VCCI góp ý dự thảo Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay

Thứ Tư 14:54 30-08-2017

Kính gửi: Tòa án nhân dân tối cao

Trả lời Công văn số 370/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Một số quy định tại Dự thảo chưa giải quyết được các vấn đề khó khăn trong thực tiễn

Một trong những mục tiêu quan trọng của các chính sách trong Dự thảo là giải quyết những vướng mắc, bất cập của thực tế mà quy định hiện hành chưa giải quyết được. Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành[1] (sau đây gọi tắt là Báo cáo) đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình thi hành chính sách, tuy nhiên quy định tại Dự thảo, dường như vẫn chưa giải quyết thỏa đáng các vướng mắc này, ví dụ:

–         Về biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển, tàu bay

Theo quy định hiện hành thì người yêu cầu bắt giữ tàu biển, tàu bay phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính, giá trị bảo đảm tài chính sẽ do Tòa án ấn định tương đương với thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ. Báo cáo chỉ ra, Tòa án gặp nhiều khó khăn cho việc ấn định giá trị tài sản bảo đảm do “Pháp lệnh chưa quy định cụ thể các căn cứ để ước tính thiệt hại có thể xảy ra”.

Trong khi đó, Dự thảo gần như giữ nguyên quy định về xác định giá trị bảo đảm tài chính “Giá trị bảo đảm tài chính do Tòa án ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, bắt giữ tàu biển, tàu bay không đúng” (khoản 2 Điều 7). Quy định này cũng không đưa ra căn cứ để ước tính thiệt hại có thể xảy ra cụ thể, rõ ràng hơn so với quy định hiện hành. Như vậy, về cơ bản, khó khăn vướng mắc liên quan tới vấn đề này vẫn chưa giải quyết được trong Dự thảo.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể hơn về căn cứ xác định giá trị bảo đảm tài chính (ví dụ: thiệt hại có thể phát sinh dựa vào các chi phí mà tàu biển phải trả cho cảng; các chi phí về tiền lương, tiền công trả cho người lao động; chi phí bồi thường thiệt hại cho tàu do vi phạm hợp đồng … trong thời gian tàu bay, tàu biển bị bắt giữ).

–         Về tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ

Dự thảo (Điều 8, 26) hiện giữ nguyên quy định hiện hành về vấn đề này. Cụ thể, theo quy định hiện hành thì gửi kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp bắt giữ tàu biển, phải có tài liệu, chứng cứ. Nếu các tài liệu này bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và được chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với tài liệu, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp, xác nhận theo pháp luật nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Thực tế thực hiện đã cho thấy quy định này gây ra nhiều vướng mắc, bởi việc phải dịch ra bằng tiếng việt các hồ sơ, chứng cứ liên quan đến tàu biển hoặc hợp thức hóa lãnh sự mất rất nhiều thời gian trong khi “lịch dỡ hàng tại cảng của tàu bị bắt giữ ngắn và sau khi dỡ hàng hóa xong nếu như không có quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa thì tàu sẽ rời khỏi cảng, rời khỏi lãnh thổ Việt Nam”[2].

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại quy định này để đảm bảo giải quyết được vướng mắc phát sinh từ quy định này trên thực tế (có thể tinh giản thủ tục theo hướng: bỏ thủ tục chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu dịch; nộp trước tài liệu chưa dịch để đảm bảo xử lý nhanh yêu cầu bắt giữ tàu biển). Về mặt nguyên tắc, người yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình và bên thiệt hại có thể yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi (Điều 5 Dự thảo), do đó thủ tục yêu cầu bắt giữ tàu biển nên được thiết kế đơn giản và nhanh chóng hơn.

  1. Về thủ tục bắt giữ tàu biển (Chương III)

Rất nhiều quy định trong Chương III Dự thảo về thủ tục bắt giữ tàu biển chồng lấn với quy định về bắt giữ tàu biển quy định tại Chương VI Bộ luật Hàng hải năm 2015, trong đó có các quy định có nội dung mâu thuẫn với nhau, ví dụ: thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải tối đa là 20 ngày kể từ ngày tàu biển bị bắt giữ (khoản 1 Điều 36 Dự thảo), trong khi đó thời hạn này trong quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hàng hải năm 2015 lại là 30 ngày kể từ ngày tàu biển bị bắt giữ.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định chồng lấn về thủ tục bắt giữ tàu biển với Bộ luật Hàng hải năm 2015 và chỉ quy định về những thủ tục bắt giữ tàu biển chưa có quy định tại Bộ luật này.

  1. Về các trường hợp bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay (Điều 84)

Điều 84 Dự thảo quy định các trường hợp bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay, trong đó có 02 trường hợp đáng chú ý (do chỉ cần chủ thể được nêu yêu cầu là đủ, không kèm theo bất kỳ điều kiện gì) tại khoản 1 và 4 là:

–         Bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của chủ sở hữu tàu bay

–         Bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người khác có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay

Quy định tại các khoản này có thể được hiểu là chỉ cần có yêu cầu từ chủ sở hữu tàu bay hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay, thì tàu bay sẽ bị bắt giữ. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định này ở trường hợp, tàu bay đang được đối tượng khác (không phải là chủ sở hữu) sử dụng dựa trên một giao dịch hợp pháp, nếu chỉ cần có yêu cầu của chủ sở hữu tàu bay mà không gắn kèm theo một điều kiện nào (ví dụ: tàu bay đang được sử dụng một cách bất hợp pháp; …) thì quyền lợi của người đang sử dụng máy bay bị xâm phạm một cách bất hợp lý.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các điều kiện kèm theo trong trường hợp theo yêu cầu của chủ sở hữu tàu bay hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay trong việc bắt giữ tàu bay.

  1. Về cấp, tống đạt các quyết định của Tòa án qua email, fax (Điều 9.3)

Khoản 3 Điều 9 Dự thảo quy định về việc tống đạt qua email, fax.

Về hình thức thì đây là quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực thi, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn khẩn cấp của các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vấn đề là khác với việc gửi tài liệu thông thường, việc tống đạt có ý nghĩa quan trọng liên quan tới các quyền và lợi ích tố tụng của các chủ thể liên quan, trong khi không phải khi nào các chủ thể liên quan cũng có hoặc buộc phải có các phương tiện điện tử sẵn sáng tiếp nhận tài liệu ngay khi được gửi. Do đó việc tống đạt bằng các phương tiện điện tử nói chung và fax hay email nói riêng cần rất thận trọng.

Theo Điều 172.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì phương thức này chỉ có thể được áp dụng đối với trường hợp “theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác” (tức là chỉ tống đạt bằng phương tiện điện tử cho đối tượng là đương sự hoặc người tham gia tố tụng, và chỉ khi các đối tượng này có yêu cầu).

Trong khi đó theo Dự thảo thì việc tống đạt này bao gồm cả tống đạt là cho Giám đốc cảng vụ, Cơ quan thi hành án (tức là các cơ quan, tổ chức không đương nhiên là người tham gia tố tụng; và trên thực tế các địa chỉ nhận tài liệu bằng phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức này không phải là chính thức, bắt buộc xử lý ngay khi nhận được như các địa chỉ nhận văn thư thông thường).

Vi vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này, về đối tượng cũng như điều kiện áp dụng.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về thời hạn cán bộ tòa án sẽ thực hiện gửi các quyết định bằng phương thức fax hoặc email (trong thời hạn bao nhiêu tính từ thời điểm phân công cán bộ tòa án?).

  1. Một số quy định chưa đảm bảo tính minh bạch

Để đảm bảo các quy định tại Dự thảo có thể áp dụng thuận lợi trên thực tế, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, các quy định cần phải rõ ràng, cụ thể. Một số quy định tại Dự thảo vẫn chưa đáp ứng được nguyên tắc này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét:

  1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

“Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện” là thuật ngữ mới, chưa phổ biến, do đó để tạo cách hiểu thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về giải thích khái niệm này.

  1. Về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi tàu bay, tàu biển bị bắt giữ (Điều 10)

Khoản 4 Điều 10 Dự thảo quy định “Trong thời gian tàu biển, tàu bay bị bắt giữ chủ sở hữu tàu biển, tàu bay, người thuê tàu biển, tàu bay, người khai thác tàu biển, tàu bay có trách nhiệm duy trì hoạt động của tàu biển, tàu bay, thanh toán các chi phí phát sinh tại cảng, cảng hàng không, sân bay. Người vận chuyển, người khai thác tàu biển, tàu bay vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã cam kết”, tàu bay, tàu biển được rời khỏi cảng khi đã thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc bắt giữ tàu biển, tàu bay.

Quy định này về cơ bản thì hợp lý, nhưng cách quy định có thể còn gây băn khoăn:

–         Về trách nhiệm chịu chi phí duy trì hoạt động của tàu và chi phí cảng: Đúng là chủ sở hữu, người khai thác có trách nhiệm này. Nhưng trên thực tế xảy ra khá nhiều trường hợp các chủ thể này bỏ không thực hiện trách nhiệm này, khiến “người thứ ba” (ví dụ cảng) phải chịu thiệt hại.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về biện pháp xử lý khi xảy ra tình trạng này (ví dụ: sử dụng khoản tiền bảo đảm tài chính để chi trả, sau này bồi hoàn sau?)

–         Về nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã cam kết: Cách quy định này có thể dẫn tới các băn khoăn về khả năng thực thi (ví dụ: tàu đã giữ thì làm sao tiếp tục thực hiện hợp đồng vận chuyển cho khách hàng? Tàu bị giữ làm sao còn xếp/dỡ hàng hóa được?…).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo cách thức khác cho phù hợp hơn, ví dụ “Việc tàu biển, tàu bay bị bắt giữ không phải là căn cứ miễn trách cho các bên liên quan trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết liên quan tới việc sử dụng các tàu biển, tàu bay này”.

  1. Danh sách các tổ chức bảo hiểm có uy tín

Theo quy định tại Điều 29, 42, 66, 91 thì căn cứ để hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, bắt giữ tàu biển, tàu bay là được tổ chức bảo hiểm có uy tin cam kết bảo lãnh thực hiện thay về nghĩa vụ tài sản. Tổ chức bảo hiểm có uy tín do Bộ Tài chính thông báo danh sách.

Quy định này là chưa rõ ràng ở điểm: Bộ Tài chính dựa vào căn cứ nào để xác định các tổ chức bảo hiểm có uy tín? Những căn cứ đó quy định ở đâu? Tại sao tất cả các công ty bảo hiểm lại không thể được thực hiện bão lãnh mà chỉ có một số, trong khi về mặt nguyên tắc, các doanh nghiệp được cấp giấy phép bảo hiểm, có nghĩa là đủ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cấp phép.

Ban soạn thảo cần giải trình rõ các vấn đề này để tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa các đối tượng trong cùng điều kiện.

  1. Chủ thể yêu cầu hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Dự thảo thì khi có một trong những căn cứ hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, người đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và “những người khác có liên quan” có quyền yêu cầu hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

“Những người khác có liên quan” là những người nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.

Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 1 Điều 67 Dự thảo.

  1. Các quy định có nhiều phương án lựa chọn

–         Thẩm quyền của tòa án (Điều 4)

Dự thảo đưa ra 2 phương án về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện của tòa án , đó là:

  • Phương án 1: Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự
  • Phương án 2: Tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của người yêu cầu hoặc nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng hoặc nơi xảy ra vi phạm quyền của người yêu cầu

Phương án 1 là hợp lý, vì biện pháp này được áp dụng trước khi khởi kiện, có nghĩa người yêu cầu sẽ khởi kiện tranh chấp này ra tòa án. Do đó xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện sẽ theo dõi được vụ tranh chấp.

–         Về cấp, tống đạt các quyết định của Tòa án (Điều 9)

Phương án 2, xác định thời hạn cán bộ Tòa án phải thực hiện việc giao các quyết định của Tòa án, kể từ thời điểm ra quyết định là hợp lý. Bởi, đây là thời điểm rõ ràng, các chủ thể bên ngoài có thể nhận biết, hơn là thời điểm phân công cán bộ phụ trách – công việc thuộc về nội bộ của Tòa án, rất khó để biết thời điểm nào.

–         Thủ tục giải quyết đơn yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải (Điều 44)

Phương án 1 quy định rõ ràng và cụ thể hơn, khi xác định rõ căn cứ để quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ.

–         Thời hạn bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay (Điều 85)

Khoản 1 Điều 85 Dự thảo quy định về thời hạn bắt giữ tàu bay.

Khoản 2 Dự thảo đưa ra 2 phương án liên quan đến thời hạn này, trong đó Phương án 2 là hợp lý hơn khi gắn thời hạn bắt giữ tàu bay với việc khởi kiện vụ án tại Tòa án hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.

 

[1] Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay và các biện pháp cưỡng chế hành chính đề xuất cần được Tòa án áp dụng – tài liệu đính kèm Dự thảo

[2] Trang 4 – Báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay và các biện pháp cưỡng chế hành chính đề xuất cần được Tòa án áp dụng – tài liệu đính kèm Dự thảo