Phải có cơ quan độc lập mới chống được

Thứ Bảy 17:54 20-05-2006
Phải có cơ quan độc lập mới chống được tham nhũng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tại cuộc họp lấy ý kiến về Dự luật Phòng, chống tham nhũng do Hội đồng Nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào ngày 13-9, hầu hết các đại biểu đều cho rằng dự luật chưa thể hiện rõ quyết tâm diệt trừ quốc nạn tham nhũng khi nội dung “chống” chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng.

Nguyên Tấn

Phòng hay chống?

Ông Phan Minh Tánh, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, băn khoăn: “Tình hình tham nhũng hiện nay quá nóng bỏng, giống như nhà đang cháy phải tập trung chữa cháy cho được rồi muốn phòng gì tính sau. Đằng này, ta lại làm ngược lại”. Ông Tánh dẫn chứng, dự luật có đến 41 điều khoản nói về phòng ngừa tham nhũng trong khi về “chống” chỉ có vẻn vẹn 17 điều khoản. Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, ông Lê Hiếu Đằng, cùng tâm trạng: “Dự luật Phòng, chống tham nhũng gây cho tôi cảm giác hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng. Nếu coi tham nhũng là quốc nạn nguy hiểm thì phải có những biện pháp bài trừ đặc biệt, tương xứng. Trong khi đó, nhà soạn luật vẫn loay hoay với những biện pháp cũ”.

Nhiều đại biểu đề nghị nên sửa lại tên gọi thành Luật Chống tham nhũng. “Chống vừa thể hiện quyết tâm, đồng thời trong chống thực chất đã có phòng rồi. Vì vậy, chỉ cần gọi tên chống là đủ”- bà Nguyễn Thị Nghĩa, Tổng giám đốc Saigon Co.op, giải thích.

Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến ngược lại. Phó chánh Thanh tra TPHCM, ông Hoàng Đức Long, cho rằng nên giữ nguyên tên Dự luật Phòng, chống tham nhũng. Theo ông, điều này thể hiện giải pháp đồng bộ giữa phòng và chống. “Giữa phòng và chống có quan hệ nhân quả. Phòng tốt thì đỡ cho chống, bớt tốn kém sức người sức của mà hiệu quả lại cao”.

Chống tham nhũng trước hết từ trong Đảng

Chống tham nhũng muốn có kết quả, trước hết phải làm từ ngay trong hệ thống Đảng. Lý giải điều này, đại biểu Phan Minh Tánh chỉ ngay hiện tượng: người sai phạm trong các vụ tham nhũng hầu hết đều là đảng viên. Ông cho biết tính đến nay đã có đến 11.000 đảng viên liên quan đến các vụ tham nhũng. Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu như Lê Hiếu Đằng, Vũ Văn Nhiệm (giảng viên Đại học Luật TPHCM) đề nghị nên thêm cả những người có chức vụ, quyền hạn trong các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội mà trước hết là trong tổ chức Đảng vào trong phạm vi điều chỉnh của Dự luật Phòng, chống tham nhũng. Ông Phan Minh Tánh đưa ra hai đề xuất: thứ nhất, cần phải phát động, khơi dậy một phong trào chống tham nhũng mạnh mẽ trong Đảng. “Với lực lượng gần 2,7 triệu đảng viên hiện nay, chẳng lẽ chúng ta không làm được?” Thứ hai, phải tăng lương, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức. “Những bất hợp lý về lương thể hiện quan điểm duy ý chí đã kéo dài quá lâu, nếu không giải quyết thì đừng nói gì đến chống tham nhũng”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế, Hiệu phó trường Cán bộ TPHCM, cũng cho rằng cải cách chế độ tiền lương và cải cách hành chính là hai mắt xích quan trọng trong tổ hợp các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tiến sĩ Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, đồng cảm: “Cái gốc của tham nhũng, hối lộ là cơ chế xin-cho. Nếu chúng ta bớt được xin-cho thì tôi tin tham nhũng sẽ không còn đất sống”.

Ở góc độ nhà kinh doanh, ông Nguyễn An Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, cho rằng biện pháp căn cơ là phải kiểm soát được nguồn gốc tài sản và thu chi tài chính, kinh doanh bất động sản phải bị đánh thuế cao và bắt buộc thanh toán qua ngân hàng… “Ở Việt Nam, người ta có thể cầm vài triệu đô la đi mua nhà nhưng ở các nước chỉ cần anh xài vài ngàn đô la là có người theo dõi rồi. Hoặc về thuế, ở Thụy Điển, họ đánh thuế tới 60% đối với các hợp đồng biếu tặng trong khi ở mình lại không mất một đồng thuế nào cả”. Ngoài ra, theo ông Bình, cần phải phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ khác, trong đó đặc biệt phải huy động được hệ thống giáo dục vào cuộc. “Thật khó tưởng tượng nổi là con nít bây giờ có đứa cũng đã biết đút lót để được lên lớp. Làm sao chống được tham nhũng khi mà trẻ con không được giáo dục đó là điều xấu hổ?”.

Muốn chống, phải có cơ quan độc lập

Xung quanh vấn đề cơ quan chống tham nhũng, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết đều nhất trí ở một điểm: đây phải là một cơ quan có thực quyền và có tính độc lập cao. Trong khi đó, theo Dự luật Phòng, chống tham nhũng thì có hai phương án: 1. thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu; 2. thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng ở hai cấp. Trung ương, do Thủ tướng đứng đầu và ở cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu. Đại biểu Lê Hiếu Đằng phản đối ngay: “Không loại trừ thủ tướng (nói chung) cũng tham nhũng. Làm sao chống được?”. Cuộc thảo luận dừng lại ở hai sự lựa chọn: cơ quan chống tham nhũng hoặc trực thuộc Quốc hội hoặc trực thuộc Chủ tịch nước. Phó chánh thanh tra Hoàng Đức Long thì nghiêng về phương án trực thuộc Chủ tịch nước. “Nếu giao cho Chủ tịch nước thì rất phù hợp với Hiến pháp mà không phải mất công sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chủ tịch nước hoàn toàn có quyền sử dụng các biện pháp xử lý người có sai phạm dù ở bất kỳ chức vụ nào, chẳng hạn đề nghị Quốc hội miễn nhiệm đối với Thủ tướng, phó thủ tướng hoặc các bộ trưởng”. Trong khi đó, bà Ngô Minh Hồng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, lại cho rằng cơ quan này nhất quyết phải trực thuộc Quốc hội. “Cơ quan này không cần phải trực tiếp tham gia vào các sự vụ cụ thể nhưng có quyền chỉ đạo, sử dụng lực lượng công an, viện kiểm sát để điều tra làm rõ việc tham nhũng”.

Duy nhất có một ý kiến hơi... khác. Bà Võ Kim Hồng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM, cho rằng có thể thành lập hai cơ quan chống tham nhũng, một bên cạnh Bộ Công an và một bên cạnh Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Theo bà, đây là mô hình mà Trung Quốc đang làm. “Nếu đặt bên hai cơ quan này thì sẽ rất thuận lợi vì đã có sẵn bộ máy, kinh nghiệm và quan trọng là không phải mất công điều tra lại vụ việc”, bà nói.

Các văn bản liên quan