VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí

Thứ Tư 09:25 20-04-2016

Kính
gửi: Bộ Tài chính

(Vụ
Chính sách thuế)

Trả lời Công văn số 2887/BTC-CST của
Bộ Tài chính ngày 04/3/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí (sau đây gọi tắt
là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như
sau:

1.      Về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Điểm b khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định
“căn cứ số tiền phí thu được, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, tổ chức thu phí
phải gửi số tiền phí thu được vào tài khoản tiền phí chờ nộp ngân sách mở tại
KBNN. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai tiền phí thu được theo kỳ khai tháng,
báo cáo năm theo quy định pháp luật về quản lý thuế và nộp tiền phí vào NSNN”.

Quy định này là chưa rõ ràng ở các điểm:


Số
tiền phí phải gửi vào tài khoản tiền phí chờ nộp ngân sách mở tại KBNN là toàn bộ số tiền phí thu được hay là số
phí sau khi đã được khấu trừ theo tỷ lệ % xác định tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo?
Nếu phải nộp toàn bố số tiền phí thì sẽ nảy sinh thêm thủ tục hoàn lại số tiền
phí được giữ lại của tổ chức thu phí, làm gia tăng thủ tục hành chính, gây khó
khăn cho cả từ phía cơ quan nhà nước lẫn tổ chức thu phí.


Về
quy định nộp tiền phí thu được định kỳ hàng ngày, hàng tuần: Mặc dù quan điểm
“các khoản thu NSNN phải được nộp kịp thời vào NSNN” (đoạn đầu trang 5 Tờ
trình) là hợp lý, trên thực tế rất cần tính đến tính thuận tiện và đặc thù của
một số tổ chức thu phí. Việc yêu cầu nộp hàng ngày hoặc hàng tuần số tiền phí
thu được vào KBNN sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, nhân lực và do đó gây bất cập
không nhỏ cho các tổ chức thu phí. Hơn nữa, đứng từ góc độ của cơ quan nhà nước,
các cơ quan này sẽ phải tổ chức theo dõi các hoạt động đóng phí hàng ngày của các
tổ chức thu phí thay vì theo dõi theo tháng, trong khi tổng khoản tiền phải
đóng là như nhau.

Ngoài ra, việc
phân biệt tần suất gửi tiền vào tài khoản theo các định kỳ thời gian khác nhau
căn cứ vào số tiền phí thu được sẽ dẫn tới việc phải xác định: mức tiền bao
nhiêu thì theo định kỳ nào? Dự thảo hiện chưa làm rõ điều này, và về cơ bản việc
xác định các mức khác nhau cũng sẽ là rất khó. Do đó, giải pháp tốt nhất là quy
định một định kỳ chung cho tất cả các trường hợp.

Từ những phân tích trên, để đảm bảo
thuận lợi trong quá trình thực hiện, minh bạch trong chính sách và tạo thuận lợi
trong thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nhưng vấn đề
trên và quy định theo hướng:


Số
tiền phí phải gửi vào tài khoản chờ nộp ngân sách là số tiền phí thu được sau khi đã trừ tỷ lệ % được phép giữ lại,


Việc
gửi vào tài khoản này được thực hiện định
kỳ hàng tháng
(chung cho tất cả các trường hợp)

2.      Về quản lý và sử dụng phí (Điều 4)

2.1.
Tỷ lệ % được sử dụng để làm căn cứ xác định số tiền phí được khấu trừ

Khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định về
cách xác định tỷ lệ % số tiền phí được phép giữ lại, theo đó:

Tỷ lệ % = (Dự toán cả năm về chi phí
cần thiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo chế độ, tiêu chuẩn, định
mức quy định)/ Dự toán cả năm về phí thu được) x 100.

Điều này cho thấy, tỷ lệ % được xác định dựa vào 2 yếu tố khách quan
“dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí
theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định” và “dự toán cả năm về phí thu được”.

Tuy nhiên, cũng theo quy định đoạn 3
khoản 3 Điều 4 Dự thảo thì tỷ lệ % lại do cơ quan có thẩm quyết quyết định.

Các quy định này là chưa rõ ở điểm:


Nếu
tỷ lệ % do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thì việc đưa ra công thức
để xác định tỷ lệ % có ý nghĩa gì? Trong khi trong công thức này, tỷ lệ % dựa
trên các yếu tố khá rõ ràng và có thể tính ra được một cách khách quan.


Nếu
là tỷ lệ % xác định theo công thức dựa trên 02 dữ liệu khách quan: Cách thức
này là hợp lý, khách quan và do đó công bằng cho tất cả các chủ thể liên quan.
Tuy nhiên, nếu theo cách này thì có lẽ sẽ phải có 02 công thức: một dựa trên dự
toán năm (để tạm tính số tiền phải gửi vào tài khoản để chờ nộp Ngân sách) và một
dựa trên số liệu quyết toán năm (để xác định chính xác số tiền phải nộp Ngân
sách Nhà nước hàng năm)


Nếu
là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tỷ lệ %  thì:

+ Quyết định
của Cơ quan này dựa vào những yếu tố nào (“tính chất, đặc điểm của từng loại
phí” là quá chung)? Liệu tỷ lệ % do cơ quan nhà nước quyết định có thấp hơn hoặc
cao hơn tỷ lệ % được xác định theo công thức?

+ Cơ quan nhà
nước có thẩm quyền sẽ xác định tỷ lệ % vào thời điểm nào (định kỳ hàng năm hay
là tỷ lệ % được xác định áp dụng cho cả một thời kỳ cho đến khi thay đổi chính
sách)? bằng hình thức nào (Quyết định hành chính)? và tổ chức thu phí phải thực
hiện thủ tục nào để biết được tỷ lệ % này (nộp giấy tờ nào? Nội dung gì? Thời hạn
bao lâu để cơ quan có thẩm quyền trả lời …)?

Trên thực tế,
tất cả các nội dung này đều rất khó xác định và khó có thể hợp lý cho tất cả
các trường hợp (ngay cả khi Dự thảo đã đưa vào các quy định chi tiết còn thiếu
như trên). Hơn nữa, nếu đã có quy định công thức tính tỷ lệ % theo các yếu tố
khách quan (và do đó là công bằng cho tất cả các tổ chức liên quan) thì không cần
việc quyết định của Cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, có chăng chỉ là “quyết
định phê duyệt tỷ lệ % được xác định theo công thức trên theo từng trường hợp cụ
thể” (mà ở đó các tổ chức thu phí sẽ phải giải trình 02 yếu tố: các chi phí hợp
lý và tổng phí thu được).

Với các phân tích nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo
điều chỉnh nội dung khoản 3 Điều 4 theo hướng:


Chỉ
sử dụng công thức tính tỷ lệ % khách quan (theo dự toán và quyết toán năm)



quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ chấp thuận tỷ lệ % mà các tổ chức thu phí đề xuất
theo từng trường hợp với căn cứ xem xét chấp thuận hay từ chối chấp thuận là
các quy định tại Khoản 4 Điều 4 Dự thảo.

2.2.
Về các khoản chi phí cần thiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí
theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định

Khoản 4 Điều 4 Dự thảo quy định về những
nội dung chi mà tổ chức thu phí được phép sử dụng từ số tiền phí để lại. Tuy
nhiên, một số nội dung chi được liệt kê chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế.
Cụ thể:


Điểm
e khoản 4 Điều 4 Dự thảo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được
“chi thêm” một số khoản chi khác ngoài các khoản chi chung. Những khoản “khác”
này là hợp lý, nhằm bảo đảm duy trì hoạt động ổn định và chất lượng của các đơn
vị liên quan.

Cũng vì vậy
mà việc giới hạn chỉ các đơn vị sự nghiệp
công lập
mới được hưởng cơ chế này dường như là chưa hợp lý. Trên thực tế,
bên cạnh đơn vị sự nghiệp công lập, còn có tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền giao thực hiện thu phí – có tính chất tương tự, tự chủ về tài chính. Các
tổ chức này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao cũng phải chi
những khoản chi được xác định tại điểm e khoản 4.

Do đó, đề
nghị Ban soạn thảo
bổ sung “tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
giao thực hiện thu phí” thuộc đối tượng quy định tại điểm e khoản 4 Điều 4;


Theo
quy định tại điểm e khoản 4 Điều 4 Dự thảo thì “đối với cơ quan nhà nước được
áp dụng cơ chế đặc thù, tiền phí để lại cho tổ chức thu phí được sử dụng theo
quy định theo cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định”. Việc Dự
thảo chỉ xác định đối tượng là “cơ quan nhà nước được áp dụng cơ chế đặc thù”
trong quy định này là chưa phù hợp, bởi vì còn có các tổ chức được áp dụng cơ
chế đặc thù khác, được Nhà nước giao nhiệm vụ thu phí. Vì vậy, để bao quát được
các trường hợp trên thực tế đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ
chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được áp dụng
cơ chế đặc thù” vào quy định tại điểm e khoản 4 Điều 4, tức sửa quy định như
sau: “Trường hợp cơ quan nhà nước và tổ
chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công
được áp
dụng cơ chế đặc thù, tiền phí để lại cho tổ chức thu phí được sử dụng theo quy
định theo cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định”


Một
số khoản chi hợp lý, cần thiết cho hoạt động của các đơn vị liên quan nhưng
chưa được nêu trong Khoản 4 Điều 4 và vì vậy cần được bổ sung vào Dự thảo:

+ Chi phí khấu
hao tài sản cố định: Đề nghị bổ sung vào mục “Chi mua sắm, sửa chữa thường
xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho thực hiện công việc,
dịch vụ và thu phí”.

+ Đề nghị bổ
sung mới các khoản chi: Chi xây dựng cơ sở vật chất mới nếu xét thấy cần thiết
mở thêm các điểm thực hiện dịch vụ; Chi cho công tác kiểm tra (tiền kiểm – hậu
kiểm các dịch vụ); Chi cho công tác đào tạo, phổi biến các quy định liên quan đến
việc thực hiện các dịch vụ;


Khoản
4 Điều 4 chỉ nêu về các khoản chi được phép lấy từ số tiền phí để lại, tuy
nhiên, điều này không tự động được hiểu là những nội dung chi xác định tại khoản
4 Điều 4 đồng thời là những “chi phí cần thiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ,
thu phí” đề cập trong công thức tính tỷ lệ % để lại khoản 3 Điều 4.

Vì vậy, để
thuận lợi cho quá trình áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tại đoạn đầu
của Khoản 4 Điều 4 như sau “Các chi phí cần thiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ,
thu phí được phép chi từ số tiền phí để lại bao gồm:…”

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.