VCCI góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính

Thứ Sáu 15:18 09-03-2018

Kính gửi: Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính

                                                                     Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 229/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Hồ sơ) là đầy đủ, nêu bật được các chính sách sẽ dự kiến sửa đổi. Các chính sách được xây dựng dựa trên việc nhận diện rõ ràng những vướng mắc, bất cập trên thực tế và các giải pháp giải quyết hợp lý các bất cập này.

Bên cạnh những điểm tích cực trên, để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về giải quyết các vướng mắc trên thực tiễn

Một trong những quan điểm xây dựng Luật là “sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trực tiếp đến các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thông qua việc tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong những năm qua” (điểm 2.c, Mục II Tờ trình). Tờ trình cũng đã nêu ra những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn của các quy định hiện hành và đề xuất hướng sửa đổi.

Tuy nhiên, trong Đề nghị xây dựng luật cũng như Đề cương Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), một số vướng mắc, bất cập đã được nêu trong Tờ trình lại không được đề cập đến và xử lý bằng chính sách tương ứng. Trong một số trường hợp khác, Đề cương nêu giải pháp sửa đổi nhưng Tờ trình lại không giải thích cụ thể thực tế thi hành đã xảy ra bất cập gì tới mức cần thiết phải sửa đổi. Sau đây là một số ví dụ:

  • Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Điểm 2.1.b, Mục I Tờ trình có nêu vướng mắc liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trong đó nội dung “cần nghiên cứu kéo dài thời gian tiến hành một số công việc mà hiện nay Luật quy định thời hạn thực hiện quá ngắn, ví dụ: … thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, trong mục đề xuất các chính sách sửa đổi, bổ sung tại Tờ trình cũng như các điều khoản dự kiến sửa đổi trong Đề cương xây dựng Luật không thấy đề cập đến việc sẽ sửa đổi về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 66 Luật hiện hành.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung và Đề cương xây dựng Luật để đảm bảo tính nhất quán trong quan điểm xây dựng Luật.

  • Thủ tục giải trình tại Luật xử lý vi phạm hành chính

Điểm 2.1.b Mục I Tờ trình có nêu: một trong những nguyên nhân khiến cho thủ tục giải trình tại Luật chưa được thực hiện một cách nghiêm túc là “thiếu các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Trong khi đó, Điều 61 Luật hiện hành có quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, nhất là trường hợp giải trình trực tiếp. Không rõ Điều 61 cũng như các quy định tại Luật hiện hành thiếu quy định nào liên quan đến trình tự, thủ tục, và việc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Để đảm bảo xác định chính xác vướng mắc trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung về vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục giải trình ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo chiều ngược lại, cần chú ý rằng, Điều 61 Luật hiện hành  mặc dù có quy định về thủ tục giải trình, nhưng lại không quy định rõ về nội dung giải trình, căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải trình và việc giải trình này có tác động như thế nào đến việc xác định mức phạt trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung những vấn đề này để phân tích và bổ sung vào chính sách sửa đổi.

  1. Chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính

Một trong những giải pháp đề xuất để giải quyết vướng mắc liên quan đến triển khai Điều 64 Luật xử phạt vi phạm hành chính là “mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, không chỉ “cơ quan người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính” được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường như quy định hiện nay tại khoản 1 Điều 64 Luật xử phạt vi phạm hành chính” (điểm 2.1.b Tờ trình).

Về vấn đề này, cần lưu ý rằng việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính một mặt có thể giúp tăng hiệu quả công tác phát hiện, nhưng mặt khác lại có tác động đáng kể đến các quyền của cá nhân, tổ chức. Vì vậy đề xuất chính sách này cần được đánh giá một cách thận trọng, ít nhất ở các vấn đề cơ bản như: các chủ thể nào được phép sử dụng ngoài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền? nguy cơ quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm ra sao, sẽ được hạn chế bằng cách nào? phạm vi được quyền sử dụng là gì; …

Hiện Báo cáo đánh giá tác động chưa có đánh giá nào về những vấn đề quan trọng này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các đánh giá về đề xuất mở rộng chủ thể sử dụng phương tiện kĩ thuật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

  1. Một số góp ý khác
  • Về giải pháp chính sách

Phần III (Mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách) trong đề nghị xây dựng Luật tại Tờ trìnhđề cập về các chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung. Trong mỗi chính sách đề xuất có các nội dung về “nội dung chính sách”, “mục tiêu chính sách”; “giải pháp thực hiện chính sách”. Nội dung về “mục tiêu chính sách” là rõ ràng và hợp lý, tuy nhiên nội dung về “giải pháp thực hiện chính sách” lại khá chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc.

Ví dụ: Chính sách 2 về áp dụng biện pháp xử lý hành chính, các giải pháp thực hiện chính sách bao gồm:

“Nghiên cứu quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng một số nội dung về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, bao gồm:

+ Điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

+ Nghiên cứu về sự phù hợp của các quy định về các biện pháp xử lý hành chính quy định trong Luật XLVPHC với các quy định của Bộ luật hình sự.

+ Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy”.

Giải pháp trên không rõ là “điều kiện nào thì áp dụng các biện pháp xử lý hành chính”; trình tự, thủ tục áp dụng theo hướng như thế nào? Những điểm nào chưa phù hợp giữa Luật xử lý vi phạm hành chính với các quy định của Bộ luật hình sự? Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy để đưa đến giải pháp gì?

Tóm lại, nội dung của giải pháp thực hiện chính sách chưa đủ rõ ràng để có thể đánh giá các chính sách đặt ra có khả thi, hợp lý hay không?

Để đảm bảo chính sách rõ ràng, và có thể đánh giá được tính khả thi, hợp lý của các chính sách được đề xuất, đề nghị Ban soạn thảo rà lại tất cả các chính sách và bổ sung nội dung cụ thể, rõ ràng hơn, ít nhất là giải quyết các vấn đề nêu ở trên.

  • Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh

Khoản 3 Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “mức phạt tiền tối đa trong … hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng”. Trong khi đó, Luật cạnh tranh quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính đang bỏ sót việc xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung về mức phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.