VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics

Thứ Năm 09:33 31-08-2017

Kính gửi: Vụ Kinh tế Tổng hợp – Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 1305/VPCP-KTTH của Vụ Kinh tế Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ ngày 15/02/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Phân loại dịch vụ logistics

Trên thực tế, rất khó để phân loại dịch vụ logistics bởi tính đa dạng và linh hoạt của thị trường phù hợp với nhu cầu và năng lực của các bên giao kết hợp đồng. Do đó, việc Dự thảo đưa ra quy định “quét” tại Điều 4.17 là phù hợp. Tuy nhiên, quy định này yêu cầu dịch vụ khác phải đáp ứng hai yêu cầu: (1) “theo thông lệ quốc tế về dịch vụ logistics” và (2) “phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại“. Việc yêu cầu một dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu “theo thông lệ quốc tế về dịch vụ logistics” là chưa thực sự phù hợp, cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, không rõ tiêu chí để xác định như thế nào là “thông lệ quốc tế về dịch vụ logistics“, việc có một hoặc một vài doanh nghiệp đến từ một hoặc một vài quốc gia khác cung cấp một loại dịch vụ thì có được gọi là thông lệ quốc tế không, hay phải yêu cầu mức độ phổ quát lớn hơn?
  • Thứ hai, các bên sẽ dùng tài liệu nào để chứng minh sự tồn tại của thông lệ quốc tế đó và việc dịch vụ của mình cũng tương tự như các thông lệ quốc tế đó?
  • Thứ ba, một dịch vụ chỉ cần phù hợp với quy định của Luật Thương mại là đủ để được coi là dịch vụ logistics, và việc các bên cung ứng, sử dụng dịch vụ đó là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, mà không cần phải chứng minh sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
  • Thứ tư, việc yêu cầu một loại dịch vụ mới phải phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ dẫn đến cản trở khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn cung ứng một dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nói cách khác, nếu duy trì quy định này, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể trở thành “người bắt chước” chứ không thể trở thành “người sáng tạo” ra các dịch vụ mới. Trong bối cảnh Chính phủ phát động khởi nghiệp, cổ vũ đổi mới sáng tạo thì việc quy định cứng như vậy là không phù hợp.
  • Thứ năm, các dịch vụ logistics cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm loại hàng hóa, cấu trúc thị trường, thể chế, pháp luật của mỗi quốc gia… Do đó, nếu Việt Nam có một loại hàng hóa đặc thù, có cấu trúc thị trường đặc thù (ví dụ, do đặc điểm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) hoặc có một số quy định pháp luật đặc thù thì có thể dẫn đến việc nảy sinh các nhu cầu mà không một quốc gia nào khác trên thế giới nảy sinh tương tự. Điều đó dẫn đến việc có những dịch vụ logistics mà chỉ có tại Việt Nam mà không có tại các quốc gia khác. Nếu quy định cứng là dịch vụ khác phải “theo thông lệ quốc tế” thì có thể dẫn đến việc Nhà nước không công nhận tính hợp pháp của một loại hình dịch vụ nào đó mà việc cung cấp, sử dụng dịch vụ này không gây bất kỳ một tác động xấu nào đến xã hội.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 4.17 của Dự thảo theo hướng bỏ yêu cầu dịch vụ khác phải theo thông lệ quốc tế mà chỉ cần phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại là đủ.

  1. Về việc thực hiện điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư có một số quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Một số quy định tại Dự thảo Nghị định này chưa thống nhất với Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa đổi, cụ thể như sau:

  • Điều 10.2.a của Nghị định 118 đưa ra nguyên tắc: “Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, nghề đó“. Trong khi đó, Dự thảo chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ.
  • Điều 10.2.b của Nghị định 118 đưa ra nguyên tắc: Khi có nhiều điều ước có quy định khác nhau thì nhà đầu tư được lựa chọn một trong số các điều ước đó và nếu đã lựa chọn thì phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo điều ước đó. Trong khi đó, Điều 5.4 của Dự thảo lại xử lý trường hợp này bằng cách ưu tiên áp dụng điều ước có cam kết ưu đãi cao hơn so với quy định của Nghị định này (Nghị định này được hiểu là đang nội luật hóa cam kết của Việt Nam trong WTO). VCCI nhận thấy, cách xử lý của Nghị định 118 phù hợp hơn vì trong nhiều trường hợp sẽ khó có thể xác định điều ước nào có cam kết ưu đãi hơn so với điều ước khác (ví dụ, ưu đãi hơn ở điểm này nhưng lại kém ưu đãi ở điểm khác). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định cho phù hợp.
  • Điều 10.2.d của Nghị định 118 cho phép nhà đầu tư đến từ quốc gia ngoài WTO được áp dụng điều kiện đầu tư tương tự như nhà đầu tư đến từ quốc gia trong WTO. Trong khi đó, Điều 3 của Dự thảo lại loại trừ các nhà đầu tư đến từ quốc gia ngoài WTO ra khỏi đối tượng áp dụng của dự thảo. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp.
  • Điều 10.2.đ và Điều 10.2.e của Nghị định 118 xử lý trường hợp không có điều ước, không có quy định của pháp luật Việt Nam thì phải lấy ý kiến Bộ KHĐT và Bộ quản lý chuyên ngành, sau đó phải đăng công khai và áp dụng nguyên tắc “tiền lệ” đối với các trường hợp sau. Trong khi đó, Dự thảo lại chưa có quy định xử lý trường hợp này. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.