VCCI góp ý DTNĐ thay thế NĐ 42/2014/NĐ_CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Thứ Tư 15:45 14-12-2016

Kính gửi: Vụ Pháp chế – Bộ Công
Thương

Trả lời Công văn số 10806/BCT-PC của Bộ Công
Thương ngày 11/11/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định
42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
(sau
đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một
số ý kiến như sau:

1.
Các quy định về minh bạch thông tin

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với hoạt động kinh
đoanh đa cấp là yếu tố minh bạch về thông tin. Cơ quan soạn thảo đã quan tâm đến
vấn đề này và bổ sung thêm nhiều quy định quan trọng như: (1) yêu cầu doanh
nghiệp phải có hệ thống thông tin quản lý người bán hàng; (2) có website đăng tải
thông tin; (3) cung cấp hóa đơn bán hàng; (4) thanh toán qua tài khoản ngân hàng…
Đây là các quy định cần thiết, giúp làm minh bạch thông tin hoạt động của các
doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Thực tiễn một số vụ tranh chấp về bán hàng đa cấp thời
gian qua cho thấy, người tham gia bán hàng gặp nhiều bất lợi bởi hầu hết các
tài liệu, chứng cứ đều do phía doanh nghiệp nắm giữ. Kể cả trong trường hợp đã
yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin trên website, nhưng doanh nghiệp vẫn nắm
quyền quản trị website và máy chủ. Trong khi đó, hầu hết các tài liệu này đều
đã được nộp hoặc thông báo cho cơ quan quản lý. Đã từng có trường hợp người
tham gia phải liên lạc với Sở Công Thương địa phương để xin photo tài liệu về
chương trình khuyến mãi mà doanh nghiệp đã thông báo cho Sở.

Do đó, VCCI đề nghị bổ sung quy định yêu cầu cơ
quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp cũng cần đăng tải toàn bộ các thông
tin, tài liệu mà doanh nghiệp đã nộp
cho mình lên một địa chỉ website chung
để người tham gia bán hàng có thể tra cứu khi có nhu cầu. Ví dụ, toàn bộ các
tài liệu doanh nghiệp nộp khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động,
kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động
bán hàng đa cấp, tài liệu khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương,
tài liệu thông báo các chương trình khuyến mãi, thông báo tổ chức hội nghị, hội
thảo, đào tạo, xác nhận ký quỹ,… Website này cũng cần có số điện thoại của cơ
quan nhà nước để người dân có thể tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về các hành vi
vi phạm.

Với những cơ chế cung cấp thông tin bắt buộc và chính
thống như vậy, người tham gia luôn có được các cảnh báo cần thiết và nguồn
thông tin đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định của mình.

2.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký
hoạt động bán hàng đa cấp

Điều 14 của Dự thảo quy định hiệu
lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5 năm. VCCI cho rằng
quy định này là không cần thiết, vì theo quy định của Dự thảo, cơ quan
nhà nước có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra (Điều 56 và 57), phát hiện vi phạm
(Điều 58) và rút giấy phép (theo Điều 22) của doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất
kỳ thời điểm nào. Hơn nữa, doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã phải thực hiện chế độ
báo cáo thường xuyên 6 tháng một lần cho Bộ Công Thương và Sở Công Thương (theo
Điều 50). Do đó, việc duy trì thời hạn của Giấy phép sẽ làm tăng rủi ro kinh
doanh, chi phí tuân thủ và tăng nguy cơ nhũng nhiễu đối với cả các doanh nghiệp
kinh doanh tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn
thảo
bỏ quy định về hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng
đa cấp để hạn chế các điểm yếu nêu trên.

3.
Quy định về ký quỹ

Pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp từ trước đến nay
đã có quy định về ký quỹ nhằm giải quyết quyền lợi của người tham gia. Tuy
nhiên, trên thực tế, quy định này dường như không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Theo quy định hiện nay và tại Dự thảo, số tiền ký quỹ tương ứng với 5% của vốn
điều lệ và không thấp hơn 5 tỷ hoặc 10 tỷ. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp
chỉ ký quỹ trên con số tối thiểu, số tiền này thường rất nhỏ so với các vụ lừa
đảo bán hàng đa cấp thời gian qua. Mặc dù Bộ Công Thương đã có Thông tư
24/2014/TT-BCT hướng dẫn thủ tục chi trả cho người tham gia nhưng do chưa có
tiêu chí xác định tính hợp lệ của hồ sơ nên việc xác minh chi trả vẫn nặng tính
chủ quan của cán bộ phụ trách. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể
để xử lý trường hợp có quá nhiều người đề nghị chi trả dẫn đến không đủ tiền.
Vô hình chung, quy định hiện tại khiến Bộ Công Thương trở thành một đơn vị quản
lý quỹ cho người tham gia khi rủi ro xảy ra. VCCI nhận thấy, cần phải thay đổi
về bản chất của việc ký quỹ và quản lý, sử dụng tiền ký quỹ.

Thông thường, quyền lợi của người tham gia đòi tiền của
doanh nghiệp kinh doanh đa cấp xuất phát từ việc doanh nghiệp không trả lại tiền
khi người mua trả lại hàng. Do đó, sẽ đi vào thực chất hơn, nếu số tiền ký
quỹ được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số bán hàng của doanh nghiệp
trong một khoảng thời gian và được quản lý bởi một công ty bảo hiểm
, tương
tự như quy định về bảo hiểm tiền gửi ngân hàng. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo
nghiên cứu cơ chế như sau:


Khi
bán hàng thu tiền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải trích một tỷ lệ phần trăm
nhất định để mua bảo hiểm cho khách hàng. Tỷ lệ phần trăm này có thể do doanh
nghiệp đa cấp thỏa thuận với công ty bảo hiểm hoặc theo luật định.


Sau
thời hạn 30 ngày (hoặc một khoảng thời gian khác) kể từ ngày người mua nhận được
hàng thì số tiền bảo hiểm này được trả lại cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp.


Trong
trường hợp người mua muốn trả lại hàng, mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp không
hoặc không thể trả lại tiền thì công ty bảo hiểm sẽ trả lại tiền cho người mua,
toàn bộ hoặc một tỷ lệ luật định.

Như vậy, số tiền ký quỹ/bảo hiểm này luôn tương ứng tỷ
lệ với doanh số bán hàng trong một khoảng thời gian của doanh nghiệp, phản ánh
đúng bản chất của tiền ký quỹ/bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp trốn
tránh nghĩa vụ thì quyền lợi của người mua hàng luôn được bảo đảm toàn bộ hoặc
ít nhất là một tỷ lệ luật định.

4.
Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về
bán hàng đa cấp

Quy định của Dự thảo về cơ sở đào tạo kiến thức pháp
luật về bán hàng đa cấp đã đi quá xa so với nhu cầu quản lý trong lĩnh vực này.
Mục tiêu chính sách về quản lý Đào tạo viên chỉ cần bảo đảm rằng cá nhân này có
đủ hiểu biết về pháp luật bán hàng đa cấp và được thể hiện bằng việc trải qua một
kỳ thi sát hạch. Việc cá nhân đó nắm được kiến thức thông qua các hình thức
khác nhau (đến cơ sở giáo dục, tự học hỏi, qua chỉ bảo của người đi trước…) thì
Nhà nước không cần can thiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về
cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, mà chỉ cần tập trung vào
việc tổ chức thi kiến thức pháp luật của Đào tạo viên.

5.
Cấp xác nhận kiến
thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho Đào tạo viên

Điều 35.3 của Dự thảo quy định: “Chỉ những người được doanh nghiệp bán hàng
đa cấp chỉ định làm Đào tạo viên mới được thực hiện đào tạo cơ bản cho người
tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó
“. Điều này sẽ giúp tăng
cường trách nhiệm của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và những người tham gia
cấp cao, tuy nhiên, cần cân nhắc về tính khả thi của quy định này. Thông thường,
các doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng cơ chế quảng cáo truyền miệng, thu hút
người tham gia dựa trên các mối quan hệ xã hội có sẵn, chứ không phải là thiết
lập một quan hệ khách hàng – nhà cung cấp mới. Do đó, việc kiểm soát để bảo đảm
rằng mọi người tham gia đều được đào tạo bởi Đào tạo viên là không hề dễ dàng
cho cơ quan nhà nước.

Hơn nữa, dù có yêu cầu các Đào tạo viên phải được cấp
xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, nhưng cũng rất khó để kiểm
soát nội dung mà các Đào tạo viên này truyền đạt lại với người tham gia có đúng
và đầy đủ với quy định của pháp luật hay không.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng
về tính khả thi của quy định. Nếu cơ chế bảo đảm tuân thủ thực sự khả thi
thì mới bổ sung, nếu không thì nên loại bỏ
, tránh việc đưa ra các quy định
hình thức mà không giải quyết được bản chất của bán hàng đa cấp là người mua,
người tham gia không nắm được thông tin chính xác và đầy đủ.

6.
Quy định mua lại hàng hóa

Một trong những tranh chấp phổ biến nhất giữa doanh
nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia/người mua hàng chính là vấn đề trả lại
hàng hóa. Đối với các hình thức phân phối khác người mua hàng thường chia rõ rệt
thành 2 loại, mua để sử dụng hoặc mua để bán lại (đại lý phân phối). Thông thường,
nếu người mua là người tiêu dùng thì thời hạn đổi trả hàng thường rất ngắn, thậm
chí không được phép. Nếu người mua nhằm mục đích bán lại (đại lý phân phối) thì
việc đổi trả lại hàng linh hoạt hơn rất nhiều, chỉ cần hàng hóa còn hạn dùng đủ
để luân chuyển, bán lại cho người khác thì các nhà phân phối thường vẫn đồng ý
đổi trả. Đối với bán hàng đa cấp, do không phân biệt giữa người mua tiêu dùng
và người mua bán lại nên việc xử lý gặp khó khăn hơn.

VCCI cho rằng, việc quy định cứng thời hạn trả lại
hàng trong vòng 30 ngày hiện nay (Điều 48) chưa phù hợp với thực tiễn. Cần
xác định mỗi người mua hàng trong mạng lưới bán hàng đa cấp đều có thể nhằm mục
đích bán lại cho người khác, vì vậy, nên được áp dụng cơ chế trả lại hàng tương
tự như các đại lý phân phối trong hình thức kinh doanh bán lẻ
. Một số quy định
cụ thể có thể được tính đến như sau:


Thứ
nhất, toàn bộ các quy định của Nghị định này chỉ mang tính tối thiểu, các doanh
nghiệp bán hàng đa cấp có thể có chính sách đổi trả lại hàng có lợi cho người
tham gia hơn so với quy định của Nghị định.


Thứ
hai, cho phép đổi trả hàng hóa khi đáp ứng các điều kiện còn nguyên bao bì,
tem, nhãn và dựa trên thời hạn sử dụng còn lại (ví dụ, còn ít nhất 3 tháng hạn
sử dụng hoặc còn ít nhất 1/3 hạn sử dụng kể từ ngày sản xuất).

7.
Trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp
bán hàng đa cấp

Điều 50 và các mẫu M-12 và M-13 của Nghị định quy định
về trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp định kỳ 6 tháng/lần. Thực
tiễn thời gian qua, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính có thể phát triển
rất nhanh, lên đến hàng ngàn, chục ngàn người tham gia chỉ trong thời gian chưa
đến 1 năm. Khoảng thời gian báo cáo như vậy là quá dài, không đủ để có các phản
ứng kịp thời từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc rút ngắn khoảng thời gian
báo cáo có thể làm tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, VCCI đề nghị áp
dụng cơ chế báo cáo nhanh và báo cáo đầy đủ
, cụ thể:


Việc báo cáo nhanh được thực hiện mỗi tháng một lần, bao gồm các thông tin hết sức cơ bản
như số lượng người tham gia, doanh số bán hàng, địa bàn hoạt động,… (cho phép
sai số 10%).


Việc báo cáo đầy đủ được thực hiện mỗi năm một lần, trước ngày 01/04 của năm tiếp theo,
kèm theo báo cáo tài chính có kiểm toán.

8.
Quy định phải mời đại diện Sở Công
Thương tham dự hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo

Điều 32.6 của Dự thảo quy định “Trong trường hợp hội nghị, hội thảo, chương
trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, doanh nghiệp phải gửi giấy mời Sở
Công Thương tham dự. Sở Công Thương có trách nhiệm cử đại diện tham dự trong
trường hợp này
“. Quy định này trên thực tế là không cần thiết
do Sở Công Thương đã được thông báo về kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo,
chương trình đào tạo của doanh nghiệp và hoàn toàn có thể đến dự để kiểm tra
khi thấy cần thiết. Việc yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy mời và thường đi kèm
theo đó là đón tiếp sẽ tạo mối quan hệ “gắn bó” không cần thiết giữa doanh nghiệp và cán bộ nhà nước,
làm giảm tính độc lập khách quan của hoạt động quản lý. Do đó, đề nghị cơ
quan soạn thảo
bỏ quy định này.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP của
Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc
để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.