VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khí tượng thủy văn

Thứ Tư 09:29 20-04-2016

Kính
gửi: Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu


Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số
511/BTNMT-KTTVBĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 24/2/2016 về việc đề
nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
khí tượng thủy văn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam, trên cơ sở ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến
như sau:

1.      Về điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự
thảo thì điều kiện về nhân lực, doanh nghiệp phải có “ít nhất một người tốt
nghiệp đại học chuyên ngành khí tượng thủy văn có 5 năm kinh nghiệm hoạt động dự
báo, cảnh báo trở lên”. Việc yêu cầu thời hạn kinh nghiệm đến 5 năm dường như
là quá cao và có thể cản trở những người có trình độ nhưng chưa đủ số năm kinh
nghiệm tham gia vào hoạt động này.

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 3 Điều
12 Dự thảo thì, đối với cá nhân tham gia hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn thì có thể không phải đáp ứng yêu cầu về số năm kinh nghiệm (là 5 năm)
mà chỉ cần “hoàn thành khóa đào tạo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức” là
được chấp nhận. Điều này dường như là sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng
cùng tham gia hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, bởi vì đối với tổ
chức thì phải có nguồn nhân lực với kinh nghiệm 5 năm, trong khi cá nhân – cũng
tham gia vào hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng như một chủ thể kinh doanh, lại
không phải đáp ứng điều kiện này.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
hạ số năm kinh nghiệm của nhân lực quy định tại khoản 3 Điều
11, khoản 2 Điều 12 Dự thảo xuống (có thể là 2 năm) và cho phép sử dụng điều kiện
“hoàn thành khóa đào tạo do Bộ tài nguyên và Môi trường tổ chức” thay thế điều
kiện về số năm kinh nghiệm đối với nhân lực của tổ chức có hoạt động dự báo, cảnh
báo khí tượng thủy văn.

2.      Về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung cấp phép hoạt động dự
báo, cảnh bảo khí tượng thủy văn


Thời hạn sửa đổi, bổ sung giấy phép
(Điều 16)

Khoản 2 Điều 16 Dự thảo quy định “Giấy
phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn … được sửa đổi, bổ sung nội
dung theo yêu cầu của người được cấp phép sau
một năm
kể từ ngày giấy phép được cấp, được gia hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung”.

Quy định trên được hiểu, nếu muốn sửa
đổi, bổ sung giấy phép, thì chỉ được thực hiện sau 1 năm kể từ ngày giấy phép
được cấp, được gia hạn. Điều này dường như là chưa hợp lý, bởi vì việc sửa đổi,
bổ sung giấy phép tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động của tổ chức, cá nhân được cấp
phép. Nếu các đối tượng này đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì họ có
quyền được cấp phép vào bất kì thời điểm nào. Đứng dưới góc độ quản lý nhà nước,
không nhận thấy được mục tiêu rõ ràng nào trong việc đặt ra giới hạn về thời
gian được sửa đổi, bổ sung giấy phép trên, trong khi mục tiêu cốt lõi vẫn là
xem xét các đối tượng hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có đáp ứng
điều kiện theo quy định không.

Từ phân tích trên, để đảm bảo tính hợp
lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về giới hạn thời gian 1 năm mới được
sửa đổi giấy phép, tức là bỏ cụm từ “sau một năm kể từ ngày giấy phép được cấp,
được gia hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung” quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo.


Hồ sơ cấp giấy phép cho cá nhân hoạt
động dự báo, cảnh báo (Điều 17)

Điểm b khoản 2 Điều 17 Dự thảo quy định,
trong hồ sơ cấp giấy phép cho cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo phải có “Giấy
chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp”.

Theo quy định tại Điều 12 về điều kiện
hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của cá nhân không thấy có điều kiện
nào liên quan đến “đăng ký hoạt động khoa học công nghệ”. Vì vậy, tài liệu trên
không thể hiện hình thức của điều kiện nào quy định tại Điều 12. Do đó, để đảm
bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản
2 Điều 17 Dự thảo.


Thời hạn giải quyết hồ sơ (Điều 19,
20)

Thời hạn giải quyết hồ sơ còn có một
số điểm chưa hợp lý, cụ thể:

·
Thời
hạn xem xét hồ sơ hợp lệ: theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Dự thảo thì thời hạn
xem xét hồ sơ hợp lệ hay không là 10 ngày làm việc. Đây là khoảng thời gian khá
dài để nhận biết hồ sơ có đầy đủ, hợp lệ hay không, trong khi đó thời gian để
thẩm định, quyết định cấp phép là 05 ngày làm việc … bằng 1 nửa. Đề nghị Ban soạn
thảo rút ngắn thời gian xem xét hồ sơ hợp lệ xuống so với đề xuất tại Dự thảo
(có thể là 03 ngày làm việc);

·
Thời
gian xem xét và cấp phép: Theo quy định tại Điều 19 Dự thảo thì thời hạn để xem
xét cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép là như nhau. Điều này dường
như là chưa hợp lý, bởi vì hồ sơ của các thủ tục cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ
sung giấy phép cũng như tính chất của thủ tục là khác nhau. Chẳng hạn như, đối
với thủ tục gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép các tài liệu trong hồ sơ ít và
đơn giản hơn nhiều so với hồ sơ xin cấp mới, vì vậy thời gian để xem xét tính đầy
đủ, hợp lệ của các tài liệu trong hai hồ sơ cũng như thẩm định để quyết định cấp
phép là khác nhau. Do đó, để đảm bảo phù hợp với tính chất của từng loại thủ tục,
đề nghị Ban soạn thảo tách trình tự, thủ tục giải quyết đối với thủ tục
cấp mới với thủ tục gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép riêng, trong đó thời
gian để giải quyết thủ tục gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép là ngắn hơn thủ
tục cấp mới.

·
Thời
hạn xem xét và cấp lại giấy phép: Theo quy định tại Điều 20 Dự thảo thì thời hạn
để xem xét hồ sơ và cấp lại giấy phép tương tự như trường hợp cấp giấy phép lần
đầu. Điều này là chưa hợp lý, vì thủ tục này rất đơn giản, chỉ cần nộp Đơn đề
nghị và cơ quan nhà nước chỉ phải xem xét về tình trạng hư hỏng, rách nát,
không thể sử dụng được của giấy phép để quyết định cấp lại hay không, khác hẳn
tính chất của thủ tục cấp phép lần đầu – có sự xem xét, thẩm định hồ sơ để đảm
bảo các đối tượng đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Do đó, để đảm bảo
tính hợp lý và tạo thuận lợi cho các đối tượng khi thực hiện thủ tục hành
chính, đề nghị Ban soạn thảo quy định thủ tục này theo hướng đơn giản,
các thời gian giải quyết hồ sơ, cấp phép rút ngắn hơn so với đề xuất của Dự thảo.


Thời hạn gia hạn giấy phép: Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự
thảo thì Giấy phép được gia hạn tối đa hai lần, mỗi lần gia hạn không quá hai
năm. Thời hạn gia hạn quy định tại Dự thảo dường như là ngắn, điều này khiến
cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động
kinh doanh của mình, trong khi về mặt thực tế, cơ quan nhà nước có thể kiểm
soát việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp dựa vào hoạt động kiểm
tra, thanh tra định kỳ. Vì vậy, để đảm bảo tinh giản thủ tục hành chính vừa đảm
bảo mục tiêu quản lý nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo kéo dài thời gian
gia hạn giấy phép hơn so với đề xuất của Dự thảo, có thể liên bằng thời hạn của
giấy phép.

3.      Về thu hồi và trả lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy
văn (Điều 21)


Thu hồi giấy phép

Khoản 1 Điều 21 Dự thảo quy định “Giấy
phép được cấp nhưng không sử dụng trong thời gian mười hai tháng liên tục mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cho phép
” thuộc trường hợp bị thu hồi giấy phép.

Quy định này được hiểu là, các doanh
nghiệp được cấp giấy phép nhưng không hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày
cấp sẽ bị thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo lại thiếu rõ ràng ở
điểm: Không rõ những trường hợp nào thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép
đối tượng được cấp phép không hoạt động trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ
khi cấp phép? Những đối tượng này sẽ phải thực hiện thủ tục như thế nào để có
được sự cho phép này? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề
trên để đảm bảo thuận lợi trong thực hiện.


Trả lại giấy phép

Khoản 2 Điều 21 Dự thảo quy định về
các trường hợp trả lại giấy phép là:

·
(1)
Không sử dụng giấy phép, chủ giấy phép có quyền
trả lại giấy phép cho cơ quan cấp phép, đồng
thời có văn bản giải trình lý do cho cơ quan cấp phép
(điểm a khoản 2 Điều
21);

·
(2)
Tổ chức, cá nhân đã trả lại giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau một
năm, kể từ ngày trả lại giấy phép (điểm b khoản 2 Điều 21)

Quy định trên có một số điểm chưa hợp
lý và chưa rõ ràng sau:

·
Trường
hợp (1): yêu cầu chủ giấy phép phải giải trình lý do trả giấy phép cho cơ quan
nhà nước dường như là chưa hợp lý. Bởi vì, Nhà nước đã xem việc trả lại giấy
phép như một quyền của chủ giấy phép
thì khi họ thực hiện quyền của mình không nên yêu cầu phải thực hiện “một nghĩa
vụ” giải trình việc thực hiện quyền đó. Hơn nữa, thực tế, khi chủ giấy phép
không muốn hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép nữa, họ có quyền chấm dứt hoạt
động (tất nhiên theo đúng trình tự quy định của pháp luật) mà không cần thiết
phải giải trình cho cơ quan nhà nước về lý do chấm dứt hoạt động. Nhà nước chỉ
cần quản lý xem trong thời gian hoạt động chủ giấy phép có tuân thủ các quy định
của pháp luật không, khi chấm dứt hoạt động, chủ giấy phép có hoàn thành các
nghĩa vụ để một chủ thể kinh doanh rút lui khỏi thị trường không.

Mặt khác, về
tính minh bạch thì quy định này chưa rõ ràng ở điểm, việc giải trình của chủ giấy
phép có dẫn tới kết quả là cơ quan nhà nước sẽ chấp thuận hay từ chối việc trả
lại giấy phép của chủ giấy phép không?

Từ những phân
tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về việc giải trình lý do trả
lại giấy phép của chủ giấy phép, tức là bỏ quy định “đồng thời có văn bản giải
trình ký do cho cơ quan cấp phép” tại điểm a khoản 2 Điều 21 Dự thảo.

·
Trường
hợp (2): Việc đặt ra thời hạn hạn chế cấp phép đối với chủ giấy phép trả giấy
phép là chưa hợp lý. Bởi, hành vi trả giấy phép không bị xem là hành vi vi phạm
pháp luật liên quan đến hoạt động cấp phép, để sử dụng làm căn cứ hạn chế cấp lại
giấy phép mới đối với các chủ thể này. Hơn nữa, theo quy định thì, bất kỳ chủ
thể nào đáp ứng các điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đều
được cấp giấy phép. Và trong các điều kiện này không hề có hạn chế về chủ thể đề
nghị cấp phép liên quan đến việc trả giấy phép. Vì vậy, quy định hạn chế tại điểm
b khoản 2 Điều 21 Dự thảo vừa chưa hợp lý vừa chưa thống nhất với chính quy định
tại Dự thảo. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 2
Điều 21 Dự thảo.

4.      Về đình chỉ hiệu lực của giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn (Điều 22)

Khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định “thời
gian đình chỉ hiệu lực của giấy phép do cơ quan cấp giấy phép quyết định”. Việc
Dự thảo không quy định về thời gian đình chỉ hiệu lực của giấy phép cũng như
các căn cứ để xác định các thời hạn đình chỉ mà trao quyền quyết định hoàn toàn
vào cơ quan cấp giấy phép khiến cho quy định thiếu minh bạch và tạo ra dư địa của
tình trạng phân biệt đối xử giữa các đối tượng trong cùng điều kiện.

Do đó, để đảm bảo tính minh bạch
trong chính sách, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời gian đình chỉ
hiệu lực cũng như các căn cứ về mức độ vi phạm để xác định thời gian đình chỉ
hiệu lực tương ứng.

5.      Về nguyên tắc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn
(Điều 24)

Theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Dự
thảo thì “Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được cung cấp miễn phí thì
không được sử dụng vào mục đích dịch vụ”. Không rõ “thông tin, dữ liệu khí tượng
thủy văn được sử dụng vào mục đích dịch vụ” nghĩa là thế nào? Hiểu theo nghĩa
là mua, bán chính thông tin, dữ liệu được cung cấp (1) hay là sử dụng các thông
tin, dữ liệu vào các hoạt động có tính chất kinh doanh (2)?

Nếu hiểu theo nghĩa thứ (1) thì không
rõ lý do tại sao lại có sự hạn chế này? Bởi, khi thông tin, dữ liệu khí tượng
thủy văn đã được cung cấp cho chủ thể khác, dù dưới bất kỳ hình thức nào (miễn
phí hay là thu tiền) thì người được cung cấp có quyền được sử dụng khai thác
thông tin đó bằng bất kỳ hình thức nào, miễn là không vi phạm pháp luật.

Nếu hiểu theo nghĩa thứ (2) thì việc
kiểm soát và xác định hành vi là rất khó khả thi, vì việc vận dụng các thông
tin, dữ liệu phục vụ cho hoạt động kinh doanh rất đa dạng.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại khoản 5 Điều 24 Dự thảo.

6.      Hình thức khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn (Điều
26)

Điều 26 Dự thảo quy định về quy trình
khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn tương tự như một quy
trình thủ tục hành chính có dáng dấp của xin phép. Nếu quy trình này thiết kế
cho việc cung cấp thông tin, dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp có thể là phù
hợp, nhưng theo quy định tại Dự thảo việc hoạt động cung cấp thông tin, dữ liệu
khí tượng thủy văn có thể do doanh nghiệp cung cấp, thì quy trình này dường như
là chưa hợp lý. Bởi vì, hoạt động đề nghị được sử dụng thông tin, dữ liệu tương
tự như một hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu
khí tượng thủy văn và được điều chỉnh bởi các quy tắc của thị trường. Các bên
có thể giao dịch thông qua nhiều hình thức (như email, fax, lời nói, …), chứ
không nhất thiết phải thông qua yêu cầu bằng “phiếu” hoặc “văn bản”. Quy trình
tiếp nhận, xử lý các yêu cầu có thể rất nhanh chóng, linh hoạt mà không hẳn là
phải có “văn bản trả lời nêu rõ lý do” từ chối cung cấp.

Để phù hợp với thực tế, đề nghị
Ban soạn thảo
quy định hình thức khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí
tượng thủy văn quy định tại Điều 26 chỉ áp dụng cho trường hợp cơ quan nhà nước
cung cấp dịch vụ.

7.      Về trao đổi thông tin, dữ liệu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước
ngoài (Điều 33)


Tiêu chí cấp phép:

Điều 33 Dự thảo quy định về trình tự
thủ tục xin phép về việc trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với tổ
chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên quy trình này lại chưa rõ ràng ở điểm: cơ
quan nhà nước có thẩm quyền sẽ dựa vào tiêu chí nào để chấp thuận hay từ chối
việc trao đổi thông tin nước ngoài? Việc thiếu vắng tiêu chí này khiến cho quy
trình trở nên thiếu minh bạch và có thể tạo ra dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu
từ các cán bộ thực thi và sự phân biệt đối xử với các đối tượng trong cùng điều
kiện. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về
các tiêu chí này.


Thủ tục thông báo khi kết thúc trao đổi
thông tin

Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Dự
thảo thì sau khi kết thúc trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với tổ
chức, cá nhân nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục báo
cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy định này dường như là chưa hợp lý, tạo
gánh nặng về thủ tục hành chính. Bởi, cơ quan nhà nước có thể kiểm soát các
nguy cơ, rủi ro tác động đến lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc
phòng thông qua hoạt động cấp phép trước đó. Điều này được hiểu, các thông tin,
dữ liệu khí tượng thủy văn được cho phép trao đổi sẽ không chứa đựng những rủi
ro cần kiểm soát. Do đó, không cần thiết phải yêu cầu hoạt động báo cáo về việc
trao đổi thông tin khi hoạt động này kết thúc. Hơn nữa, nội dung báo cáo là gì?
Dự thảo cũng không quy định rõ.

Từ những phân tích trên đề nghị
Ban soạn thảo
cân nhắc bỏ quy định tại khoản 4 Điều 33 Dự thảo.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật khí tượng thủy văn. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.