứng nhận đầu tư phải khác với cơ quan đăng ký kinh doanh (vì đây là hai công việc khác nhau). Cơ quan soạn thảo đã tính hết đến cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ sở vật chất cho hoạt động của cơ quan này chưa?
- Bất cập thứ ba, điều kiện để chứng nhận hay từ chối chứng nhận là gì? Dự thảo Luật không đề cập, làm sao triển khai trên thực tế?

Đối với thủ tục thẩm tra đầu tư (Điều 48):
- Một trong các nội dung thẩm tra là “thẩm tra điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng”. Vấn đề là không rõ “điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng” là điều kiện quy định tại pháp luật về đầu tư hay điều kiện quy định tại pháp luật kinh doanh chuyên ngành? Nếu là điều kiện theo pháp luật đầu tư thì quy định ở đâu (Dự thảo không nêu rõ điều kiện gì)?
- Vấn đề thứ hai là liệu có thể căn cứ vào Hồ sơ đầu tư (bao gồm Văn bản đăng ký đầu tư và Giải trình kinh tế - kỹ thuật) để mà thẩm định hay không (ví dụ thẩm định điều kiện phòng cháy chữa cháy của một toà nhà thì phải căn cứ vào thiết kế kỹ thuật rất chi tiết của toà nhà đó)?
- Cơ quan thẩm tra là cơ quan nào cũng chưa được xác định trong Dự thảo Luật? Có gì đảm bảo rằng cơ quan này có đủ năng lực thẩm định tất cả các vấn đề (đặc biệt là khi phải thẩm định các điều kiện chuyên môn như kinh doanh y tế, dược phẩm…)?
- Tiếp theo, tiêu chí để thẩm tra không có (ví dụ khi nào dự án là “phù hợp với quy hoạch”, “tiến độ thực hiện dự án” như thế nào là chấp nhận được…?).
- Về hệ quả của việc thẩm tra: Chấp thuận đầu tư có liên quan gì đến việc cấp đất? Sau khi có chấp thuận đầu tư thì nhà đầu tư có phải xin các loại giấy phép con theo pháp luật kinh doanh chuyên ngành nữa không?

Kiến nghị: Nếu không giải quyết được tất cả những vướng mắc về kỹ thuật nói trên thì không nên thông qua quy định về thủ tục đầu tư như trong Dự Luật.

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH - ĐẦU TƯ: GHÉP SAI NHÓM MÁU

Điều 50 quy định việc chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh ghi chung vào một Giấy: gọi là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư. Quy định này là bất hợp lý, cả về logic lẫn kỹ thuật.

Về mặt logic, hai vấn đề khác nhau (đăng ký kinh doanh là danh tính ổn định của doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư là chứng nhận các ý định rất dễ thay đổi của họ), hệ quả quản lý của hai cơ quan khác nhau (một là cơ quan ĐKKD, một là cơ quan quản lý đầu tư), không thể ghi chung vào một Giấy.

Về mặt kỹ thuật, đưa hai nội dung khác nhau nói trên vào một Giấy tưởng dễ nhưng không dễ:

- Về hình thức của Giấy: Là một cuốn sổ hay những tờ rời? Nếu là một cuốn sổ thì chỉ ĐKKD là in được, mọi chứng nhận đầu tư sau đó đều phải viết tay. Mà viết tay thì không tin học hoá được. Nếu là tờ rời thì một Giấy chẳng có ý nghĩa gì.
- Về việc cấp Giấy: Nếu đầu tư không gắn với việc thành lập doanh nghiệp thì làm sao có Giấy đăng ký kinh doanh?
- Về nội dung của Giấy: Tên dự án đầu tư phải ghi như thế nào? Địa chỉ của dự án (nếu địa chỉ không rõ, không thể xác định được hoặc nếu có nhiều địa chỉ)? Về nhà đầu tư thực hiện dự án, nếu có nhiều nhà đầu tư cùng làm một dự án, nếu có thay đổi nhà đầu tư trong quá trình thực hiện… thì ghi thế nào?...
- Về cơ quan cấp và ghi Giấy: Cơ quan ký phần đăng ký kinh doanh và cơ quan ký phần đầu tư về cấp bậc có phải tương đương nhau không? Nếu nhiều cơ quan cùng quản lý dự án đầu tư (do dự án triển khai ở nhiều địa bàn cùng lúc chẳng hạn) thì ai ký?...
- Về thu hồi Giấy: Điều 63 và 81 quy định cơ quan quản lý có thể thu hồi chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận ĐKKD - đầu tư. Vậy thu hồi như thế nào? Nếu thu Giấy do vi phạm về đăng ký kinh doanh thì mọi dự án đầu tư sẽ bị “chết” theo?

Kiến nghị: Không ghi Đầu tư và Đăng ký kinh doanh vào một Giấy. Hoạt động đầu tư, nếu vẫn cần quản lý bằng giấy tờ thì nên ghi vào một Giấy khác. Trả lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về đúng bản chất của nó (sửa đồng thời cả Dự thảo Luật Doanh nghiệp về vấn đề này).

LUẬT ĐẦU TƯ - LUẬT KINH DOANH CHUYÊN NGÀNH: ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG

Điều 48 quy định dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực đầu tư có điều kiện phải thẩm tra đầu tư. Phạm vi các lĩnh vực đầu tư có điều kiện là quá rộng và chung chung (ví dụ lĩnh vực “giải trí”, “văn hoá”…). Dự Luật không nói rõ đó là những điều kiện gì. Dự Luật cũng không xác định các điều kiện này có thay thế các điều kiện quy định tại pháp luật kinh doanh chuyên ngành hay không.

Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành đã quy định không thiếu các điều kiện mà doanh nghiệp phải tuân thủ cùng với trình tự, thủ tục để thẩm tra các điều kiện này. Ví dụ, Luật Xây dựng và Nghị định 16 đã quy định đủ các điều kiện và trình tự thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực xây dựng. Nếu pháp luật đầu tư lại quy định thêm thủ tục thẩm tra các điều kiện đầu tư thì rõ ràng là chồng chéo và không cần thiết.

Đó là chưa kể đến những bất cập trong trường hợp có sự vênh nhau giữa lĩnh vực đầu tư có điều kiện và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ, kinh doanh vận tải ô tô thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng đầu tư vào đây lại không phải là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Hệ quả là nhà đầu tư sẽ được đầu tư mua ô tô nhưng không đủ điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, và do đó đầu tư không đạt được mục đích.

Ngoài ra, về bản chất, lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Điều 29) và ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 6 Dự thảo Luật Doanh nghiệp) là khác nhau. Điều kiện của ngành nghề kinh doanh là những điều kiện gắn liền với bản chất của ngành nghề đó – vì ngành nghề đó có ảnh hưởng đến lợi ích công cộng nên phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới được tiến hành (ví dụ kinh doanh dịch vụ y tế, thiết kế kỹ thuật thì phải có kiến thức đến đâu, trang thiết bị như thế nào…). Còn lĩnh vực đầu tư có điều kiện lại là vấn đề khác. Nhà nước, căn cứ vào các điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển của từng thời kỳ mà khuyến khích (bằng các ưu đãi), cấm hay hạn chế (bằng các điều kiện) một lĩnh vực đầu tư nhất định. Có vẻ như Dự Luật đang nhầm lẫn hai khái niệm rất khác nhau này.

Kiến nghị: (i) Cần làm rõ mối quan hệ giữa lĩnh vực đầu tư có điều kiện và ngành nghề kinh doanh có điều kiện; (ii) Cần giải quyết triệt để sự chồng chéo trong thẩm tra các điều kiện giữa Luật Đầu tư và các luật kinh doanh chuyên ngành; (iii) Cần nêu rõ các điều kiện của các lĩnh vực đầu tư có điều kiện là gì.

THANH TRA ĐẦU TƯ – THÊM MỘT VÒNG KIM CÔ

Điều 86 quy định thanh tra đầu tư. Thanh tra đầu tư là thanh tra chuyên ngành, chịu trách nhiệm đảm bảo việc thực hiện các quy định về đầu tư theo Luật này. Đây phải chăng là cách để tăng cường quyền lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Trên thực tế, khó có thể tách bạch đầu tư và hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, ở Việt Nam hầu như mọi ngành nghề kinh doanh đều đã có cơ quan quản lý chuyên ngành và kèm theo đó là thanh tra chuyên ngành quản lý (thị trường, môi trường, địa chính, xây dựng, thuế, y tế, phòng cháy chữa cháy…). Với Dự Luật này thì sẽ có thêm một cơ quan thanh tra: thanh tra đầu tư, với phạm vi thanh tra bao trùm toàn bộ hoạt động đầu tư ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.

Hệ quả của quy định này sẽ là rất nặng nề. Về phía Nhà nước, không hiểu cơ quan thanh tra đầu tư sẽ làm thế nào để thanh tra cho hết hàng triệu dự án đầu tư mỗi năm? Đó là chưa kể đến những chi phí mà Ngân sách Nhà nước sẽ phải chịu để duy trì một bộ máy khổng lồ các cơ quan thanh tra đầu tư này. Về phía nhà đầu tư, khả năng bị thanh tra đầu tư phạt hoặc nhũng nhiễu sẽ là rất lớn. Nguyên nhân là do Dự Luật đặt thêm khá nhiều thủ tục hành chính mà họ phải thực hiện mỗi khi có dự án đầu tư, dù lớn dù nhỏ; những thủ tục này không đem lại lợi ích gì nên họ dễ bỏ qua. Và thế là có thể họ luôn ở trong tình trạng vi phạm pháp luật khi cơ quan thanh tra “hỏi thăm” đến.

Kiến nghị: Bỏ quy định về thanh tra đầu tư vì đã có các cơ quan thanh tra chuyên ngành thực hiện việc quản lý.

ĐẦU TƯ BẰNG VỐN NHÀ NƯỚC – LẠM DỤNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

- Điều 67 quy định những thủ tục đầu tư riêng, theo hướng quản thật chặt đối với “các dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối”. Vấn đề là ở chỗ: khái niệm về các dự án này không rõ ràng, có thể dẫn đến hệ quả là bất kỳ dự án nào - lớn hay nhỏ của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá sẽ phải chịu các thủ tục này.

Trên thực tế, ngay cả việc xác định một doanh nghiệp có vốn chi phối/cổ phần chi phối của Nhà nước hay không còn khó khăn (ví dụ: đối với Công ty cổ phần, cơ cấu vốn thay đổi liên tục). Vậy làm sao mà xác định được khi nào một dự án có vốn chi phối, cổ phần chi phối của Nhà nước? Nhà nước ở đây là ai? Vì thế, cần quy định rõ, dự án nói tại Chương VII là dự án đầu tư của doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn góp/cổ phần chi phối đến 51%.

- Liên quan đến thủ tục đầu tư các dự án có vốn chi phối/cổ phần chi phối của nhà nước, Điều 68 quy định người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải tổ chức thẩm định dự án. Vậy nếu là dự án thuộc diện phải thẩm tra đầu tư theo Điều 48 thì sẽ phải qua đến hai lần thẩm tra đầu tư? Ngoài ra quy định về thẩm tra đầu tư “nội bộ” này có thể không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp về trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp (bao gồm cả quyết định đầu tư).

- Khoản 3 Điều 67 quy định báo cáo quyết toán vốn đầu tư của dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm toán. Vậy những dự án chỉ vài trăm triệu cũng phải kiểm toán? (trong khi doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước có khi cũng không phải kiểm toán). Nên chăng quy định lại: chỉ các dự án trên 5 tỷ đồng mới phải kiểm toán.

- Khoản 2 Điều 72 quy định đối với dự án mà Nhà nước có cổ phần chi phối thì tổ chức được giao làm đại diện cổ phần chi phối nhà nước sẽ là người có quyền quyết định chủ đầu tư. Quy định này không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp: quyền quyết định chủ đầu tư trên thực tế phải thuộc về Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng cổ đông của doanh nghiệp (tuỳ từng trường hợp); cổ đông Nhà nước không thể có toàn quyền.

- Điều 74 quy định dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước từ 30% vốn trở lên phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm, xây lắp. Quy định này mang tính áp đặt, hạn chế quyền chủ động của doanh nghiệp bởi không phải lúc nào phương thức đấu thầu cũng là phù hợp.

Kiến nghị: Các quy định về dự án đầu tư có vốn Nhà nước cần tuân thủ các nguyên tắc về quyền tự chủ trong kinh doanh và quy tắc quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp.

QUYỀN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ – XIN ĐỪNG THẤT HỨA

Chương II, III Dự Luật ghi nhận khá nhiều quyền cho tất cả các nhà đầu tư. Điều này chắc chắn làm nhiều nhà đầu tư phấn khởi, từ đó thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư. Nhưng các nhà soạn thảo Dự Luật liệu đã dự tính hết các khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt chưa?

Ví dụ Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại liệu có đủ ngoại tệ tự do chuyển đổi và giữ không phá giá đồng nội tệ để đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhà đầu tư về:
- Nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc thiết bị để sản xuất hàng tiêu dùng;
- Thanh toán cho việc cung cấp kỹ thuật và dịch vụ,…;
- Chuyển lợi nhuận, lãi và gốc vốn vay ra nước ngoài;
- Vốn đầu tư và các khoản thanh lý đầu tư;
- Các khoản tiền và tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư…

Thực tế, các quy định về bảo đảm đầu tư và các quyền của nhà đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dự liệu đầy đủ cho việc thực thi các bảo đảm đó. Nếu không Nhà nước sẽ là người “thất hứa”, hệ quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Kiến nghị: Cần xem xét nghiêm túc về khả năng thực thi các quy định về bảo hộ đầu tư, về quyền của nhà đầu tư

ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ – GHI HAY KHÔNG GHI?

Điều 38 quy định về thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư. Có ý kiến cho rằng mọi ưu đãi phải được ghi ngay vào Giấy chứng nhận đầu tư để nhà đầu tư yên tâm. Có ý kiến ngược lại nói rằng không nên ghi trước, cứ để đến khi thực hiện đầu tư, đạt được điều kiện ưu đãi nào thì xin ưu đãi đó.

Lẽ ra việc ghi hay không ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cần căn cứ vào loại ưu đãi.
- Đối với những loại nào mà Luật quy định các điều kiện rõ ràng, cứ thoả mãn các điều kiện thì nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi thì không cần ghi. Cũng không cần Giấy chứng nhận ưu đãi làm gì. Ghi đại trà, mỗi dự án đầu tư lại ghi thì sẽ ghi không xuể. Ngoài ra, ghi cũng sẽ là vô nghĩa vì quá trình thực hiện đầu tư có thể thay đổi, từ được ưu đãi sang không được ưu đãi, từ mức ưu đãi này chuyển sang mức ưu đãi khác, không lẽ cứ chỉnh sửa thường xuyên nội dung Giấy chứng nhận ưu đãi?
- Đối với những ưu đãi là cam kết cụ thể của Nhà nước đối với một nhà đầu tư nhất định (đổi lại nhà đầu tư cũng có cam kết riêng với Nhà nước) thì nên ghi rõ trong Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng điều mà doanh nghiệp quan tâm không phải là những tuyên bố mang tính chính sách trong Luật mà là những bảo hộ, ưu đãi trong thực tế mà họ được hưởng. Nói cách khác, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực thi các biện pháp ưu đãi, bảo hộ này.

Các văn bản liên quan