VCCI góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu.

Thứ Sáu 09:47 08-09-2017

Kính gửi: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 5715/BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 34/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về phương thức kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu và lấy mẫu thử nghiệm, lưu mẫu (khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư 34)

So với Thông tư 34, Dự thảo đã có sửa đổi đáng kể phương thức kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu, đó là thay vì kiểm tra bằng phương thức kiểm tra chặt toàn bộ các lô hàng thì Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung thêm các phương thức kiểm tra thông thường, giảm. Đây là sự thay đổi theo hướng tích cực, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần cầu thị rất đáng hoan nghênh từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang là vấn đề nổi cộm, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách, thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  • Về nguyên tắc áp dụng các phương thức kiểm tra

Theo quy đinh tại Dự thảo, có 3 phương thức kiểm tra sẽ được áp dụng, đó là: chặt, thông thường và giảm. Phương thức kiểm tra chặt chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể được liệt kê, phương thức kiểm tra giảm chỉ áp dụng các các trường hợp đáp ứng điều kiện. Như vậy, suy đoán phương thức kiểm tra thông thường sẽ được áp dụng cho tất cả trường hợp còn lại?

Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định rõ ràng về việc áp dụng phương thức kiểm tra thông thường đối với tất cả các trường hợp không thuộc phương thức kiểm tra chặt và kiểm tra giảm.

Do đó, để đảm bảo sự rõ ràng, cụ thể trong việc áp dụng các phương thức kiểm tra, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc áp dụng như sau:

  • Phương thức kiểm tra chặt và kiểm tra giảm được áp dụng trong các trường hợp quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 6
  • Phương thức kiểm tra thông thường sẽ được áp dụng cho các trường hợp còn lại
  • Về phạm vi hàng hóa được chuyển từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường

Theo quy định tại Dự thảo thì “trường hợp thử nghiệm mẫu của hai (02) lô hàng muối nhập khẩu kiểm tra liên tiếp có kết quả đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu thì lô hàng muối nhập khẩu tiếp theo cùng loại, cùng xuất xứ được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường”.

Quy định trên được hiểu phương thức kiểm tra sẽ áp dụng dựa vào lịch sử của lô hàng chứ không phải lịch sử nhập khẩu của doanh nghiệp. Tức là, nếu một lô hàng muối nhập khẩu đạt chất lượng của hai lần liên tiếp thì lần nhập khẩu sau, đúng chủng loại, xuất xứ của loại muối đó, doanh nghiệp mới được áp dụng phương pháp kiểm tra thông thường, còn nhập khẩu chủng loại muối khác, xuất xứ khác, vẫn phải bị kiểm tra chặt. Như vậy, đơn giản hóa thủ tục thông quan vẫn chưa thực sự tiếp cận tới doanh nghiệp đối với các trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng muối với nhiều chủng loại, xuất xứ khác nhau.

Về mặt thực tiễn, việc áp dụng phương pháp quản lý chặt là nhằm ngăn chặn rủi ro từ những doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm. Như vậy, đối tượng cần kiểm soát để phục vụ mục tiêu này nên là lịch sử hoạt động nhập khẩu hàng hóa nói chung của doanh nghiệp thay vì đánh giá lịch sử nhập khẩu của từng loại hàng hóa theo từng chủng loại, xuất xứ. Bởi suy đoán, một doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt hoạt động nhập khẩu thì dù nhập khẩu loại hàng hóa nào, họ cũng sẽ chấp hành tốt. Đây là cách hiểu đã được thống nhất chung trong thông lệ quốc tế về phương pháp “quản lý rủi ro”, cũng đang được áp dụng bởi cơ quan hải quan Việt Nam.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định về trường hợp chuyển từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường như sau: Trường hợp thử nghiệm mẫu của hai (02) lô hàng muối nhập khẩu kiểm tra liên tiếp có kết quả đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu thì lô hàng muối tiếp theo được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường (tức là bỏ quy định áp dụng chuyển phương thức kiểm tra theo đúng chủng loại, xuất xứ sản phẩm).

  • Về điều kiện áp dụng phương thức kiểm tra giảm

Theo Dự thảo, để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp tại các ngày khác nhau trong vòng 12 tháng đối với lô hàng muối nhập khẩu cùng loại, cùng xuất xứ theo phương thức kiểm tra thông thường; và
  • Đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có)

Khi đạt được đồng thời cả hai điều kiện này thì lô hàng muối nhập khẩu tiếp theo cùng loại, cùng xuất xứ của doanh nghiệp mới được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.

Quy định về điều kiện kiểm tra giảm nói trên có một số bất cập:

  • Yêu cầu doanh nghiệp đồng thời đáp ứng hai yêu cầu trên là quá khắt khe. Việc doanh nghiệp đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp có thể chứng minh được ý thức chấp hành pháp luât tốt của doanh nghiệp và thuộc đối tượng ít rủi ro.

Hơn nữa, việc kèm theo điều kiện đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra khiến cho việc xác định doanh nghiệp thuộc phương thức kiểm tra giảm trở nên phức tạp, vì nguồn thông tin này phải lấy từ các cơ quan quản lý chuyên ngành, và liệu doanh nghiệp có phải chứng minh hoặc xuất trình giấy tờ gì thêm để cơ quan hải quan nhận biết đáp ứng điều kiện này không?

  • Góp ý tương tự như trên về việc xác định điều kiện dựa vào lịch sử chấp hành tốt của chủng loại, xuất xứ của lô hàng nhập khẩu mà không phải là chủ thể nhập khẩu;

Để vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm theo hướng:

  • Điều kiện: được cơ quan kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp tại các ngày khác nhau trong vòng 12 tháng (tức là bỏ điều kiện về thanh tra, kiểm tra)
  • Đối tưởng hưởng: lô hàng muối nhập khẩu tiếp theo (tức là bỏ giới hạn về lô hàng cùng xuất xứ, chủng loại) .
  • Về thời hạn áp dụng phương thức kiểm tra giảm

Dự thảo quy định “phương thức kiểm tra giảm chỉ áp dụng tối đa trong thời gian 12 tháng kể từ khi được áp dụng phương thức kiểm tra giảm” (đoạn 4 điểm c khoản 1 Điều 6 được sửa đổi). Quy định thời hạn 12 tháng này dường như là không thích hợp bởi:

  • Theo quy định tại Dự thảo, để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện: hoặc đã được chứng nhận chất lượng muối nhập khẩu của nước xuất khẩu (điều này đã chứng minh được chất lượng muối nhập khẩu là đạt yêu cầu) hoặc được cơ quan kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp tại các ngày khác nhau trong vòng 12 tháng trước đó (điều này đã chứng minh lịch sử chấp hành tốt pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu). Với những doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện trên, có nghĩa họ sẽ thuộc trường hợp ít vi phạm và không cần kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng có nhiều nguy cơ.
  • Thời hạn 12 tháng là ngắn, vì nếu hết thời hạn này, doanh nghiệp phải quay trở lại từ đầu (phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt hoặc thông thường tùy trường hợp), sau đó phải trải qua các điều kiện cụ thể tương ứng rồi mới được xem xét áp dụng phương thức kiểm tra giảm. Như vậy, nếu doanh nghiệp có số lần nhập khẩu ít trong một năm nhưng chấp hành tốt các yêu cầu mỗi lần nhập khẩu thì vô hình trung sẽ không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ phương thức kiểm tra giảm. Nói cách khác, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng phương thức kiểm tra giảm chưa thực sự đạt được với quy định về thời hạn này.
  • Việc quy định thời hạn cứng cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc xử lý doanh nghiệp vi phạm về chất lượng muối nhập khẩu trong thời hạn 12 tháng này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định về thời hạn phương thức kiểm tra giảm theo hướng

  • Bỏ quy định về thời hạn áp dụng phương thức kiểm tra giảm cố định;
  • Thay thế bằng quy định: doanh nghiệp tự động bị áp dụng phương thức kiểm tra chặt/thông thường (tùy trường hợp) nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra theo quy định phát hiện có vi phạm chất lượng muối nhập khẩu
  1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu (khoản 5 Điều 1 Dự thảo bổ sung thêm điểm h khoản 2 Điều 8 Thông tư 34)

Dự thảo bổ sung thêm tài liệu đối với hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu đó là “Giấy chứng nhận hợp quy đối với muối thực phẩm nhập khẩu do Cục An toàn thực phẩm cấp (nếu có)”.

Đề nghị Ban soạn thảo kiểm tra lại tên gọi của loại tài liệu này, bởi vì theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP[1] không có tên giấy chứng nhận này mà là Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy.

  1. Về sự tham gia của các tổ chức chứng nhận sự phù hợp vào hoạt động kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu

Thông tư 34 quy định, hoạt động kiểm tra sản phẩm muối nhập khẩu sẽ do Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện (Điều 11). Như vậy, hoạt động xác nhận sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật của muối nhập khẩu hoàn toàn do cơ quan nhà nước thực hiện.

Trong khi đó, trên thực tế, trong rất nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm khác, các Bộ chuyên ngành không thực hiện việc kiểm tra chất lượng và xác nhận mà chỉ định các tổ chức chứng nhận sự phù hợp để thực hiện công việc này. Cụ thể, các tổ chức chứng nhận sự phù hợp được cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ định sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra, xác nhận sự phù hợp của sản phẩm hàng hóa với các quy chuẩn kỹ thuật và cơ quan quản lý nhà nước sẽ dựa vào sự chứng nhận này để cho phép thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Cách thức này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường (Nhà nước chuyển giao những hoạt động mà tư nhân có thể làm được) và mục tiêu cải cách thủ tục kiểm tra chuyển ngành của Chính phủ (giảm gánh nặng trong thực hiện thủ tục hành chính của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước). Còn chất lượng công việc và trách nhiệm của các tổ chức chứng nhận sự phù hợp thì.đã được kiểm soát bằng các điều kiện kinh doanh theo pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như thông qua việc kiểm soát của chính Bộ chuyên ngành khi xem xét chỉ định tổ chưc chức nhận sự phù hợp đối với hoạt động này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu theo hướng: Việc kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu trong quy trình này sẽ do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện và cơ quan quản lý nhà nước sẽ dựa vào kết quả chứng nhận này để quyết định thông quan hàng hóa.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 34/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật an toàn thực phẩm