VCCI góp ý DTNĐ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn

Thứ Sáu 09:13 11-11-2016

Kính
gửi: Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu


Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số
5070/BTNMT-KTTVBĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 04/11/2016 về việc đề
nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực khí tượng thủy văn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1.      Mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thành lập, di chuyển, giải
thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng (Điều 5 Dự thảo)

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 5 Dự
thảo thì “hành vi không thông báo” cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi di
chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng sẽ bị xử phạt ở hai mức từ 5.000.000
đồng đến 7.000.000 đồng hoặc từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Nếu so sánh với các hành vi vi phạm
có khung xử phạt bằng hoặc thấp hơn, ví dụ như:


Phạt
tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy
chuẩn kỹ thuật về quan trắc khí tượng thủy văn (khoản 1 Điều 6);


Phạt
tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quan trắc không đúng
vị trí theo quy định (khoản 1 Điều 7);


Các
hành vi vi phạm quy định về bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình thuộc mạng lưới
khí tượng thủy văn quốc gia từ khoản 3 đến khoản 5 Điều 8 ;


Phạt
cảnh cáo đối với hành vi ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
thường xuyên không đủ độ tin cậy (điểm b khoản 1 Điều 10); …

thì hành vi vi phạm quy định tại khoản
2, 3 Điều 5 Dự thảo là ít nghiêm trọng hơn và ít tác động đến chất lượng hay
các hoạt động khí tượng thủy văn. Do đó, xác định mức xử phạt đối với hành vi
vi phạm nghĩa vụ thông báo khi chuyển trạm khí tượng thủy văn bằng hoặc cao hơn
các hành vi vi phạm được liệt kê ở trên dường như là chưa hợp lý.

Đề nghị Ban soạn thảo hạ thấp khung xử phạt đối với nhóm
hành vi quy định tại khoản 2, 3 Điều 5 Dự thảo xuống dưới mức đề xuất tại Dự thảo.

2.      Hành vi vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn (Điều 10 Dự thảo)

Khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định phạt
tiền cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm sau:


Không
tổ chức hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong thời gian 12 tháng
liên tục kể từ khi cấp giấy phép mà không thông báo lý do cho cơ quan cấp phép
(điểm a)


Ban
hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thường xuyên không đủ độ tin cậy
(điểm b)

Quy định trên vừa chưa hợp lý vừa
chưa rõ ràng ở điểm:


Luật
Khí tượng thủy văn và Nghị định 38[1]
không thấy có quy định về trường hợp không hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng
thủy văn trong thời gian 12 tháng liên tục kể từ khi cấp giấy phép thì đơn vị phải thông báo với cơ quan cấp phép. Đối
với hành vi này, đơn vị sẽ bị thu hồi giấy phép (điểm d khoản 1 Điều 19 Nghị định
38) và đây là hình phạt cao nhất mà đơn vị phải gánh chịu. Đối với trường hợp
này, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thu hồi giấy phép, vì xem như doanh nghiệp
không hoạt động ngành, nghề đã được cấp phép. Do đó, xử phạt bằng các chế tài
khác đối với hành vi này là không cần thiết. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ hành vi
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Dự thảo;


“Bản
tin dự báo, cảnh bảo khí tượng thủy văn thường
xuyên
không đủ độ tin cậy” là quy định chưa rõ ràng. Không rõ thế nào được
cho là “thường xuyên” (từ 02 lần trở lên trong 1 tháng hay là số lần nhiều hơn
trong một khoảng thời gian nào đó)? Thiếu rõ ràng trong quy định này sẽ khiến
cho việc xác định hành vi vi phạm trở nên tùy nghi, phụ thuộc vào suy đoán của
cán bộ thực thi, và có thể gây bất lợi cho đối tượng bị xử phạt. Do đó, đề
nghị Ban soạn thảo
quy định hành vi vi phạm này theo hướng có thể định lượng
được.

Tương tự,
hành vi vi phạm “đốt lửa, phu nước gần
công trình quan trắc khí tượng làm thay đổi tính đại diện của nơi quan trắc”
(điểm a khoản 1 Điều 8); Đặt các công trình, thiết bị sinh nhiệt ở khu vực các công trình quan trắc khí
tượng làm thay đổi tính đại diện của nơi quan trắc” (điểm d khoản 4 Điều 8).
Các khái niệm “gần”, “ở khu vực” là chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn cho thực
tế áp dụng và tạo ra những rủi ro như phân tích ở trên. Đề nghị Ban soạn thảo
quy định rõ những khái niệm này.

Khoản 4, 7 Điều 10 Dự thảo quy định xử
phạt đối với các hành vi sau:


Hoạt
động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khi giấy phép đã hết hạn (khoản 4 – phạt
tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng)


Hoạt
động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép (khoản 7 – phạt tiền
từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng)

Xét về bản chất thì hai hành vi trên
đều là hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép. Bởi
vì, giấy phép hết hạn có nghĩa là không còn giá trị sử dụng, doanh nghiệp không
thực hiện cấp giấy phép mới mà vẫn hoạt động đương nhiên là hoạt động khi không
có giấy phép. Hai hành vi có cùng tính chất nhưng ở hai khung xử phạt khác nhau
là chưa hợp lý, do đó đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng
quy định cùng chung khung xử phạt đối với hai hành vi này.

3.      Hành vi vi phạm quy định về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng
thủy văn (Điều 14)

Khoản 3 Điều 14 Dự thảo quy định “Phạt
tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin,
dữ liệu khí tượng thủy văn được cung cấp miễn phí để thực hiện các hoạt động vì
mục đích lợi nhuận”.

Khoản 4 Điều 22 Nghị định 38 quy định
“thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được khai thác, sử dụng không phải trả
phí thì không được sử dụng vào mục đích lợi nhuận”. Như vậy, xử phạt đối với
hành vi vi phạm nguyên tắc tại Nghị định 38 là phù hợp.

Tuy nhiên, xét về tính hợp lý, yêu cầu
về mục đích khai thác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không phải trả phí
như quy định tại Nghị định 38 dường như chưa phù hợp. Đứng dưới góc độ quản lý
thì Nhà nước nên xác định các loại thông tin, dữ liệu được cung cấp tự do, những
loại thông tin, dữ liệu được cung cấp có thu phí – dựa vào tính chất, chi phí để
có được loại thông tin đó. Còn mục đích sử dụng của chủ thể khai thác thông
tin, dữ liệu trên dường như không tác động đến các lợi ích công mà Nhà nước nên
phải quản lý, đó đó đặt ra yêu cầu hạn chế sử dụng đối với các đối tượng này là
chưa hợp lý.

Vì chưa thể kiến nghị sửa đổi quy định
này tại Nghị định 38 và việc Dự thảo xác định xử phạt hành vi này phù hợp với
quy định của Nghị định 38, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể vi
phạm, đề nghị Ban soạn thảo xác định mức xử phạt đối với hành vi này thấp
hơn mức đề xuất tại Dự thảo (có thể là cảnh cáo hoặc ở mức phạt tiền tối thiểu).

4.      Vi phạm quy định về trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám
sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc
điều ước quốc tề mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 15)

Khoản 3 Điều 15 Dự thảo quy định “Phạt
tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo về hoạt
động trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu
với tổ chức quốc tế, tổ chức cá nhân nước ngoài theo thời hạn quy định”. Quy định này được hiểu hành vi không thông báothông báo chậm so với thời hạn quy định sẽ cùng bị xử phạt trong một
khung. Điều này là chưa hợp lý vì tính chất của hai hành vi này là khác nhau.

Hơn nữa, ngay trong Dự thảo, đối với
một số hành vi có tính chất tương tự thì cũng được phân định ra thành hai nhóm
hành vi: chậm thực hiện hành vi và không thực hiện hành vi và đối với mỗi nhóm
hành vi này sẽ ở các khung xử phạt khác nhau (ví dụ: “hành vi truyền, phát bản
tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định”
và “hành vi không truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy
văn” được xác định xử phạt ở hai khung xử phạt khác nhau quy định tại khoản 4,
5 Điều 11 Dự thảo). Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 15 Dự thảo khiến cho việc
xác định hành vi và khung xử phạt tương ứng thiếu nhất quán.

Từ phân tích trên, đề nghị Ban soạn
thảo
sửa đổi khoản 3 Điều 15 Dự thảo theo hướng, phân tách thành 2 nhóm
hành vi với các khung xử phạt tương ứng: chậm thông báo so với quy định và
không thông báo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Rất mong Quý Cơ quan cân
nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo Nghị định.

Trân trọng cảm ơn.

 


[1]
Nghị định 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số
điều của Luật Khí tượng thủy văn