VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về lệ phí môn bài

Thứ Sáu 13:43 22-04-2016

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 2897/BTC-CST của
Bộ Tài chính ngày 04/3/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về lệ phí
môn bài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

1.      Về đối tượng nộp lệ phí môn bài (Điều 2)

Điều 2 Dự thảo xác định các chủ thể
có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng nộp lệ phí môn bài và có liệt kê các chủ
thể cụ thể. Tuy nhiên trong danh sách các chủ thể được liệt kê không có “hợp
tác xã”.

Theo quy định tại Luật Hợp tác xã năm
2012 thì hợp tác xã là một tổ chức kinh tế và có các hoạt động kinh doanh. Vì vậy,
việc Dự thảo không có quy định hợp tác xã thuộc đối tượng nộp lệ phí môn bài là
chưa hợp lý, thiếu công bằng với các chủ thể kinh doanh khác.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ
sung chủ thể này vào Điều 2 Dự thảo.

2.      Về mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức kinh doanh:

So với quy định hiện hành thì mức lệ
phí môn bài áp dụng cho các tổ chức kinh doanh quy định trong Dự thảo đã thay đổi
về bậc tính cũng như mức đóng, cụ thể:


Mức
đóng cao nhất theo Dự thảo cao hơn gấp 3 lần mức đóng cao nhất theo quy định hiện
hành;


Mức
đóng thấp nhất theo Dự thảo cao hơn gấp 3 lần mức đóng thấp nhất theo quy định
hiện hành;


Đối
với các doanh nghiệp mở nhiều chi nhánh sẽ phải đóng thêm mức phí 2.000.000 đồng/chi
nhánh, trong khi theo quy định hiện hành thì thuế môn bài tính theo chủ thể
kinh doanh, không tính với các chi nhánh của chủ thể kinh doanh.

Như vậy, so với quy định hiện hành
thì mức đóng dự kiến tại Dự thảo áp dụng cho tổ chức kinh doanh được nâng lên
cao hơn rất nhiều.

Với mức điều chỉnh cao và mở rộng
thêm đối tượng như dự kiến tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo xem xét,
cân nhắc một số vấn đề sau:


Về mức lệ phí:

Theo nội dung
Tờ trình thì “về bản chất, lệ phí môn bài là khoản thu nhằm kiểm đếm số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh
doanh hằng năm (kể cả số có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh)”.
Điều này được hiểu, lệ phí môn bài là khoản thu nhằm phục vụ mục tiêu quản lý của
Nhà nước là xác định số chủ thể có hoạt động kinh doanh trên thực tế.

Với mục tiêu
là kiểm đếm (tức là không thay đổi gì so với trước đây, cũng là việc tương đối
đơn giản) và với bản chất là lệ phí (theo đó mức thu không nhằm bù đắp chi phí)
thì việc Dự thảo đề xuất tăng mức đóng đối với các tổ chức kinh doanh dường như
chưa có căn cứ thích hợp và do đó chưa hợp lý.

Hơn nữa, cần
chú ý là trên thực tế, để thực hiện được hoạt động kinh doanh, các tổ chức này
cũng đã phải đóng các loại lệ phí, thuế có tính chất như ghi nhận sự tồn tại và
hoạt động của mình (ví dụ như lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
thuế thu nhập doanh nghiệp), tức là cơ quan nhà nước đã có thể thực hiện mục
tiêu kiểm đếm nhận biết được số lượng tổ chức hoạt động kinh doanh này thông
qua việc thu các loại lệ phí và thuế đó. Việc kiểm đếm số lượng chủ thể kinh
doanh thông qua lệ phí môn bài thực chất là chỉ nhằm bổ sung thêm (thậm chí có
thể là không cần thiết).


Về việc tính lệ phí môn bài đối với chi nhánh:

Như đã bản chất
nêu tại Tờ trình và Dự thảo, lệ phí môn bài áp dụng cho chủ thể kinh doanh để
xác định số chủ thể kinh doanh hàng năm trên thị trường. Chi nhánh chỉ là một
đơn vị trực thuộc, hoạt động nhân danh của doanh nghiệp chứ không phải là với
tư cách của một chủ thể kinh doanh độc lập. Việc kiểm đếm cả chi nhánh sẽ khiến
số lượng chủ thể kinh doanh được kiểm đếm
không phản ánh chính xác thực tế, làm mất ý nghĩa và sai lệch mục tiêu của
lệ phí môn bài.

Hơn nữa, nếu
tính lệ phí môn bài cho cả chi nhánh thì gây ra tình trạng bất bình đẳng đối với
các chủ thể kinh doanh, vì những chủ thể kinh doanh có nhiều chi nhánh sẽ phải
đóng nhiều lệ phí hơn, chịu nhiều gánh nặng tài chính hơn là các chủ thể kinh
doanh không có hoặc ít chi nhánh hơn, trong khi trên thị trường các chủ thể này
được đối xử bình đẳng với nhau về các chính sách kinh doanh.


Về vấn đề tạo thuận lợi và khuyến khích hoạt động kinh doanh

Theo phản ánh
của các doanh nghiệp, hiệp hội, hiện doanh nghiệp đang phải đóng nhiều loại thuế,
phí trong quá trình hoạt động kinh doanh và điều này tạo ra gánh nặng lớn về
tài chính, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ
và vừa. Do đó, nếu thuế môn bài (theo tên gọi mới là lệ phí môn bài) tăng mức
đóng thì sẽ càng gia tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đi ngược lại
chủ trương của Chính phủ trong việc giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết,
nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh.

Từ các vấn đề trên, đề nghị Ban soạn
thảo
xem xét, cân nhắc:


Hạ
thấp mức lệ phí môn bài so với đề xuất tại Dự thảo, tốt nhất là bằng với mức hiện
tại;


Bỏ
quy định chi nhánh phải đóng lệ phí môn bài

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về lệ phí môn bài. Rất
mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.