VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Thứ Ba 14:40 21-06-2016

Số:    1490
/PTM-PC

Vv: góp
ý Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải


Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2016

Kính gửi: Vụ Chính sách
thuế – Bộ Tài chính

Trả lời
Công văn số 3289/BTC-CST của Bộ Tài chính ngày 11/03/2016 về việc đề nghị góp ý
Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (sau đây gọi tắt
là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến góp ý
của Doanh nghiệp, Hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

1.
Quan
điểm tiếp cận

Việc
thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải phải tập trung vào mục đích tạo động
lực kinh tế để doanh nghiệp và người dân hạn chế việc xả nước thải gây ô nhiễm,
bao gồm (1) hạn chế lưu lượng nước thải; (2) hạn chế thải vào những khu vực nhạy
cảm về môi trường; (3) hạn chế hàm lượng chất ô nhiễm trong nước thải.

2.
Mức
phí cố định

Việc
thu một mức phí cố định như quy định tại Dự thảo mà không dựa vào tác động môi
trường của nước thải là chưa thực sự hợp lý. Hiện nay, mức phí cố định  đang được liên Bộ Tài chính và Tài nguyên môi
trường quy định là 1,5 triệu đồng/năm. Như vậy, dù doanh nghiệp không xả thải,
xả thải một lượng rất ít, hoặc xả thải nước đã được xử lý “sạch hơn” so với quy chuẩn môi trường xung quanh thì vẫn
phải nộp phí ít nhất 1,5 triệu đồng mỗi năm. Đây là điều không hợp lý vì nó
không phản ánh đúng bản chất của phí là khoản thu khi cung cấp dịch vụ công. Đối
với các trường hợp này, doanh nghiệp hoàn toàn không gây tác động đến môi trường
nên không cần thiết phải thu phí.

Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về phí cố định trong
công thức tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

3.
Mức
phí biến đổi

Đối với
nước thải công nghiệp, về nguyên tắc, các doanh nghiệp đã phải xử lý để đạt quy
chuẩn kỹ thuật đối với  nước thải. Trong
trường hợp doanh nghiệp thuê dịch vụ xử lý nước thải tập trung thì doanh nghiệp
đã phải bỏ chi phí cho dịch vụ này. Còn nếu trong trường hợp doanh nghiệp tự xử
lý thì chi phí này đã được doanh nghiệp tự bỏ tiền và thực hiện.

Quy
chuẩn kỹ thuật đối với  nước thải nhìn
chung vẫn có nồng độ chất gây ô nhiễm cao hơn so với quy chuẩn kỹ thuật chất lượng
nước mặt.

Bảng so sánh quy chuẩn kỹ thuật nước thải
công nghiệp và quy chuẩn kỹ thuật nước mặt về COD và TSS

(đơn
vị: mg/l ~ g/m3)

A1

A2

B1

B2

Quy chuẩn nước mặt (08:2015)

COD

10

15

30

50

TSS

20

30

50

100

Quy chuẩn nước thải (40:2011)

COD

75

75

150

150

TSS

50

50

100

100

Như vậy,
có thể chia các trường hợp:


DN xử lý nước thải không đạt quy chuẩn nước
thải

Đối với trường hợp
này, doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng
thời truy thu phí bảo vệ môi trường còn thiếu.


DN xử lý nước thải đạt quy chuẩn nước thải
nhưng không đạt quy chuẩn nước mặt

Đối với trường hợp
này, chỉ nên thu phí BVMT đối với phần chất gây ô nhiễm vượt quá quy chuẩn kỹ
thuật nước mặt, chứ không nên thu phí BVMT đối với toàn bộ khối lượng chất hòa
tan.


DN xử lý nước thải đạt quy chuẩn nước mặt

Trường hợp này nước thải
của doanh nghiệp hoàn toàn không gây ô nhiễm, không cần đến việc làm sạch của cả
nhà nước và môi trường. Do đó, không nên thu phí bảo vệ môi trường. Ví dụ, một
cơ sở đã xử lý nước thải đạt quy chuẩn nước mặt B2 thì vẫn phải nộp 470 đồng/m3
(lấy mức tối đa), với lưu lượng thải 1000m3/ngày đêm thì mỗi năm cơ sở đó phải
nộp 171,55 triệu đồng.

VCCI đề nghị việc thu phí bảo vệ môi
trường đối với phần phí biến đổi chỉ được
thực hiện trên phần chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn nước mặt
, còn đối với
phần COD và TSS nằm trong phạm vi quy chuẩn nước mặt thì không đánh phí. Điều
này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xử lý nước sạch hơn, hạn chế hàm lượng chất
gây ô nhiễm trong nước thải (tương tự như quy định tính hệ số K=1 nếu xử lý các
kim loại nặng đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).

Hơn nữa,
do quy chuẩn nước mặt còn phụ thuộc vào nơi tiếp nhận nước thải nên việc cho
phép trừ đi lượng chất hòa tan tương ứng với quy chuẩn nước thải sẽ khuyến
khích doanh nghiệp lựa chọn xây dựng cơ sở tại những nơi ít nhạy cảm về môi trường
để giảm lượng phí bảo vệ môi trường phải nộp. Ví dụ, nếu cơ sở có lưu lượng nước
thải 1000m3 ngày đêm mà được xây dựng tại khu vực B2 thì doanh nghiệp sẽ tiết
kiệm được đến 137,24 triệu đồng mỗi năm so với việc xây dựng và thải vào khu vực
A1. Như vậy, việc thay đổi cách tính phí này sẽ có tác dụng kinh tế nhất định nhằm thay đổi địa điểm phát thải sao cho
giảm được tác động xấu đến môi trường
.

4.
Phân
loại đối với quy mô cơ sở sản xuất, kinh doanh

Nghị
định 25/2013/NĐ-CP
ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải  đã có một sự thay đổi rất lớn so với trước đó
là chỉ tính phí dựa trên 2 thông số là COD và TSS. Điều này giúp giảm chí phí
và công sức phục vụ công tác thu phí như điều tra, thống kê, rà soát, phân loại,
cập nhật, quản lý, đo đạc, đánh giá, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải. Tuy
nhiên, điều này lại làm dấy lên lo ngại rằng rất nhiều các thành phần gây ô nhiễm
khác không được tính phí, dẫn đến làm giảm động lực xử lý nước thải sạch hơn của
doanh nghiệp.

Để
cân bằng hai yếu tố này, đề nghị cơ quan
soạn thảo
cân nhắc phương án
có thể phân loại phương pháp tính phí theo quy mô cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, đối với các cơ sở có quy mô nhỏ, lưu lượng nước thải nhỏ thì áp dụng
phương pháp tính phí đơn giản, dễ thực hiện. Đối với các cơ sở có quy mô lớn
hơn, lưu lượng nước thải lớn (ví dụ từ 300m3/ngày đêm trở lên) thì có thể áp dụng
những phương pháp tính phức tạp hơn, xem xét đến nhiều thành phần chất gây ô
nhiễm hơn (ví dụ, tính cả khối lượng BOD và kim loại nặng). Điều này sẽ không
làm tăng quá nhiều chi phí, công sức cho công tác thu phí mà lại có hiệu quả
cao hơn nhằm tạo động lực để các cơ sở lớn xử lý nước thải tốt hơn.

5.
Nước
thải sinh hoạt

Việc
xử lý đối với nước thải sinh hoạt rất khác nhau tại các thành phố, khu dân cư tập
trung và khu vực dân cư phân tán. Tại các khu vực dân cư phân tán, nước thải
sinh hoạt sẽ được khả năng tự làm sạch của môi trường xử lý, không cần có sự
tác động của con người. Ngược lại, ở các khu vực dân cư tập trung, nước thải
sinh hoạt cần được thu gom và xử lý theo hệ thống nhằm tránh ô nhiễm. Do đó, việc đánh đồng thu phí đối với nước thải
sinh hoạt là không thỏa đáng.

Theo
đúng định nghĩa phí là khoản tiền trả cho việc sử dụng dịch vụ công. Đối với nước
thải sinh hoạt, dịch vụ công ở đây là thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Chi
phí để xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt này hầu hết vẫn
phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Các dự án BOT trong lĩnh vực này đang thực hiện
thí điểm và vẫn do Nhà nước trả tiền thu gom, xử lý nước thải bằng ngân sách.

Do
đó, VCCI kiến nghị sửa đổi
quy chế thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt như sau:


Không thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt
ở những khu vực dân cư phi tập trung, khu vực không có hệ thống thu gom, xử lý
nước thải sinh hoạt.


Chỉ được thu phí BVMT đối với nước thải sinh
hoạt ở những khu vực đô thị loại IV trở lên, có hệ thống xử lý thu gom, xử lý
nước thải sinh hoạt.

Quy định
như vậy sẽ là động lực khiến các địa phương tập trung cho việc xây dựng hệ thống
thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, bởi chỉ khi nào xây dựng và vận hành hệ thống
này thì địa phương mới được thu phí.

6.
Quản
lý, sử dụng phí

Luật
Bảo vệ môi trường có quy định: “Nguồn
thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường”.
 Tuy nhiên, do nguồn thu này nhập
chung vào ngân sách địa phương nên khó có thể xác định được mục đích sử dụng. Mặc
dù Điều 7.3 Dự thảo có quy định: “Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định
chi tiết và bố trí kinh phí từ nguồn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương
.”, tuy nhiên
quy định này vẫn không giúp người dân và doanh nghiệp biết được khoản phí mình
đã nộp có được sử dụng đúng mục đích không.

Do
đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc chính
quyền địa phương phải công khai thông tin về thu phí bảo vệ môi trường đối với
nước thải và việc chi cho công tác bảo vệ môi trường (tương tự như quy định tại
Nghị định 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản).

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi
trường đối với nước thải. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.