Người dân, DN có thể bị buộc tiến hành GDĐT với NN?

Thứ Bảy 15:08 20-05-2006
Điều 34.3 Dự thảo 5 Luật GDĐT qui định Cơ quan Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền chủ động thực hiện từng phần hoặc toàn bộ các giao dịch với tổ chức, cá nhân bằng các phương tiện điện tử....
Theo qui định này thì có thể hiểu là trong các quan hệ với tổ chức, cá nhân (ví dụ các dịch vụ công mà Nhà nước thực hiện với người dân, doanh nghiệp, các quan hệ hành chính,...), cơ quan Nhà nước có quyền quyết định việc tiến hành giao dịch bằng phương tiện điện tử (tổ chức, cá nhân buộc phải tuân thủ mà không có quyền thoả thuận hoặc lựa chọn phương thức truyền thống bằng văn bản...) (ví dụ đến một lúc nào đó cơ quan hải quan quyết định mọi thủ tục khai hải quan phải thực hiện qua mạng thì doanh nghiệp buộc phải khai hải quan địên tử, không thể khai bằng văn bản như trước). [Trong khi đó, nguyên tắc áp dụng trong quan hệ giữa tổ chức, cá nhân với nhau (quan hệ dân sự, thương mại...) là tự do thoả thuận (các bên tự thoả thuận với nhau về việc tiến hành giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc phương tiện truyền thống – văn bản, lời nói...)].
Cách qui định như vậy là phù hợp về lý thuyết pháp luật (phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh hành chính – cơ quan nhà nước hành động nhân danh công quyền, vì quyền lợi chung nên được xem như có vị thế cao hơn, có khả năng áp đặt so với tổ chức, cá nhân thông thường).
Tuy nhiên, cách qui định “áp đặt” như vậy dường như không thích hợp trong trường hợp này bởi ít nhất các lý do:
(i) Về lý thuyết: Chưa thực sự tôn trọng quyền của tổ chức, cá nhân
Trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp... đúng là cơ quan Nhà nước, đại diện công quyền, về nguyên tắc có thể quyết định đơn phương một vấn đề. Tuy nhiên, quan điểm hiện nay về Nhà nước hiện đại đang đi theo hướng [i]Nhà nước phục vụ
, và vì thế xu hướng chung là Nhà nước tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của người dân (chỉ dùng mệnh lệnh hành chính trong những trường hợp không thể khác được).
Nếu cơ quan Nhà nước quyết định tiến hành giao dịch điện tử với người dân trong khi họ chưa sẵn sàng (mà điều này thực tế đã chứng minh) thì rõ ràng Nhà nước chưa thể là Nhà nước phục vụ.
(ii) Về thực tiễn: Lập luận không chắc chắn
Một số ý kiến cho rằng việc để cơ quan NN ấn định tiến hành một giao dịch nào đó bằng phương tiện điện tử (thay thế toàn bộ hình thức văn bản hay giao dịch trực tiếp) với tổ chức, cá nhân còn là cách để tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Lý do: nếu vừa tiến hành giao dịch bằng phương tiện điện tử, vừa chấp nhận giao dịch bằng văn bản truyền thống, cơ quan NN liên quan sẽ phải tăng chi phí gấp đôi để duy trì song song cùng lúc hai hệ thống (về nhân lực, về kỹ thuật...).
Lập luận này không thực sự thuyết phục bởi (i) nếu đúng là phải chịu thiệt (về chi phí vật chất và nhân lực) trong quá trình hiện đại hoá thì nên là Nhà nước chịu (ít nhất là một phần), không nên vì lý do này mà làm khó người dân; và (ii) Nhà nước vẫn có thể lấy nguồn thu từ các dịch vụ công điện tử để bù đắp chi phí liên quan.
Thực tế là nếu giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước mà thuận tiện, có lợi cho người dân thì người dân sẽ tự từ bỏ giao dịch truyền thống để tiến hành giao dịch điện tử mà không cần phải dùng biện pháp hành chính. Hiện tại, rõ ràng giao dịch điện tử mà một số cơ quan NN của ta thực hiện còn chưa tốt nên chưa thu hút nhiều người dân. Đương nhiên, nếu dùng phương pháp hành chính để buộc người dân phải tiến hành giao dịch điện tử với cơ quan NN thì người dân cũng sẽ buộc phải tuân thủ, tuy nhiên, người dân khi đó sẽ không thực sự hài lòng (và do đó mục tiêu “phục vụ” nhân dân không đạt được), đó là chưa kể đến những người dân vì chưa thể tiến hành giao dịch điện tử được nên không “dám” tham gia (và như vậy, một số quyền và lợi ích của người dân sẽ không được đảm bảo).
Kinh nghiệm nhiều nước (đặc biệt là Hồng Kông) cho thấy về vấn đề này, Nhà nước nên tiến hành giao dịch điện tử bước đầu theo hướng khuyến khích người dân, không nên bắt buộc ngay.
Vì những lý do trên, có lẽ Ban soạn thảo Luật GDĐT nên cân nhắc lại vấn đề này và áp dụng nguyên tắc tự do thoả thuận về phương tiện, hình thức tiến hành giao dịch giữa cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân theo hướng: Nhà nước có thể mở ra khả năng tiến hành một số giao dịch, cung cấp dịch vụ công bằng phương tiện điện tử; người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiến hành giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc bằng văn bản (theo cách truyền thống) với cơ quan Nhà nước.

Các văn bản liên quan