“Nhất cử nhất động đều phải … đăng ký”,

Thứ Bảy 17:13 20-05-2006
Dự Luật đầu tư: ''Nhất cử nhất động'' đều phải... đăng ký!

(VietNamNet) - Đầu tư là công việc thường xuyên của doanh nghiệp. Thế nhưng ''nhất cử nhất động'' về đầu tư của hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đăng ký, xin chấp nhận đầu tư sẽ cực kỳ phiền toái.

Đây là lo lắng của nhiều đại biểu tại thảo luận ngày 4/11 về dự án luật đang gây nhiều tranh cãi, Luật đầu tư. Ngày 4/11, cũng là ngày đầu tiên Quốc hội chia làm 2 hội trường thảo luận song song về 2 dự án luật.

Doanh nghiệp cổ phần hoá bế tắc khi đầu tư?

ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình) kiến nghị bỏ quy định trong dự luật: ''Các dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối sau khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư phải thẩm định để quyết định đầu tư''.

Lý do, quy định này rất mập mờ, không rõ Nhà nước nắm cổ phần chi phối là bao nhiêu? Còn việc giao cho đại diện phần vốn nhà nước là chủ đầu tư để thẩm định và quyết định đầu tư, cũng theo ĐB Mạc Kim Tôn, là trái với Luật doanh nghiệp. "Nhà nước chỉ là một cổ đông, quyền quyết định đầu tư phải thuộc về Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị theo Điều lệ", ĐB này nói.

ĐB Đinh La Thăng (Thừa Thiên Huế), từng là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà, đưa ra một kinh nghiệm thực tế: Các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, nhưng hầu hết vẫn duy trì cách quản lý cũ, thực chất là ''bình mới, rượu cũ''.

Doanh nghiệp mà Tổng công ty, bộ, địa phương đại diện phần vốn nhà nước (dù dưới 51%) vẫn định đoạt nhiều việc lớn nhỏ của doanh nghiệp, có khi ''thay giám đốc, không đợi Hội đồng quản trị''.

Đầu tư vài chục triệu đồng cũng phải đăng ký

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), vốn đang là một chủ doanh nghiệp, cho rằng "nên bỏ việc đăng ký đầu tư với dự án dưới 15 tỷ đồng". Đây là quy định mới, thắt chặt hơn đối với nhà đầu tư trong nước so với hiện nay.

Theo ông, quy định này có thể làm lộ bí mật đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, vừa làm cồng kềnh bộ máy dù ''nhận đăng ký'' có thể làm qua mạng. Trong khi cơ quan quản lý có thể nắm được hoạt động đầu tư của doanh nghiệp qua báo cáo năm.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ĐB Mai Anh (Khánh Hoà) nói: ''Đầu tư là công việc thường xuyên của doanh nghiệp. Nếu ''nhất cử nhất động'' về đầu tư của doanh nghiệp phải đăng ký, xin chấp nhận đầu tư thì gây rất nhiều phiền toái''.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đặt vấn đề: ''Nếu hàng trăm nghìn doanh nghiệp cứ đầu tư một tí mà phải đăng ký thì sẽ ra sao?''. Ông cho rằng, không thể viện lý lẽ ngăn chặn doanh nghiệp, dự án ''ma'' mà siết chặt quản lý, lấy thuận lợi về mình, đẩy cái khó về phía doanh nghiệp.

Có đại biểu hiến kế, nên khống chế đầu tư dưới một mức nào đó, như dưới 2 tỷ đồng thì không cần đăng ký.

Cần ghi rõ ưu đãi đầu tư vào giấy phép đầu tư

Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tán thành việc ghi ưu đãi đầu tư vào giấy phép đầu tư. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Binh) ví von, ghi rõ ưu đãi vào giấy phép như một cách ''chào hàng'' môi trường đầu tư. Theo ĐB Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh), ghi rõ ưu đãi đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư công khai, minh bạch, ổn định, công bằng.

Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Hoàng Thanh Phú (ĐB Thái Nguyên) gợi ý, có thể quy định mềm hơn, ghi hay không do yêu cầu của nhà đầu tư.

Khi có tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý, dự luật quy định đưa đến toà án hoặc trọng tài của Việt Nam giải quyết, trừ trường hợp điều ước quốc tế Việt Nam tham gia có quy định khác. ĐB Trần Hữu Hậu kiến nghị thêm lựa chọn là trọng tài quốc tế vì nhà đầu tư e ngại toà án hoặc trọng tài Việt Nam có thể không công bằng.

Sáng 5/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự án luật này.

•Văn Tiến - 04/11/2005

Các văn bản liên quan