Tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp Đà Nẵng

Thứ Bảy 17:39 20-05-2006
Góp ý Dự thảo Luật Phòng, Chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

CHI NHÁNH PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TẠI ĐÀ NẴNG

Sáng ngày 26/8/2005 Chi nhánh PTM và CN VN tại Đà Nẵng đã tổ chức buổi toạ đàm lấy ý kiến các doanh nghiệp về 2 dự thảo Luật Phòng, Chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Dưới đây là bản tổng hợp ý kiến tại cuộc toạ đàm này.

A/ Góp ý về những vấn đề chung:

Hầu hết ý kiến doanh nghiệp cho rằng dự thảo 02 luật có nhiều hạn chế:

- Văn phong của 02 dự thảo luật không phù hợp với văn phong của một văn bản pháp luật nên làm giảm tính thuyết phục, uy lực, uy nghiêm…của một bộ luật điêù chỉnh một vấn đề có tính quyết định sống còn với mục tiêu xây dựng nước ta trở thành nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hôi công bằng, văn minh, có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc".

- Không khuyến khích người dân đứng ra tố cáo tham nhũng mà ngược lại dường như hạn chế, ngăn chận, làm cho người dân không muốn, không dám đứng ra tố cáo tham nhũng.

- Dự thảo luật vừa thừa vừa thiếu, khái quát còn nhiều kẽ hở, tính kế thừa các văn bản pháp luật khác chưa cao, luật ít chế tài hoặc chế tài không cụ thể…điều này sẽ làm giảm hiệu năng của luật khi ban hành và thực thi.

- Dự thảo luật thể hiện quyết tâm chưa cao, chưa triệt để, chưa nhất quán trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

- Doanh nghiệp cho rằng, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì phải tiến hành từ Trung ương, từ các cấp lãnh đạo trước, từ các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước… để tạo niềm tin và hiệu năng trong công tác chống tham nhũng…

B/ Góp ý về những vấn đề cụ thể của hai dự luật:

I/ Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng:

1/ Về tên gọi của dự thảo luật: 100 % doanh nghiệp tham dự cuộc toạ đàm đều cho rằng tên gọi của dự thảo luật nên được gọi là " Luật chống tham nhũng" vừa ngắn gọn và vừa phù hợp với trình trạng tham nhũng ở ta hiện nay mà theo đánh giá của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng, với trình trạng này chúng ta phải " chống " và "chống mạnh" chứ không còn ở giai đoạn "phòng ". Về mặt ngữ nghĩa thì bản thân từ " chống " đã bao hàm nghĩa " phòng ".

2/ Về phạm vi điều chỉnh:

- 69 % doanh nghiệp chọn phương án 2 và cho rằng chống tham nhũng phải chống triệt để, ở đâu có tham những thì ở đó cần phải tiến hành những biện pháp để loại trừ, không phân biệt đối tượng tham nhũng là ở trong hay ngoài bộ máy nhà nước.

- Có 31% doanh nghiệp cho rằng: Trong điều kiện tham nhũng như nước ta hiện nay thì nên thu hẹp phạm vị điều chỉnh này ở trong hệ thống cơ quan nhà nước và đặc biệt là tập trung vào các vị trí then chốt lãnh đạo nhà nước, các vị đại biểu quốc hội…Nếu làm tốt công tác này thì sẽ tạo nên hiệu ứng tốt cho toàn bộ máy nhà nước, toàn xã hội trong tuyên chiến thực sự với nạn tham nhũng và khắc phục trình trạng ban hành văn bản pháp luật có tính chất "xoa dịu", hình thức, mạnh cam kết trong ban hành nhưng yếu thực thi dẫn đến không chú trọng đến khả năng thực thi hoặc thậm chí là vô hiệu hoá hiệu lực văn bản pháp luật.

Tại khoản 2: Bỏ cụm từ "vì vụ lợi" Và sửa lại là "Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm những việc đúng ra không được làm hoặc từ chối không chịu làm những việc đúng ra phải làm." Vì trong thực tế, để chứng minh là có vụ lợi (có bằng chứng) là điều không dễ, và do đó khố bắt được cán bộ tham nhũng.

3/ Về kê khai tài sản, thu nhập:

- 77% doanh nghiệp được hỏi ý kiến chọn phương án 1về kê khai tài sản.

- 0,7% doanh nghiệp chọn phương án 3 .

- Có 22,3% doanh nghiệp cho rằng, nên tiến hành kê khai tài sản theo như phương án 1 nhưng chỉ tiến hành kê khai đối với các vị là đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành.

4/Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xẩy ra tham những tại cơ quan, tổ chức tại đơn vị mình (ở điều 46):

Doanh nghiệp đề nghị nên cụ thể hoá, nên xác định trách rõ ràng nhiệm chung, trực tiếp hay liên đới …để áp dụng chế tài đúng người, đúng tội nhằm tránh trình trạng bao che của người đứng đầu các tổ chức khi xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình (do chế tài quá nặng đối với người đứng đầu đối với những hành vi tham nhũng mà người đứng đầu không liên quan trực tiếp)…họăc là quá nhẹ đối với người đứng đầu khi họ là nhân tố trực tiếp thực hiện những hành vi tham nhũng. Trường hợp tham nhũng xảy ra nghiêm trọng các doanh nghiệp đề nghị áp dụng chế tài ở điều 285 Bộ Luật hình sự hiện hành.

5/Tại mục 4 chương III về việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng:

Nên quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, trình tự, thủ tục… theo như pháp luật khiếu nại tố cáo hiện hành là đủ. Tuy nhiên, để bảo vệ người tố cáo, khuyến khích sự hợp tác của công dân trong việc tham gia đấu tranh chống tham nhũng ( có trường hợp công dân rất muốn tố cáo hành vi tham nhũng những sợ phải mất nhiều thời gian tiếp xúc, làm việc với cơ quan có thẩm quyền…nên ngại tố cáo)…thì dự luật nên bổ sung và xem các thư nặc danh là nguồn thông tin quan trọng, có gia trị như thư tố cáo có tên và địa chỉ trong công tác đấu tranh chống tham nhũng . Có 100 % doanh nghiệp được hỏi ý kiến đồng ý với quan điểm này.

- Điều 60: Sửa lại " Giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác của người tố cáo". Không phải chỉ giữ bí mật khi người tố cáo có yêu cầu.

- Tại khoản 1, điều 61:

+ Nên thêm vào " hoặc cá nhân người có thẩm quyền" sau cụm từ "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị" nhằm mở rộng hơn đầu mối tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng và tăng hiệu năng phòng, chống tham nhũng.

+ Ở dòng thứ 3: Đề nghị Ban dự thảo nghiên cứu thay thế từ "giúp" bằng từ khác phù hợp hơn với văn phong của Luật.

+ Nên quy định trong luật này việc tiếp nhận, xử lý tố cáo theo như pháp luật khiếu nại tố cáo hiện hành là đủ và nên quy định tất cả các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chứ không nhất thiết phải là cơ quan thanh tra nhà nước.

- Nên bỏ khoản 2,3 điều 61 vì những quy định này đã có ở pháp luật khiếu nại tố cáo hiện hành.

- Điều 63, khoản 1: Bỏ đoạn " nêu rõ họ, tên, địa chỉ" và bổ sung từ "nên" trước từ " hợp tác". Vì không thể buộc người tố cáo phải hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân người có thẩm quyền xữ lý tố cáo. Quy định như vậy sẽ hạn chế số người đứng ra tố cáo tham nhũng vì họ sợ liên luỵ, mất thời gian...Hơn nữa, với quy định này, các thư tố cáo nặc danh sẽ không được xem xét, trong khi thực ra các thư này cung cấp cho các cơ quan thẩm quyền những thông tin ban đầu hết sức quan trọng để tìm hiểu, xác minh sự việc.

6/Về ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng:

100% doanh nghiệp cho rằng nên thành lập một cơ quan phòng chống tham những đập lập và trực thuộc Quốc hội ( Quốc hội sau này nên có 100% là Đại biểu chuyên trách) và cần làm rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của của Ban chỉ đạo chống tham nhũng.Việc chọn người đứng đầu cũng như nhân sự cho cơ quan này là hết sức quan trọng nó sẽ quyết định sự thành bại của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Nhân sự thuộc cơ quan này phải là chuyên trách không kiêm nhiệm và phải đủ đức, đủ tài.

Không có DN nào tán thành 2 phương án về Ban chỉ đạo chống tham nhũng như dự luật nêu ra vì như vậy sẽ rơi vào tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", "ta chống ta" như nhiều năm nay, làm cho công tác chống tham nhũng đi vào chỗ bế tắc.

7/ Điều 4, khoản1: Bỏ cum từ "vì vụ lợi" vì đã lợi dụng quyền hạn bao che cho người có hành vi tham nhũng thì chắc chắn là có vụ lợi. Đưa cụm từ này vào thì nhà nước phải chứng minh khá phức tạp một việc lẽ ra không cần phải có bằng chứng có vụ lợi.

8/ Điều 13 về nguyên tắc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, đơn vị: Doanh nghiệp đề nghị cần quy định cụ thể hơn và phải quy định là điều bắt buộc.

9/ Điều 14: tại khoản 1 tiết b: nên thay thế cụm từ "mua sắm công " bằng "mua sắm tài sản công ". Bỏ cụm từ "quản lý và sử dụng" ở cụm từ " quản lý và sử dụng quỹ do nhân dân". Bỏ cụm từ " quản lý và " ở cụm từ " quản lý và cổ phần hoá …" để nội dung văn bản rõ ràng hơn, bao hàm hơn.

10/ Điều 35: Doanh nghiệp đề nghị sửa lại điểm 3 của điều này và đề nghị quy định nghiêm cấm mọi trường hợp cán bộ công chức nhận quà tặng của doanh nghiệp để bịt kín các lỗ hổng trong đấu tranh chống tham những và chống tham nhũng một cách triệt để.

11/ Điều 39: Cần quy định kê khai tài sản, thu nhập một cách thực sự và đi đôi với việc công khai cho dân biết, dân phản ảnh, dân kiểm tra…

12/ Điều 41: Đề nghị luật bổ sung thêm đối tượng là bố, mẹ của vợ hoặc chồng vào diện phải báo cáo nguồn tài chính cho việc đi học, du lịch, chữa bệnh tại nước ngoài.

13 /Tại mục 6 ở các điều 50,51: quy định không rõ ràng, chung chung , mang tính chất kêu gọi… đề nghị nên cụ thể hơn hoặc là bỏ. Điều 52 quy định về thanh toán qua tài khoản tại ngân hàng được doanh nghiệp đánh giá là có tác dụng tốt trong đấu tranh chống tham nhũng.

13/ Điều 63: nên quy định quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo theo như pháp luật khiếu nại, tố cáo hiện hành là đủ.

14/ Điều 66:

- Tại khoản 2: nên làm rõ, cụ thể "kết án" không nên để chung chung dễ gây hiểu nhầm, áp dụng sai…Nên làm rõ trường hợp bãi nhiệm trong dự luật, trong khi Pháp lệnh công chức có 6 hình thức kỹ luật và không có hình thức bãi nhiệm và theo như dự thảo luật này thì chỉ có 3 hình thức, nên có sự thống nhất kế thừa với các luật khác.

- Tại khoản 3: nên thêm vào cụm từ "pháp luật về các tổ chức đoàn thể " sau cụm từ " …pháp luật về hội" và quy định thêm " ngoài việc chịu xử lý theo pháp luật chống tham những còn bị xử lý kỷ luật theo điều lệ của tổ chức đó".
15/ Điều 67:

- Tại tiết e, khoản 1: nên tách " viện trợ nhân đạo và các khó khăn khác" và chuyển thành điểm mới là " Lợi dụng các hoạt động nhân đạo, cứu trợ, từ thiện và lợi dụng các chính sách xã hội để tham nhũng".

- Nên bỏ khoản 2 của điều 67 vì sẽ không có tác dụng tích cực trong chống tham nhũng mà còn có thể bị lợi dụng để làm vô hiệu hoá luật.

16/ Mục 2, chương IV " Xử lý tài sản tham nhũng và trách nhiệm của pháp nhân": theo doanh nghiệp đề cập đến trách nhiệm của "pháp nhân" là chưa đủ có thể thêm vào "thể nhân" hoặc là thay thế cụm từ "pháp nhân" bằng " các tổ chức, cá nhân".

- Điều 67, khoản 2- Tình tiết giảm nhẹ: 100% DN tham dự đề nghị bỏ điểm đ) vì
không thể lấy công (có trước) để giảm tội. Điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng chạy huân chương, bằng khen...vốn đã và đang phổ biến trong xã hội ta hiện nay mà ai cũng biết.

- Điều 68: Doanh nghiệp đề nghị cần phải nghiên cứu các phương pháp xử lý tài sản tham nhũng cho phù hợp với từng loại tài sản để có thể thu hồi đủ, đúng và phải bảo toàn được giá trị tài sản bị tham nhũng ( có loại tài sản quá trình sử dụng làm giảm giá trị, có loại tài sản theo thời gian giá trị có thể tăng lên - ví dụ quyền sử dụng đất).

- Điều 80 về quyền yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng của cơ quan báo chí: doanh nghiệp đề nghị Ban dự thảo luật cân nhắc quy định này, hoăc quy định cụ thể hơn nhằm tránh trình trạng lợi dụng báo chí, lợi dụng chống tham nhũng để vụ lợi, tống tiền cơ quan, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng.

II/ Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1/ Về tên gọi của Luật:

- 53% doanh nghiệp được hỏi thống nhất tên gọi của luật là "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"

- Không có ý kiến nào chọn tên luật là " Luật chống lãng phí, thực hành tiết kiệm"

- 47% doanh nghiệp đề nghị chỉ gọi tên của luật là " Luật chống lãng phí" . Không nên đưa việc thực hành tiết kiệm thành luật. Chỉ nên kêu gọi tiết kiệm bằng những hình thức như động viên, khen thưởng về vật chất và tinh thần, không mang tính bắt buộc. Vì một khi đã đưa thành luật mà không thể kiểm soát được cơ quan, tổ chức. cá nhân có thi hành Luật hay không thì sẽ làm giảm kỷ cương, phép nước.

2/ Về phạm vị điều chỉnh của Luật:

- Có 53,8 % doanh nghiệp cho rằng phạm vị điều chỉnh của luật này phải bao trùm toàn bộ mọi hoạt động của xã hội để thực hiện tốt quốc sách tiết kiệm đã được chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời kêu gọi.

- Có 46,2% ý kiến cho rằng phạm vị điều chỉnh của Luật chỉ nên gói gọn ở lĩnh vực có sử dụng ngân sách nhà nước để tiết kiệm chi tiêu nhằm tăng tích luỹ, tăng đầu tư cho xã hội. Còn các lĩnh vực khác thì họ tự có cơ chế kiểm soát chi tiêu và thậm chí nhà nước phải kích thích chi tiêu để kích cầu thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Các văn bản liên quan