VCCI góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với mặt hàng dung môi N- Hexan

Thứ Năm 16:14 24-12-2015

Số:   3330
/PTM-PC

Vv góp ý chính sách thuế đối với
dung môi n-hexane

                       Hà Nội, ngày 24  tháng 12 năm 2015

Kính
gửi: Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số
18487/BTC-CST của Bộ tài chính về việc lấy ý kiến về chính sách thuế nhập khẩu
và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng dung môi n-hexane, Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

1.
Về
thuế nhập khẩu đối với n-hexane

N-hexane là loại dung
môi công nghiệp được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như sản xuất các loại
keo dán cho sản phẩm da, làm sơn, làm sạch, tẩy nhờn hoặc dùng để sản xuất dầu
đậu nành (đậu tương).

Tham khảo ý kiến của một
số chuyên gia công nghệ thực phẩm, VCCI được biết, n-hexane được sử dụng để sản
xuất dầu đậu nành theo quy trình (i) N-hexane được trộn vào đậu nành nghiền để
hòa tan các chất béo thực vật; (ii) Hỗn hợp chất béo hòa tan được lọc để tách phần
dịch lỏng (gồm n-hexane và dầu) và phần bã (khô dầu đậu tương); (ii) Phần dịch
lỏng được gia nhiệt để tách toàn bộ n-hexane và chỉ còn lại dầu thực vật thành
phẩm (n-hexane được coi là hóa chất có hại cho sức khỏe nên không được có dư lượng
trong dầu thành phẩm) và (iv) N-hexane sau đó được quay vòng trong quá trình sản
xuất.

Nếu quá trình sản xuất
tại công ty Quang Minh cũng theo như mô tả trên thì có thể kết luận N-hexane là
dung môi được sử dụng quay vòng trong quá trình sản
xuất. Vì nhiều lý do, N-hexane có thể sẽ bị thất thoát trong quá trình sản xuất,
song đây chỉ là nguyên liệu thứ yếu (thực chất là dung môi, chứ không phải
nguyên liệu) trong quá trình sản xuất dầu thực vật và khô dầu đậu tương.

Theo Công văn của Bộ
Tài chính thì việc tách mã và giảm thuế nhập khẩu đối với n-hexane là để bảo đảm
nguyên tắc thuế nhập khẩu nguyên liệu
không cao hơn thuế thành phẩm
. Và về mặt logic thì nếu n-hexane là nguyên
liệu thì cần đánh thuế thấp hơn thành phẩm (là dầu thực vật). Tuy nhiên nếu
phân tích về quy trình sản xuất ở trên là đúng thì n-hexane không thể coi là
nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ra dầu thực vật mà chỉ là dung môi, chất xúc
tác cần thiết cho quá trình sản xuất dầu thực vật.

Ngoài ra, ngay cả khi n-hexane
là nguyên liệu chính sản xuất ra dầu thực vật thì việc áp dụng nguyên tắc thuế nhập khẩu nguyên liệu không cao hơn thuế
thành
phẩm cũng cần được xem xét cẩn trọng. Cụ thể:

VCCI hiểu rằng nguyên tắc
này được đặt ra nhằm mục đích hỗ trợ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây không
phải là nguyên tắc pháp định (quy định rõ trong pháp luật) mà là nguyên tắc áp
dụng cho quá trình cân nhắc về mức thuế suất. Và đây chỉ là một trong nhiều
nguyên tắc cần được xem xét khi xác định các mức thuế liên quan (chứ không phải
nguyên tắc duy nhất). Vì vậy, nếu trong trường hợp này chỉ sử dụng nguyên tắc
này, từ đó áp dụng thuế suất thấp hơn đối với n-hexane nhập khẩu để sản xuất dầu
thực vật và khô dầu đậu tương mà không áp dụng đối với n-hexane nhập khẩu vì mục
đích khác thì có thể sẽ dẫn tới các hệ quả bất hợp lý: (1) đánh thuế không công
bằng giữa các đối tượng, (2) chi phí bỏ ra cho thực thi quá cao so với lợi ích
thu được và (3) can thiệp quá mức vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Cụ thể
như sau:


Nguyên
tắc đánh thuế công bằng

Theo phương pháp quản
lý mà Bộ Tài chính đề xuất trong công văn lấy ý kiến, thuế suất nhập khẩu đối với
dung môi n-hexane dùng làm dầu thực vật là 2% trong khi đó thuế suất nhập khẩu
đối với n-hexane dùng làm mục đích khác vẫn duy trì 20%. Mức chênh lệch thuế
quá cao giữa cùng một loại sản phẩm, chỉ vì mục tiêu sử dụng khác nhau là không
công bằng giữa các nhà nhập khẩu cùng một loại hàng hóa. Hơn nữa, đây cũng chắc
chắn sẽ là cơ sở dẫn tới nảy sinh gian lận trong quá trình thực thi.

Cần chú ý rằng phần lớn
các dòng thuế hiện nay được miêu tả theo bản chất của hàng hóa chứ không theo mục
tiêu sử dụng (gần đây một số các sản phẩm trước được miêu tả theo mục tiêu sử dụng
ví dụ hạt nhựa, sản phẩm hóa dầu cũng đã được sửa để bỏ mục tiêu sử dụng).


Nguyên
tắc chi phí nhỏ hơn lợi ích

Để tránh việc nhập khẩu
n-hexane sử dụng vào mục đích khác được áp dụng thuế suất 2%, Cơ quan soạn thảo
dự định sẽ yêu cầu các nhà máy sản xuất dầu thực vật phải thực hiện thêm các
nghĩa vụ, gồm: (1) khai báo quy mô sản xuất/nhu cầu sử dụng hàng năm trước khi
nhập khẩu lô hàng đầu tiên; (2) khai báo lại khi có thay đổi thông tin; (3) nộp
thêm Danh mục hàng hóa và Phiếu theo dõi trừ lùi khi làm thủ tục hải quan; (4)
báo cáo tình hình sử dụng n-hexane cho cơ quan hải quan và Bộ Thông tin và truyền
thông. Các yêu cầu này đều làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí quản lý,
theo dõi, kiểm soát của bộ máy Nhà nước.

Mặc dù phương pháp quản
lý phức tạp và chi phí lớn như vậy, song các lợi ích mang lại chưa được làm rõ.
Liệu quy định này có khuyến khích được sản xuất dầu thực vật và khô dầu đậu
tương trong nước không? Số tiền thuế nhập khẩu thu được từ n-hexane nhập khẩu để
sử dụng cho mục đích khác (chênh lệch 18%) dự tính là bao nhiêu? Đề nghị cơ
quan soạn thảo làm rõ các dự liệu về chi phí và lợi ích này trước khi quyết định
chính sách.


Nguyên
tắc nhà nước không can thiệp quá mức vào quyền tự quyết của doanh nghiệp

Việc yêu cầu doanh nghiệp
phải đăng ký công suất/nhu cầu hay báo cáo việc sử dụng nguyên liệu sản xuất dường
như là không khả thi và can thiệp quá mức vào quyền tự quyết các hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp (Ví dụ: Ai sẽ kiểm tra lại các thông tin đăng ký và báo
cáo của doanh nghiệp là chính xác? Nếu doanh nghiệp thay đổi kế hoạch kinh
doanh dẫn đến tăng hoặc giảm sản lượng thì lại phải đăng ký lại với cơ quan nhà
nước và có thể sẽ không được chấp nhận? Nếu doanh nghiệp cải tiến quy trình dẫn
đến giảm lượng tiêu thụ n-hexane thì cũng phải xin phép? Nếu doanh nghiệp thấy
giá n-hexane trên thị trường thế giới năm nay thấp và dự đoán năm sau sẽ tăng,
họ nhập khẩu sớm về và lưu trong kho để tiết kiệm chi phí cũng không được? Đối
tác xuất khẩu n-hexane chỉ xuất khẩu theo lô mà nếu doanh nghiệp mua cả lô thì
sẽ vượt quá công suất đã đăng ký cũng không được phép?). Tất nhiên, vì mục tiêu
nhận được mức thuế suất thấp, doanh nghiệp có thể sẽ chấp nhận những yêu cầu
này của cơ quan Nhà nước. Mặc dù vậy, về logic, Nhà nước không nên và không thể
thực hiện các hoạt động này một cách hiệu quả.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo
nghiên cứu, xử lý theo hướng sau:


Bảo đảm rằng việc phân loại thuế suất chỉ
dựa trên đặc tính của hàng hóa, mà không căn cứ vào mục đích sử dụng. Thuế đối
với n-hexane dùng để sản xuất dầu thực vật cũng phải bằng với thuế đối với
n-hexane dùng làm các mục đích khác. Long thời bỏ toàn bộ các biện pháp kiểm
soát sau nhập khẩu.


Nghiên cứu thêm các mục đích sử dụng
khác của n-hexane như dùng làm sơn, làm keo dán… để xem xét có cần thiết phải khuyến
khích sản xuất trong lĩnh vực này không. Nếu nhận thấy các mục đích sử dụng
khác của n-hexane cũng cần được khuyến khích thì có thể tiến hành tách mã và giảm
thuế cho toàn bộ n-hexane nhập khẩu mà không cần phân biệt mục đích sử dụng.

2.
Về
thuế giá trị gia tăng đối với n-hexane

VCCI đồng ý với giải
trình của cơ quan soạn thảo. Hiện nay chưa có căn cứ thỏa đáng để giảm thuế giá
trị gia tăng đối với n-hexane.

Trên đây là một số ý kiến
ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chính sách thuế đối với
dung môi n-hexane. Kính mong Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp
tác của Quý Cơ quan./.