VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Thứ Năm 22:54 17-12-2015

Số:   3232  /PTM-PC

 

Vv góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị
định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB

Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính

Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 16294/BTC-TCT
ngày 04/11/2015 của Quý Cơ quan về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc
biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB (sau đây gọi
tắt là Dự thảo). Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI có một số
góp ý như sau:

1)
Về giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại
bán ra (Điều 4 Dự thảo)

Nếu như theo quy định trước đây, các cơ sở kinh doanh
thương mại để tính giá bình quân tham chiếu không nhất thiết phải là cơ sở độc
lập với cơ sở nhập khẩu/sản xuất thì Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế
TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB lại quy định “Cơ sở kinh doanh thương mại quy định tại Điểm này là
cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng
công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất và là cơ sở đầu tiên trong khâu
lưu thông thương mại”.
Quy định mới này đã gây rất nhiều quan ngại
cho những doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc diện
chịu thuế TTĐB. Đồng thuận với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, VCCI
cũng đã nhiều lần có ý kiến về tính hợp lý của quy định này khi góp ý Dự thảo
Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật thuế TTĐB
sửa đổi. Tuy nhiên, Nghị định 108/2015/NĐ-CP được ban hành gần đây và Dự thảo
Thông tư vẫn giữ nguyên quy định này.

Vì vậy, đối với Dự thảo này, một trong những băn khoăn lớn
nhất của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề chịu tác động của Luật thuế tiêu
thụ đặc biệt là cách xác định “giá bán
bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại”.
Đây là số liệu quan trọng làm
căn cứ cho việc doanh nghiệp được tự tính tính giá tính thuế TTĐB hay bị ấn định
bởi cơ quan thuế nhưng lại có thể gặp rất nhiều khó khăn nếu thực thi trên thực
tế.

Các cơ sở kinh doanh thương mại là độc lập nên cơ sở sản
xuất/nhập khẩu đầu tiên không thể kiểm soát được giá bán ra, không bảo đảm được
tính chính xác của thông tin về giá có được và có thể gặp tình trạng bất hợp
tác trong việc yêu cầu cung cấp thông tin.

Cách tính cũng cần có quy định để bảo đảm tính đơn giản
nhưng phải công bằng và phản ánh được tính đại diện cho các mặt hàng mà doanh
nghiệp sản xuất/nhập khẩu.

Với các lý do này, Dự thảo cần quy định cụ thể hơn về
cách tính giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để bảo đảm việc
tính toán được chính xác, tránh cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quản
quản lý về thuế.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo:


Đặt
ra nguyên tắc để xác định giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra;


Bổ
sung thời hạn tính toán giá bán bình quân (ví dụ: trong năm tài chính);


Quy
định các chứng từ, tài liệu mà cơ sở sản xuất/nhập khẩu được sử dụng làm căn cứ
để tính toán;

2)  Về
khấu trừ thuế (Điều 8 Dự thảo)

Đoạn
đầu Điều 8 Dự thảo đưa ra các phương án tính số thuế TTĐB được khấu trừ, tuy
nhiên không có đánh giá tác động các phương án này, vì vậy rất khó để lựa chọn
phương án hợp lý nhất.

Khoản
2 của Điều này cũng trình bày 2 phương án nhưng nội dung của 2 phương án lại
không quy định về cùng một vấn đề: phương án 1 về “Điều kiện khấu trừ thuế TTĐB
được quy định như sau…” trong khi Phương án 2 chỉ nêu công thức tính “Thuế
TTĐB phải nộp thêm của cơ sở nhập khẩu”.

Đề
nghị Ban soạn thảo
:


Bổ
sung đánh giá tác động (chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên hay giảm đi bao
nhiêu; thay đổi ngân sách nhà nước là bao nhiêu) đối với từng phương án khấu
trừ thuế TTĐB.


Quy
định lại khoản 2 theo hướng làm rõ các phương án là cho nội dung nào, làm cơ sở
cho việc lựa chọn được chính xác và hợp lý.

3)     Một
số góp ý khác:


Bỏ
đoạn “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư)” và “Luật doanh
nghiệp nhà nước (nay là Luật doanh nghiệp)” tại Điều 4 vì các Luật mới đều đã
đi vào thi hành rất lâu, đã có điều khoản chuyển tiếp mà không gây nhầm lẫn nên
hoàn toàn có thể bỏ tên các Luật cũ đi.


Ngoài
các góp ý trực tiếp đối với Dự thảo Thông tư này, hầu hết các hiệp hội đều có ý
kiến đối với tính thống nhất của Nghị định 108 với Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB. Đề nghị Ban soạn thảo lưu ý cân nhắc
các ý kiến này.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư
hướng dẫn Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
thuế tiêu thụ đặc biệt, rất mong Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc để chỉnh sửa,
hoàn thiện.

Đề nghị Quý Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của
các hiệp hội, doanh nghiệp được đính kèm Công văn này để bảo đảm văn bản khi được
ban hành nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.