VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Thứ Ba 14:56 22-03-2016

Kính
gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 482/NHNN-TTGSNH của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 27/01/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị
định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (sau đây gọi tắt là Dự thảo),
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp,
hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

I.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua
bán nợ

Theo quy định tại Luật Đầu tư năm
2014, “dịch vụ mua bán nợ” được xếp vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều
kiện. Vì vậy, việc soạn thảo và ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch
vụ mua bán nợ là phù hợp về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, về tính hợp lý, khi xem
xét đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần được cân nhắc, xem xét,
ít nhất ở các điểm sau:


Về mục tiêu quản lý:

Theo Điều 7.1
Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với các ngành nghề
nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo
đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nói cách khác, các ngành nghề này (toàn bộ hoặc
một phần các hoạt động trong ngành nghề) có thể ảnh hưởng tới các lợi ích công
cộng ở mức mà cần thiết phải đặt ra các điều kiện kinh doanh nhất định. Đối với
“dịch vụ mua bán nợ”, Ban soạn thảo chưa chỉ ra được mối liên quan nào giữa hoạt
động kinh doanh này với những mục tiêu công cộng cần phải bảo vệ thông qua các
điều kiện kinh doanh như liệt kê tại Luật Đầu tư (cả dịch vụ mua bán nợ hoặc một
số hoạt động nào đó trong dịch vụ mua bán nợ).

Thứ nhất, đối với giao dịch mua
bán nợ
:

Mua bán nợ là
giao dịch trong đó các quyền và nghĩa vụ đối với một khoản nợ được chuyển từ chủ
thể này sang chủ thể khác (định nghĩa tại Dự thảo “Mua, bán nợ là việc bên bán
nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán bằng
tiền từ bên mua nợ”). “Nợ” trong trường hợp này bao gồm tất cả các khoản nợ
hình thành trong các giao dịch khác nhau, và vì thế trong giao dịch mua bán nợ,
đây là chỉ là một loại “hàng hóa” để mua bán thông thường. Chủ thể của giao dịch
mua bán nợ trong trường hợp này có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ
các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã
được loại trừ tại Điều 1 Dự thảo). Toàn bộ giao dịch không làm thay đổi nghĩa vụ
trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, cả
chủ thể giao dịch lẫn đối tượng giao dịch đều không có ảnh hưởng nào tới các lợi
ích công cộng được liệt kê trong Điều 7.1 Luật Đầu tư.

Trường hợp một
chủ thể chuyên kinh doanh hoạt động mua bán nợ (thực hiện thường xuyên, liên tục
các giao dịch mua bán nợ) thì hoạt động của chủ thể này cũng chỉ là gia tăng tần
suất các giao dịch, còn trong tổng thể thì tác động của các hoạt động mua bán nợ
của các chủ thể chuyên kinh doanh hoạt động mua bán nợ đối với các lợi ích công
cộng cũng không thay đổi.

Ngoài ra, cần
chú ý rằng trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì
ngành nghề kinh doanh liên quan là “dịch vụ mua bán nợ” chứ không phải hoạt động
mua bán nợ (kể cả khi hoạt động này được thực hiện với tần suất cao, bởi chủ thể
chuyên trực tiếp thực hiện việc mua bán nợ – bởi ở đây không có “dịch vụ” nào
được cung cấp, mà chỉ có việc mua bán trực tiếp giữa các chủ thể).

Thứ hai, đối với các dịch vụ gắn
với giao dịch mua bán nợ
:

Liên quan tới
giao dịch mua bán nợ, có thể có một số hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp như dịch
vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua
bán nợ… Các hoạt động này giúp cho việc thúc đẩy và tăng hiệu quả của các hoạt
động mua bán nợ, và là hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của các chủ thể nhất
định (chuyên cung cấp các dịch vụ này cho khách hàng là chủ thể có nhu cầu mua,
bán nợ) nhằm thu lợi nhuận. Và vì vậy đây có thể coi là ngành nghề kinh doanh
“dịch vụ mua bán nợ”.

Tuy nhiên, bản
thân các dịch vụ này chỉ giúp hỗ trợ cho giao dịch mua bán nợ, và khi mà bản
thân giao dịch mua bán nợ không ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng thì các dịch
vụ hỗ trợ giao dịch mua bán nợ cũng không có khả năng tác động tới các lợi ích
công cộng.

Từ các lập luận
trên, việc coi “dịch vụ mua bán nợ” là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện
dường như là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014, đặc biệt liên
quan tới hoạt động mua bán nợ. Hơn nữa, Ban soan thảo cũng chưa giải trình nào
có tính thuyết phục về việc cần thiết phải áp đặt điều kiện kinh doanh đối với
hoạt động “mua bán nợ” ngoài lý do về mặt pháp lý như đã nêu ở trên (Chú ý là
Luật Đầu tư nêu Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại giao
Chính phủ quy định cụ thể về các nội dung liên quan – điều này có thể được hiểu
là chỉ những ngành nghề được nêu trong Danh mục tại Luật Đầu tư mới có thể được quy định điều kiện
kinh doanh, nhưng không có nghĩa là cứ có tên trong Danh mục thì phải quy định điều kiện kinh doanh,
có quy định hay không, quy định như thế nào tùy thuộc vào cân nhắc của Chính phủ).


Nên hạn chế hay khuyến khích hoạt động
mua bán nợ?

“Nợ” là loại
hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua vì thực tế chỉ ra rằng, đòi nợ
chưa khi nào là dễ dàng cả. Vì vậy, việc một chủ thể đứng ra chấp nhận mua một
khoản nợ, chấp nhận những rủi ro về mình (có thể không đòi được nợ, phát sinh
những tranh chấp từ khoản nợ) thì tại sao lại phải ràng buộc quá nhiều điều kiện
để họ có thể mua được khoản nợ đó? Hơn nữa, dưới góc độ thị trường, thì cần các
chủ thể mua những khoản nợ để khơi thông các dòng vốn, tạo thuận lợi cho các
doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.

Từ những phân tích trên cho thấy, xác
định “dịch vụ mua bán nợ” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dường như là
chưa hợp lý (đối với trường hợp “hoạt động mua bán nợ” thì còn là không hợp
pháp, bởi không phù hợp với Luật Đầu tư 2014). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo
cân nhắc không quy định về điều kiện kinh doanh đối với “dịch vụ mua bán nợ”. Dự
thảo này, nếu cần thiết phải tiếp tục, chỉ nên quy định về khung khổ pháp lý để
tạo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể mua bán nợ hoặc cung cấp dịch vụ
mua bán nợ chuyên nghiệp (ví dụ với các hoạt động đặc thù như sàn giao dịch nợ…).

Trong lâu dài, đề nghị Ban soạn thảo
cân nhắc kiến nghị bỏ “dich vụ mua bán nợ” ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh
doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014.

II.
Góp ý cụ thể

(Chú ý: Các góp ý dưới đây được thực hiện thuần túy từ
góc độ tính minh bạch, thống nhất giữa các quy định tại Dự thảo, hoàn toàn
không ảnh hưởng tới các góp ý ở Mục I nói trên)

1.      Về phạm vi của hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Theo Điều 3.1 Dự thảo thì “Kinh doanh
dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một trong các hoạt động liên quan
đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, gồm: Hoạt động mua bán nợ, dịch vụ
môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ”

Như đã đề cập ở trên, hoạt động mua
bán nợ của các chủ thể dù được thực hiện thường xuyên, liên tục, đều là giao dịch
mua, bán đối tượng là “khoản nợ”, không phải là “dịch vụ” nào. Hoạt động này
hoàn toàn khác với các dịch vụ hỗ trợ việc mua bán nợ (môi giới, sàn, tư vấn…)
theo đó các chủ thể chuyên nghiệp không trực tiếp mua, bán nợ mà cung cấp các hỗ
trợ cho các chủ thể mua, bán nợ. Với tính chất khác biệt như vậy, mỗi nhóm (hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ) không thể chịu sự điều
chỉnh chung của cùng một cơ chế.

Do đó, đề nghị bỏ khái niệm “hoạt động
mua bán nợ” ra khỏi phạm vi “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”.

2.      Về Hình thức quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Theo quy định tại Dự thảo thì dịch vụ
mua bán nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Dự thảo đang thiết kế theo
hướng, các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng các điều kiện
kinh doanh mà không cần phải thực hiện xin phép, bởi không thấy có quy định về
trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép.

Tuy nhiên, điểm b khoản 17 Điều 3 Dự
thảo lại quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là “doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh
dịch vụ mua bán nợ” – có nghĩa đây là ngành, nghề phải được cấp giấy phép. Điều
này khiến cho quy định tại Dự thảo thiếu nhất quán trong quy định về hình thức
quản lý đối với hoạt động mua bán nợ.

Để đảm bảo thống nhất trong hình thức
quản lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 17 Điều 3 Dự
thảo.

3.      Thời điểm chuyển quyền, nghĩa vụ của bên bán nợ liên quan đến khoản nợ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Dự
thảo thì thời điểm này được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên trong hợp
đồng. Trong trường hợp, các bên không thỏa thuận về thời điểm chuyển giao thì
việc thiếu quy định tại Dự thảo sẽ khiến cho dễ nảy sinh tranh chấp.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, đề
nghị Ban soạn thảo
quy định cụ thể thời điểm chuyển quyền, nghĩa vụ của bên
bán nợ liên quan đến khoản nợ, có thể theo hướng “là thời điểm hợp đồng phát
sinh hiệu lực trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

4.      Điều kiện về vốn pháp định (Điều 9)

Điều 9 Dự thảo quy định về các mức vốn
mà doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn kinh doanh dịch vụ mua bán nợ với các mức
là 10 tỷ, 100 tỷ, 1000 tỷ. Đây là những mức vốn quá cao và là một rào cản đáng
kể cho các doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường này, trong khi mục tiêu
của áp đặt quy định này còn chưa rõ ràng.


Như
đã phân tích ở trên, “Nợ” đang được xem như một loại hàng hóa được giao dịch của
các bên. Nếu có phát sinh bất kì rủi ro nào từ hoạt động này, thì các bên trong
giao dịch sẽ bị ảnh hưởng còn các lợi ích công cộng chưa thấy có sự tác động,
các quy định trong pháp luật dân sự đã đủ để giải quyết các tranh chấp và đảm bảo
quyền lợi của các bên trong giao dịch;


Nếu
đặt ra vốn pháp định của chủ thể kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nhằm đảm bảo quyền
lợi của người bán/mua nợ theo nghĩa, phải có tiền thì mới mua được nợ, thì điều
này là không cần thiết, bởi đây là quan hệ thị trường, các chủ thể muốn mua
và/bán nợ phải tự mình chuẩn bị các điều kiện để có thể thực hiện được giao dịch.
Nhà nước không cần phải can thiệp theo hướng quy định ngưỡng vốn tối thiểu của
các chủ thể này. Hơn nữa, như bình luận nêu tại điểm 1 Mục II nói trên, hoạt động
mua bán nợ không thể được xếp vào “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”.


Các
dịch vụ mua bán nợ (trừ hoạt động mua bán nợ như đã nói ở trên) về bản chất đều
chỉ là cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho việc mua bán nợ để hưởng thù lao, không trực
tiếp mua bán nợ, không quyết định thành công hay không thành công của giao dịch
mua bán nợ. Do đó về logic việc bắt buộc các chủ thể cung cấp dịch này phải có
số vốn tối thiểu là không thích hợp.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
cân nhắc, xem xét bỏ quy định về vốn pháp định tại Điều 9. Nếu
thực sự giải trình được lý do hợp lý về việc giữ quy định này thì đề nghị xem
xét hạ mức vốn xuống thấp hơn mức đề nghị trong Dự thảo và chỉ áp dụng với trường
hợp cần thiết (ví dụ dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ, chứ không phải toàn bộ
các dịch vụ mua bán nợ).

5.      Điều kiện về người quản lý (Điều 10)

Theo quy định tại khoản 18 Điều 3, Điều
10 Dự thảo  thì: “chủ doanh nghiệp tư
nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng
thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng
quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có
thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều
lệ” phải đáp ứng các quy định về các điều kiện liên quan đến trình độ học vấn
và kinh nghiệm. Điều này là chưa hợp lý, bởi phạm vi yêu cầu số người đáp ứng
điều kiện quá rộng và với điều kiện như “trình độ học vấn từ đại học trở lên
thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực
chuyên môn mà mình đảm nhận”; “có ít nhất 03 năm làm người điều hành hoặc ít nhất
05 làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán,
định giá tài sản hoặc mua bán nợ” thì sẽ rất ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu
này.

Hơn nữa, yêu cầu tất cả những đối tượng
trên phải đáp ứng điều kiện là quá khắt khe, bởi vì chỉ một số ít trong đó thực
hiện vai trò là quản lý, trực tiếp điều hành doanh nghiệp, có thẩm quyền pháp
lý trong ký kết các văn bản nhân danh công ty.

Mặt khác, xét về tính hợp lý, mặc dù
quy định này có thể nhằm mục tiêu đảm bảo những quyết định của doanh nghiệp
kinh doanh mua bán nợ ít rủi ro, nhưng việc áp đặt điều kiện đối với người quản
lý doanh nghiệp dường như là không cần thiết. Bởi, quyết định mua/bán khoản nợ
nào đó thì quyền lợi của chính doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đầu tiên, vì vậy sẽ có
sự cân nhắc cẩn trọng trong các quyết định. Xuất phát từ yếu tố này, doanh nghiệp
sẽ tìm kiếm những người quản lý tốt, đủ trình độ để điều hành công ty và tự bản
thân những người có quyền hạn sẽ phải cân nhắc để đảm bảo các quyết định của
mình là hợp lý.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
cân nhắc, xem xét bỏ những điều kiện về người quản lý. Trong
trường hợp có lý do hợp lý để giữ lại quy định này, đề nghị thu hẹp lại điều kiện
cũng như chủ thể phải đáp ứng điều kiện này (chẳng hạn như: bỏ yêu cầu về số
năm kinh nghiệm; chỉ yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đáp
ứng các điều kiện).

6.      Điều kiện về cơ sở, vật chất kỹ thuật (Điều 11)

Điều 11 Dự thảo quy định các điều kiện
về cơ sở, vật chất kỹ thuật mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải
đáp ứng (có hệ thống công nghệ thông tin để theo dõi, quản lý, đôn đốc và thu hồi
nợ; có quy định nội bộ về việc theo dõi, quản lý, đôn đốc và thu hồi nợ phù hợp
với quy định của pháp luật và phân định rõ quyền, trách nhiệm của các đơn vị,
cá nhân liên quan). Tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật này này lại không có
tính đặc thù và có thể có ở bất kì ngành, nghề nào.

Hơn nữa, việc theo dõi, quản lý, đôn
đốc và thu hồi nợ là hoạt động “đương nhiên” phải có ở các doanh nghiệp mua bán
nợ và tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải trang bị để đảm bảo hoạt động của mình
có hiệu quả, do đó Dự thảo không cần thiết phải quy định về vấn đề này.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 11 Dự thảo.

7.      Điều kiện thực hiện mua bán nợ (Điều 12)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Dự
thảo thì mặc dù đã đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, nhưng
không phải khoản nợ nào doanh nghiệp cũng được mua, chỉ được mua những khoản nợ
đáp ứng điều kiện như: “Khoản nợ có đầy đủ hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có
liên quan trong đó quyền và nghĩa vụ của chủ nợ và bên nợ được quy định cụ thể,
rõ ràng bằng văn bản”. Quy định này có thể nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho
doanh nghiệp mua nợ khi có đầy đủ cơ sở về khoản nợ, phục vụ cho hoạt động đòi
nợ sau này. Tuy nhiên, Dự thảo quy đặt ra yêu cầu này với khoản nợ dường như là
không cần thiết. Bởi doanh nghiệp trước khi mua khoản nợ nào cũng đã tính đến
tính khả thi cũng như những rủi ro xuất phát từ khoản nợ được mua, từ đó họ sẽ
tự xem xét để đảm bảo được quyền lợi của mình. Đây là vấn đề của thị trường, do
đó Nhà nước không cần phải can thiệp, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân
nhắc, xem xét bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Dự thảo.

8.      Một số góp ý khác


Hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán
nợ:

Theo quy định
tại khoản 6 Điều 3 Dự thảo quy định thì kinh doanh dịch vụ mua bán nợ bao gồm
các hoạt động là: mua bán nợ, dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch
nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ. Từ Điều 10, 11 Dự thảo quy định về các điều kiện
kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, điều này có được hiểu là các hoạt động kinh
doanh được nêu trong khoản 6 Điều 3 đều phải đáp ứng các điều kiện này hay là
chỉ “hoạt động mua bán” nợ thôi? Nếu tất cả các hoạt động đều phải đáp ứng là
chưa phù hợp với đặc thù của loại hoạt động môi giới, tư vấn – chỉ mang tính chất
trung gian. Hơn nữa, tại sao Điều 15 lại quy định về các điều kiện kinh doanh dịch
vụ sàn giao dịch nợ? Điều này đồng nghĩa với việc các điều kiện Điều 10, 11 là
không áp dụng cho hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ?

Để đảm bảo
tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.


Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư:

Khoản 1 Điều
18 Dự thảo quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm “cấp giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”. Điều
này là chưa chính xác bởi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Phòng đăng ký
kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Đề nghị Ban soạn thảo điều
chỉnh lại quy định này để đảm bảo sự phù hợp.


Điều khoản chuyển tiếp

Điều 22 Dự thảo
đặt ra thời hạn 6 tháng để các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh
doanh tại Nghị định. Khoảng thời gian này là ngắn, chưa đủ để cho doanh nghiệp
có thể đáp ứng được các điều kiện khắt khe tại Dự thảo. Để đảm bảo quyền lợi hợp
pháp cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo kéo dài thời gian chuyển tiếp,
ít nhất là 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh
doanh dịch vụ mua bán nợ. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.