VCCI góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Thứ Năm 08:20 12-05-2016

Kính gửi: Cục Quản lý
Khám chữa bệnh – Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 1480/BYT-KCB của
Bộ Y tế ngày 21/3/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn cấp chứng
chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến
như sau:

1.      Một số quy định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp

a.      Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện (Điều 27)

Theo quy định tại Điều 27 Dự thảo thì
điều kiện để được cấp phép đối với bệnh viện là phải đáp ứng các điều kiện liên
quan đến quy mô, trong đó có các điều kiện chưa hợp lý hoặc mâu thuẫn nhau. Cụ
thể:


Về
điều kiện “Đối với các khoa cấp cứu, khoa
điều trị tích cực và chống độc, khoa phẫu thuật, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa
xét nghiệm thì việc thiết kế, xây dựng phải thực hiện đúng quy định tại các Quyết
định số 32, 33, 34/2005/QĐ-BYT ngày 31/10/2005 và số 35/2005/QĐ-BYT ngày
15/11/2005
”:

Quyết định 35
đặt ra các tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu của các khoa cấp cứu, khoa điều trị
tích cực và chống độc, khoa phẫu thuật, khoa xét nghiệm … dựa trên các quy mô
1, 2, 3. Quy mô 1 là tối thiểu, với số giường bệnh phải từ 250 – 300 giường.
Như vậy, quy mô của bệnh viên đa khoa ở Quyết định 35 lớn hơn rất nhiều lần so
với quy mô bệnh viện đa khoa quy định tại khoản 1 Điều 27 Dự thảo (bệnh viên đa
khoa tối thiểu chỉ 30 giường bệnh, bệnh viên chuyên khoa… ít nhất 10 giường bệnh).

Như vậy, hiện
đang có mâu thuẫn giữa 02 điều kiện này?


Về
điều kiện “Nếu không đảm bảo diện tích
xây dựng theo quy định của Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007 thì phải đảm
bảo diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50m2/giường bệnh trở lên, chiều
rộng mặt trước bệnh viện phải đạt ít nhất 10m

Ban soạn thảo không có lý giải các con số trong các điều
kiện về cơ sở vật chất này. Ví dụ: Tại sao lại phải đảm bảo diện tích sàn xây dựng
ít nhất là 50m2/giường? Hơn nữa, với diện tích lớn như thế này, liệu
có phù hợp với thành phố lớn, mật độ dân số đông và diện tích xây dựng không có
nhiều như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh? Cũng như vậy, tại sao chiều rộng mặt
trước bệnh viên phải ít nhất 10m?

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:


Điều
chỉnh lại tiêu chuẩn xây dựng các khoa quy định tương ứng tại Quyết định số 32,
33, 34, 35 cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 27 Dự thảo; và

Giảm diện tích sàn tối thiểu cho mỗi giường bệnh;



lý giải đầy đủ hơn về những số lượng cứng trong các điều kiện về quy mô liên
quan. Góp ý tương tự đối với các quy định có tính chất áp đặt số lượng
cứng tại Dự thảo, ví dụ: Điều 28, 29, 31, 35 Dự thảo.

b.      Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ làm răng giả (Điều
38)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Dự
thảo thì điều kiện nhân sự của cơ sở dịch vụ làm răng giả là “người phụ trách cơ sở dịch vụ làm răng giả
phải ít nhất là thợ trồng răng (nha công) đã hành nghề từ năm 1980 trở về trước
và tại thời điểm đó đã đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có giấy xác nhận của Ủy
ban nhân dân cấp xã và đã được cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hành nghề là
kỹ thuật viên răng giả
”.

Có thể thấy đây là điều kiện khá khắt
khe đối với người phụ trách cơ sở dịch vụ làm răng giả (về tuổi và thời điểm
hành nghề). Không rõ các yêu cầu khắt khe này là nhằm mục tiêu chính sách gì
trong khi thông thường thì mục tiêu quản lý đối với hoạt động này chỉ đơn giản là
cần người có đủ trình độ về kỹ thuật răng giả và mục tiêu này hoàn toàn có thể
kiểm soát thông qua chứng chỉ hành nghề? Trên thực tế, quy định này sẽ là cản
trở cho rất nhiều trường hợp thành lập cơ cở dịch vụ làm răng giả bởi không có
nhiều người đáp ứng được các yêu cầu về tuổi và thời điểm hành nghề. Hơn nữa, điều
kiện này cũng cản trở một cách bất hợp lý và thiếu căn cứ việc kinh doanh của
những người trẻ có đủ trình độ, chuyên môn về trồng răng giả.

Hơn nữa, quy định này chưa rõ ở điểm:
Ủy ban nhân dân xã là xã nào (xã mà thợ trồng răng đăng ký hộ khẩu thường trú
hay là xã mà người thợ trồng răng hành nghề?) Ủy ban nhân dân xã dựa vào đâu để
xác nhận việc này (Ủy ban nhân dân xã không bảo đảm có và còn giữ ghi chép về tất
cả những người hành nghề y tế nói chung, trồng răng nói riêng vào các thời điểm
từ năm 1980 trở về trước)?. Việc thiếu rõ ràng trong quy định sẽ khiến cho việc
triển khai gặp khó khăn.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 38 Dự thảo theo hướng người
phụ trách cơ sở dịch vụ làm răng giả phải có chứng chỉ hành nghề với phạm vi
hành nghề là kỹ thuật viên răng giả, bỏ yêu cầu “ít nhất là thợ trồng răng đã
hành nghề từ năm 1980 trở về trước và tại thời điểm đó đã đủ 18 trở lên, đồng thời
phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

2.      Một số quy định về thủ tục hành chính trong Dự thảo chưa tạo thuận lợi
cho các đối tượng thực hiện

Nghị định này có nhiều quy định liên
quan đến thủ tục hành chính về cấp giấy phép. Để đảm bảo thuận lợi trong quá
trình thực thi và hạn chế tình trạng nhũng nhiễu từ các cán bộ thực hiện thủ tục,
các quy định cần phải rõ ràng, cụ thể, thể hiện được tinh thần đơn giản hóa thủ
tục hành chính.

Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo
đáp ứng được yêu cầu này, tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân
nhắc, xem xét một số quy định sau:

a.      Về hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam
(Điều 6)

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều
6 Dự thảo thì trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt
Nam phải có sơ yếu lý lịch có xác nhận của
Ủy ban nhân dân xã hoặc thủ trưởng đơn vị nơi công tác
. Việc yêu cầu tài liệu
này là ít ý nghĩa, bởi vì:


Một
số thông tin có trong Sơ yếu lý lịch (tại Mẫu 04 của Phụ lục) đã được thể hiện
trong các tài liệu nộp cùng trong Hồ sơ này, chẳng hạn như: Thông tin về sức khỏe
đã có trong Giấy chứng nhận đủ sức khỏe; thông tin về học vấn đã có trong Văn bằng
chuyên môn; Một số thông tin có tính định danh đã được thể hiện trong Phiếu lý
lịch tư pháp …

Ngoài ra, một
số thông tin khác trong Sơ yếu lý lịch như: Thông tin về bản thân (thành phần
sau cải cách ruộng đất, ngày kết nạp Đàng-Đoàn, ngày nhập ngũ – xuất ngũ..); Hoàn
cảnh gia đình (tên, tuổi, nghề nghiệp của người thân, quá trình hoạt động trước
cách mạng tháng 8, trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 đến nay của bố mẹ,
trình độ chính trị, nghề nghiệp của anh chị em ruột…)… đã quá cũ/ít ý nghĩa hoặc
hầu như không có liên quan nhiều đến vấn đề cốt lõi cần quản lý đối với người
hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (đạo đức, trình độ chuyên môn).


Gia
tăng thủ tục hành chính cho đối tượng xin cấp chứng chỉ: Việc yêu cầu khai quá
nhiều thông tin (thậm chí là những thông tin quá chi tiết, ví dụ như thông tin
về hoàn cảnh gia đình) và yêu cầu phải xin xác nhận tại Ủy ban nhân dân cấp xã
khiến cho các đối tượng xin cấp chứng chỉ mất thêm thời gian, trong khi những
thông tin trong tài liệu này hoặc là trùng hoặc là ít ý nghĩa (như phân tích ở
trên).

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ
yêu cầu phải có Sơ yếu lý lịch trong Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối
với người Việt Nam, tức là bỏ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 6 Dự thảo.

b.      Thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề và điều chỉnh phạm vi hoạt động
chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề (Điều 8)

Theo quy định tại đoạn 2 điểm b khoản
2 Điều 8 Dự thảo thì thời gian để xem xét hồ sơ có hợp lệ không đối với trường
hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp chứng chỉ bị mất, bị hư hỏng
10 ngày làm việc. Khoảng thời gian
này là quá dài nếu chỉ để xem xét các
tài liệu là Đơn đề nghị cấp lại (theo mẫu), 2 ảnh 04 x 06 cm có hợp lệ hay
không.

Để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành
chính, tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo
sửa đổi thủ tục theo hướng, phân tách thời gian giải quyết hồ sơ đối với từng
loại thủ tục và đối với thủ tục cấp lại do hư hỏng, mất thì thời gian xem xét hồ
sơ hợp lệ rút ngắn lại, có thể là 01 ngày làm việc.

c.      Thủ tục chấp thuận thời gian vắng mặt của người chịu trách nhiệm chuyên
môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 13)

Điểm c khoản 9 Điều 13 Dự thảo thì
trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vắng
mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì lý do ốm đau, nghỉ phép, đi học hoặc vì
lý do khác từ 30 ngày đến 180 ngày thì người chịu trách nhiệm chuyên môn phải
có “văn bản báo cáo Sở Y tế và được Sở Y
tế chấp thuận bằng văn bản
”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về thủ tục
xin được sự chấp thuận của Sở Y tế (Nộp báo cáo với nội dung là gì? Trong khoảng
thời gian bao lâu thì Sở sẽ có ý kiến đối với báo cáo này) và không rõ về tiêu
chí để Sở Y tế chấp thuận hay từ chối về việc báo cáo của người chịu trách nhiệm
chuyên môn.

Việc thiếu rõ ràng trong các quy định
trên sẽ khiến cho việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn và sẽ nảy sinh hiện
tượng tiêu cực. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy
định về việc xin chấp thuận của Sở Y tế, trong trường hợp vắng mặt này, người
chịu trách nhiệm chuyên môn chỉ phải gửi thông báo tới cho Sở để cơ quan quản
lý nhà nước theo dõi, phục vụ cho công tác quản lý.

d.      Về cấp phép cho cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt
thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch
trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 23)

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều
23 Dự thảo thì thủ tục cấp phép đối với cơ sở được kiểm tra và công nhận biết
tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ
phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thể xem xét hồ sơ để
cấp phép hoặc “trong trường hợp cần thiết” sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ
sở trước khi cho phép.

Quy định trên vừa thiếu rõ ràng vừa
chưa hợp lý ở điểm: không rõ trường hợp nào thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành
kiểm tra thực tế, trường hợp nào chỉ xem xét hồ sơ rồi cấp phép?

“Trong trường hợp cần thiết” là quy định
chung chung, mang tính định tính, trao nhiều quyền quyết định cho cơ quan cấp
phép và có thể nảy sinh những nhũng nhiễu.Hơn nữa, đối với những điều kiện khá
rõ ràng và cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 23 và những điều kiện này có thể chứng
minh được qua tài liệu, thì không nhất thiết phải tiến hành kiểm tra thực tế
trước khi cấp phép. Nếu có sự lo ngại về việc cơ sở cấp phép có sự gian dối thì
có thể kiểm soát bằng hình thức kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất.

Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch và
thủ tục đơn giản, thuận lợi đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “trường hợp
cần thiết, Bộ Y tế tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở đề nghị trước khi cho
phép” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Dự thảo.

e.      Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm
chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 47)

Khoản 1 Điều 47 Dự thảo quy định,
trong hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải
có:


(1)
Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật
chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;


(2)
Bản sao có chứng thực hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người
bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài;


(3)
Bản sao có chứng thực hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện không có
phương tiện vận chuyển cấp cứu


(4)
Điều lệ tổ chức và hoạt động của bệnh viện (theo Mẫu tại Phụ lục 16)

Yêu cầu các loại tài liệu này tại thời
điểm xin cấp phép sẽ gây khó khăn và tạo rủi ro cho các doanh nghiệp xin cấp
phép, bởi để có các tài liệu dạng hợp đồng như tài liệu (1), (2), (3) thì doanh
nghiệp phải ký hợp đồng trước đó với các đối tác/chủ thể/người lao động liên
quan trong khi chưa chắc chắn có được cấp phép hoạt động hay không. Nếu thực hiện
theo quy định này, trường hợp sau đó bị từ chối cấp phép, doanh nghiệp sẽ phải
bồi thường cho các đối tác do vi phạm hợp đồng đã ký (không thể triển khai hoạt
động theo hợp đồng).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều
chỉnh lại các quy định này theo hướng cho phép doanh nghiệp cung cấp Bản kê
khai về các dịch vụ dự kiến sẽ thực hiện cũng như dự kiến các đối tác/chủ thể
liên quan khi lập hồ sơ xin cấp phép, và quy định một khoảng thời gian sau khi
cấp phép, doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các loại tài liệu (1), (2); (3), nếu
không cung cấp thì sẽ bị thu hồi giấy phép do không đáp ứng được điều kiện theo
quy định.

Đối với tài liệu (4) là không cần thiết,
bởi khi thành lập doanh nghiệp đã có Điều lệ trong Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp,
đồng nghĩa với việc tại thời điểm thực hiện thủ tục xin cấp phép hoạt động khám
bệnh, chữa bệnh, doanh nghiệp đã có Điều lệ và đã được kiểm soát bởi cơ quan quản
lý Nhà nước về doanh nghiệp. Do vậy, nếu trong hồ sơ xin phép này, doanh nghiệp
phải cung cấp Điều lệ theo Phụ lục 16 của Dự thảo thì sẽ xảy ra hiện tượng
doanh nghiệp sẽ có 2 Điều lệ (với nhiều điểm khác nhau). Điều này về mặt pháp
lý là không thể được. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị
Ban soạn thảo
bỏ yêu cầu phải có Điều lệ tổ chưc và hoạt động của bệnh viện
trong Hồ sơ cấp phép, tức bỏ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 47 Dự thảo.

f.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động
đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi địa điểm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Dự
thảo thì Hồ sơ để thực hiện thủ tục này phải có:


(1)
Bản sao giấy phép thành lập


(2)
Điều lệ tổ chức và hoạt động của bệnh viện


(3)
Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề và danh
sách người đăng ký hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Giấy xác nhận quá
trình thực hành của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện


(4)
Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện
phải cấp chứng chỉ hành nghề


(5)
Bản sao có chứng thực hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người
bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài

Về mặt logic, đối với trường hợp chuyển
địa điểm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tức là tất cả các vấn đề khác về nhân
sự, chuyên môn không thay đổi), chỉ cần chứng minh tại địa điểm mới của cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh vẫn đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất là đủ.

Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo yêu cầu
các loại giấy tờ dường như ít liên quan đến sự thay đổi về địa điểm trong khi
không có yêu cầu tài liệu nào chứng minh về việc địa điểm mới sẽ đáp ứng điều
kiện về cơ sở vật chất theo quy định.

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị
Ban soạn thảo
sửa đổi khoản 3 Điều 47 như sau, trong Hồ sơ xin cấp giấy
phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có các tài liệu là:


Đơn
đề nghị (theo mẫu)


Giấy
phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh


Bản
kê các cơ sở vật chất tại địa điểm mới phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất
theo quy định (giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện sẽ được gửi sau khi được cấp
lại giấy phép trong vòng 1 khoảng thời gian)

Các điều kiện về nhân sự không thay đổi
thì không cần phải cung cấp trong Hồ sơ.

g.      Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
khi thay đổi tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Khoản 4 Điều 47 Dự thảo quy định Hồ
sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay
đổi tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp các loại tài liệu như:


(1)
Bản sao giấy phép thành lập


(2)
Điều lệ tổ chức và hoạt động của bệnh viện


(3)
Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện
phải cấp chứng chỉ hành nghề


(4)
Bản sao có chứng thực hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người
bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài

Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi bất kỳ yếu tố nào liên quan đến điều
kiện hoạt động của cơ sở, thì việc yêu cầu phải nộp tất cả các tài liệu trên là
chưa hợp lý, bởi các tài liệu này dường như không
liên quan
đến việc thay đổi tên của cơ sở. Do đó, quy định tại khoản 4 Điều
47 Dự thảo vừa tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp vừa không đảm bảo được
mục tiêu quản lý nhà nước.

Đối với trường hợp này, đề nghị
Ban soạn thảo
sửa đổi khoản 4 Điều 47 theo hướng, hồ sơ đề nghị cấp giấy
phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi tên cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh phải cung cấp các loại tài liệu là:


Đơn
đề nghị (trong đó có nội dung về tên hiện tại của cơ sở, tên mới mà cơ sở dự định
đổi thành)


Giấy
phép hoạt động

h.      Thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu
trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 48)

Khoản 2 Điều 48 Dự thảo quy định về
trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép, trong đó có quy định, khi
nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước sẽ xem xét và sẽ yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ
hoàn chỉnh trong 10 ngày làm việc. Và doanh nghiệp có thể sẽ phải thực hiện nhiều
lần (nếu những lần hoàn chỉnh hồ sơ không đúng yêu cầu đã được ghi trong văn bản).

Quy định về trình tự, thủ tục trên là
chưa rõ ràng và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp ở một số điểm sau:


Dự
thảo quy định 10 ngày làm việc để xem xét tính hợp lệ của hồ sơ cho tất cả các
thủ tục là chưa hợp lý, bởi vì tính chất và số lượng tài liệu trong hồ sơ của
các thủ tục là khác nhau. Chẳng hạn như: đối với trường hợp cấp lại do bị mất,
hư hỏng, hồ sơ chỉ có giấy đề nghị và giấy phép (nếu có), với hồ sơ đơn giản
như thế này, cơ quan tiếp nhận phải mất tới 10 ngày làm việc để xem xét có hợp
lệ hay không là quá dài. Hay trường hợp cấp lại giấy phép do thay đổi tên thì hồ
sơ không phức tạp bằng tài liệu trong hồ sơ cấp mới, vì vậy mất cùng thời gian
để xem xét tính hợp lệ của hồ sơ là chưa hợp lý;


Theo
quy định tại Dự thảo thì cơ quan nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện
hồ sơ nhiều lần và doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ cho đến khi cơ quan nhà
nước không còn yêu cầu. Quy định này có thể sẽ phát sinh hiện tượng nhũng nhiễu,
gây khó khăn cho doanh nghiệp bằng hình thức yêu cầu hoàn thiện nhiều nội dung
khác nhau ở những lần khác nhau trong khi về nguyên tắc có thể ngăn chặn hiện
tượng này bằng cách quy định mọi yêu cầu về hoàn thiện hồ sơ phải được nêu chỉ
trong một lần, bằng hình thức văn bản để doanh nghiệp hoàn thiện một lần.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
sửa đổi quy định về trình tự thủ tục quy định tại Điều 48
theo hướng:


Quy
định thời hạn xem xét hồ sơ riêng cho từng loại thủ tục; Đối với những trường hợp
cấp lại do mất, hư hỏng, thì thời gian xem xét nên rút ngắn, chẳng hạn khoảng
02 ngày làm việc;


Quy
định nguyên tắc: cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu tất cả các vấn đề về hoàn chỉnh hồ
sơ một lần bằng văn bản.

3.      Góp ý khác


Về
Mẫu hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh (Phụ lục 10): Việc Dự thảo quy định
mẫu Hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh là không cần thiết. Thực ra đây là
Hợp đồng lao động giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với người hành nghề khám bệnh,
chữa bệnh. Những nội dung của hợp đồng này nên được hai bên tự thỏa thuận, hơn
nữa đã có pháp luật về lao động điều chỉnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo
bỏ Phụ lục 10.


Về
yêu cầu số chứng minh nhân dân trong các mẫu Đơn. Hiện nay Nhà nước đang cấp Thẻ
căn cước công dân thay thế số chứng minh nhân dân, vì vậy cần bổ sung thông tin
về thẻ căn cước công dân trong các mẫu Đơn để đảm bảo thống nhất trong hệ thống
pháp luật.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định hướng dẫn cấp chứng
chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo
cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.