VCCI Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Thứ Ba 10:43 08-05-2018

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

       Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 2227/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

Dự thảo này hướng dẫn chi tiết thi hành Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về việc tổ chức lại, thu hồi, thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân, vì vậy các quy định cần rõ ràng, cụ thể để đảm bảo có thể thi hành được ngay khi ban hành.

Rà soát Dự thảo cho thấy về cơ bản các quy định hiện đáp ứng được yêu cầu này, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

  1. Về việc công bố thông tin của quỹ tín dụng nhân dân

Theo quy định tại Dự thảo thì các thông tin liên quan đến việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân (Điều 10) và việc thu hồi giấy phép hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (Điều 20) phải được công khai theo các hình thức như công bố trên tờ báo in, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, phòng giao dịch, trụ sở của quỹ tín dụng nhân dân.

Trên thực tế, đây đều là các phương thức công bố thông tin truyền thống mà hiện không còn nhiều hiệu quả, vì số người tiếp cận được thông tin là tương đối hạn chế.

Trong khi đó, những thông tin trên là quan trọng, tác động lớn đến quyền lợi của nhiều chủ thể có liên quan. Để đảm bảo tính hiệu quả cũng như phù hợp với thực tế, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định các thông tin trên phải được đăng tải trên website chính thức của cơ quan nhà nước quản lý liên quan.

  1. Thời điểm văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực

Dự thảo có nhiều quy định về thời hạn các chủ thể phải hoàn thành các bước thủ tục trong quá trình tổ chức lại, thanh lý tài sản, trong đó căn cứ để xác định thời hạn là ngày văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước “có hiệu lực”, ví dụ:

  • Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày văn bản chấp thuận nguyên tắc tổ chức lại có hiệu lực, Hội đồng tổ chức lại hoàn thiện hồ sơ và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (điểm b khoản 2 Điều 13);
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày văn bản chấp thuận giải thể có hiệu lực thi hành, quỹ tín dụng nhân dân phải thành lập Hội đồng thanh lý và tiến hành thanh lý tài sản … (điểm a khoản 2 Điều 17)

Tuy nhiên, Dự thảo lại không có bất kỳ quy định nào về thời điểm văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước “có hiệu lực”: thời điểm ký ban hành? thời điểm hội đồng/quỹ tín dụng nhận được văn bản? thời điểm được ghi trong văn bản chấp thuận?

Đây là mốc thời gian quan trọng, liên quan đến nghĩa vụ của quỹ tín dụng nhân dân, do đó đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thời điểm này, hoặc điều chỉnh quy định theo hướng, thời hạn được tính từ thời điểm hội đồng/quỹ tín dụng nhân dân nhận được văn bản.

  1. Một số quy định chưa đảm bảo tính hợp lý
  • Các trường hợp thu hồi Giấy phép

Khoản 6 Điều 16 Dự thảo quy định “quỹ tín dụng nhân dân bị tách” là một trong những trường hợp thu hồi Giấy phép.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo thì, việc tách quỹ tín dụng nhân dân “không chấm dứt sự tồn tại của quỹ tín dụng nhân dân bị tách”. Đối với trường hợp này, thu hồi giấy phép hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân dường như là chưa hợp lý, vì thời điểm này quỹ tín dụng vẫn đang tồn tại.

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Dự thảo, không có trường hợp thu hồi Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân bị tách.

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ trường hợp này ra khỏi khoản 6 Điều 16 Dự thảo (trường hợp này, quỹ bị tách có thể thuộc trường hợp phải sửa đổi Giấy phép (nếu nội dung Giấy phép có thay đổi), quỹ được tách ra thì phải có Giấy phép mới).

  • Về quá trình thanh lý tài sản

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 17 Dự thảo thì, trong quá trình giám sát thanh lý tài sản quỹ tín dụng nhân dân, nếu phát hiện quỹ tín dụng nhân dân không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác thì Tổ giám sát thanh lý báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về kết quả thanh lý, đề nghị cho kết thúc thanh lý và yêu cầu quỹ tín dụng nhân dân nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.

Quy định này là hợp lý, thể hiện được vai trò của Tổ giám sát thanh lý tài sản. Tuy nhiên, quy định trên lại chưa rõ ràng ở một số điểm, ví dụ: Tổ giám sát thanh lý sau khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước có phải chờ ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước không? Trong thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tổ giám sát thì quỹ tín dụng nhân dân phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản? Điều này có thể khiến cho hoạt động thanh lý tài sản bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan.

Mặt khác, trong trường hợp yêu cầu nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản nhưng quỹ tín dụng nhân dân không thực hiện/thực hiện chậm trễ thì hậu quả xử lý như thế nào? Chú ý đây là trường hợp ảnh hưởng khá lớn đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan, đặc biệt là các chủ nợ, người lao động …, vì vậy cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng và hợp lý.

Để đảm bảo thuận lợi cho quá trình thực hiện và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể có liên quan, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự này, đặc biệt là trả lời các vấn đề trên, đồng thời quy định giải quyết cho trường hợp, quỹ tín dụng nhân dân không nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản (trường hợp này có thể công bố thông tin đến các chủ nợ, các chủ thể liên quan để họ có thể thực hiện quyền của mình – yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản).

  • Về thứ tự phân chia tài sản

Điều 26 Dự thảo quy định về thứ tự phân chia tài sản khi thực hiện thanh lý, trong đó các khoản nợ của quỹ không được phân chia theo nợ có tài sản đảm bảo và nợ không có tài sản đảm bảo mà gộp chung thành một (“khoản nợ khác”). Trong khi đó về mặt pháp lý thì, đối với hai loại nợ này, quyền của chủ nợ là khác nhau. Chủ nợ có tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán trước bằng tài sản bảo đảm.

Với việc không phân loại các khoản nợ, Dự thảo hiện không có quy định nào liên quan đến việc giải quyết tài sản liên quan đến các nhóm chủ nợ này. Điều này là chưa phù hợp và chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ có tài sản đảm bảo.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề thanh lý tài sản liên quan đến trả nợ cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo theo hướng họ sẽ được ưu tiên thanh toán trước.

  1. Một số quy định chưa đủ rõ ràng, cụ thể, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện
  • Về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ:

Điều 17 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân giải thể tự nguyện. Trong trình tự, thủ tục này không có quy định về thời gian cơ quan nhà nước xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thủ tục bị kéo dài vì không xác định được thời điểm nào là thời điểm cơ quan nhà nước nhận được hồ sơ hợp lệ và có thể là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn này.

  • Về gia hạn thời hạn thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Điều 21 Dự thảo quy định về thời hạn thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân, trong đó có quy định thời hạn này có thể được gia hạn nhưng phải được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận.

Tuy nhiên, Dự thảo không quy định về tiêu chí để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét để chấp thuận hoặc từ chối. Điều này có thể tạo ra sự tùy tiện của cán bộ thực thi. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về các tiêu chí này.

  • Kết thúc thanh lý

Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Dự thảo thì quỹ tín dụng nhân dân kết thúc thanh lý trong trường hợp “hết thời hạn thanh lý theo quy định, kể cả thời gian gia hạn (nếu có)”.

Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định hậu quả cho trường hợp này (quỹ tín dụng sẽ chấm dứt hoạt động hay là chuyển sang giai đoạn thực hiện thủ tục phá sản?).

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.