VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Thứ Sáu 11:17 29-04-2016

Kính gửi: Cục
Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 180/CNĐP-CCN của
Bộ Công Thương ngày 16/3/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về quản
lý, phát triển cụm công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số
ý kiến sau:

1.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi
cho doanh nghiệp khi đầu tư vào cụm công nghiệp

1.1.
Về việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp

Theo quy định tại Dự thảo thì mỗi cụm
công nghiệp sẽ có chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
và chủ đầu tư này sẽ được xác định trước thời điểm thành lập cụm công nghiệp (bởi
vì một trong những điều kiện thành lập cụm công nghiệp tại khoản 1 Điều 13 Dự
thảo là phải có doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân đăng ký làm chủ đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật).

Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định
nào về :


Cách
thức để đánh giá việc thỏa mãn các tiêu chí để trở thành chủ đầu tư này (ví dụ,
theo Điều 13.1c thì không phải bất kỳ chủ thể nào nếu có mong muốn đầu tư cụm
công nghiệp đều có thể được chọn, mà các chủ thể này phải đáp ứng điều kiện “đủ
năng lực tài chính và kinh nghiệm”, như vậy, quy trình lựa chọn ít nhất phải
bao gồm việc đánh giá điều kiện tại Điều 13.1c này)


Tiêu
chí và quy trình lựa chọn chủ đầu tư, nhất là trong trường hợp có nhiều hơn một
doanh nghiệp muốn tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng trong một cụm công nghiệp.

Mặc dù khoản 2 Điều 20 Dự thảo có quy
định về việc xác định các chủ thể có thể trở thành chủ đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp nhưng lại không giải quyết vấn đề nói trên.

Việc thiếu quy định về việc cách thức,
quy trình lựa chọn chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp sẽ khiến
cho quy trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chưa
minh bạch và có thể tạo dư địa cho tình trạng tham nhũng và phân biệt đối xử giữa
các nhà đầu tư hoặc gây ra lúng túng, vướng mắc cho chính các cơ quan liên quan
trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo
quy định rõ về vấn đề xác định chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm
công nghiệp nhất là trong trường hợp cùng có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào
lĩnh vực này.

1.2.
Về điều kiện của chủ đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp

Dự thảo không có quy định một cách trực
tiếp về điều kiện của doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm
công nghiệp, nhưng dựa vào các quy định về điều kiện thành lập cụm công nghiệp
(khoản 1 Điều 13); nội dung thẩm định Báo cáo Đầu tư thành lập cụm công nghiệp
(điểm c khoản 2 Điều 15); điều kiện mở rộng cụm công nghiệp (điểm b khoản 1 Điều
16) thì có thể hình dung, để được là chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm
công nghiệp, doanh nghiệp phải có các điều kiện như “đủ năng lực tài chính”,
“có kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, đây chỉ là hình dung gián
tiếp, còn những quy định tại Dự thảo là khá chung chung và chưa đủ rõ ràng để
có thể nhận diện cụ thể các điều kiện để trở thành chủ đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trong khi đó, điều kiện về chủ đầu tư là yếu
tố có tính chất rất quan trọng, quyết định đáng kể hiệu quả của việc đầu tư xây
dựng cụm công nghiệp.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo
quy định rõ về điều kiện của các chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm
công nghiệp.

1.3.
Về việc rút khỏi quy hoạch cụm công
nghiệp

Theo quy định tại Điều 11, 12 Dự thảo
thì một cụm công nghiệp có thể rút khỏi quy hoạch cụm công nghiệp khi đáp ứng
các điều kiện nhất định. Dự thảo không xác định cụm công nghiệp được rút khỏi
quy hoạch là cụm công nghiệp đã được thành lập
hay chưa.

Nếu là cụm công nghiệp đã được thành
lập và đi vào hoạt động trên thực tế hoặc đã bắt đầu triển khai các bước cụ thể
để thành lập thì việc rút cụm công nghiệp đó ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp
sẽ tác động lớn và trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư liên quan (bao gồm
nhà đầu tư đầu tư vào xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp cũng như các nhà đầu tư
đang sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp).

Như vậy, đối với các trường hợp này,
việc rút một cụm công nghiệp phải được câ nhắc kỹ lưỡng, theo các điều kiện rõ
ràng và phải có biện pháp hợp lý để bảo đảm lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư
liên quan.

Do đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp
pháp của các nhà đầu tư cũng như minh bạch trong chính sách, đề nghị Ban soạn
thảo
quy định rõ:


Phân
biệt các điều kiện và hồ sơ rút khỏi quy hoạch đối với 02 trường hợp: (i) cụm
công nghiệp chưa được thành lập và (ii) cụm công nghiệp đang trong quá trình
thành lập hoặc đã được thành lập;

Điều kiện đối
với việc rút cụm công nghiệp đang trong quá trình thành lập hoặc đã thành lập
phải chặt chẽ và phải được đánh giá với quy trình cẩn trọng hơn là điều kiện
rút cụm công nghiệp mới chỉ có trong quy hoạch, chưa được thành lập trên thực tế


Bổ
sung quy định về các biện pháp giải quyết quyền và lợi ích, bao gồm cả bồi thường
thiệt hại, nếu có, cho các nhà đầu tư liên quan trong trường hợp rút cụm công
nghiệp đang/đã thành lập.

1.4.
Về thủ tục liên thông

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Dự
thảo thì Sở Công Thương sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết
các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông để giảm thời gian,
chi phí và thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tinh thần của quy định này có thể là tiến
bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện về thủ tục hành chính. Tuy
nhiên, trên thực tế, hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm
công nghiệp sẽ liên quan đến nhiều hoạt động do các cơ quan nhà nước khác nhau
quản lý (chẳng hạn như: xin giấy phép xây dựng tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
các thủ tục đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư; …) và hiện nay các văn bản pháp
luật có liên quan đã quy định về từng thủ tục theo quy trình thủ tục riêng. Dự
thảo quy định Sở Công Thương là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, nhưng
các văn bản có liên quan lại chưa có quy định về quy trình liên thông này, vì vậy
quy định này có thể sẽ khó triển khai trên thực tế và sẽ gây lúng túng cho các
chủ thể áp dụng;

Ngoài ra, cần chủ ý rằng các thủ tục
hành chính được nêu tại Điều 25 Dự thảo không bao gồm thủ tục đầu tư (đối với trường
hơp đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp thuộc diện phải phê duyệt chủ
trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư). Mà trong thủ tục đầu tư, theo Luật
Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành, quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư
cũng sẽ bao gồm việc phê duyệt hoặc lấy ý kiến các cơ quan liên quan (mà Bộ Kế
hoạch và đầu tư hoặc Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ làm đầu mối cho việc này). Vậy đối
với trường hợp dự án phải làm thủ tục đầu tư, quy trình thực hiện các thủ tục
hành chính mà Sở Công thương thực hiện như dự kiến ở trên có bị trùng với các
thủ tục mà Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ thực hiện không? Nếu trùng thì có nghĩa là
2 cơ quan sẽ làm cùng một việc? Nếu đúng thì điều này sẽ gây lãng phí nguồn lực
của Nhà nước và tốn thời gian cho việc đầu tư của doanh nghiệp.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo:


Làm
rõ các thủ tục đầu tư (mà Sở kế hoạch và đầu tư thực hiện) và thủ tục hành
chính mà Dự thảo dự kiến Sở Công thương sẽ thực hiện phân biệt với nhau như thế
nào? Có chồng lấn, trùng lặp không? Nếu trùng lặp thì đối với trường hợp đã có
trong thủ tục đầu tư, đề nghị bỏ trong thủ tục mà Sở Công thương thực hiện;


Đối
với các thủ tục hành chính mà Sở Công thương thực hiện, đề nghị quy định cụ thể
về quy trình liên thông trong đó gắn trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có liên
quan trong chuỗi quy trình để đảm bảo quy trình có thể vận hành được trên thực
tế.

2.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính thống nhất


Thời điểm xác định nhà đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Dự
thảo thì các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào cụm công nghiệp có thể đăng ký
với “Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư xây dựng
hạ tầng”, điều này được hiểu là các cụm công nghiệp có thể được thành lập mà chưa có chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13
Dự thảo thì một trong những điều kiện để thành lập cụm công nghiệp là có doanh
nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
và cơ quan nhà nước sẽ thẩm định “năng lực, tư cách pháp nhân của chủ đầu tư”
(điểm c khoản 2 Điều 15 Dự thảo). Như vậy, với các quy định này thì tại thời điểm
thành lập cụm công nghiệp thì chủ đầu tư đã
được xác định
cụ thể.

Có thể thấy giữa các quy định trong
chính Dự thảo đang có sự thiếu nhất quán khi quy định về thời điểm xác định nhà
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đề nghị Ban soạn
thảo
điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất.


Ưu đãi chung đối với dự án đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp (Điều
35)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Dự
thảo thì cụm công nghiệp được xác định là “địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng
chính sách ưu đãi áp dụng như đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện
kinh tế – xã hội khó khăn”. Quy định này là chưa thống nhất với Luật Đầu tư năm
2014 về ưu đãi đầu tư.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư
thì cụm công nghiệp không được xếp vào địa
bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và được hưởng ưu đãi. Vì vậy, giữa
quy định tại Dự thảo và pháp luật về đầu tư đang có sự mâu thuẫn về chính sách
ưu đãi đối với cụm công nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại
khoản 1 Điều 35, trong trường hợp có lý do thuyết phục về việc cần thiết phải
có chính sách ưu đãi đối với cụm công nghiệp thì đề nghị Ban soạn thảo
kiến nghị để bổ sung cụm công nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong
pháp luật đầu tư.

Tương tự, đề nghị Ban soạn thảo
xem xét đến chính sách về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với người làm việc tại
cụm công nghiệp tại khoản 2 Điều 35 với các văn bản pháp luật có liên quan.

3.      Một số quy định về thủ tục hành chính tại Dự thảo chưa đảm bảo thuận lợi,
thu hút nhà đầu tư đầu tư vào cụm công nghiệp

Để thu hút nhà đầu tư đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng kỹ thuật và/hoặc đầu tư vào cụm công nghiệp, cần có các chính
sách  tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư,
trong đó yếu tố về đơn giản hóa thủ tục hành chính vô cùng quan trọng. Mặc dù,
Dự thảo đang thiết kế các thủ tục hành chính mà nhà đầu tư phải thực hiện được
thông qua cơ chế một cửa và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm hướng
dẫn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Điều này kỳ vọng là sẽ tạo thuận lợi lớn
cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực
này, thì một số quy định tại Dự thảo về thủ tục hành chính chưa thực sự tạo thuận
lợi cho doanh nghiệp, cần cân nhắc, sửa đổi, cụ thể:


Về nghĩa vụ báo cáo

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Dự
thảo thì “hằng tháng, hằng quý, hằng năm chủ đầu tư báo cáo cơ quan thống kê
trên địa bàn về tình hình dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm
công nghiệp, đồng thời gửi báo cáo Sở Công Thương để tổng hợp, chỉ đạo, quản
lý”.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật
Đầu tư năm 2014, chủ đầu tư cũng phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo với cơ quan
đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn về tình hình thực hiện dự án đầu
tư (gồm các nội dung: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động
đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho
nghiên cứu và phát triển, xử lý và bảo vệ môi trường và các chỉ tiêu chuyên
ngành theo lĩnh vực hoạt động).

Như vậy có thể thấy, nhà đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện khá nhiều báo cáo với nhiều cơ
quan nhà nước với mật độ khá dày, trong khi giữa các nội dung báo cáo có nhiều
điểm chồng lấn với nhau. Điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho
các nhà đầu tư và đây cũng được xem là một trong những yếu tố làm suy giảm “sức
hấp dẫn” của việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh
nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng chủ đầu tư chỉ phải gửi
báo cáo cho cơ quan quản lý đầu tư,và giữa các cơ quan nhà nước với nhau có chế
độ chia sẻ thông tin để giám sát quản lý hoạt động đầu tư, tránh hiện tượng
doanh nghiệp phải thực hiện quá nhiều thủ tục báo cáo.

Góp ý tương tự đối với khoản 2 Điều
34 Dự thảo.


Thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp

Theo quy định tại Điều 28 Dự thảo thì
các doanh nghiệp muốn đầu tư vào cụm công nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục: hoặc
là ký thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc là liên hệ với Ủy
ban nhân dân cấp huyện (nếu chưa có chủ đầu tư hạ tầng), lập hồ sơ dự án đầu tư
sản xuất vào cụm công nghiệp, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, trình Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương tiếp nhận đầu tư vào cụm công nghiệp.

Quy trình đầu tư trên dường như là
chưa thống nhất với các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, ở điểm:
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 thì một số dự án không thuộc trường hợp phải
phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ví dụ
như dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước) (khoản 2 Điều 36) – được áp dụng
chung cho tất cả các địa bàn đầu tư. Như vậy, với quy định của pháp luật về đầu
tư thì việc Dự thảo quy định tất cả các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp phải
được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương tiếp nhận đầu tư là chưa phù
hợp với quy định tại Luật Đầu tư.

Hơn nữa, quy định tại Dự thảo cũng
khiến cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính hơn đó là một số
nhà đầu tư trong nước, thay vì được thực hiện các hoạt động đầu tư mà không phải
thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, thì lại phải thực hiện thêm thủ tục xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất
trong quy định pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư và tạo thuận lợi cho
doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy trình tiếp nhận đầu
tư vào cụm công nghiệp theo hướng dẫn chiếu tới quy định của pháp luật đầu tư.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về quản lý, phát
triển cụm công nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo
cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.