VCCI góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

Thứ Sáu 09:58 13-10-2017

Kính gửi: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ

        Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 2945/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Yêu cầu nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng (Chương II)
  2. Về yêu cầu chung

Điều 5 Dự thảo quy định yêu cầu chung đối với thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải có “tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm” (khoản 2).

Đây là điều kiện không mới so với quy định tại Thông tư 23. Trong các Công văn trước đây, VCCI đã có ý kiến về điều kiện này, cụ thể:

Tiêu chí về tuổi thiết bị (dù là áp dụng chung cho tất cả các loại máy móc, thiết bị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất chuyên ngành hay tuổi riêng cho máy móc thiết bị từng ngành) là khiên cưỡng và bất hợp lý. Lý do chủ yếu là tuổi máy móc, thiết bị không phản ánh nguy cơ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng của máy móc thiết bị. Một lý do khác là việc phân ngành tất cả các loại máy móc thiết bị là không khả thi, bởi một ngành có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau, nhiều loại thiết bị, máy móc khác nhau mà tác động của “tuổi” đến các lợi ích công không giống nhau.

Từ quan điểm trên, VCCI cho rằng tiêu chí duy nhất phù hợp trong trường hợp này phải là tiêu chí về chất lượng còn lại của máy móc thiết bị, thông qua quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng[1].

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh khoản 2 Điều 5 Dự thảo theo hướng bỏ quy định hiện tại (về tuổi thiết bị), thay thế bằng quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng.

  1. Về yêu cầu đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư (Điều 7)

Dự thảo đưa ra 3 phương án về điều kiện nhập khẩu đối với nhóm thiết bị này, trong đó có chung điều kiện “ở trạng thái vận hành, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo quy định của QCVN, TCVN hoặc tiêu chuẩn của các nước G7” và khác nhau về điều kiện còn lại:

  • Phương án 1: Các thiết bị chính của dây chuyền công nghệ có tuổi không quá 20 năm
  • Phương án 2: Các thiết bị chính của dây chuyền sản xuất có tuổi thọ còn lại không ít hơn 10 năm so với thiết kế
  • Phương án 3: Chất lượng còn lại của các thiết bị chính từ 75% trở lên

Như phân tích ở trên, điều kiện về tuổi của thiết bị là không hợp lý, do đó yêu cầu đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư theo phương án 3 là phù hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ % theo đề xuất là quá cao, đề nghị cân nhắc hạ mức tỷ lệ này xuống (có thể là 50%).

  1. Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư (Điều 10)

Điều 10 Dự thảo quy định về thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư theo đó chia làm 2 bước:

  • Bước 1: Ở giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư
  • Bước 2: Ở giai đoạn quyết định đầu tư

Thủ tục này liên quan đến thủ tục đầu tư quy định tại pháp luật về đầu tư, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  • Về yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư trong thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư

Điều 33 Luật đầu tư 2014, Điều 31-33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP[2] quy định cụ thể, chi tiết về hồ sơ cũng như thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có hướng dẫn về tài liệu liên quan đến công nghệ được sử dụng trong dự án đầu tư, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp các công nghệ hạn chế chuyển giao. Điều này được hiểu, đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký đầu tư sẽ không xem xét về máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong dự án đầu tư nếu không phải thuộc trường hợp các công nghệ được chuyển giao.

Do đó, việc Dự thảo yêu cầu bổ sung thêm tài liệu trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với Luật đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  • Yêu cầu thêm thủ tục trong trường hợp không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư

Dự thảo quy định, trong trường hợp dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục xin ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể như sau:

  • Hồ sơ: i) Văn bản đề nghị có ý kiến về công nghệ, thiết bị nhập khẩu đầu tư dự án kèm theo cam kết thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu đáp ứng yêu cầu của Dự thảo; ii) Phương án đầu tư, bản chính; iii) Danh mục thiết bị đã qua sử dụng kèm theo các thông số kỹ thuật cơ bản (tên, xuất xứ, năm sản xuất, mục đích, số lượng, giá trị còn lại, công suất/hiệu suất/kích cỡ);
  • Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến sơ bộ về công nghệ và thiết bị gửi chủ đầu tư bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ

Quy định trên có lẽ là chưa phù hợp, ít nhất ở 02 điểm:

  • Chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư:

Theo quy định tại Luật đầu tư 2014, Nghị định 118/2015/NĐ-CP đối với các dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì chỉ những dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài (quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư) mới phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án đầu tư còn lại không phải thực hiện bất kì thủ tục đầu tư nào trước khi thực hiện dự án đầu tư. Việc Dự thảo bổ sung thêm thủ tục hành chính yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư cho tất cả các trường hợp không thuộc diện xin chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư, đồng thời tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này để đảm bảo tính thống nhất với pháp luật đầu tư;

  • Chưa hợp lý và không gắn với mục đích kiểm soát:

Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “phương án đầu tư”. Điều này là chưa hợp lý (bởi không rõ cơ quan nhà nước sẽ xem xét yếu tố gì trong tài liệu này để cho ý kiến về thiết bị đã qua sử dụng sẽ được sử dụng trong dự án đầu tư?) và không phục vụ mục đích liên quan (tài liệu này không phản ánh về các yêu cầu, điều kiện về thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu quy định tại Điều 6 Dự thảo).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ yêu cầu phải có “phương án đầu tư, bản chính” trong hồ sơ xin ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ.

  • Về thủ tục ở giai đoạn quyết định đầu tư

Dự thảo quy định trước khi nhập khẩu 30 ngày, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ nhập khẩu về Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có “Hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan (nếu có)”. Việc yêu cầu hồ sơ hải quan trong giai đoạn xin giấy phép nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa hợp lý và ít ý nghĩa bởi:

  • Hồ sơ nhập khẩu theo pháp luật hải quan không thể hiện các thông tin liên quan tới điều kiện nhập khẩu mà thiết bị đã qua sử dụng phải đáp ứng (vì vậy không phục vụ cho việc kiểm soát này)
  • Các giấy tờ khác trong hồ sơ xin cấp phép đã đủ để chứng minh thiết bị nhập khẩu có đáp ứng điều kiện hay không rồi

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định phải có “hồ sơ nhập khẩu theo quy định tại Luật hải quan” trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu.

  1. Về tổ chức giám định (Điều 12)

Điểm b khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định về điều kiện của tổ chức giám định. Đây được xem là một loại điều kiện kinh doanh và vì vậy quy định về vấn đề này tại văn bản cấp Thông tư là chưa phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014. Hơn nữa, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Dự thảo cũng không phù hợp với điều kiện về thương nhân cung cấp dịch vụ giám định quy định tại Điều 257 Luật Thương mại 2005.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Dự thảo.

  1. Trường hợp đặc biệt (Điều 15)

Điều 15 Dự thảo quy định về trường hợp ngoại lệ cho các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu. Theo đó các Bộ sẽ xem xét từng trường hợp và quyết định chấp thuận hay không.

Quy định này cần xem xét các vấn đề sau:

  • Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 1 Dự thảo, có trường hợp ngoại lệ cho các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, nhưng thẩm quyền quyết định là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều 15 quy định thẩm quyền thuộc Bộ là chưa thống nhất trong chính các quy định của Dự thảo;
  • Bản thân quy định về trường hợp đặc biệt này còn thiếu rõ ràng ở các tiêu chí để được “xem xét”. Ví dụ tiêu chí “có công nghệ sản xuất phức tạp, chịu tác động của thời gian, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường” là tiêu chí quá mơ hồ, chung chung, phụ thuộc hoàn toàn vào quyền quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, quy định “không xem xét” ở đây là không rõ ràng, đề nghị quy định lại theo hướng “Không áp dụng quy định tại khoản 1 đối với các trường hợp sau:…”.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét các vấn đề trên để điều chỉnh quy định phù hợp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

[1] Công văn số 2280/PTM-PC của VCCI ngày 22/9/2015 góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Công văn số 0845/PTM-PC của VCCI ngày 18/4/2017 về thực hiện Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ

[2] Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật đầu tư 2014