VCCI cho ý kiến đối với tính chất pháp lý của hoạt động vay vốn bằng vàng trong dân của các doanh nghiệp sản xuất trang sức

Thứ Hai 15:26 06-06-2016

Số:   1318  /PTM-PC

Vv:
doanh nghiệp kinh doanh vàng và

vay vàng
của dân


Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2016

Kính gửi: Hiệp hội Kinh
doanh vàng

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam (VCCI) nhận được Công văn số 24/2016/CV-HHV của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt
Nam (Hiệp hội) ngày 31/5/2016 về việc đề nghị VCCI cho ý kiến đối với tính chất
pháp lý của hoạt động vay vốn bằng vàng trong dân của các doanh nghiệp sản xuất
trang sức.

Theo nội dung Công văn số 24 thì
trong thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất trang sức đã tiến hành vay vốn
bằng vàng của các cá nhân để dùng làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Huy
động vốn bằng vàng đang có nhiều ý kiến trái chiều về tính chất pháp lý của hoạt
động này: là giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự hay là hoạt
động “kinh doanh vàng khác” chịu sự điều chỉnh của Nghị định 24?

Theo Hiệp hội thì hoạt động vay vốn bằng
vàng của doanh nghiệp sản xuất trang sức không phải là “hoạt động kinh doanh
vàng khác” theo quy định của Nghị định 24 mà tương tự như hoạt động vay mượn
tài sản, tiền, được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật dân sự; và hoạt động
này không tác động tiêu cực đến người dân, xã hội mà còn thúc đẩy việc huy động
nguồn vàng trong dân, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hàng trang sức,
phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Và Hiệp hội mong muốn VCCI cho ý kiến từ
góc độ pháp lý về các vấn đề này.

Căn cứ vào các văn bản pháp luật có
liên quan, VCCI có một số ý kiến như sau:

1.      Về câu hỏi “Hoạt động vay bằng vàng của doanh nghiệp sản xuất trang sức
có phải là hoạt động kinh doanh vàng không?”

Về tính chất, giao dịch cho vay này
được hiểu là Doanh nghiệp vay vàng của người dân (trả lãi trong thời gian vay
theo mức thỏa thuận, hoàn trả lại vàng khi hết thời hạn vay) và sử dụng vàng đi
vay làm nguyên liệu để sản xuất trang sức để bán. Đối tượng của giao dịch này
là “vàng” và mục đích của giao dịch là phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh
doanh vàng trang sức của doanh nghiệp – một trong những hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này doanh nghiệp vay vàng của cá nhân
mặc dù “không để cho vay lại vàng lấy lãi”, “không bán số vàng vay để lấy tiền
cho vay lại nhằm thu lợi nhuận”, “không giữ hộ vàng để thu phí” – tức là không
thực hiện các hoạt động kinh doanh trực
tiếp
trên số vàng vay, nhưng doanh nghiệp lại sử dụng số vàng vay để làm
nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, tức là sử dụng cho hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp.

Vì vậy, về bản chất giao dịch vay này
là giao dịch “tư” nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh và có thể được xếp vào nhóm
“hoạt động kinh doanh vàng khác” thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 24[1] chứ
không phải là giao dịch dân sự thuần túy (giao dịch giữa các chủ thể dân sự, vì
mục đích tiêu dùng), chỉ áp dụng quy định tại Bộ luật dân sự.

Theo quy định tại Nghị định 24 cũng
như các văn bản pháp luật có liên quan, thì hoạt động vay vốn bằng vàng chỉ bị cấm đối với các tổ chức tín dụng[2],
vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất trang sức được
phép thực hiện
hoạt động vay vốn bằng vàng, tuy nhiên các hoạt động này cần
phải tuân theo các quy định tại Nghị định 24.

2.      Về cơ chế quản lý đối với hoạt động vay vàng để sản xuất trang sức

“Vàng” trong dân là tài sản có giá trị
thuộc sở hữu hợp pháp của người dân. Việc người dân mang vàng của mình cho các
doanh nghiệp vay thực chất là giao dịch hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp
liên quan tới tài sản hợp pháp của người dân, gắn với nghĩa vụ hợp đồng của
doanh nghiệp. Nếu có bất kỳ rủi ro nào phát sinh từ giao dịch này, thì cũng chủ
yếu ảnh hưởng đến các chủ thể trong giao dịch mà ít tác động đến các lợi ích
công cộng khác.

Các giao dịch vay vàng để sản xuất
trang sức về cơ bản không tác động trực tiếp tới giá vàng trong nước hay ảnh hưởng
đến ổn định kinh tế vĩ mô bởi số vàng được vay không tiếp tục lưu thông nguyên
trạng trên thị trường (mua bán tiếp, cho vay lại…) mà chỉ được sử dụng với mục
đích duy nhất là sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (tức là vàng đã được chuyển
sang trạng thái khác, với giá trị mới gắn với trạng thái mới của vàng). Hơn thế
nữa, bản thân các hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ hiện đã đang được
kiểm soát chặt chẽ bởi các điều kiện, giấy phép theo quy định tại Nghị định 24.
Khả năng gian lận giữa việc sản xuất vàng trang sức và sản xuất vàng miếng cũng
ít có khả năng xảy ra do hiện việc sản xuất vàng miếng đang được kiểm soát thậm
chí chặt chẽ hơn sản xuất vàng trang sức.

Do đó, có thể thấy, về bản chất, hoạt
động vay vàng để phục vụ sản xuất trang sức ít tác động đến các lợi ích công cộng,
do đó, theo chúng tôi không cần thiết phải kiểm soát quá chặt bằng các biện
pháp rào cản đối với hoạt động này.

Việc Nghị định 24 hiện quy định tổ chức,
cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (trong đó có hoạt
động vay vàng để sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ) sau khi được Thủ tướng Chính
phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép[3] như
hiện nay là bất hợp lý, ít nhất đối với hoạt động vay vàng để sản xuất đồ trang
sức bởi:


Mức
độ kiểm soát quá chặt so với mức cần thiết (như đã nêu, giao dịch vay vàng để sản
xuất đồ trang sức không gây ra ảnh hưởng lớn tới các lợi ích công cộng): Điều
này cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, đi ngược lại tinh
thần về quyền tự do kinh doanh thế hiện
trong Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 và Nghị quyết
35[4] của
Chính phủ.


Điều
kiện để được cho phép và cấp phép chưa rõ ràng (không rõ trong các trường hợp
nào thì Thủ tướng cho phép và Ngân hành Nhà nước cấp phép): Sự thiếu minh bạch
này tạo khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi triển khai hoạt động sản xuất kinh
doanh.

Vì vậy, VCCI đề  nghị phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt
Nam nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 theo hướng tạo cơ sở
pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động vay bằng vàng của các doanh nghiệp sản
xuất trang sức.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với những vấn đề mà Quý Hiệp hội nêu
trong Công văn số 24 để Quý Hiệp hội tham khảo.

Trân trọng.

 


[1]
Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh
doanh vàng

[2]
Thông tư 12/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 27/04/2012 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của
Tổ chức tín dụng

[3]
Khoản 9 Điều 4 Nghị định 24

[4]
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh
nghiệp đến năm 2020