VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Thứ Hai 08:48 30-05-2016
 

Số: 1243/PTM-PC

Vv: góp ý Dự thảo Nghị định quy định

điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Hà Nội, ngày 27 tháng 5
năm 2016

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 111/BVHTTDL-PC của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 04/4/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo
Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao (sau đây gọi tắt
là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở tham vấn
ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến (đối với phiên bản dự
thảo họp tư vấn thẩm định ngày 18/5/2016) như sau:

1)    Quan điểm tiếp cận

Trên
tinh thần của Luật đầu tư 2014 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về
việc quy định điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính ở cấp nghị định, Ban
soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng nội dung này để không giao hoặc ủy quyền lại cho
Bộ trưởng ban hành ở cấp Thông tư hoặc Quy chuẩn, Tiêu chuẩn.

Doanh
nghiệp luôn tôn trọng và tuân thủ các điều kiện kinh doanh đáp ứng điều kiện vì
lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức
khỏe của cộng đồng, tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh cần minh bạch, hợp lý
và khả thi. Điều này nhằm bảo vệ hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn hợp
pháp, chân chính, không hạn chế khả năng gia nhập thị trường của các nhà đầu tư
trong tương lai, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

 Trên quan điểm tiếp cận đó, VCCI trân trọng đề
nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số điểm như ở các góp ý dưới đây.

2)    Một số quy định về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp chưa bảo đảm rõ
ràng, minh bạch và trao quyền cho Bộ trưởng quy định

2.1       Điều kiện chung kinh doanh hoạt động
thể thao (Điều 5)

Dự thảo
Nghị định đang trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định
khá nhiều điều kiện kinh doanh, cụ thể:


Điểm
a khoản 1 quy định một trong các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh
doanh hoạt động thể thao là phải “Có cơ sở
vật chất, trang thiết bị thể thao bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo
quy định về điều kiện hoạt động chuyên môn của từng môn thể thao do Bộ trưởng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
”;


Khoản
2 quy định: “Danh mục hoạt động hoạt động
thể thao bắt buộc phải có hướng dẫn tập luyện do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch ban hành
”;


Điểm
c khoản 3 quy định: “Danh mục hoạt động
thể thao mạo hiểm do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành”.

Quy định
như vậy là không bảo đảm nguyên tắc được nêu tại Luật đầu tư 2014 (khoản 3 Điều
7): “3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với
ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh,
nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư
kinh doanh”.

Vì vậy,
đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các nội dung trên ngay trong Nghị định,
không giao cho Bộ trưởng để bảo đảm tuân thủ quy định có tính chất nguyên tắc
nói trên của Luật đầu tư.

2.2      Điều kiện về nguồn tài chính

Điểm b
khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định: “Có nguồn
tài chính bảo đảm hoạt động kinh doanh. Nguồn tài chính xác định trên cơ sở vốn
điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc vốn kinh
doanh đối với hộ kinh doanh và các văn cứ hợp pháp chứng minh nguồn vốn”.
Quy
định này có một số điểm cần cân nhắc như sau:


Hoạt
động thể thao có mục đích cung cấp cơ sở trang thiết bị, tư vấn, huấn luyện
nâng cao sức khỏe cho con người, do đó, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo an
toàn và sức khỏe cho con người. Nguồn tài chính là do doanh nghiệp/ cơ sở kinh
doanh tự chủ để đảm bảo hoạt động của mình. Nếu có phát sinh bất kỳ rủi ro nào
từ hoạt động này, thì các bên trong giao dịch kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, còn
các lợi ích công cộng thì chưa thấy có sự tác động. Hơn nữa, các quy định trong
pháp luật dân sự đã đủ để giải quyết các tranh chấp và đảm bảo quyền lợi của
các bên trong giao dịch;


Nếu
đặt ra vấn đề này đối với chủ thể kinh doanh hoạt động thể thao là nhằm đảm bảo
quyền lợi của người tham gia hoạt động thể thao theo nghĩa họ phải được tập luyện
trong điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng thì không cần thiết, bởi vì
đây là quan hệ thị trường. Doanh nghiệp đương nhiên phải tự duy trì nguồn tài
chính để tồn tại và phát triển, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và người sử dụng
về chất lượng, số lượng;


Quy
định này mang tính định tính, khó xác định tiêu chí để đánh giá thế nào là “bảo
đảm hoạt động kinh doanh”, đặc biệt từ phía cơ quan nhà nước trong quá trình
thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp;


Quy
định “các căn cứ hợp pháp chứng minh nguồn
vốn”
là không rõ ràng, có khả năng dẫn đến các cách hiểu khác nhau, gây khó
khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng.

Trên cơ sở các phân tích nói trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điểm b
khoản 1 Điều 5 Dự thảo. Trong tương lai, cũng cần cân nhắc bỏ quy định này
trong Luật thể dục thể thao.

2.3       Điều kiện các loại hình thể thao chưa
rõ ràng (Điều 7)


Điểm
a Khoản 2 quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao tại vùng trời,
vùng biển, sông, hồ, vùng núi hoặc khu vực công cộng khác là phải có văn bản thống nhất của cơ quan, đơn vị
có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật…”
Quy định này chưa rõ ràng,
cũng chưa đảm bảo tính khả thi vì nếu không làm rõ “cơ quan, đơn vị có thẩm quyền” là cơ quan, đơn vị nào, “văn bản thống nhất” được ban hành dựa
trên căn cứ nào thì sẽ rất khó thực hiện, có thể dẫn đến nguy cơ nhũng nhiễu của
cán bộ thực thi đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, mục trách nhiệm hướng dẫn, thi
hành (Điều 15 Dự thảo) không quy định trách nhiệm của cơ quan địa phương phụ
trách lĩnh vực này.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ căn cứ hoặc trong các
trường hợp nào
thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thống nhất/không thống nhất với
đề nghị kinh doanh của doanh nghiệp, thủ tục thực hiện nội dung nói trên.


Điểm
b Khoản 3 quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trong bể bơi: “Nước bể bơi phải đáp ứng mức giới hạn các
chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng
nước sinh hoạt”.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại yêu cầu này vì nước dùng
cho hoạt trong động bơi và nước sinh hoạt có mục đích và chức năng sử dụng hoàn
toàn khác nhau, chất lượng nước khác nhau (ví dụ: nước bể bơi cần hóa chất làm
sạch, chống rêu…). Nếu yêu cầu nước bể bơi phải đáp ứng quy chuẩn của nước sinh
hoạt có lẽ là quá khắt khe và thực sự là không hợp lý.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa quy định này thành: “nước bể bơi phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về công trình thể thao – bể bơi”
(nâng lên từ Tiêu chuẩn Việt Nam
TCVN 4260:2012).

3)    Một số thủ tục hành chính chưa hợp lý

3.1.
Thủ tục cấp chứng nhận tập huấn
chuyên môn (Điều 6)

Điều 6
Dự thảo quy định 02 điều kiện về cấp chứng nhận tập huấn nhưng không nêu rõ thủ
tục hành chính để thực hiện, bao gồm yêu cầu: người hướng dẫn tập luyện thể
thao phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: “Có chứng nhận tập huấn luyện chuyên môn thể thao theo quy định của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch.”
(hiện nay nằm rải rác ở các Thông
tư về các loại hình thể thao khác nhau)
“chứng nhận tập huấn chuyên môn” đối
với nhân viên cứu hộ tại cơ sở kinh doanh.

Tuy
nhiên, Dự thảo hiện không có hướng dẫn cụ thể thủ tục để được cấp các loại giấy
chứng nhận này. Trong khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu phải
quy định tất cả thủ tục hành chính từ cấp Nghị định trở lên. Vì vậy, đề nghị
Ban soạn thảo bổ sung quy định về thủ tục hành chính
đối với nội dung này.

3.2.
Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều
kiện (Điều 12)

“Trường hợp doanh nghiệp phát hiện bị
mất, bị hỏng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc doanh nghiệp thay đổi tên, địa
chỉ doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp lại
…”. Tuy nhiên, không cần thiết phải
quy định “trách nhiệm” trong trường hợp bị mất, hỏng vì vấn đề này liên quan đến
quyền của doanh nghiệp. Nếu họ không có thì sẽ khó khăn trong giao dịch làm ăn
buôn bán, hoặc nếu bị thanh tra, kiểm tra thì bị xử lý vi phạm hành chính. Do
đã có các chế tài cụ thể về vấn đề này. Hơn nữa, không cần thiết phải quá khắt
khe phải quy định. Nếu không, doanh nghiệp có thể sẽ vừa bị xử phạt vì hành vi
không đề nghị cấp lại, vừa bị xử phạt vì hành vi kinh doanh không có Giấy chứng
nhận đủ điều kiện. Đề nghị Ban soạn thảo diễn đạt lại theo
hướng đây là quyền của doanh nghiệp.

Đối với
trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện do thay đổi nội dung… thực hiện
như khi cấp lần đầu. Cũng với quan điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị
rút ngắn thành phần hồ sơ và thời gian xử lý.

4)    Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện

Tại khoản
3 Điều 10 đề nghị bổ sung “hình thức khác” cho việc tiếp nhận và trả kết quả để
dự kiến trong tương lai có thể sử dụng công nghệ thông tin (như thư điện tử) để
giảm thiểu và hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Rất
mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.