Ông Lê Xuân Hiếu – BIDV góp ý Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 21/4/2015

Thứ Ba 15:21 21-04-2015

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước (Vụ Pháp chế);

                           Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 301/NHNN-PC ngày 16/01/2015 về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Quốc Hội về đự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), sau khi nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có ý kiến như sau:

I – Về dự thảo Tờ trình Quốc Hội:

Về cơ bản BIDV thống nhất với nội dung dự thảo Tờ trình Quốc Hội về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vì đã nêu lên được thực trạng, những tồn tại vướng mắc của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011); đồng thời nêu vắn tắt những quan điểm trong việc xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự mới, cũng như các điểm mới cơ bản của Bộ luật.

II – Về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi):

Trên cơ sở nghiên cứu nội dung dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi, BIDV có một số ý kiến tham gia như sau:

1. Về những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Chương II BLTTDS:

a) Về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cơ quan, tổ chức (Điều 7):

Theo quy định của BLTTDS thì các tổ chức đang lưu giữ, quản lý tài liệu chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát. Về nội dung này, BIDV có ý kiến như sau:

- Theo lĩnh vực hoạt động, BIDV cũng như các tổ chức tín dụng khác quản lý rất nhiều thông tin liên quan đến hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài sản và các giao dịch của khách hàng. Đây là các thông tin mật liên quan đến khách hàng mà BIDV có trách nhiệm bảo mật theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các thông tin này lại thường xuyên được các đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cung cấp. Vì vậy, để tránh việc các đương sự lạm dụng quyền yêu cầu của mình, sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp không đúng mục đích, BIDV đề nghị giới hạn đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin chỉ bao gồm các Cơ quan tiến hành tố tụng.

- Nhiều trường hợp, Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu BIDV cung cấp hồ sơ tài liệu với số lượng rất lớn (như yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ tín dụng, sao kê giao dịch kèm theo chứng từ giao dịch của khách hàng trong nhiều năm liền…) dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí sao chụp hồ sơ tài liệu của BIDV nhưng không chịu trả phí cung cấp thông tin, trong khi trách nhiệm cung cấp chứng cứ của tổ chức lưu trữ, quản lý chứng cứ là bắt buộc. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của các tổ chức lưu giữ chứng cứ, BIDV đề nghị bổ sung quyền của các tổ chức lưu giữ chứng cứ trong việc thu phí cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu.

b) Về nguyên tắc xét xử công khai (Điều 15):

BLTTDS đã quy định rất rõ nguyên tắc xét xử công khai, tuy nhiên quy định về việc ghi âm, ghi hình (Khoản 2 Điều 240 dự thảo) tại phiên xét xử lại chưa đảm bảo được nguyên tắc này. Theo quan điểm của BIDV thì chỉ nên hạn chế việc ghi âm, ghi hình đối với các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. Theo đó khoản 2 Điều 240 dự thảo nên chỉnh sửa như sau: “Đối với các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư thì việc ghi âm, ghi hình cần được sự đồng ý của Hội đồng xét xử”.

c) Nguyết tắc áp dụng án lệ (Điều 21): Việc áp dụng án lệ là cần thiết để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động xét xử, cũng như giảm thiểu thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thực tế hoạt động xét xử cho thấy chất lượng các bản án (kể cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật) không cao, nhiều vụ việc có tính chất tương tự nhau nhưng bản án, phán quyết của các Tòa án lại khác nhau, do vậy cần đặt ra các tiêu chuẩn, chuẩn mực của án lệ được áp dụng.

d) Về việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Điều 22): BIDV đề nghị giữ nguyên quy định tại BLTTDS được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (phương án 1), trong đó có bổ sung quyền khởi tố vụ án dân sự theo dự thảo khoản 2 phương án 3. Ngoài ra, thực tế hoạt động tố tụng cho thấy, kiểm sát viên thường không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Bộ luật tố tụng, cụ thể: (i) chỉ tham gia vào phiên xét xử (không tham gia vào các giai đoạn khác trước đó);  (ii) chỉ có ý kiến về việc tuân thủ trình tự thủ tục tố tụng tại buổi phiên xét xử mà không có kiến về việc tuân thủ thời hạn tố tụng của Tòa án, điều đó dẫn đến tình trạng các vụ án được giải quyết chậm tiến độ còn phổ biến. Vì vậy, BLTTDS cần quy định cụ thể các trường hợp, giai đoạn mà Kiểm sát viên phải tham gia, các nội dung mà kiểm sát viên phải có ý kiến đánh giá (trong đó lưu ý nội dung đánh giá về việc tuân thủ thời hạn tố tụng của Thẩm phán).

e) Về chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án:

BIDV thống nhất với phương án 2 của dự thảo.

2. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án:

Theo quy định của Luật trọng tài thương mại (khoản 8 Điều 71) thì trong trường hợp phán quyết của trọng tài bị Tòa án hủy bỏ thì các bên có quyền thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, các tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài thường là tranh chấp giữa một bên là Doanh nghiệp Việt Nam với một bên là Doanh nghiệp nước ngoài và hiện tại BLTTDS cũng như dự thảo sửa đổi lần này đều chưa có quy định hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án (theo cấp Tòa án và theo lãnh thổ) trong việc xét xử các tranh chấp này.

3. Về thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 58):

Theo quan điểm của BIDV thì cách quy định như tại Điều 58 dự thảo là tương đối khó hiểu:

(i) Trường hợp nào thì thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ gồm 03 thẩm phán, trường hợp nào thì thành phần là toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao?

(ii) Trường hợp nào thì thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ gồm 05 thẩm phán, trường hợp nào thì thành phần là toàn thể Hội đồng Phẩm phán TANDTC?

Vì vậy, BIDV đề nghị quy định cụ thể hơn để tạo cách hiểu thống nhất.

4. Về quyền và nghĩa vụ của các đương sự (Điều 62):

BIDV có ý kiến về điều khoản này như sau:

- Về quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu chứng cứ cung cấp cho mình để giao nộp cho Tòa án tại điểm c khoản 2 Điều 62 dự thảo: đề nghị tham khảo ý kiến tại điểm a mục 1 trên đây.

Về nghĩa vụ phô tô chứng cứ giao nộp cho tòa và gửi cho các đương sự khác tại điểm y khoản 2 Điều 62: đề nghị chỉnh sửa theo hướng đương sự chỉ có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa (không phải sao chụp gửi cho các đương sự khác) vì các đương sự khác đã có quyền sao chụp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án tại Tòa án theo quy định tại điểm đ khoản 2.

5. Về việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 dự thảo thì trong trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Trường hợp quyền, nghĩa vụ của người chết không có người thừa kế hoặc có nhưng người thừa kế từ chối nhận di sản thì vụ án sẽ bị đình chỉ theo quy định tại Điều 223 Dự thảo. Theo quan điểm của BIDV thì việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này sẽ không giải quyết được triệt để quyền lợi của các đương sự trong vụ án, các đương sự sẽ không biết phải xử lý tiếp tục như thế nào mặc dù người chết (đương sự có nghĩa vụ về tài sản) còn tài sản nhưng không có phán quyết của Tòa án thì đương sự (là bên có quyền) sẽ không được xử lý đối với tài sản đó. Vì vậy, BIDV đề nghị cần có quy định cụ thể hướng dẫn xử lý trong trường hợp này.

6. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT):

Sau khi nghiên cứu các quy định tại Chương VIII dự thảo, BIDV thấy rằng một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được tính cấp bách của yêu cầu áp dụng BPKCTT. Cụ thể như sau:

a) Quy định về cung cấp tài liệu chứng minh cho yêu cầu áp dụng BPKCTT:

Theo quy định của dự thảo thì người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải cung cấp tài liệu chứng minh cho việc mình yêu cầu của mình là có căn cứ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do tính chất khẩn cấp của sự việc nên nhiều trường hợp người yêu cầu không có thời gian để sưu tập các tài liệu, chứng cứ, một số trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT không thể có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình (như: việc yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản của bên có nghĩa vụ để tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo cho thi hành án. Đây là một biện pháp dự phòng rủi ro, do vậy người yêu cầu không thể cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh bên có nghĩa vụ có thể tẩu tán tài sản được). Vì vậy, theo quan điểm của BIDV, khi người yêu cầu áp dụng BPKCTT đã nộp biện pháp bảo đảm là số tiền tương ứng với thiệt hại có thể xảy ra đối với Bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì không cần thiết phải nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho Tòa án vì nếu việc đề nghị áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại cho bên bị áp dụng thì Tòa án có thể trích tiền từ biện pháp bảo đảm do người yêu cầu nộp để bồi thường thiệt hại cho bên bị áp dụng.

b) Quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng BPKCTT:

Hiện tại, dự thảo đang xây dựng theo hướng Thẩm phán sẽ xem xét, quyết định việc có hay không áp dụng BPKCTT trên cơ sở đánh giá các tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu cung cấp. Tuy nhiên, tiếp nối các lập luận tại điểm a trên đây, BIDV cho rằng nên quy định theo hướng Thẩm phán có trách nhiệm phải ra Quyết định áp dụng BPKCTT khi nhận được yêu cầu của cá nhân, tổ chức vì:

(i) Khi yêu cầu áp dụng BPKCTT, người yêu cầu đã phải thực hiện biện pháp bảo đảm là nộp một khoản tiền tương ứng với mức thiệt hại có thể xảy ra đối với người bị áp dụng BPKCTT, trong trường hợp đưa ra yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng. Như vậy, pháp luật đã ràng buộc trách nhiệm của người yêu cầu, buộc họ phải chịu trách nhiệm về tính đúng sai liên quan đến yêu cầu áp dụng BPKCTT rồi nên không cần thiết phải quy định thẩm phán xem xét tài liệu, chứng cứ để quyết định có hay không áp dụng BPKCTT nữa.

(ii) Việc giao thẩm quyền cho thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng BPKCTT sẽ dẫn đến nhiều trường hợp lạm quyền để sách nhiễu tổ chức, cá nhân có yêu cầu áp dụng BPKCTT.

(iii) Khi giao thẩm quyền cho thẩm phán, cũng là gắn với trách nhiệm trong trường hợp ra Quyết định không đúng. Điều này là rất rủi ro cho Người tiến hành tố tụng vì với tính khẩn cấp bách của sự việc thì không đủ thời gian để Thẩm phán xem xét đánh giá tính xác thực của tài liệu, chứng cứ để đưa ra Quyết định, cũng như một số trường hợp người yêu cầu không thể cung cấp được tài liệu chứng cứ nên không có cơ sở đánh giá để ra Quyết định.

7. Về việc xử lý tiền tạm ứng án phí (Điều 150):

Luật thi hành án dân sự và BLTTDS hiện hành đều không quy định cụ thể về thời hạn hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự, điều này dẫn đến tình trạng các đượng sự bị gây khó khăn khi yêu cầu được nhận lại tiền tạm ứng án phí (trong trường hợp được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí) mà không có cơ sở để thực hiện khiếu nại. Thực tế, đối với những vụ án lớn, số tiền tạm ứng án phí nhiều mà việc chậm trễ hoàn trả tiền tạm ứng án phí cũng sẽ gây ra thiệt hại về tài sản cho đương sự. Vì vậy, BIDV đề nghị bổ sung vào Điều 150 dự thảo quy định về thời hạn mà Cơ quan thi hành án phải thông báo cho đương sự đến nhận tiền tạm ứng án phí là bao nhiêu ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực.

8. Về các chi phí tống đạt, chi phí ủy thác tư pháp (Điều 157 và 158):

Với quy định của dự thảo thì hiện không rõ các chi phí tạm ứng tống đạt, chi phí tống đạt, chi phí tạm ứng ủy thác tư pháp, chi phí ủy thác tư pháp sẽ do chủ thể nào nộp. Ngoài ra, dự thảo có sự nhầm lẫn giữa chi phí tạm ứng ủy thác tư pháp và chi phí tạm ứng tống đạt tại Điều 158, vì vậy đề nghị chỉnh sửa lại cụ thể hơn để các bên có căn cứ thực hiện.

9. Về việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (chương X):

a) Khoản 2 Điều 173 dự thảo: đề nghị bỏ nghĩa vụ cung cấp văn bản khởi kiện vì chỉ khi đã cung cấp văn bản khởi kiện cho Tòa án thì mới phát sinh tư cách đương sự.

b) Về các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:

Hiện tại, BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành đang quy định 03 phương thức là (i) cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp; (ii) niêm yết công khai và (iii) thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là các phương thức truyền thống và tốn khá nhiều thời gian thực hiện, tuy nhiên, với công nghệ hiện nay, BIDV đề nghị nghiên cứu thêm các phương thức thông tin điện tử khác như thông báo qua mail, fax để giảm thiểu thời gian tiến hành tố tụng.

c) Về thủ tục thực hiện cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp:

Trong thực tế, việc gửi trực tiếp các văn bản tố tụng cho đương sự thường gặp khó khăn sau:

(i) Khi phát sinh nghĩa vụ về tài sản, đương sự là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức thường tìm cách trốn tránh bỏ đi khỏi địa phương (nơi cư trú cũ), che giấu địa chỉ mới (có những trường hợp trốn đi nước ngoài và không cung cấp địa chỉ liên hệ) và người thân cũng cố tình che giấu địa chỉ của đương sự nên việc triệu tập tham gia tố tụng là rất khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí tố tụng. Đối với trường hợp này, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán – TANDTC đã hướng dẫn thụ lý giải quyết theo thủ tục chung nhưng trên thực tế việc áp dụng tại các Tòa án địa phương còn nhiều khác biệt. Vì vậy, BIDV kiến nghị cần đưa vào BLTTDS nội dung Tòa án được xét xử vắng mặt đối với các trường hợp đương sự trốn tránh, cố tình che giấu địa chỉ cư trú để đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vụ án mà đương sự cố tình bỏ trốn khỏi địa phương. Trường hợp, đương sự trở về và chứng minh được mình vắng mặt là có lý do chính đáng (hoặc sự kiện bất khả kháng) sau khi vụ án đã được giải quyết bằng Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và cung cấp được chứng cứ, chứng minh Tòa án giải quyết không đúng, xâm phạm quyền lợi của mình thì có thể có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

(ii) Đương sự là doanh nghiệp đã tự tan rã nhưng không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản: Đối  với các trường hợp này, việc triệu tập người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tham gia tố tụng cũng rất khó khăn do có thể họ trốn tránh như thực trạng tại điểm (i) trên đây; hoặc họ đã chết và doanh nghiệp không làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật. Do vậy, BIDV kiến nghị, trong trường hợp này có thể triệu tập bất kỳ cá nhân nào là thành viên góp vốn/cổ đông của công ty tham gia tố tụng để giải quyết vụ án.

10. Về các trường hợp trả lại Đơn khởi kiện:

Điều 194 dự thảo đã bỏ trường hợp “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” ra khỏi các trường hợp trả lại Đơn khởi kiện, tuy nhiên theo quan điểm của BIDV thì nên giữ nguyên quy định tại BLTTDS năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) để tranh tình trạng lạm dụng quyền khởi kiện gây mất uy tín, danh dự của các chủ thể khác, kéo chủ thể khác vào vụ án dân sự mà mình không liên quan. Điều này đòi hỏi, khi đương sự khởi kiện, đương sự phải là người có quyền và lợi ích bị xâm phạm, họ không thể khởi kiện một cách vô căn cứ. Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án, sau đó mới phát hiện ra đương sự không có quyền khởi kiện thì phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại hồ sơ khởi kiện và xóa sổ thụ lý vụ án.

11. Về các thời hạn tố tụng:

Quan nghiên cứu dự thảo, BIDV thấy rằng một số thời hạn tố tụng được quy định quá dài (không cần mất đến từng đó thời gian để đưa ra một quyết định hoặc một hành vi tố tụng) như các trường hợp được viện dẫn dưới đây. BIDV đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế để rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

a) Thời hạn thụ lý vụ án là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện (Điều 193): Thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã được quy định rất rõ ràng tại BLTTDS, do vậy không cần thiết phải mất 05 ngày để xác định thẩm quyền làm căn cứ quyết định thụ lý vụ án.

b) Thời hạn phân công thẩm phán giải quyết vụ án là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn (khoản 1 Điều 198): việc này có thể thực hiện ngay trong cùng ngày nhận đơn hoặc sang ngày hôm sau.

c) Thời hạn ra thông báo thụ lý vụ án gửi cho các đương sự là 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án (khoản 1 Điều 200): BLTTDS hiện hành quy định là 03 ngày làm việc, trong khi dự thảo sửa đổi lại quy định tăng them 02 ngày làm việc, như vậy là không đúng với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và quy định này cũng mâu thuẫn với quy định tại Điều 193 (đã viện dẫn tại điểm a trên đây). Việc ra thông báo thu lý vụ án có thể thực hiện ngay trong ngày đương sự nộp tiền tạm ứng án phí và tòa án vào sổ thụ lý vụ án.

12. Về phiên họp xem xét chứng cứ (Chương XIII):

Dự thảo BLTTDS sửa đổi bổ sung thêm quy định về phiên họp xem xét chứng cứ, tuy nhiên sau khi nghiên cứu dự thảo về phiên họp này, BIDV có quan điểm như sau:

a) Về sự cần thiết phải tổ chức phiên họp đánh giá chứng cứ:

Mục đích của phiên họp xem xét chứng cứ là (i) các đương sự công bố chứng cứ mà mình cung cấp cho Tòa án; (ii) đồng thời có ý kiến xác nhận (đồng ý hay không đồng ý với chứng cứ của các đương sự khác. Theo quan điểm của BIDV thì việc tổ chức phiên họp xem xét chứng cứ là không cần thiết vì:

- Với mục đích (i) thì khi cung cấp chứng cứ cho Tòa án, các đương sự đã ký Biên bản bàn giao chứng cứ với Tòa án rồi nên không cần một phiên họp để công bố, xác nhận lại các chứng cứ mà mình đã cung cấp cho Tòa án.

- Với mục đích thứ (ii) thì trách nhiệm xem xét, đánh giá tính xác thực, đúng đắn của chứng cứ do các đương sự cung cấp thuộc về Tòa án chứ không phải trách nhiệm của các đương sự.

- Ngoài ra, có thể có các trường hợp vì lý do khách quan hay chủ quan mà đương sự chỉ cung cấp chứng cứ của vụ án tại phiên xét xử thì việc tổ chức phiên họp xem xét chứng cứ sẽ không đạt được mục đích gì mà chỉ kéo dài thời gian tố tụng.

b) Một số ý kiến khác liên quan đến các quy định về phiên họp xem xét chứng cứ:

-  Chưa quy định cụ thể về thời hạn tổ chức phiên họp xem xét chứng cứ;

- Trách nhiệm xem xét, đánh giá chứng cứ thuộc về Tòa án nhưng khi có bất kỳ đương sự nào vắng mặt, Thẩm phán đều có quyền hoãn phiên đánh giá chứng cứ. Như vậy, đối với các vụ án mà có nhiều đương sự thì khả năng thời hạn giải quyết sẽ bị kéo dài do phiên xem xét, đánh giá chứng cứ bị hoãn.

- Quy định về việc trường hợp đương sự vắng mặt thì coi như thừa nhận của đương sự khác xuất trình là không hợp lý, quy định này đã vô hình chung chuyển trách nhiệm xem xét, đánh giá tính xác thực của chứng cứ từ Tòa án sang đương sự.

13. Về thủ tục hòa giải:

Về nguyên tắc, thủ tục hòa giải có thể được tiến hành tại bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng (trước hoặc trong giai đoạn xét xử), do vậy theo quan điểm của BIDV thì không nhất thiết phải hoãn phiên hòa giải trong trường hợp có đương sự vắng mặt (vì có thể hòa giải tại phiên xét xử). Với quan điểm trên, BIDV đề nghị sửa đổi BLTTDS theo hướng: (i) chỉ tổ chức 01 phiên hòa giải duy nhất, trường hợp có đương sự vắng mặt thì có thể chuẩn bị ý kiến, quan điểm để hòa giải ngay tại phiên xét xử; (ii) Không giới hạn việc hòa giải tại Tòa án mà các đương sự có thể tự hòa giải, thỏa thuận giải quyết vụ án tại bất kỳ đâu và đề nghị Tòa án ghi nhận kết quả hòa giải, thỏa thuận. Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian giải quyết vụ án.

14. Về việc triệu tập đương sự tham gia phiên tòa (Điều 230):

Về cơ bản, BIDV thống nhất với nội dung Điều 230 dự thảo, tuy nhiên BIDV đề nghị: 

a) Rút ngắn thời gian hoãn phiên tòa do có đương sự vắng mặt: tại khoản 2 Điều 237 dự thảo đã quy định thời hạn hoãn phiên tòa tối đa là 30 ngày, tuy nhiên theo quan điểm của BIDV thì thời hạn này là quá dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, đề nghị rút xuống tối đa 15 ngày.

b) Bổ sung quy định hướng dẫn giải quyết đối với vụ án có nhiều đương sự mà các đương sự luân phiên vắng mặt: hiện tại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy một số trường hợp thẩm phán đã để vụ án bị kéo dài vô thời hạn mà không tiến hành giải quyết, cụ thể như sau: đương sự A vắng mặt lần thứ nhất, lần thứ 2 có mặt nhưng đương sự B lại vắng mặt, đến phiên triệu tập lần 3 đương sự A lại vắng mặt không có lý do nhưng thẩm phán vẫn ra Quyết định hoãn phiên tòa vì cho rằng đương sự A đã có mặt tại phiên triệu tập lần 2 nên việc vắng mặt tại phiên thứ nhất được xóa bỏ và tính lại từ đầu.

15. Về biên bản phiên tòa (Điều 240):

BIDV đề nghị bổ sung quyền của đương sự trong việc xem xét, ký biên bản phiên tòa hoặc cho sao chụp biên bản phiên tòa để đảm bảo rằng Bản án được ban hành đúng với nội dung Hội đồng xét xử đã tuyên án (thực tế đã có trường hợp, nội dung bản án và nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử bị khác nhau hoàn toàn và bản án gửi cho đương sự khi đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên đương sự không có căn cứ để khiếu nại).

16. Về thủ tục rút gọn (Phần thứ Năm):

a) Điều kiện áp dụng:

Đối chiếu với các quy định của dự thảo, BIDV thấy rằng các tranh chấp liên quan đến hoạt động kiện đòi nợ trong lĩnh vực ngân hàng đáp ứng được nhiều điều kiện để được giải quyết theo thủ tục rút gọn (như tài liệu chứng cứ rõ ràng, đủ cơ sở để giải quyết mà phải thu thập thêm, đương sự có nơi cư trú rõ ràng), tuy nhiên điều kiện về mức giá trị tài sản tranh chấp 200 triệu đồng là tương đối thấp vì đa phần các tranh chấp trong quan hệ nợ vay tại BIDV thường từ mức 500 triệu trở lên. Vì vậy, BIDV đề nghị xem xét nâng mức giá trị tài sản tranh chấp lên tối thiểu là 500 triệu đồng.

b) Về trình tự, thủ tục rút gọn:

Với những quy định của dự thảo, BIDV chưa thấy được tính chất rút gọn của thủ tục này. Vì vậy, BIDV đề nghị xem xét trình tự thủ tục rút gọn như sau:

(i) Nộp hồ sơ khởi kiện và thụ lý vụ án;

(ii) Thông báo thụ lý và yêu cầu các đương sự có ý kiến, gửi kèm chứng cứ trong thời hạn 10 ngày.

(iii) Mở phiên tòa xét xử: các thủ tục hòa giải, xem xét đánh giá chứng cứ sẽ được thực hiện luôn trong phiên xét xử. Trường hợp có đương sự vắng mặt thì vẫn tiếp tục xét xử vắng mặt vì vụ án đã đáp ứng được điều kiện về chứng cứ rõ ràng, trường hợp đương sự vắng mặt không đồng ý với nội dung bản án thì vẫn có quyền kháng cáo để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trên đây là ý kiến đóng góp của BIDV cho dự thảo Tờ trình Quốc Hội về dự án BLTTDS sửa đổi và nội dung dự thảo BLTTDS.

Kính đề nghị các quý Cơ quan nghiên cứu, xem xét, kiến nghị đến Cơ quan soạn thảo để tổng hợp, tiếp thu trong quá trình xây dựng Bộ luật.

Trân trọng./.

Các văn bản liên quan