Vài suy nghĩ về dự thảo Luật phòng, chống TN

Thứ Bảy 17:46 20-05-2006
Vài suy nghĩ về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng

Nguyễn Thị Xuân - Theo Báo Thương mại ngày 16/09/2005

1, Đơn thư tố cáo nặc danh – vấn đề đặt ra

Luật Khiếu nại, tố cáo 1998 (09/1998/QH10) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo 2004 (26/2004/QH11) quy định: “Người tố cáo phải gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo: nội dung tố cáo. Trong trường hợp người đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo”. Cũng vấn đề này trước năm 1998, theo thông tư số 842/TTNN-TT, ngày 17/7/1995 quy định: Những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo, nhưng có những thông tin cụ thể, có điều kiện và cơ sở để thẩm tra, xem xét, kết luận thì Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định xem xét giải quyết.

Đến Nghị định 62/2002/NĐ-CP, ngày 14/6/2002 và Nghị định 53/2005/NĐ-CP lại quy định: Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo danh, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.

Quy định tiếp nhận và xử lý đơn nặc danh thay đổi ở mỗi thời kỳ khác nhau. Trong đề cương lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (Văn bản số 374/UBTVQH11, ngày 8 tháng 7 năm 2005) của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đặt vấn đề việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng – mục 4 chương 3 trong dự thảo Luật về cơ bản giống như quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành nay quy định tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ tên, địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng?

Theo các nhà phân tích thì đơn tố cáo nặc danh có thể chia thành 2 loại. Một loại đơn không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, nhưng có những thông tin cụ thể, có điều kiện và cơ sở để thẩm tra, xem xét kết luận. Loại đơn này thường phát sinh ở những địa bàn nộ bộ mất đoàn kết, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể yếu kém, nạn tham nhũng đã phát sinh như: đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, quan liêu, làm sai chế độ, chính sách, pháp luật, biết sai nhưng không xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh và mất dân chủ trầm trọng.

Người tố cáo bị trù dập hoặc bị hãm hại mà không dám ký tên, tỷ trọng thường chiếm từ 69-65% trên tổng số đơn nặc danh. Số còn lại, xuất thân từ những người có động cơ không lành mạnh, lợi dụng việc tố cáo phục vụ lợi ích cá nhân, bôi nhọ cán bộ, gây mâu thuẫn nội bộ…

Từ thực tế trên cho thấy, nếu quy định như dự thảo thì không tận dụng hết các nguồn thông tin tố cáo hành vi tham nhũng. Nhưng nếu quy định mở rộng như đề cương là tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ tên và địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng thì phải có chế tài phù hợp đối với những hành vi tố cáo vì lợi ích cá nhân, gây rối…Đồng thời, phải quan tâm tới việc nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, phân loại đơn của những người có thẩm quyền giải quyết. Có như vậy, việc tiếp nhận và giải quyết đơn nặc danh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

2, Vấn đề kê khai tài sản, thu nhập (điều 39) – quy định phòng ngừa tham nhũng khó thực hiện

Dự luật có 3 phương án: Thứ nhất, quy định ngoài việc kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, người có chức vụ, quyền hạn còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con; Thứ hai, quy định người có chức vụ, quyền hạn chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình; Thứ ba, quy định ngoài việc kê khai tài sản của mình, người có chức vụ, quyền hạn còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ, chồng và con trong cùng hộ khẩu.

Những phương án quy định trên đây thật khó thực hiện, bởi hiện nay ở nước ta chưa có quy định về quản lý thu nhập, về đăng ký tài sản…nên không quản lý được tài sản, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn.

Hiện nay ở nước ta việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động kinh tế và sinh hoạt xã hội đều quá dễ dãi và phổ biến. Đây là một kẽ hở, tạo điều kiện cho kinh tế ngầm, tham nhũng và hối lộ; Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã trở thành công cụ chỉ tác động đến đến những người có thu nhập chân chính…Vì thế, quy định kiểu gì thì người tham nhũng cũng có thể tẩu tán được tài sản tham nhũng.

Nếu quy định phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con thì người ta có để tài sản ở nơi cháu; Nếu quy định phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ, chồng và con trong cùng hộ khẩu thì họ cũng sẽ có thể dễ dàng tách hộ khẩu…Chưa kể, chồng, vợ con là những chủ thể độc lập với người có chức, quyền, việc buộc họ phải kê khai tài sản là vi phạm quyền sở hữu về tài sản của họ.

Như vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ phát huy hiệu quả trong phòng ngừa tham nhũng khi đồng thời phải thêm cơ chế quản lý nhu nhập cá nhân, đăng ký tài sản…bảo đảm sự minh bạch về sở hữu cá nhân qua đó có thể hạn chế được việc hợp thức hóa tài sản do tham nhũng mà có. Đồng thời cũng nên quy định cụ thể hơn hình thức xử phạt đối với hành vi kê khai không trung thực cũng như việc xử lý đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Các văn bản liên quan