VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Thứ Ba 14:56 15-02-2022

Kính gửi:  Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính,

Trả lời Công văn số 13623/BTC-CST ngày 30/11/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Xác định số lượng khoáng sản nguyên khai với trường hợp mỏ có nhiều hơn một loại khoáng sản

Điều 7 Dự thảo quy định về công thức tính phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản[1], theo đó, mức phí này được tính theo số lượng khoáng sản nguyên khai (Q2) nhân với mức phí của từng loại khoáng sản (f2). Quy định này cần được xem xét ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, chưa rõ ràng trong trường hợp mỏ đa kim (có nhiều loại kim loại, khoáng sản). Với trường hợp mỏ có nhiều khoáng sản, doanh nghiệp có thể thu được nhiều loại khoáng sản khác nhau với một lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác được. Khi đó, lượng khoáng sản nguyên khai này cần phải được chia ra thành lượng khoáng sản nguyên khai ứng với từng loại khoáng sản (Q2), để áp dụng mức phí (f2) tương ứng. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định cụ thể cách thức xác định lượng khoáng sản nguyên khai với từng loại khoáng sản từ tổng lượng khoáng sản nguyên khai. Việc này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, cũng như có thể dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về cách thức xác định lượng khoáng sản nguyên khai với từng loại khoáng sản từ tổng lượng khoáng sản nguyên khai, chẳng hạn có thể cân nhắc dựa trên tỷ lệ thành phần có ích của từng loại khoáng sản trên tổng trữ lượng thành phần có ích.

Thứ hai, Điều 7.4 Dự thảo quy định trường hợp có cả khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, việc xác định lượng khoáng sản nguyên khai được thực hiện với khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm. Tuy nhiên, cách quy định như trên có thể dẫn đến cách hiểu rằng khi tính toán mức phí, doanh nghiệp cần phải xác định loại nào là khoáng sản chính, loại nào là khoáng sản đi kèm. Việc này, theo phản ánh của doanh nghiệp, là không cần thiết do cách thức áp dụng không thay đổi, tương tự như trường hợp mỏ đa kim mà không phụ thuộc vào loại nào là chính, loại nào là phụ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 7.4 Dự thảo theo hướng quy định chung cho trường hợp mỏ có nhiều hơn một loại khoáng sản (thay cho quy định khoáng sản chính, đi kèm).

Thứ ba, Điều 7.4 Dự thảo quy định căn cứ xác định số lượng khoáng sản nguyên khai với từng loại khoáng sản là Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đã được phê duyệt hoặc công nhận. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, một số trường hợp sẽ có sự khác biệt về thông tin giữa Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và Quyết định phê duyệt cuối cùng của cơ quan nhà nước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định căn cứ cụ thể trong trường hợp trên.

  1. Xác định số lượng đất đá bốc xúc thải phải nộp phí trong kỳ

Điều 7.2 Dự thảo quy định cách thức tính số lượng đất đá bốc xúc thải phải nộp phí trong kỳ. Theo đó, số lượng đất đá phải nộp phí = số lượng đất đá xúc thải ra – số lượng đất đá bốc xúc dùng cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, việc cải tạo, phục hồi môi trường thường phát sinh chủ yếu sau khi khai thác hết trữ lượng, do đó, giá trị số lượng bốc xúc thải ra (Q1) sẽ có sự thay đổi lớn giữa các kỳ đóng phí. Chẳng hạn, trong giai đoạn khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra sẽ lớn, trong khi không có nhiều công việc cải tạo, phục hồi nên giá trị Q1 sẽ dương. Ngược lại, sau khi khai thác xong, khối lượng đất đá được sử dụng để cải tạo lại có thể tăng cao nên giá trị Q1 có thể âm, và có khả năng mức phí bảo vệ môi trường (F) cũng có giá trị âm. Liệu trong trường hợp này, doanh nghiệp có được hoàn lại số tiền phí đã đóng hay không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xử lý trường hợp này.

  1. Xác định phí với khoáng sản đi kèm không nằm trong trữ lượng phê duyệt

Điều 7 Dự thảo quy định về công thức tính phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định xác định mức phí trong trường hợp doanh nghiệp thu được thêm một loại khoáng sản đi kèm khác nhưng không nằm trong trữ lượng phê duyệt. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ trường hợp này.

  1. Đối chiếu số lượng đất đá bốc xúc thải

Điều 9.3 Dự thảo quy định cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm đối chiếu số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác tại từng mỏ do người nộp phí kê khai. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số nội dung sau:

  • Các biện pháp nghiệp vụ được sử dụng là các biện pháp nào, và được quy định hay căn cứ theo văn bản pháp luật nào?;
  • Kết quả được xác định thông qua các biện pháp nghiệp vụ có phải là kết quả để xác định số phí phải nộp hay không? Và trường hợp doanh nghiệp không đồng ý với kết quả này thì xử lý như thế nào?
  1. Áp dụng hồi tố với công thức tính phí bảo vệ môi trường trong trường hợp mỏ đa kim

Thời gian qua, VCCI nhận được ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc trong việc tính phí bảo vệ môi trường trong trường hợp mỏ đa kim. Cụ thể, Nghị định 164/2016/NĐ-CP hiện hành không có quy định cụ thể cho việc tính phí bảo vệ môi trường đối với trường hợp khai thác nhiều loại khoáng sản để chế biến sâu, như không có phương pháp hợp lý để tính toán số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ. Việc này gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường. Dự thảo đã bước đầu giải quyết được vấn đề này, nhưng sẽ chỉ có hiệu lực kể từ khi Nghị định mới được ban hành. Trong khi đó, các vướng mắc trong giai đoạn trước với Nghị định 164/2016/NĐ-CP vẫn không được giải quyết. Do vậy, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, căn cứ vào Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cho phép áp dụng hiệu lực hồi tố với khoản 3, khoản 4 Điều 7 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Công thức: F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó:

  • F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ
  • Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3)
  • Q2 là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3)
  • f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200đ/m3
  • f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3)
  • K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác