VCCI góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Thứ Ba 14:13 05-04-2016

Kính gửi: Cục Phòng, chống
HIV/AIDS – Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 1382/BYT-AIDS của
Bộ Y tế ngày 16/3/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về điều
trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây gọi tắt là Dự thảo),
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như sau:

Dự thảo có một số quy định liên quan
đến thủ tục hành chính, vì vậy các quy định này phải đảm bảo nguyên tắc về minh
bạch, tạo thuận lợi cho các đối tượng khi triển khai áp dụng. Về cơ bản, đa số các
quy định tại Dự thảo đã đáp ứng nguyên tắc này. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm bất
cấp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét:

1.      Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị (Điều
19)


Theo
quy định tại khoản 2 Điều 19 Dự thảo thì trong Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép
hoạt động đối với cơ sở bị mất giấy phép hoạt động hoặc có giấy phép hoạt động
bị hư hỏng, phải có “Báo cáo hoạt động của 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm
đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động”. Yêu cầu loại tài liệu này trong Hồ sơ đề
nghị cấp lại giấy phép do bị mất hoặc bị hư hỏng là chưa hợp lý, bởi không rõ về
mục tiêu quản lý (yêu cầu cơ sở điều trị phải báo cáo hoạt động để làm gì trong
khi lý do xin cấp lại là khách quan – bị mất, không phải do xuất phát từ những
hoạt động nội tại của cơ sở để phải kiểm soát có đáp ứng các điều kiện không?
Hơn nữa, tại sao lại phải kiểm soát nội dung hoạt động của cơ sở để xem xét có
cấp lại hay không trong trường hợp giấy phép bị mất?).

Để đảm bảo
tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ yêu cầu phải có loại tài
liệu này trong Hồ sơ xin cấp phép lại trong trường hợp giấy phép bị mất hoặc hư
hỏng, tức là bỏ điểm c khoản 2 Điều 19 Dự thảo.


Khoản
3 Điều 19 Dự thảo quy định, Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép do thay đổi địa điểm
hoạt động, bị thu hồi giấy phép, phải có “Báo cáo hoạt động của 6 tháng gần nhất
tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động” là chưa hợp lý, bởi:

+ Đối với trường
hợp cơ sở bị thu hồi giấy phép: Theo quy định tại Điều 26 Dự thảo thì các trường
hợp như cơ sở không hoạt động sau 12 tháng kể từ khi có giấy phép hoặc tạm ngừng
hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc chấm dứt hoạt động sẽ bị thu hồi
giấy phép. Như vậy, đối với các trường hợp này thì cơ sở sẽ … không có gì để
báo cáo, do đó yêu cầu tài liệu này dường như là chưa phù hợp và ít ý nghĩa.

Thu hồi giấy
phép thường được áp dụng trong các trường hợp hoặc là cơ sở không hoạt động hoặc
là vi phạm lỗi nghiêm trọng liên quan đến điều kiện hoạt động của cơ sở được cấp
phép. Vì vậy, trong các trường hợp này, các cơ sở phải chứng minh mình đáp ứng
được các điều kiện theo quy định thì mới được cấp phép lại, đồng nghĩa với việc
thủ tục áp dụng tương ứng như cấp phép lần đầu và yêu cầu các loại giấy tờ quy
định tại khoản 1 Điều 19 Dự thảo là đủ.

+ Đối với trường
hợp thay đổi địa điểm hoạt động[1]:
Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện là ngành, nghề kinh doanh có điều
kiện, trong đó các điều kiện gắn với các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết
bị phục vụ cho hoạt động. Việc thay đổi địa điểm có thể sẽ ảnh hưởng đến việc
đáp ứng điều kiện cấp phép, vì vậy phải thực hiện lại thủ tục cấp phép là hợp
lý. Tuy nhiên, thay vì phải chứng minh địa điểm mới cũng đáp ứng các điều kiện
về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định thì cơ sở lại phải “báo cáo về
tình hình hoạt động 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm cấp phép hoạt động”.
Tài liệu này dường như không có giá trị chứng minh là cơ sở đến địa điểm mới
thì có đáp ứng các điều kiện theo quy định không, do đó yêu cầu trong Hồ sơ cấp
lại giấy phép là ít ý nghĩa và yêu cầu các loại giấy tờ tại khoản 1 Điều 19
tương ứng như cấp phép lần đầu là đủ.

Từ những phân
tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “Báo cáo hoạt động của
6 tháng gần nhất tính đến thời điểm để nghị cấp lại giấy phép hoạt động”, tức
là bỏ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Dự thảo.

2.      Thời gian cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị

Theo quy định tại Điều 20, 22 Dự thảo
thì thời gian để xem xét, thẩm định hồ sơ và có quyết định cấp hay không cấp Giấy
phép cho trường hợp cấp (mới), cấp lại (do bị mất, hư hỏng) là 15 ngày làm việc,
trong đó 05 ngày làm việc để xem xét tính đầy đủ của hồ sơ, 10 ngày làm việc là
thẩm định, kiểm tra thực tế. Khoảng thời gian trên là chưa hợp lý ở các điểm:


Thủ
tục cấp mới và cấp lại do giấy phép bị hư hỏng, bị mất có thời gian xử lý, thẩm
định hồ sơ bằng nhau là chưa hợp lý vì tính chất của hai loại thủ tục này khác
nhau, số lượng hồ sơ xem xét cũng như tính chất phức tạp của hồ sơ cấp mới lần
đầu là hơn hẳn cho trường hợp cấp lại do bị mất hoặc hư hỏng.


Đối
với trường hợp cấp lại giấy phép do bị hư hỏng hoặc bị mất: Hồ sơ để thực hiện
thủ tục này khá đơn giản (bao gồm Đơn, Báo cáo hoạt động – đã được kiến nghị bỏ).
Phải mất đến 5 ngày làm việc để cơ quan nhà nước xem xét hồ sơ có đầy đủ, hợp lệ
hay không, 10 ngày để xem xét lại hồ sơ cấp phép trước đó là quá dài.

Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo
cân nhắc, xem xét rút
ngắn
thời gian xem xét, cấp lại giấy phép trong trường hợp mất, bị hư hỏng
so với đề xuất tại Dự thảo (có thể còn 5 ngày làm việc kể cả xem xét tính đầy đủ,
hợp lệ và thẩm định hồ sơ).

3.      Thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị (Điều 26)

Khoản 4 Điều 26 Dự thảo quy định “cơ
sở được cấp giấy phép hoạt động thay đổi địa điểm hoạt động” thuộc trường hợp bị
thu hồi giấy phép hoạt động dường như là chưa hợp lý, chưa phản ánh đúng bản chất
của hoạt động thu hồi giấy phép – chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm
quy định về điều kiện cấp phép nhưng không thể khắc phục hoặc không có hoạt động
liên quan đến phạm vi cấp phép. Bởi, trường hợp này, nếu tại địa điểm mới, cơ sở
đáp ứng đầy đủ các cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định thì vẫn được
phép hoạt động theo phạm vi giấy phép đã được cấp trước đó. Trong trường hợp
này, cơ sở điều trị chỉ cần thực hiện thủ tục để sửa đổi, cấp lại giấy phép,
thay vì xác định đây là trường hợp thu hồi giấy phép.

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề
nghị Ban soạn thảo
bỏ quy định tại khoản 4 Điều 26 và sửa đổi quy định tại
Dự thảo theo hướng, thay đổi địa điểm hoạt động là một trong các trường hợp cơ
sở điều trị phải thực hiện thủ tục sửa đổi Giấy phép.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về điều trị
các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]
Chú ý: Kết hợp với bình luận tại điểm 3 của Công văn này thì thủ tục trong trường
hợp thay đổi địa điểm nên là Thủ tục sửa đổi Giấy phép, thay vì Thủ tục cấp lại
Giấy phép.