VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ Sáu 15:36 03-06-2016

Số:  1300  /PTM-PC
Vv:  Góp
ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP


Nội, ngày 03  tháng 6 năm 2016


Kính gửi: Vụ Kế hoạch –
Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 3457/BCT-KH của Bộ
Công Thương ngày 21/4/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi
tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan
trực tiếp đến mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
(sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ
sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Nghị định này có nhiều quy định liên
quan đến điều kiện và thủ tục cấp phép kinh doanh, để đảm bảo quyền và lợi ích
hợp pháp của doanh nghiệp, các quy định cần cụ thể, rõ ràng, nhất quán và hợp
lý. Rà soát Dự thảo còn một số quy định chưa đảm bảo được yêu cầu trên, đề
nghị Ban soạn thảo
cân nhắc, xem xét để hoàn thiện, cụ thể:

1.      Một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất

a.      Các trường hợp không phải làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép
lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Điểm b khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định
“Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại khoản 2
Điều 23 Luật Đầu tư chỉ thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân
phối bán buôn (không gắn với thành lập cơ sở bán buôn) các hàng hóa phù hợp với
lộ trình do Bộ Công Thương công bố”
thuộc trường hợp không phải làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập
cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Trong khi đó, theo Luật Đầu tư thì
nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư được
áp dụng các điều kiện và thủ tục đầu tư như
nhà đầu tư trong nước
. Do đó, việc Dự thảo quy định điều kiện/thủ tục riêng
cho nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp này mà không phải là áp dụng điều kiện/thủ
tục thông thường như nhà đầu tư trong nước là chưa phù hợp với quy định tại khoản
2 Điều 23 Luật Đầu tư.

Để đảm bảo thống nhất với quy định tại
Luật Đầu tư, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét điều chỉnh lại quy
định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Dự thảo theo hướng, tổ chức kinh tế có vốn đầu
tư nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật đầu tư thực hiện
theo quy định áp dụng cho nhà đầu tư trong nước (tức là bỏ cụm từ “chỉ thực hiện
quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn (không gắn với thành
lập cơ sở bán buôn) các loại hàng hóa phù hợp với lộ trình do Bộ Công Thương
công bố”).

b.      Hồ sơ cấp Giấy phép lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Khoản 6 Điều 8 Dự thảo quy định “trường
hợp cơ sở bán lẻ phải thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế, tổ chức kinh
tế chỉ được ký hợp đồng xây dựng hoặc thuê, cải tạo cơ sở bán lẻ sau khi được cấp
Giấy phép lập cơ sở bán lẻ”, đồng nghĩa với việc, tại thời điểm thực hiện thủ tục
để xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp không được ký hợp đồng xây
dựng hoặc thuê, cải tạo cơ sở bán lẻ, tức là chưa xác định địa điểm cụ thể của
cơ sở bán lẻ.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản
2 Điều 28 Dự thảo thì trong hồ sơ cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ phải có “Bản
sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng
minh tổ chức kinh tế có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để thực hiện hoạt động
bán lẻ”. Quy định này được hiểu là tại thời điểm thực hiện thủ tục xin cấp phép
lập cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp đã phải có hợp đồng thuê địa điểm hoặc xác định
chính xác địa điểm sẽ lập cơ sở bán lẻ.

Như vậy, giữa hai quy định này đang
có sự thiếu thống nhất trong việc yêu cầu xác định thời điểm tổ chức kinh tế có
vốn đầu tư nước ngoài phải ký kết hợp đồng thuê và hoặc xác định chính xác địa
điểm lập cơ sở bán lẻ.

Xét về tính hợp lý, tránh rủi ro cho
doanh nghiệp, quy định tại khoản 6 Điều 8 Dự thảo là phù hợp hơn, vì vậy, đề
nghị Ban soạn thảo
bỏ yêu cầu phải có tài liệu về địa điểm dự kiến đặt cơ sở
bán lẻ trong Hồ sơ xin cấp phép, tức là bỏ quy định tại khoản 2 Điều 28 Dự thảo.

c.      Thời điểm thành lập Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế

Theo quy định tại Điều 28 thì trong Hồ
sơ cấp phép lập cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp phải cung cấp “Văn bản
thông qua kết quả làm việc của Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế” (khoản 6), điều
này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thực hiện một thủ tục trước đó để có
được văn bản thông qua kết quả làm việc của Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Tuy nhiên, trong trình tự, thủ tục cấp
Giấy phép lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ quy định tại khoản 4
Điều 29 Dự thảo thì, khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép sẽ tổ chức Họp
Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế và Hội đồng này sẽ cho ý kiến về việc lập cơ
sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, theo quy định
này thì Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế sẽ có ý kiến sau khi nhận được hồ sơ xin cấp phép lập cơ sở bán buôn, bán
lẻ. Và trong Hồ sơ xin cấp phép doanh nghiệp không thể có được “văn bản thông
qua kết quả làm việc của Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế”.

Như vậy, giữa các quy định tại Điều
28, 29 đang có sự mâu thuẫn về thời điểm thành lập và có ý kiến của Hội đồng kiểm
tra nhu cầu kinh tế.

Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất,
đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “văn bản thông qua kết quả làm
việc của Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế” trong Hồ sơ xin cấp phép lập cơ sở
bán buôn, cơ sở bán lẻ, tức là bỏ quy định tại khoản 6 Điều 28 Dự thảo.

2.      Một số quy định chưa đảm bảo tính minh bạch

a.      Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh và các ngoại lệ

Điều 6 Dự thảo quy định về các điều
kiện để tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh.
Điều này được hiểu là các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài muốn được cấp Giấy
phép kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 6.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a
khoản 2 Điều 11 Dự thảo thì Bộ Công Thương sẽ
cho ý kiến
đối với các trường hợp:


Nhà
đầu tư nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các
quốc gia, vùng lãnh thổ có tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;


Tổ
chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh để hoạt
động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
không phù hợp với lộ trình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên
quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài do Bộ Công Thương công bố

Hai trường hợp này nằm ngoài các điều
kiện quy định tại  khoản 1, 2[1] Điều
6 Dự thảo.. Việc Bộ Công thương vẫn xem xét cho ý kiến với các trường hợp này
theo đồng nghĩa với việc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể không
cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại khoản 1,2 Điều 6 mà vẫn có thể được cấp
giấy phép. Nói cách khác, với 02 trường hợp này, điều kiện cấp phép sẽ là riêng,
không nằm chung trong điều kiện tại Điều 6 Dự thảo.

Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định
về các tiêu chí để cơ quan nhà nước cân nhắc, xem xét trong các trường hợp ngoại
lệ này (tức là không quy định các điều kiện cấp phép đối với 02 trường hợp này).
Điều này khiến cho quy định trở nên thiếu minh bạch và có nguy cơ tạo ra sự
phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong cùng điều kiện.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ
sung quy định làm rõ các điều kiện, tiêu chí cấp phép trong 02 trường hợp này
.

b.      Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh (Điều 15)

Điều 15 Dự thảo quy định hồ sơ cấp Giấy
giấy phép kinh doanh phải có các loại tài liệu sau:


(1)
Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của tổ chức kinh tế trong việc thực hiện
hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán
hàng hóa (khoản 3);


(2)
Bản giải trình và các tài liệu chứng minh địa điểm dự kiến đặt cơ sở bán buôn,
cơ sở bán lẻ đáp ứng điều kiện phù hợp với quy hoạch có liên quan của tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ướng nơi dự kiến đặt cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ
(trường hợp tổ chức kinh tế đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh gắn với lập cơ sở
bán buôn thứ nhất, cơ sở bán lẻ thứ nhất) (khoản 5)

Quy định trên vừa chưa rõ ràng vừa
chưa hợp lý ở điểm:


Không
rõ tài liệu nào chứng minh năng lực tài chính của tổ chức kinh tế?

Theo quy định
tại khoản 5 Điều 6 về điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh, tổ chức kinh
tế có vốn đầu tư nước ngoài phải “có nguồn tài chính đảm bảo hoạt động kinh
doanh” và

+ “đối với
trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập dưới 01 năm,
nguồn tài chính được xác định trên cơ sở
vốn điều lệ
đối với công ty, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, vốn đầu tư đối
với doanh nghiệp tư nhân hoặc vốn kinh doanh đối với các tổ chức khác thực hiện
hoạt động đầu tư kinh doanh” (điểm a khoản 5 Điều 6): Đối với trường hợp này
thì Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức kinh tế (có ghi rõ vốn điều lệ) mà doanh
nghiệp đã phải nộp trong Hồ sơ đã đủ để chứng minh yêu cầu này rồi. Việc yêu cầu
chứng mình thêm ở đây là không cần thiết. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ
yêu cầu tại khoản 3 Điều 15 (về tài liệu chứng minh năng lực tài chính) đối với
trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập dưới 01 năm.

+ “đối với
trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập từ 01 năm trở
lên, ngoài nguồn tài chính được xác định tại điểm a khoản 5 Điều 6, nguồn tài
chính còn được đánh giá thông qua việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh n
ghiệp và các nghĩa vụ thuế, tài chính khác với Nhà nước Việt Nam”: Đối với trường
hợp này, trên thực tế có thể có rất nhiều loại tài liệu liên quan tới các nghĩa
vụ nộp thuế của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định
các tài liệu nào trong trường hợp này để đảm bảo cách hiểu thống nhất
cũng như thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế.


Yêu
cầu doanh nghiệp phải cung cấp bản giải trình và các tài liệu chứng minh địa điểm
dự kiến đặt cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch là chưa tạo thuận
lợi cho doanh nghiệp, bởi cơ quan nhà nước có thể tự đánh giá được yếu tố này dựa
vào thông tin về địa điểm mà doanh nghiệp dự định thực hiện hoạt động bán buôn,
bán lẻ cung cấp trong hồ sơ với bản quy hoạch do cơ quan quản lý nhà nước ban
hành. Và đây thực chất là công việc xét duyệt (xem xét tính phù hợp quy hoạch của
hồ sơ) của chính cơ quan Nhà nước liên quan.

Vì vậy, đề
nghị Ban soạn thảo
cân nhắc bỏ yêu cầu phải có tài liệu này trong hồ sơ, tức
là bỏ quy định “Bản giải trình và các tài liệu chứng minh địa điểm dự kiến đặt
cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ đáp ứng điều kiện phù hợp với quy hoạch có liên
quan của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến đặt cơ sở bán buôn,
cơ sở bán lẻ (trường hợp tổ chức kinh tế đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh gắn với
lập cơ sở bán buôn thứ nhất, cơ sở bán lẻ thứ nhất)” tại khoản 5 Điều 15 Dự thảo.

c.      Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh trực tuyến (Điều 16)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự
thảo thì doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin cấp phép bằng phương thức “trực tuyến
(nếu đủ điều kiện áp dụng)”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định nào về thủ
tục trực tuyến cũng như các điều kiện để doanh nghiệp có thể áp dụng phương thức
này. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục trực tuyến trong cấp
giấy phép kinh doanh.

Góp ý tương tự đối với thủ tục điều
chỉnh giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 21 Dự thảo.

d.      Thời hạn Giấy phép lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Điểm a khoản 2 Điều 17 Dự thảo quy định
“Giấy phép kinh doanh có thời hạn 05 năm. Bộ
Công Thương có thể xem xét, quyết định cho phép thời hạn Giấy phép kinh doanh
dài hơn tùy từng trường hợp cụ thể
”.

Điểm a khoản 2 Điều 30 Dự thảo quy định
“Giấy phép lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ có thời hạn 5 năm
nhưng không vượt quá thời hạn còn lại trên Giấy phép kinh doanh của tổ chức
kinh tế. Bộ Công Thương có thể xem xét,
quyết định cho phép thời hạn Giấy phép lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập cơ sở
bán lẻ dài hơn tùy từng trường hợp cụ thể
”.

Như vậy, ở cả hai trường hợp nói
trên, Dự thảo đều quy định Bộ Công thương có thẩm quyền quyết định kéo dài thời
hạn các Giấy phép quá 05 năm tùy trường hợp cụ thể. Mặc dù vậy, Dự thảo không
có bất kỳ quy định nào về các trường hợp có thể kéo dài thời hạn, cũng không
quy định về các tiêu chí để Bộ Công thương căn cứ vào đó quyết định cho phép
kéo dài thời hạn hay không. Việc thiếu các quy định như vậy có thể tạo ra nguy
cơ phân biệt đối xử giữa các đối tượng trong cùng điều kiện.

Ngoài ra, cần chú ý là đối với trường
hợp Giấy phép lập cơ sở bán buôn, bán lẻ, về logic, quyết định kéo dài thời hạn
Giấy phép trong mọi trường hợp sẽ không thể vượt quá thời hạn còn lại trên Giấy
phép kinh doanh (bởi trong các trường hợp này, Giấy phép kinh doanh là “giấy
phép mẹ”, là căn cứ để cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ/bán buôn – “giấy phép
con”; do đó thời hạn “giấy phép con” không thể dài hơn thời hạn còn lại của “giấy
phép mẹ”). Và vì vậy. điều này cũng cần phải được quy định rõ trong các tiêu
chí xác định kéo dài thời hạn của Giấy phép con quá 05 năm.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
nếu vẫn giữ quy định về việc kéo dài thời hạn Giấy phép quá
05 năm thì phải (i) quy định rõ các trường hợp, tiêu chí kéo dài thời hạn và
(ii) thời gian kéo dài tối đa, trong đó nhấn mạnh yếu tố thời hạn của Giấy phép
lập cơ sở bán buôn/bán lẻ trong mọi trường hợp không được vượt quá thời hạn còn
lại của Giấy phép kinh doanh.

e.      Các trường hợp không cấp giấy phép

Điều 18, 31 Dự thảo quy định các trường
hợp không cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán buôn, Giấy phép lập
cơ sở bán lẻ. Các quy định này sẽ giúp các đối tượng áp dụng nhận diện được các
trường hợp không được cấp giấy phép và thể hiện tính chất minh bạch trong quy
trình thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, bên cạnh việc quy định cụ thể các trường hợp
không được cấp phép, các Điều này lại có quy định dạng quét là “các trường hợp
khác theo quy định của pháp luật”.

Mặc dù quy định “quét” này để bao
quát hết các trường hợp mà Dự thảo này chưa liệt kê, nhưng đứng dưới góc độ của
doanh nghiệp thì quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch. Bởi, họ sẽ không biết
những trường hợp nào khác nữa sẽ không được cấp phép và tạo ra sự thiếu minh bạch
trong chính sách. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định này tại Điều
18, 31 Dự thảo.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết
Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực
tiếp đến mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Rất
mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1] “Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài thuộc các nước,
vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và trong điều
ước quốc tế đó Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường về hoạt động mua bán hàng
hóa và các hoạt động liên quan” (khoản 1 Điều 6)

“Đáp
ứng điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt
Nam là thành viên” (khoản 2 Điều 6)